LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Trực học nội phó Lê Đoán

124 lượt xem
Trực học nội phó Lê Đoán,Đọc truyện Trực học nội phó Lê Đoán,Truyện truyền thuyết Trực học nội phó Lê Đoán,Truyện truyền thuyết,truyền thuyết dân gian,truyền thuyết hay đặc sắc,tuyển tập truyền thuyết chọn lọc

Vào đầu thời Lê, ở miền hạ lưu sông Mã có một gia đình nông dân nghèo, họ Lê, tính tình hiền lành chất phác. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Hàng ngày, họ thường đi cày thuê cuốc mướn và làm các công việc lặt vặt khác, để kiếm sống. Còn đến vụ cày cấy, thì người vợ đi cấy thuê cho các chủ ruộng giàu có trong vùng.

Ở vùng này có mấy ngọn núi thấp. Trên lưng chừng một ngọn núi, có ngôi chùa nhỏ, xung quanh cây cối um tùm, còn một ngọn núi khác tên gọi núi Đầu Voi, ở phía trước ngôi chùa, lại có phần mộ của một vị tiến sĩ người họ Đinh, được xây cất công phu nên trông từ xa đã thấy là uy nghi, tráng lệ.

*

*        *

Hằng ngày, khi đi cấy thuê đến buổi trưa nắng, người vợ thường đến khu chùa có cây cối che mát để nghỉ ngơi và giở cơm nắm muối vừng ra ăn rồi xin nước ở trong chùa để uống. Đôi khi nhìn ra phía trước mặt, thấy khu phần mộ của vị Tiến sĩ nọ thật lẫy lừng, người đàn bà lại chạnh niềm, nghĩ đến thân phận con ong cái kiến của vợ chồng mình mà bùi ngùi trong dạ: không biết đến bao giờ đời họ mới mở mày mở mặt ra được!

Tuy nhiên, như đã nói, đây là người đàn bà nghèo khó nhưng tấm lòng lương thiện, chứ không như nhiều người khác, tuy có hoàn cảnh tương tự nhưng tấm lòng lại mang nặng thói đố kỵ ghen ghét. Bởi vậy, thường khi đi ngang qua phần mộ của vị Tiến sĩ thì lần nào người đàn bà cũng dừng chân, thành tâm chắp hai tay khấn vái, xin được Ngài ở dưới suối vàng phù hộ độ trì cho. Còn đến những khi có ngày tuần ngày tiết, đi thắp hương khấn vái vãn cảnh chùa, thì lần nào người đàn bà cũng không quên đến thắp và khấn vái ở phần mộ của vị Tiến sĩ.

Thế rồi bỗng đến một hôm, vào ngày mồng sáu tháng sáu năm Canh Thìn - khi ấy cả hai vợ chồng cùng làm ruộng ở một chỗ, buổi trưa lại cùng nhau lên khu chùa để nghỉ ngơi, ăn cơm, rồi sau đó, mỗi người nằm dựa vào một gốc cây to mà ngủ. Trong giấc mơ màng, người chồng nhìn thấy một thần nhân mũ áo chỉnh tề như thể quan văn, từ lưng chừng núi phía trước mặt hiện lên, rồi tiến lại gần, đến bên mà nói: "Vợ chồng nhà ngươi làm ăn lương thiện, lại dốc lòng thành kính Thần linh, nên sau này sẽ được phúc ấm. Còn hôm nay, ta ban cho câu này để về suy ngẫm: "Dương hiển vinh ư vô mã vĩ. Minh phú quý ư cẩm đan nang". Nói xong, thần nhân liền biết mất.

Người chồng tỉnh dậy, bàng hoàng, rồi sau đó thuật lại giấc mộng với vợ. Và tuy cả hai đều là người chân lấm tay bùn, không hề biết chữ, nhưng câu nói của vị thần nhân, thì họ đã ghi nhớ trong lòng.

*

*         *

Khoảng hơn một tháng sau, một buổi hai vợ chồng cùng đi làm, ở nhà gà vào bới bếp làm cháy mất cả ngôi nhà - hàng xóm ở gần chạy đến mà cũng không cứu nổi. Tuy nhà cửa, của nả cũng chẳng đáng gì, nhưng hai vợ chồng đều thấy xót xa. Lúc ấy họ mới nhớ lại lời thần nhân nói khi trước, bèn tìm đến nhà một ông thầy đồ, để nhờ giải nghĩa hộ. Ông thầy đồ nghe xong nói: "Cháy nhà như vậy là đã được Thần linh báo trước rồi, để anh chị có cơ hội tìm đến nơi khác mà ở, chứ không thể trú ngụ mãi ở vùng cuối sông Mã (Mã vĩ) này. Vợ chồng anh chị cứ yên tâm mà ra đi, sau này sẽ sinh được con quý hiển, đúng như lời Thần đã báo trước đó".

Thế là vợ chồng an tâm, riêng người chồng lại còn vui mừng, hiện cả ra nét mặt nữa. Thế nhưng, với hai bàn tay trắng, thì họ biết đi đâu bây giờ? "Ở dưới xuôi, người khôn của khó, thôi thì vợ chồng ta chịu khó lặn lội lên rừng núi mà kiếm miếng ăn vậy" - Họ bảo với nhau như thế, rồi khăn gói, nhằm hướng thượng nguồn sông Mã, lên đường.

Khi đến một vùng chỉ có rừng với núi, nhà cửa dân cư thưa thớt, hai vợ chồng bèn dựng tạm một ngôi nhà nhỏ bằng tranh tre nứa lá, để lấy chỗ dung thân. Hàng ngày họ phải đi đào củ mài, bắt cua bắt ốc ở ven sông mà sống, rồi sau đó với hai bàn tay, họ khai khẩn đất hoang xung quanh, để lập thành ruộng nương. Hai năm sau, cuộc sống của họ đã khấm khá - nhưng niềm vui lớn nhất của họ lại là việc người vợ có mang, rồi sinh ra một mủn con trai. Đứa trẻ, tuy hãy còn bé, nhưng mặt mũi thì đã báo hiệu sau này nhất định sẽ nên người: trán rộng, mắt to và sáng, còn miệng thì rộng, mũi thì cao, hai bên tai lại dày và trễ xuống như tai Phật. "Đúng là tướng quý hiển" - cả hai vợ chồng cùng nghĩ, và khấp khởi mừng thầm. Họ đặt tên cho con là Đoán.

*

*        *

Thế nhưng, không biết có phải vì rủi ro, hay là do ông trời đã định, mà số phận của hai vợ chồng nhà này lại hẩm hiu, khổ sở đến như thế! Chỉ mấy năm sau, khi đứa con vừa chập chững, thì người chồng ngã bệnh mà qua đời. Còn lại hai mẹ con, nhà nghèo túng dần, nên cuối cùng, người mẹ đành phải đem con đến trang Ngọ Xá làm thuê, rồi sau đó giao lại cho một gia đình giàu có thuộc dòng họ Phạm để làm con nuôi - vì gia đình này hiếm muộn khi thấy đứa trẻ như thế, đã xin. "Thôi thì đành vậy. Biết đâu con ta về sau lại chẳng nhờ họ mà được nên người" - người mẹ nghĩ thầm, rồi lại đi làm thuê làm mướn, tuy nhiên, những lúc rảnh rỗi, cũng thường đến thăm nom đứa con của mình.

Lại nói gia đình ông họ Phạm, tuy giàu có nhưng cũng là gia đình nhân nghĩa, anh em họ hàng đông. Một hôm, có một người trong họ tên gọi Phạm Đường, vốn là bậc nho học uyên thâm làm nghề dạy học đến chơi nhà. Nhìn thấy đứa trẻ mới được nhận làm con nuôi trong nhà (mà cũng là trong họ!) có gương mặt khôi ngô tuấn tú, thì bảo với chủ nhà cho nó đến chỗ mình học. Ông họ Phạm kia đồng ý, và thế là đứa trẻ - tức Lê Đoán - được nhập trường.

Vốn bẩm tính sáng dạ, thông minh, nên Lê Đoán học hành đến đâu thì biết đến đấy, càng ngày càng tấn tới. Lại cũng là đứa trẻ hiền lành, chịu thương chịu khó, nên Lê Đoán rất lễ phép, được cả thầy yêu lẫn bạn mến, còn mọi người thì trầm trồ ngợi khen. Thế nhưng rủi thay, đến năm Lê Đoán 17 tuổi đã là một chàng trai trưởng thành, thì bà mẹ đẻ đột ngột qua đời. Đã bao nhiêu năm bà làm lụng vất vả, có cái gì cũng dành dụm để mang lại cho con, và âm thầm chờ đợi ngày con khôn lớn và thành đạt, thì kết cục của bà lại là thế - thật trời cao có mắt mà sao quá phũ phàng!

Khi có người đến báo tin, chàng Lê Đoán liền chạy đến bên xác mẹ mà vật vã than khóc. Rồi người nhà và họ hàng của ông bố nuôi cũng đến, đứng ra lo liệu cho chàng đám tang. Từ đó, Lê Đoán biếng ăn mất ngủ đến cả tháng trời, còn về sau, người cứ vật vờ, chẳng thiết tha gì đến chuyện học tập. "Ôi số với phận! - Chàng nhớ lại những lần được mẹ kể cho nghe câu chuyện thần mộng, mà cảm thấy rùng mình - chẳng lẽ để thân ta được công thành danh toại mà lại bắt cha mẹ ta phải sống lay sống lắt và chết khổ chết sở đến như thế kia ư? Hỡi ông Tiến sĩ họ Đinh, cớ sao đã ở nơi suối vàng mà ông còn đưa ra cái bả công danh để nhử người đời ác độc đến như thế?"

Ông thầy và ông bố nuôi họ Phạm, sau mấy năm nhận thấy tâm tư của Lê Đoán như vậy, thì càng động lòng thương cảm và lo lắng nhiều phần. Và tuy chưa hiểu hết tâm sự của Lê Đoán, nhưng hai ông cũng bàn nhau nên tìm cho chàng một cô vợ, để yên bề gia thất mà gắng sức học hành. Thế nhưng, khi họ gọi Lê Đoán đến để nói chuyện này, thì chàng một mực lắc đầu, thưa rằng mình không còn bụng dạ nào để nghĩ đến việc lấy vợ nữa. Hai ông khuyên nhủ, dỗ dành, rồi sau đó cả người trong nhà và họ hàng cũng nói thêm vào, nhưng trước sau chàng đều lựa lời để từ chối tất cả.

Tuy không muốn lấy vợ và học hành có phần sa sút, nhưng dẫu sao Lê Đoán vẫn là người con ngoan - các việc trong gia đình chàng đều siêng năng chăm chỉ, và nói năng cử chỉ thì đều lễ phép. Gia đình ông bố nuôi và mọi người  thấy thế cũng an tâm và vẫn yêu mến quý trọng chàng như trước.

*

*         *

Khi ấy, vào khoảng niên hiệu Thái hoà thứ 5 (1448) đời vua Lê Nhân Tông, triều đình mở khoa thi Hội (lấy được ba người đỗ đầu, là Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư, Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường, Thám hoa Chu Thiêm Uy), nhưng năm trước đó trong kỳ thi Hương, vì Lê Đoán có việc tang (mẹ chết) và do chán nản, nên đã không đến trường. Thế rồi, hơn mười năm sau, không thấy mở kỳ thi Hội nào nữa, vì vậy Lê Đoán càng chểnh mảng thêm với việc học hành, tuy nhiên, các việc trong nhà và ngoài đồng bãi, thì như trước kia, chàng đều chăm chỉ.

Mãi đến năm Lê Tư Thành được lên ngôi sau loạn Nghi Dân, trở thành vua Lê Thánh Tông (vào năm 1460) thì hai năm sau đó, triều đình mới lại mở khoa thi Hương, rồi năm sau, thi Hội (khoa này lấy đỗ 44 người, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên). Riêng đối với Lê Đoán, lúc này đã ngoài 30 tuổi, tuy thời kỳ đầu học hành giỏi giang, nhưng về sau, nhiều năm không nhìn ngó gì đến sách vở nên vẫn không đến trường thi. Chỉ  đến khi nghe thiên hạ bàn tán về việc người này người nọ đỗ đạt cùng với sự nhắc nhở, giục giã của ông bố nuôi và ông thày học (lúc này họ đều đã già) thì Lê Đoán mới lại chuyên tâm vào việc học tập. "Thôi đành vậy, "đâm lao thì cũng phải theo lao" chứ biết làm sao! - Lê Đoán nghĩ thầm - Dẫu rằng đỗ đạt làm quan là cái "bả vinh hoa" thật, nhưng thử hỏi từ trước đến nay có kẻ học hành nào lại thoát  ra khỏi được? Vả lại, mẹ ta và mọi người cũng đều cầu mong cho ta như vậy, thì dẫu lòng ta không muốn, cũng sẽ không thể chối từ".

Và thế là, sau ba năm ôn luyện miệt mài, Lê Đoán đã qua kỳ thi Hương năm Ất Dậu (1465) rồi đến thi Hội năm Bính Tuất (niên hiệu Quang Thuận thứ 7, 1466) thì đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân (Khoa này lấy 8 Tiến sĩ, 19 đồng tiến sĩ - không có Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Thế là "công thành danh toại!" Năm ấy, Lê Đoán vừa tròn 37 tuổi.

*

*         *

Ở một vùng sơn cước dân cư thưa thớt mà có người đỗ đại khoa thì thực là câu chuyện xưa nay hiếm. Lại nữa, người đỗ vốn xuất thân nghèo khó lại mồ côi cha mẹ, phải đi làm con nuôi ở cửa họ khác, thì cũng thêm một chuyện "hy hữu" nữa. Bởi vậy, nên trong lễ "vinh quy bái tổ" của Lê Đoán, thiên hạ cứ đồn ầm cả lên. Còn riêng với bản thân "quan Tân khoa", thì sự ấy chẳng qua cũng chỉ là cất đi gánh nặng mà cả cha mẹ nuôi lẫn  cha mẹ đẻ - những người sống và những người chết, đặt vào.

Sau lễ vinh quy, Lê Đoán đi tạ ơn thầy học, cha mẹ nuôi và anh em họ hàng thuộc dòng họ Phạm. Sau đó, chàng về thăm nom cúng lễ phần mộ cha mẹ đẻ của mình. Nhớ đến gốc tích, chàng còn về làng cũ ở cuối sông Mã để cúng lễ tổ tiên, rồi sau đó, đến thắp hương tạ lễ ở ngôi chùa và mộ phần của vị Tiến sĩ họ Đinh - bởi vì, dẫu trong lòng có "hận" về việc cha mẹ mất sớm, thì bản thân chàng cũng vẫn phải nhớ đến ơn âm phù, báo mộng của Ngài.

Trở về trang Ngọ Xá - nơi quê hương thứ hai của Lê Đoán, mọi người trong gia đình lúc ấy lại bàn đến chuyện lấy vợ cho chàng. Thôi thì lần này không thể từ chối, nên Lê Đoán đành phải nhận lời, rồi lấy một cô gái họ Phạm. Đây là sự "sắp xếp" của các cụ trong họ, tuy hợp tình, nhưng nếu xét về lý thì cũng còn có chỗ chưa ổn.

Sau mấy tháng ở quê nghỉ ngơi và sắp xếp công việc gia đình - như mọi vị quan Tân khoa khác, Lê Đoán lên đường ra kinh thành Thăng Long nhậm chức. Chàng được cử làm "Trực học nội phó" - theo dõi  giám sát việc học hành của các giám sinh ở Quốc Tử Giám. Sau đó khoảng ba năm, Lê Đoán được bổ dụng vào đoàn sứ bộ đi sứ sang kinh đô nhà Minh. Thế nhưng thật chẳng may, khi đoàn sứ bộ trở về Thăng Long được ba ngày, thì Lê Đoán bị cảm mạo đột ngột mà qua đời, hưởng thọ 41 tuổi.

Linh cữu quan Trực học sau đó được người nhà đưa về an táng ở bản quán - trang Ngọ Xá (naylà xã Hà Ngọc huyện Hà Trung - Thanh Hoá). Người dân trong vùng đi đưa tiễn đều vô cùng thương tiếc một con người đức độ, tài cao mà phận bạc. Họ hàng, làng xóm cũ ở cuối sông Mã cũng lặn lội lên đây để cùng chia sẻ nỗi buồn. Thế rồi sau đó, các vị bô lão và chức sắc của cả hai nơi đã ngồi lại với nhau, họp bàn, rồi tôn quan Trực học làm thần Thành hoàng, lập đền miếu thờ cúng ở cả hai nơi. Làng cũ của cha mẹ Ngài khi trước, cũng được đổi là Ngọ Xá (ở huyện Nông Cống - Thanh Hoá).

Tuy sinh thời, Lê Đoán chưa có đóng góp gì lớn trên phương diện quốc gia, nhưng đối với người dân ở hai quê Ngọ Xá, thì việc một người xuất thân nghèo khó lại mồ côi cả cha lẫn mẹ mà có chí học hành rồi hiển đạt như thế, cũng đủ để làm tấm gương cho các thế hệ về sau noi theo, và xứng đáng để dân làng tôn thờ mãi mãi.

*

*        *

Khoảng 130 năm sau, vào niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1603) đời vua Lê Kính Tông - nhà vua từ Thanh Hoá đem quân đánh nhà Mạc ở Thăng Long, đã đi thuyền trên sông Mã đến trang Ngọ Xá thì gặp trời tối, phải nghỉ lại. Chỗ ngủ ("màn trướng") của nhà vua vô tình lại ở ngay cạnh ngôi đền của quan Trực học Lê Đoán. Đêm ấy, trong giấc mơ màng nhà vua nhìn thấy một vị quan văn ăn mặc chỉnh tề, từ  ngôi đền bước ra, đi đến bên giường của Ngài mà nói: "Tôi là Lê Đoán, được Ngọc Hoàng Thượng đế giao cho cai quản đất này, nay thấy Bệ hạ hành quân qua đây thì đến bái kiến, và xin được âm phù". Nói xong thần nhân liền biến mất.

Tỉnh dậy Lê Kính Tông cả mừng, rồi sáng sớm hôm sau cho binh lính lên đường tiến đến phủ Trường Yên - các thuyền đều lướt sóng băng băng như có phép của thần linh trợ giúp. Sau đó, các thuyền ngược dòng sông Đáy tiến thẳng ra sông Hồng rồi đánh vào thành Thăng Long, bắt được "quốc mẫu" (mẹ) của Mạc Mậu Hợp...

Nhớ đến công âm phù của Lê Đoán, khi ở kinh thành Thăng Long, nhà vua gia phong mỹ hiệu cho Ngài là "Chiêu trưng cảm ứng gia hạnh đại phu, Khuông nghĩa cư sĩ, phúc thần".

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư