LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Thần Zeus (Dớt, Jupiter) Vị thần tối cao trên đỉnh Olympus

1.882 lượt xem
Thần Zeus (Dớt Jupiter) Vị thần tối cao trên đỉnh Olympus,Thần Zeus,Thần Dớt,Jupiter,Đọc truyện Thần Zeus (Dớt, Jupiter) Vị thần tối cao trên đỉnh Olympus,Thần thoại Hy Lạp,truyện thần thoại Hy Lạp,thần thoại Hy Lạp chọn lọc

Thần Zeus hay thần Dớt (trong thần thoại Hy Lạp) hay thần Jupiter (trong thần thoại La Mã), là vị thần tối cao trên đỉnh Olympus. Zeus là cha của các người hùng Perseus và Hercule, và là người cuối cùng trong cuộc tranh giành quyền lực trên đỉnh Olympus.

Zeus là con trai của thần Titan Cronus và nữ thần Rhea (Rêa). Với mặc cảm về tội giết cha, thần Crônôx luôn luôn lo sợ là quyền lực của mình sẽ không tồn tại được lâu. Thần bị ám ảnh bởi một ý nghĩ cho rằng rồi có lúc đến lượt các con thần sẽ lại nổi loạn trừng phạt thần Như thần đã trừng phạt cha thần. Thế là thần liền ra lệnh cho vợ thần đồng thời vừa là chị gái thần là nữ thần Titaniđêx Rêa phải đem ngay những đứa con mà nữ thần vừa sinh ra đến cho thần để thần nuốt chửng ngay chúng không chút thương xót. Và thế là thần Crônôx lần lượt nuốt năm người con của mình vào bụng, đó là ba người con gái Đêmête, Hê ra, Hextia, và hai con trai là Hađêx và Pôxâyđôn.

Không thể để cho ông chồng tai ác nuốt chửng mất đứa con út của mình sắp sửa ra đời Rêa liền khóc lóc van xin mẹ nàng là nữ thần Gaia giúp đỡ. Theo lời khuyên của Gaia, nàng bỏ trốn đến hòn đảo Crêtê trên biển Địa Trung Hải. Tại đây, trú trong một chiếc hang sâu trên núi lửa, nàng đã sinh hạ ra thần Zeus (Dớt). Giấu con ở đó, nữ thần Ra quay trở về và trao cho Crônôx một hòn đá bọc trong một chiếc tã lót thay cho đứa trẻ mới sinh. Không hề nghi ngờ, Crônôx liền nuốt ngay cả hòn đá lẫn chiếc tã vào bụng.

Trong khi đó thần Zeus (Dớt) vẫn được nuôi dưỡng và trưởng thành tại đảo Crêtê. Tại đây hai nữ thần sông núi là Ađraxtáya và Iđa đã hết lòng thương yêu nuôi nấng chàng, cho chàng uống sữa con dê thần Amalthêa; từng đàn ong bay lên đỉnh núi lửa và núi Đictê lấy mật hoa mang về cho chàng; và cứ mỗi khi cậu bé Dớt cất tiếng khóc là những người thổ dân Curết trên đảo lại lấy kiếm gõ vào khiên để khoả lấp tiếng khóc của chàng không để cho Crônôx nghe thấy, tránh cho chàng khỏi phải chịu chung số phận bất hạnh với các anh trai chị gái chàng.

 Zeus (Dớt) càng lớn càng cường tráng khoẻ mạnh và khôi ngô tuấn tú. Sau khi biết chuyện về các anh chị của mình, chàng đã nổi loạn chống lại cha và buộc cha phải nhả các anh các chị của chàng ra. Crônôx già nua không chống lại được sức trai của Zeus có thêm sự giúp sức của nữ thần Gaia và nữ thần Trí Tuệ Mêthix, vợ thứ nhất của Dớt, đã buộc phải lần lượt nhả những người con đã nuốt trong bụng của thần ra. Bị nhốt trong bụng cha bao năm trời, đến khi được thoát ra ngoài, các vị thần con đã trưởng thành thành những chàng trai cô gái xinh tươi rạng rỡ. Vừa ra khỏi bụng cha, hai anh trai của Zeus lập tức tập hợp xung quanh Dớt tuyên chiến với Crônôx và với các thần khổng lồ Titan để giành quyền cai trị thế giới.

Cuộc chiến giữa đôi bên diễn ra thật gay go ác liệt. Những người con của Crônôx chiếm giữ đỉnh núi Olympus. Đứng về phe họ còn có một số thần khổng lồ Titan, trước tiên là thần Titan Hải Dương Ôkêanôx với con gái của thần là Xtycx cùng với những người con của nàng là các thần Nhiệt Tình (Dêlôx), Sức Mạnh (Cratôx), Bạo Lực (Bia) và Chiến Thắng (Nikê). Cuộc chiến đã đẩy số phận của các vị thần trên núi Olympus vào vòng nguy hiểm. Kẻ thù của họ là những vị thần khổng lồ Titan vô cùng hùng mạnh và đáng sợ. Nhưng thần Zeus lại được sự giúp đỡ của các thần khổng lồ một mắt Kyclôp. Các vị thần Kyclôp này đã rèn cho thần Dớt các lưỡi tầm sét để chàng ném vào các thần Titan.

Cuộc chiến đã kéo dài đến năm thứ mười mà hai bên vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng Dớt quyết định giải thoát các vị thần khổng lồ Hêcatônkhirêx một trăm tay bị giam dưới vực thẳm trong lòng đất để nhờ họ giúp đỡ. Với thân hình oai phong và khổng lồ như những trái núi, các vị thần trăm tay năm mươi đầu này thoát ra từ trong lòng đất và lao ngay vào chiến trận. Họ bốc cả những tảng đá khổng lồ trên núi ném vào các vị thần Titan. Khi các vị thần Titan tiến tới chân núi Ôlympôx thì hàng trăm tảng đá bay tới tấp vào đoàn quân của họ. Cả mặt đất rền rĩ, không trung vang lên những âm thanh náo loạn, vạn vật rung chuyển. Đến ngay cả Địa Ngục Tartarôx cũng bị chấn động vì cuộc chiến này. Thần Zeus liên tục phóng ra hết đợt này đến đợt khác những lưỡi sét chói loà cùng những tiếng sấm chói tai. Ngọn lửa bao trùm toàn bộ mặt đất, nước biển sôi sùng sục, còn những đám khói và khí độc thì lan toả khắp nơi như một tấm vải liệm đen đặc.

Cuối cùng các vị thần Titan hùng mạnh cũng đã phải chịu lùi bước. Sức lực họ trở nên cạn kiệt và họ phải chịu thua. Các vị thần trên núi Olympus lấy xiềng xích trói họ lại rồi quẳng họ xuống vực sâu của Địa Ngục tối tăm và họ sẽ phải vĩnh viễn bị giam ở dưới đó sau những chiếc cánh cổng bằng đồng thau vững chắc không thể nào phá vỡ. Bên ngoài cổng có các vị thần trăm tay Hêcatônkhirêx ngày đêm canh gác để trông không cho một vị thần Titan nào thoát khỏi được cái vương quốc tăm tối vĩnh hằng này. Quyền cai trị thế giới của các vị thần Titan từ nay chấm dứt. Bắt đầu thời đại của các vị thần trên núi Olympus.

Tên gọi các vị thần trên núi Olympus dùng để chỉ các thần thuộc thế hệ thần thứ hai sau thế hệ các thần khổng lồ, và sở dĩ họ được gọi như vậy là vì các vị thần nay đã lấy quả núi Olympus làm đại bản doanh trong cuộc giao tranh với các vị thần Titan. Đó là các vị thần của phe thần Dớt bao gồm các anh chị em của thần Dớt cùng với những vị thần có liên quan khác. Trong tiếng Hi Lạp các vị thần này được gọi là các thần Olympios. Theo một quan niệm hẹp hơn thì tên gọi Olympios được dùng để chỉ 12 vị thần chủ chốt trên núi Olympus, họ là 6 anh chị em của thần Dớt cùng 6 người con ưu tú của Zeus, đó là Zeus, Pôxâyđôn, Hađêx, Đêmête, Hêra, Hextia, Arêx, Hêphaixtôx, Athêna, Apôlô, Artêmix và Aphrôđitê. Nhưng nhiều khi tên gọi này lại được dùng để dành cho thần Dớt cùng đoàn tuỳ tùng của thần ngự trên núi Ôlympôx sau khi thần đã phân chia quyền lực và lãnh địa cai quản cho các anh em của mình.

Để thưởng công cho các anh chị ruột của mình thần Dớt đã chia phần biển cả cho thần Pôxâyđôn; chia vương quốc của các linh hồn người chết dưới lòng đất cho thần Hađêx; để cho nữ thần Hêra vừa là vợ vừa là chị gái mình cai quản công việc đời sống hàng ngày của hoàng  cung trên thiên đình, cai quản đời sống gia đình và đời sống vợ chồng của muôn loài; giao cho nữ thần Hextia cai quản công việc nội trợ bếp núc; giao cho nữ thần Đêmête công việc cai quản mùa màng, nghề nông. Về phần mình, với tư cách là chủ nhân của sấm sét, thần Dớt giữ lấy quyền cai quản Thượng Giới. Còn mặt đất thì vẫn thuộc quyền cai quản chung của tất cả sáu anh chị em. Mặc dù đã phân chia quyền lực như vậy, nhưng ngự ở trên cùng vẫn là thần Dớt. Thần là người cai quản tối cao đối với số phận của cả thần linh lẫn người trần, là người sắp đặt mọi việc trên thế gian. Từ nay trật tự được vĩnh viễn thiết lập trong vũ trụ với Zeus là vị thần tối cao của toàn thể muôn loài không có sự tách biệt giữa loài thần và loài người.

--o0o--

5
5 sao / 1 đánh giá
5 sao - 1 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 5 SAO trên tổng số 1 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư