LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Truyền thuyết về hồ gươm, rùa "thần" và thanh kiếm "thuận thiên"

627 lượt xem
Truyền thuyết về hồ gươm rùa thần và thanh kiếm thuận thiên,Đọc truyện Truyền thuyết về hồ gươm, rùa

Ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có một hồ nước lớn, thời Lý, Trần được gọi là hồ Lục Thủy, gần bờ có tháp Báo Thiên cao 12 tầng soi bóng. Gọi hồ Lục Thủy có lẽ do từ thời ấy, nước ở đây có màu xanh  như màu của lá cây (đến bây giờ cũng vẫn là màu xanh ấy, nhưng đã bị ô nhiễm khá nhiều). Từ thời Lê, hồ được mang tên là hồ Thủy Quân - vì nơi đây là chỗ diễu hành và tập đánh trận giả của Thủy quân, có nhà vua (về sau là vua Lê - chúa Trịnh) ra ngự lãm.

Còn trong dân gian, thì từ cuối thời vua Lê Thái Tổ, hồ được mang cái tên nôm na là hồ Gươm - vì có liên quan đến sự kiện nhà vua đi thuyền trên hồ dạo chơi rồi đánh rơi thanh gươm quý (gọi là gươm hay kiếm "Thuận Thiên"), sau đó bắt lính và dân chúng đắp bờ, tát nước để tìm.

Vì có con đập (bờ) đắp ngang - phố Tràng Tiền, Hàng Khay bây giờ - nên cũng từ đấy, trong sử sách, hồ Thủy Quân còn được gọi là hồ Tả Vọng, để phân biệt với hồ Hữu Vọng ở phía dưới. "Vọng" ở đây là chầu về cung vua, phủ chúa ở phía trong (ngã tư Hàng Trống - Quang Trung và phố Lê Thái Tổ bây giờ).

Hồ Hữu Vọng - từ Tràng Tiền đến Hàng Chuối, Lò Đúc - về sau do phù sa lắng đọng và dân chúng san lấp dần để dựng nên nhà cửa, phố phường. Còn hồ Tả Vọng, do rộng và sâu hơn, nên vẫn giữ lại và chỉnh trang, thành nơi dong thuyền dạo chơi của vua chúa và chỗ ngắm cảnh của khách bộ hành thập phương. Trong hồ Tả Vọng có Tả vọng đình, về sau đổ nát được xây Tháp Rùa thay thế. Lại có đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, và ở trước cổng dẫn vào cầu Thê Húc còn có Tháp Bút đắp ba chữ "Tả Thanh Thiên" - viết lên trời xanh, và đài Nghiên - là quần thể di tích do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu khởi công tu bổ và xây dựng thêm vào cuối thời Tự Đức (nhà Nguyễn) như để ghi nhớ lại những vang bóng của thời hoàng kim Thăng Long - Đông Đô, khi kinh thành đã chuyển vào trong Huế.

Theo các nhà nghiên cứu địa lý - địa chất và lịch sử thì thuở xa xưa, hồ Gươm là một khúc của sông Hồng kéo dài từ hồ Tây, hồ Trúc Bạch xuống. Nhưng do quá trình bồi lấp các cửa ra, vào mà sông đã đổi dòng như ngày nay. Các cửa ra, vào ấy là vào khoảng đầu hồ Tây và các phố chợ Gạo, hàng Thùng - Lò Sũ, hàng Chuối - Lò Đúc bây giờ. Đến thời Nguyễn, ở khu vực hàng Đào, hàng Bạc vẫn còn có hồ, ao ăn thông nước sang hồ Gươm và có cầu gỗ bắc ngang (ở phố Cầu Gỗ hiện nay). Lại có cả hai lạch nước, chảy từ đầu hồ Tả vọng (phố Lò Sũ) và cuối hồ Hữu Vọng (bến Tràng Tín, đầu phố Hàng Chuối) ra sông Hồng, đến cuối thời Lê hãy còn.

Nhưng nếu xét đặc điểm nổi bật về mặt tự nhiên - sinh thái của Hồ Gươm thì phải kể đến việc trong lòng hồ hiện nay vẫn còn một loài rùa nước ngọt cực lớn (to sấp sỉ chiếc chiếu đôi!) sinh sống, mà chỉ một, hai nơi trên thế giới mới có. Loài rùa này có thể đã có mặt ở đây từ thời Lý, Trần, hoặc trước đó nữa. Đến nay, thỉnh thoảng vẫn thấy Rùa nổi lên trên mặt nước. Một con bị chết đã được "xử lý", hiện đang trưng bày trên sập gỗ trong đền Ngọc Sơn.

Đến nay, mỗi khi Rùa nổi lên, mọi người đổ xô tới xem với nhiều lời bình luận, bàn tán. Còn từ đầu thời Lê, cách đây gần 600 năm, Rùa cũng đã từng đi vào tâm thức dân gian với câu chuyện truyền thuyết mang đậm ý nghĩa xã hội - nhân văn và thời đại. Cái tên Hồ Gươm do dân gian đặt, vì thế rồi cũng thành quen, và rồi chính thức được ghi vào sử, sách, nhưng đồng thời, cũng lại được viết và gọi theo âm Hán - Việt cho sang trọng và rõ nghĩa hơn, là hồ Hoàn Kiếm - tức là hồ trả gươm.

Câu chuyện truyền thuyết ấy như sau:

"Một người bạn thân của Lê Lợi tên gọi Lê Thận ở huyện Cổ Lôi - Thanh Hóa, làm nghề đánh cá, một hôm thả lưới bắt được một lưỡi gươm bằng sắt, đem về nhà lau chùi, rồi gài lên trên vách ở góc nhà.

Khi Lê Thận mới tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, một hôm dẫn chủ tướng Lê Lợi cùng nhiều bạn bè khác, về nhà mình chơi. Trong đêm tối, dưới ánh đèn dầu, mọi người nhận thấy có vật gì phản chiếu ra ánh sáng lấp lánh. Lê Thận bảo đó là lưỡi gươm bắt được, rồi đến rút ra, đưa cho Lê Lợi xem. Vị chủ tướng ngắm nghía một hồi, rồi bỗng chú ý vào hai chữ khắc chìm trên thân kiếm. Ngài bảo Lê Thận rót cho ít dầu, rồi lấy giẻ thấm, lau chùi vào chỗ có hai chữ. Được một lát, hai chữ hiện lên rõ nét, và Lê Lợi cũng như mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, nhận ra đó là hai chữ "Thuận Thiên".

Lê Lợi bảo với các bạn:

- Có lẽ đây là ý trời, muốn trao cho chúng ra lưỡi kiếm này để đánh đuổi lũ giặc tàn ngược?

Mọi người tán thưởng:

- Chủ tướng nói chí phải. Việc chúng ta dấy binh khởi nghĩa chính là hợp với lẽ trời đó. Nếu bây giờ trời ban cho lưỡi kiếm, thì ắt có ngày cũng sẽ ban cho cả chuôi kiếm nữa. Vậy chúng ta hãy cứ chờ xem.

Từ đó, Lê Thận luôn luôn mang lưỡi kiếm bên mình với một cái chuôi làm tạm. Quả nhiên, khoảng một tháng sau, khi Lê Lợi, Lê Thận cùng các bạn đi qua một cánh đồng trong vùng Lam Sơn, gặp trời nắng to, bèn nghỉ lại dưới một gốc cây lớn. Bỗng một người nhận ra có vật gì sáng lấp lánh do ánh nắng phản chiếu vào ở phía trên chỗ chạc ba cây. Người đó bèn trèo lên, lấy xuống, và mọi người lại thêm một lần nữa ngạc nhiên, nhận thấy đó là một chuôi kiếm nạm bạc, ở trên thân cũng khắc chìm hai chữ "Thuận Thiên".

Lê Thận vội rút lưỡi kiếm vẫn dắt bên mình ra, cậy bỏ chuôi làm tạm, rồi tra chuôi kiếm mới bắt được vào. Lạ thay, chỉ cần gõ ngược chuôi kiếm xuống một cái mạnh vừa phải, là đã có ngay thanh kiếm thật hoàn chỉnh. Hai nét khắc ở trên chuôi và thân kiếm đều giống nhau, còn chỗ thân và chuôi tra vào, cũng vừa khít và chắc chắn đến bất ngờ.

Lê Thận ôm lấy thanh kiếm vào lòng, nghẹn ngào, rồi sau đó, quay về phía Lê Lợi, quỳ xuống, nâng thanh kiếm lên bằng cả hai tay:

- Đây chính là ý trời. Chúng tôi xin dâng chủ tướng thanh kiếm này để điều binh khiển tướng, lãnh đạo quân dân cả nước đánh đuổi lũ giặc tàn ngược.

Lê Lợi vội cúi xuống đỡ Lê Thận đứng dậy, nhận lấy thanh kiếm cũng bằng cả hai tay, rồi đưa vào sát ngực mà nói với mọi người:

- Xin có trời đất chứng giám. Lê Lợi tôi nguyện đem hết tim óc ra để nhận lấy sự ký thác này. Dẫu có phải tan cửa nát nhà hay máu chảy đầu rơi, cũng chẳng bao giờ dám sao lãng.

Tiếp đó, mọi người đều đứng cả dậy, hướng mắt lên trời cao, cùng giơ nắm tay thề trước trời đất và vong linh tổ tiên, sẽ hợp sức đồng lòng chiến đấu đánh đuổi lũ giặc tàn ngược.

Từ đấy, câu chuyện "Trời trao cho Lê Lợi thanh kiếm thần" cứ lan truyền ra mãi. Rồi sau đó, lại có câu chuyện ở những chỗ mọi người hay đi qua, trên lá cây có dòng chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, Trần Nguyên Hãn vi tướng"cũng được lan truyền thêm. Thế là thanh niên trai tráng các vùng đều lũ lượt tìm đến vùng Lam Sơn để đầu quân khởi nghĩa. Lực lượng và thanh thế của nghĩa quân, vì thế, ngày mỗi lớn mạnh lên không ngừng. Dưới sự chỉ huy của Lê Lợi và ban tham mưu nghĩa quân, quân ta liên tiếp giáng cho giặc những đòn trí mạng, làm tiêu hao những bộ phận lớn sinh lực của chúng. Dẫu có lúc tạm thời thất thế "quân không một lữ", nhưng rồi quân ta lại được bổ xung và củng cố, để rồi sau 10 năm chiến đấu (từ khởi binh ở Lam Sơn - 1418 đến thắng lợi ở Đông Đô - 1428), đất nước đã sạch bóng quân thù.

Cũng khi ấy chủ tướng Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy năm quân Minh rút về nước làm năm "Đại định", và đặt niên hiệu là "Thuận Thiên".

"Thuận Thiên" - tuân theo ý trời đánh đuổi quân xâm lược. "Thuận Thiên", đó còn là nỗi lòng của quân dân Đại Việt hằng nung nấu, trong suốt cuộc chiến tranh. "Thuận Thiên", cũng lại là niềm tin và sự hy vọng mà mọi người dân đặt vào nơi nhà vua, sau khi đất nước ta hết giặc.

Sau chiến tranh, với việc đặt niên hiệu như thế, cũng có thể xem là một lời hứa trịnh trọng của nhà vua trước các thần dân, về điều thiện, lẽ phải và sự công bằng mà Ngài sẽ phải thực hiện.

Thế nhưng, bên cạnh một số công việc kiến quốc mà nhà vua làm được, thì thật đáng tiếc, còn có những điều thiện, lẽ phải và sự công bằng, lại bị chính nhà vua và các quyền thần xu nịnh vi phạm.

Đó là việc, vào năm 1429 - nghĩa là chỉ sau một năm khi nhà vua lên ngôi, đã sai lực sĩ xá nhân đến Sơn Tây bắt Trần Nguyên Hãn (đã xin về hưu từ một năm trước!) trói giải về Đông Đô để trị tội (với tội danh: có người tố cáo dùng thuyền chở vũ khí (?)). Dọc đường ông phẫn nộ khấn trời rằng: "Tôi với nhà vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã hoàn thành, vua lại muốn giết tôi, Hoàng thiên có biết xin soi xét cho", rồi nhảy xuống sông tự vẫn.

Ít lâu sau, vào năm 1431, Phạm Văn Xảo cũng bị bức phải uống thuốc độc. ("Vua ban cho được chết" do có người tố cáo: mưu phản (?)).

Nhà cửa, điền sản của hai vị này đều bị tịch thu, vợ con bị sung làm nô tỳ. Nguyễn Trãi cũng bị bắt tống ngục, chỉ sau khi Trần Nguyên Hãn chết mới được tha (Nhưng đến cuối đời Lê Thái Tông (con của Lê Thái Tổ), sau vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị tru di cả gia đình đến 72 người (gồm 3 đời), do bị tình nghi sui vợ đầu độc vua (?)).

Cả ba vị này đều là những "đệ nhất công thần", được "ban quốc tính" - họ vua, do đã từng nằm gai nếm mật và lập được nhiều chiến công  hiển hách. Chỉ vì họ ít nhiều có hơi hướng với nhà Trần, lại là người đất đế đô cũ (tức Thăng Long), được dân chúng Bắc Hà sùng mộ, nên bị Lê Lợi nghi kỵ, sợ phản lại ngôi báu của con cháu mình, mà ra tay trừ diệt trước. Đây là những điều đã được các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí ghi lại.

Mặc dù đến khoảng ngoài 20 năm sau, khi ấy Lê Lợi đã mất, các cháu chắt của Ngài cũng minh oan cho ba vị, nhưng trong lòng dân chúng, thì ngay từ khi các vị bị hại, đã gây nên cho họ nhiều nỗi tiếc thương. Đền thờ các vị sau đó đã được lập để thờ cúng ở nhiều nơi.

Bởi vậy, đến khi xảy ra sự việc vua Lê Thái tổ đánh mất kiếm "Thuận Thiên" trên hồ Lục Thủy, rồi sau đó là việc bắt dân chúng và binh lính phải be bờ tát nước để tìm thanh kiếm mà không thấy, thì người ta bàn luận mà cho rằng, vì nhà vua đã làm những việc trái với lẽ phải và điều thiện, và do vậy cũng trái với đạo trời và lòng người, nên Ngọc Hoàng Thượng đế đã truyền cho Long Vương sai Rùa thần đến đoạt lại kiếm báu. Cũng từ đấy, cái tên hồ Gươm rồi hồ Hoàn Kiếm ra đời.

Cách khoảng 400 năm sau sự kiện này, khi ấy vào cuối thời Lê mà các nhà viết sử thời hiện đại vẫn gọi là Lê mạt, có vị danh sĩ đất Bắc hà là Nguyễn Án (1770 - 1815) đến dựng nhà ở ven hồ Gươm, đã nhiều lần nhìn ngắm hồ nước mà suy ngẫm về nhân tình thế thái, rồi viết lại nhiều câu chuyện "tang thương", trong đó có tả thực về việc vua Lê Thái tổ mất kiếm trên hồ Lục Thủy như sau:

"Hồi Thái Tổ khởi nghĩa, Ngài bắt được một thanh kiếm cổ. Sau khi được nước, Ngài vẫn thường đeo bên mình. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ, bỗng thấy một con ba ba rất lớn lên mặt nước, bắn nó không trúng, Ngài bèn lấy thanh kiếm mà chỉ. Bất đồ thanh kiếm rơi xuống nước mất mà con ba ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp cái bờ ngang, tát hết nước để tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Đời sau nhân cái vết bờ ấy, chia ra làm hai hồ Tả Vọng, Hữu Vọng".    

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm, cũng thấy đằng sau sự tả thực ấy, chứa đựng một cái nhìn công bằng về lịch sử. Chỉ có điều cần nói lại, ấy là con ba ba kia cũng chính là con rùa, mà sự khác nhau chỉ là cách gọi của hai thời mà thôi.

Dẫu có thể cho rằng thanh kiếm mà Lê Lợi nhận được khi bắt đầu khởi nghĩa, là thanh kiếm đã được con người chuẩn bị từ trước, cũng tương tự như việc Nguyễn Trãi dùng mỡ viết lên lá cây để kiến đục thành chữ kia thôi, thì điều ấy cũng không quan trọng. Điều quan trọng là qua đó, quân dân cả nước đã đồng sức đồng lòng để đánh đuổi quân giặc xâm lược. Lẽ ra, sau chiến tranh mọi người cũng phải đồng sức đồng lòng như thế để xây dựng đất nước, nhưng tiếc thay, chỉ vì quyền lợi riêng mà gây chia rẽ, giết hại lẫn nhau.

Bởi thế, câu chuyện truyền thuyết dân gian nói trên, xảy ra sau cuộc chiến tranh chống giặc Minh, cũng có thể xem là một bài học lịch sử, để các thế hệ cùng nhau cảnh tỉnh vậy. Còn nếu cho rằng sau chiến tranh, nhà vua trả kiếm là do lòng yêu hòa bình, thì chẳng lẽ đã bảo rằng sau chiến tranh và trong hòa bình người ta không còn phải sử dụng đến vũ khí (hay quân đội) nữa hay sao? Nếu thế thì mất cảnh giác qúa, và trên thế giới cũng không có nước nào lại làm như thế cả. Do vậy, vấn đề đặt ra chỉ có thể là: dù thời chiến hay thời bình, thì vũ khí (hay vũ lực nói chung) bao giờ cũng phải được dùng để phục vụ cho lợi ích - chính nghĩa của dân tộc.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư