Ly cà phê Ireland - Thái Trí Hằng
Trần Minh Anh | Chat Online | |
09/05/2018 09:34:02 | |
Truyện ngôn tình | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
652 lượt xem
- * Ánh nắng (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- * Đi đêm (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- * Ngốc: Một cộng một bằng mấy? (Truyện cười)
- * Ngu mới phải học (Truyện cười)
Chương 1:
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Hả? Cái gì?”
Thật ra tôi có thể coi là rất thích uống cà phê, nhưng còn chưa thể nói là nghiện.
Thích cà phê như vậy là vì hồi còn đi học, bạn học khóa dưới cùng phòng nghiên cứu luôn tiện tay pha cho tôi một cốc.
Lâu ngày, cà phê đối với tôi mà nói trở thành một đồ uống luôn phải có trong cuộc sống.
Chỉ có điều vừa rời khỏi phòng nghiên cứu, tôi cũng rất ít khi uống cà phê.
Tốt nghiệp rồi, tìm một công việc ở Đài Nam quen thuộc này.
Đó là một đơn vị khoa học, chức danh của tôi cũng chỉ là trợ lý nghiên cứu nho xíu.
Nếu nỗ lực một chút, sẽ tăng lên thành trợ lý nghiên cứu nhỏ, sau đó thành trợ lý nghiên cứu, chuyên viên trợ lý nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu viên, phó nghiên cứu viên, nghiên cứu viên, chuyên viên nghiên cứu viên.
Sau đó thì sao? Tôi cũng chẳng biết. Có lẽ là siêu cấp nghiên cứu viên hay những thứ như nghiên cứu viên vô cùng lợi hại.
Nói chung, chức danh nhất định sẽ có hai chữ “nghiên cứu”.
Công việc này cũng có thể coi là tốt, đãi ngộ cũng không tồi, chỉ có điều thiếu một đồng nghiệp biết pha cà phê.
Căn cứ vào việc nếu tự pha cà phê, cần phải mua dụng cụ cùng hạt cà phê, rất phiền phức, tôi tiện đó cai luôn cà phê.
Tôi rất lười, điểm này thì phải thừa nhận.
Vừa bắt đầu công việc, tiếp nhận case đầu tiên là hợp tác cùng đại học Đài Loan.
Mỗi chiều thứ năm phải tới Đài Bắc họp tiến độ.
Chẳng có cách nào, Đài Bắc là khu vực trung tâm, nam bộ là bang man di, chỉ có nước thích ứng.
Bình thường tôi ngồi máy bay, cùng ngày lại về.
Ngoại trừ nghĩ tới ngày hôm sau còn cần đi làm ra, càng quan trọng hơn là tôi không quen ở Đài Bắc.
Vì tôi phát hiện, ở Đài Nam, mỗi phút tôi đi 95 bước mà đến Đài Bắc không tự chủ lại tăng đến 112 bước.
Một ngày tháng 10, Đài Nam nắng chói và nóng bức thì ở Đài Bắc, lại chẳng thấy được bầu trời vì mưa ào ào trút xuống.
Xong buổi họp, rời phòng, vội vội vàng vàng đón taxi, đến sân bay Tùng Sơn mới phát hiện quên mang báo cáo nghiên cứu.
Vì vậy lại rời sân bay Tùng Sơn, vội vội vàng vàng đón taxi, trở lại phòng họp, phòng họp bị khóa rồi.
Đến lúc người trực sau khi hết giờ làm tới, mở cửa phòng họp, cầm được báo cáo nghiên cứu mới thở dài một hơi.
Thở dài một hơi không chỉ riêng tôi, mưa đột nhiên phủ xuống mặt đất.
Tuy rằng mưa với thời gian không liên quan trực tiếp, song Đài Bắc chỉ cần mưa một cái, không hiểu vì sao sẽ xảy ra tắc đường.
Tôi “kể lể” mất nửa ngày, cũng chỉ muốn nói tới một chuyện rất bi thảm:
Tôi không lên được chuyến máy bay chín giờ về Đài Nam của hãng hàng không Phục Hưng.
Không sai, đây là chuyến cuối cùng.
Ở nhà nghỉ sao? Nghe nói đàn ông con trai độc thân ở nhà nghỉ rất dễ thất thân.
Tìm bạn bè sao? Mặt dày coi nhà bạn là nhà nghỉ?
Tôi quyết định đi xe đêm, chắc chỉ phải ngồi xe khoảng sáu tiếng, trời sáng là vừa vặn tới Đài Nam.
Còn rất nhiều thời gian, đành phải tới hiệu sách Thành Phẩm buôn bán 24 giờ ở đường Đôn Hóa Nam.
Khi tôi buồn chán tới mức ngay cả quyển “Ba trăm bài thơ Đường” cũng cầm lên xem, tôi biết tôi không ổn rồi.
Rời khỏi Thành Phẩm, mưa miễn cưỡng có thể coi là ngừng, chỉ có những vũng nước trên đường thi thoảng lại xao động đôi chút.
Tôi để mặc chân mình bước đi, đi mà không có mục đích mới tới gần bản chất của tản bộ.
Mỗi khi gặp phải ngã rẽ, lại tung đồng xu. Đầu người chuyển hướng, chữ đi thẳng.
Tôi cũng giống như đa số người Đài Loan, quen dùng tiền xu để quyết định phương hướng.
Qua một cái ngõ nào đó, đồng tiễn mười xu lăn vào mương nước.
Tôi quỳ rạp xuống mặt đất, qua lớp lưới sắt, dường như có thể thấy nụ cười của tổng thống Tưởng Công ở trước mặt. Quả không hổ danh vị lãnh vụ vĩ đại! Cho dù là trong cống nước, khuôn mặt vẫn nở nụ cười.
(Tưởng Công: tức Tưởng Giới Thạch, người Đài Loan đều gọi như thế, như Lý Đăng Huy được gọi là Lý tổng thống, Đăng Huy tiên sinh.)
Ừm, tôi quên không nói, đối tượng nghiên cứu của ta có liên quan tới cống nước.
Phàm là công trình đào cống nước sửa cống nước các loại, đều nằm trong phạm vi nghiên cứu.
Vì vậy nếu thấy cống nước sẽ rất tự nhiên ngồi sổm xuống quan sát một hồi, cũng chẳng phải là chuyện không thể.
Đứng dậy, may mà đồng tiền năm mươi xu không in hình đầu người, thế nên tôi chỉ mất mười xu.
Quẹo phải vào trong ngõ, rất bình thường, yên tĩnh như những ngõ khác ở Đài Bắc.
Hai bên cửa ngõ này mỗi bên có một cái cây, bên phải là cây dong, bên trái là cây phượng, tôi đoán vậy.
Dù sao số loại cây mà tôi nhận ra cũng ít, cũng như chim vậy, tôi chỉ biết, nếu bay được là đại khái có lẽ là chim.
Chỉ cần lá cây màu xanh, hơn nữa khá dài khá lớn, đối với tôi mà nói, đều gọi là cây.
Về phần là cây gì hay chim gì, không nằm trong phạm vi quan tâm, cũng chẳng phải đối tượng nghiên cứu của tôi.
Cách đó không xa có ánh sáng xanh lá, vì đang buổi tối, cảm giác tựa như lửa quỷ.
Đi chừng hai trăm bước, phát hiện ra là một quán cà phê.
Biển hiệu có màu cà phê rất đậm, bên trên đề chữ màu xanh lá mạ “Yeats”.
Ngắm nghía biển một lúc, vừa qua mười hai giờ. Người vừa lạnh vừa ướt, cũng nên uống chút gì đó.
Đẩy cửa vào, mùi cà phê đậm đặc xông vào mũi, sau đó mới tới âm thanh “chào mừng quý khách”.
Quán cà phê này ánh sáng rất tốt song lại không rực rỡ, trong không khí cũng không có mùi gay mũi.
Rất nhiều quán cà phê vì một thời gian dài kinh doanh không tốt, muốn tiết kiệm tiền điện, khiến cho ánh sáng rất âm u.
Tôi thường xuyên vấp phải cạnh bàn trong quán cà phê loại này.
Trước đây ở Đài Nam còn có quán cà phê thắp thêm vài ngọn nến, làm vậy ngoại trừ có thể tiết kiệm điện ra, cốc cà phê có con gián nổi lềnh phềnh, khách hàng cũng không dễ dàng phát hiện ra.
Khi tính tiền, bà chủ còn len lén nở nụ cười, cực kỳ giống Mỗ Mỗ trong phim “Thiện Nữ U Hồn”.
Trong lúc chờ người phục vụ đưa menu tới, tôi quan sát cách bày biện của quán một chút.
Không gian bên trong quầy bar tương đối rộng rãi, nhưng bên ngoài quầy chỉ có bốn chỗ ngồi.
Trong phòng cũng chỉ xếp bốn cái bàn, tôi ngồi ở chỗ cách quầy bar xa nhất, mặt hướng về phía quầy.
Phía trước, bên phải tôi là một đôi nam nữ tuổi không tương xứng, dáng vẻ vô cùng thân thiết, xem chừng là người yêu.
Nam xem ra hơn tôi mười tuổi, tôi xem ra hơn nữ mười tuổi.
Rìa quầy bar không có khách.
“Xin chờ một chút.”
Trong quầy bar vang lên tiếng nói rất nhỏ nhẹ, tôi nhìn lại, cô gái đối diện nở nụ cười áy náy.
Tôi gật đầu, tiếp tục cho ánh mắt tản bộ.
Trên bức tường bên trái tôi treo một bức tranh người vẽ bằng than chì, một người con trai nhìn qua khoảng ba mươi tuổi.
Anh ta có bộ mặt gầy và dài, mặc âu phục, cổ thắt nơ lớn, tóc hơi xoăn rẽ lệch sang bên trái được vén cẩn thận ra sau tai.
Vì ánh sáng chiếu từ bên trái đến nên mé phải khá tối, mắt trái cũng vừa hay bị bóng tối che khuất.
Nói cách khác, tôi không nhìn rõ lắm ánh mắt anh ta.
Nhưng thật kỳ lạ, tôi vẫn cảm nhận được vẻ hào hoa và u buồn trong ánh mắt đó.
Ánh mắt anh ta như đang nhìn thẳng vào một thứ gì đó được đóng khung trên bức tường bên phái.
Tôi nghiêng đầu sang bên trái, thấy trên đó viết:
Cast a cold Eye
On Life, on Death
Horseman, pass by!
Ừm… viết rất hay, chỉ có điều tôi không hiểu vì sao lại chỉ dùng một mắt để nhìn.
Vì sao lại không phải Cast cold Eyes, One eye On Life, One eye On Death?
Mỗi mắt một loại, xem như tương đối công bằng.
Nhưng như vậy hình như cũng không hay lắm, sẽ biến thành mắt âm dương mất.
“Xin lỗi, đã để ngài đợi lâu rồi.”
Trên người nữ phục vụ mang theo một chút hương cà phê, nhẹ nhàng tỏa ra từ góc áo.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
Cô gái cầm hai cái menu mỉm cười hỏi, đây cũng là chủ của giọng nói vang lên sau quầy bar.
Cô gái khoảng chừng 25 tuổi, mặc một chiếc tạp dề màu cà phê, đeo một cặp kính có gọng màu tím.
Một menu có màu cà phê đậm, menu còn lại là màu cà phê nhạt, cả hai đều có chữ “Yeats” màu xanh lá.
“Tôi chỉ uống cà phê.”
Đầu tiên cô gái ngây ra một chút, sau đó mới đưa tờ menu màu cà phê đậm ra, mỉm cười chờ đợi.
Bình thường tôi sẽ gọi những loại cà phê thông thường như Lam Sơn, Mandheling, Brazil .
Khi Latte vừa bắt đầu lưu hành, cũng từng thủ một lần.
Sau này vì ngại vị kem quá nồng nên không uống lại nữa.
Đang lúc tôi chuẩn bị gọi Lam Sơn, đột nhiên chú ý tới bên dưới dòng thứ ba từ dưới lên có viết:
“Cà phê Ireland – chỉ cung cấp vào buổi tối sau 12 giờ.”
Tôi vô cùng hiếu kỳ, vì vậy bèn đổi giọng:
“Cà phê Ireland.”
Cô gái như kinh ngạc, sau đó vui vẻ nói:
"Good choice."
Câu nói này lại càng làm dậy lên lòng hiếu kỳ trong tôi, tôi nhìn theo bóng cô đi vào quầy bar.
Cô gái nhẹ nhàng kéo tay áo, đẩy đẩy kính mắt, tay phải vén một cụm tóc ra sau tai.
Cô cẩn thận lấy một cái cốc tựa như cốc uống rượu nho từ trong chỗ để chén trên quầy bar.
Sau đó cầm một bình rượu, đổ chút rượu vào, rượu có màu hổ phách.
Tôi gọi cà phê cơ mà, cô ta không hiểu tiếng Trung hay sao?
Cô gái đột nhiên ngẩng đầu cười với tôi một cái, khiến kẻ đối diện đang nghi ngờ là tôi thầm xấu hổ.
Đành phải chuyển ánh mắt trở lại bức họa chàng trai trung niên kia, đúng là một người rất tuấn tú.
Nếu như đời này tôi cố gắng một chút, tích chút công đức, kiếp sau chắc hẳn cũng sẽ có cái túi da tốt như anh ta.
Có điều, đàn ông con trai tốt mã thường chẳng hạnh phúc, về điểm này mà nói, tôi có thể coi là người rất hạnh phúc.
Vách tường rất sạch sẽ, ngoại trừ tranh và thơ ra, không có nhiều vật trang trí.
Giấy dán tường có màu vàng như bùn đất khô ráo, chỉ hơi nhạt hơn một chút.
Trên đó phủ đầy những hình ba chiếc lá màu xanh lục, hai bên tường đều như vậy.
“Tiên sinh, cà phê Ireland của ngài đây.”
Nữ phục vụ đặt một miếng giấy lót hình tròn xuống, trên tấm giấy lót này cũng có hình ba chiếc lá màu xanh lục.
Cô gái cẩn thận từng chút từng chút một cầm cốc cà phê trên khay, đặt lên trên tấm giấy lót.
“Xin đừng khuấy lên! Hơn nữa cần uống khi còn nóng. Có điều phải cẩn thận kẻo bỏng miệng.”
Cô gái mỉm cười dặn dò, thu khay vào nách trái.
Tôi ngây ra một lúc, trước khi tôi mở miệng định hỏi vì sao, cô gái lại dặn:
“Nhớ kỹ đấy.”
Thật ra cô gái vốn không cần dặn, bởi vì cô ấy đâu có cho tôi thìa hay cái gì để khuấy.
Tôi cũng chẳng ngốc tới mức lè lưỡi ra để khuấy .
Tôi nhìn kỹ cốc cà phê này, quả nhiên là dùng cốc tương tự cốc uống rượu nho để đựng.
Chỉ có điều quai cốc thấp hơn, thân cốc cũng tương đối lớn.
Đây là cốc pha lê, không phải cốc cà phê bằng gốm sứ bình thường.
Thân cốc cũng in ba chiếc lá màu xanh lục, cũng viết rõ ràng: “Irish Coffee" .
Tôi nghĩ đây hẳn là cốc chuyên dụng cho cà phê Ireland.
Điểm đặc biệt nhất là có hai vệt kim tuyến, một cái tới gần đáy cốc, một cái khác ở cạnh rìa cốc.
Cà phê vừa vặn tiếp xúc với vệt bên trên, nổi trên nó là một tầng kem tươi dày đặc.
Tôi nhấc cốc “rượu” lên, cà phê nóng ấm xen lẫn một mùi hương kỳ lạ.
Xuyên qua lớp kem tươi lạnh lẽo, cà phê không còn nóng tới bỏng miệng, từ từ chảy xuống họng.
Không bao lâu sau, cảm giác ấm áp đã từ trong bụng tỏa khắp toàn thân.
Không sai, là tác dụng của rượu.
Hương bản thân cà phê thêm vào hương rượu, sinh ra mùi hương đặc biệt.
Cà phê bình thường pha thêm rượu ngon, bạn vẫn có thể dễ dàng phân biệt được hai thứ vị hoàn toàn khác nhau này.
Song cà phê Ireland lại dung hợp hai hương vị đó một cách xảo diệu, khiến bạn không cách nào phân biệt được là trong cà phê có rượu?
Hay là trong rượu có cà phê?
Uống chén cà phê này, mọi ẩm ướt lạnh lẽo trên người đều như tan biến, cảm giác ấm áp say sưa dâng lên trong lòng.
Ấm áp chẳng khác nào đêm đông vừa rắm rửa xong chui người vào chăn ấm.
Trong buổi tối giá lạnh và ướt át, cảm giác ấm áp là một món đồ xa xỉ, vô cùng đáng quý.
Chỉ là một chén cà phê thôi! Lại khiến tôi cảm thấy cuộc sống như vậy cũng đã đủ rồi, không cần tốt đẹp gì thêm nữa.
Tôi không khỏi cảm kích cô gái pha cà phê trong quầy bar kia, cả người đã phát minh ra cà phê Ireland này.
Đôi tình nhân tuổi tác không cân xứng kia vừa vặn đứng dậy tính tiền, dắt tay nhau chuẩn bị rời khỏi.
Chiều cao của họ cũng không cân xứng, nam cần cúi đầu mới ra khỏi quán này, nữ có nhảy đến chết cũng chẳng chạm tới xà cửa.
Vừa rồi cũng quên không chú ý tới thời gian đóng cửa của quán, vì vậy tôi nghĩ có lẽ mình cũng nên đi?
Mặc dù vẫn còn chìm đắm trong cảm giác ấm áp này, mặc dù bên ngoài mưa lại rơi, mặc dù còn cách thời gian ngồi xe một lúc, tôi vẫn đi về phía quầy bar.
“Anh ngồi thêm một lát nữa đi. Bên ngoài hình như lại bắt đầu mưa rồi, anh sẽ ướt mất.”
Cô gái rửa rửa chiếc cốc, quay đầu lại nhẹ nhàng nói.
“Không phải sắp đóng cửa rồi sao?”
“Hai giờ rưỡi mới đóng cửa, còn một giờ nữa.”
“Ừm, cảm ơn. Hy vọng không làm phiền cô.”
“Mặc dù cà phê có giá, nhưng thời gian ngồi ở đây lại không cần trả tiền.”
Cô gái rửa xong chiếc cốc, lau khô bàn tay, cười nói: “Không đúng sao?”
Tôi ngồi ở rìa quầy bar, cầm một tấm danh thiếp của quán, xem kỹ một lượt.
“Anh không phải người Đài Bắc đúng không?”
“Sao cô biết?”
“Đài Bắc mấy ngày nay thường có mưa, nhưng anh ra ngoài lại không mang ô, cho nên anh hẳn không phải người Đài Bắc.”
Trong lời nói của cô gái lộ vẻ tự tin.
“Có thể tôi lái xe. Có thể tôi để xe ở ngoài đầu ngõ, sau đó đi vào.”
“Từ đầu ngõ vào tới đây, cả đi cả về mất tầm sáu phút. Vì sao anh không bung dù?”
“Vì tôi lười, hơn nữa mưa cũng rất nhỏ.”
“Đối với người khác mà nói, có thể có khả năng này, nhưng anh thì khác.”
Cô gái cũng ngồi xuống trong quầy bar, khuỷu tay chống lên quầy, hai tay áp má, mỉm cười nhìn tôi.
“Hả? Vì sao?”
“Anh sẽ không mạo hiểm sáu phút có khả năng dính mưa, bởi vì anh là người cẩn thận và chu đáo.”
“Cẩn thận? Chu đáo?”
Xem ra không chỉ cà phê Ireland làm dấy lên lòng hiếu kỳ của tôi, ngay cả cô gái này cũng vậy.
“Trước khi anh vào cửa đã xem trước chữ trên cánh cửa. Thấy chữ ‘đẩy cửa’ anh mới đẩy cửa đi vào.”
Cô gái làm động tác đẩy cửa như đánh Thái Cực quyền.
“Sau khi vào, anh lại nhẹ nhàng đóng cửa lại, cho nên anh rất chu đáo.”
“Sau đó thì sao?” Tôi mỉm cười hỏi lại. Đây là lần đầu tiên tôi nở nụ cười sau khi không lên được máy bay.
“Bên rìa quầy bar có bốn chỗ, anh đi một mình nhưng lại không chọn bên rìa quầy bar.”
“Người đi một mình không nhất định sẽ chọn rìa quầy bar.” Tôi mỉm cười kháng nghị.
“Đây có thể coi là giả thuyết lớn nhất của tôi. Tôi đoán anh vì lần đầu tiên đến, còn rất xa lạ đối với hoàn cảnh và tôi.”
Cô gái chỉ vào chỗ ngồi vừa rồi của tôi: “Vì vậy anh chọn chỗ an toàn nhất, cách xa quầy bar nhất.”
Cô vừa cười vừa nói tiếp: “Cái này gọi là cẩn thận.”
“Có lẽ tôi chỉ tùy tiện chọn một chỗ.”
“Thế nhưng anh lại ngồi ở vị trí gần cửa nhất, hơn nữa quay mặt về phía quầy bar, đây chẳng lẽ không phải là cẩn thận và chu đáo?”
“Cái này có liên quan gì tới cẩn thận với chu đáo?”
“Có chứ! Như vậy anh có thể thấy quầy bar có cháy hay không, sau đó trốn ra trong thời gian nhanh nhất!”
Sau khi cô nói xong, cả hai rốt cuộc đều không nhịn nổi, đồng thời nở nụ cười.
“Khả năng quan sát của cô thật nhạy cảm.” Tôi ngừng cười trước.
“Tôi cũng chỉ nói nhảm thôi.” Cô gái cũng nhịn cười, rồi nói tiếp:
“Thật ra lúc tôi hỏi câu ‘anh không phải người Đài Bắc’, câu trả lời ‘sao cô biết’ của anh đã để lộ rồi.”
Nói xong, cô gái lại cười.
“Dẫu sao cô có thể phân tích được như vậy cũng rất giỏi rồi.”
“Chẳng có cách nào, đợi lâu ở quầy bar, rốt cuộc cũng sẽ thành thói quen quan sát khách hàng.”
Cô lại ngắm nghía tôi: “Đây là lần đầu tiên anh uống cà phê Ireland?”
“Sao cô biết?” Tôi lại để lộ chuyện,
“Khi anh xem menu, trong số 20 loại cà phê, lại chọn loại thứ ba từ dưới lên.”
“Vậy thì sao?”
“Đó là vị trí người ta ít chú ý nhất đấy.”
“Ừm. Tôi quả nhiên là người cẩn thận và chu đáo.”
Tôi bắt đầu học ngữ điệu của cô, câu đùa này khiến cô cười hi hi hai tiếng.
“Vốn tôi nghĩ anh từng uống cà phê Ireland, nhưng khi tôi thêm rượu whisky anh lại lộ vẻ kinh ngạc.”
“Vì thế…” Cô kéo dài âm cuối, chỉ vào tôi nói: “Anh chưa từng uống cà phê Ireland.”
“Hóa ra là rượu whisky.” Rốt cuộc tôi cũng hiểu ra.
“Cà phê Ireland tôi pha uống có ngon không?”
“Rất rất ngon, cám ơn cô. Thật đấy.”
“Anh biết không? Cà phê tôi thích nhất chính là cà phê Ireland.”
“Hả, trùng hợp vậy sao?”
“Còn có thứ trùng hợp hơn cơ. Tôi mở quán đã ba tháng, anh là người đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Quán này do cô mở? Cô là chủ ở đây?”
“Đúng vậy. Buổi tối trước 12 giờ tôi có thuê một học sinh vừa học vừa làm, sau mười hai giờ thì chỉ còn mình tôi.”
“Vậy vì sao sau 12 giờ mới bán cà phê Ireland?”
“Vì pha cà phê Ireland cần hết sức chăm chú. Sau mười hai giờ ít khách tôi mới có thể chuyên tâm pha được.”
“Hết sức chăm chú?” Tôi rất khó tưởng tượng pha cà phê lại cần hết sức chăm chú.
Trước đây bạn học xay hạt cà phê, sau đó cho thêm nước, bật điện, rồi có thể vắt chéo chân ngồi đợi.
“Ừm. Lần sau khi anh tới tôi sẽ pha cho anh xem.”
“Ừ.”
Tôi không biết còn có lần sau không, chẳng lẽ lại bỏ qua một chuyến máy bay nữa?”
“Cám ơn cô đã cho tôi uống một tách cà phê ngon đến vậy.”
Tôi đứng dậy, ngắm nghía biển hiệu, cũng là lúc cô nên đóng cửa rồi.
“Anh là người khách đầu tiên chọn cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Cái này… cái này thật không tiện.”
“Không sao. Hoan nghênh anh tới lại tới.”
Tôi đem tấm danh thiếp vẫn cầm trong tay lên, liếc mắt nhìn, chuẩn bị cho vào trong ví da.
“Yeats” là tên quán rất đặc biệt, chủ quán cũng là một cô gái rất đặc biệt.
Yeats. . . Yeats... . . . A? Tôi không khỏi thấp giọng kêu lên:
“Yeats à! Nhà thơ tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, cũng là nhà văn học, nhà cách mạng Ireland.”
“Ha ha, rốt cuộc anh cũng nhận ra.”
Bức tranh người con trai trung niên trên tường đương nhiên là Yeats, câu thơ trên tường bên phải hẳn cũng là của ông ấy.
Màu xanh lá là màu đại biểu của dân tộc Ireland, thảo nào quán này đầy màu xanh.
Còn ba chiếc lá cây màu xanh lục tất nhiên là cỏ ba lá tượng trưng của Ireland.
“Tôi rất có cảm tình với Ireland, Yeats cũng là nhà thơ mà tôi thích nhất.”
Cô ngước mắt nhìn lên bức họa trên tường, rồi lại chuyển ánh mắt sang bức tường bên phải:
“Ánh mắt lạnh lùng. Thấy sinh, thấy tử. Kỵ sĩ, tiến lên!”
Cô dường như đang thả hồn về đảo Irelanhd xanh đậm như phỉ thúy.
Tôi cầm lấy cặp công tác, mở cửa, chuẩn bị đáp xe trở về Đài Nam.
“Hết mưa rồi sao?”
“Ừ, chăc là hết rồi.”
“Anh làm sao về đây?”
“Ngồi taxi đến đường Thừa Đức, sau đó đáp chuyến xe đêm về Đài Nam.”
“Anh vừa uống cà phê Ireland, trên xe ngủ sẽ rất ngon.”
“Hy vọng như vậy.” Tôi vẫy tay với cô: “Bye-bye.”
"Bye-Bye. Đi đường cẩn thận."
Đúng như cô nói, tôi đang hơi lâng lâng, vừa lên xe đã ngủ thiếp đi.
Hôm sau đi làm, khóe miệng dường như vẫn còn lưu lại hương vị và hơi ấm của cà phê Ireland.
Tôi hơi nghi ngờ, liệu cảm giác ấm áp này có phải cũng tới từ cô gái đó không?
Vì vậy, sau khi tan tầm, tôi đến một quán cà phê cũng khá nổi tiếng ở Đài Nam, tìm cà phê Ireland.
Bầu không khí và âm nhạc mà quán cà phê này bày biện lộ vẻ cao cấp, đương nhiên giá cả cũng vậy.
Thế nhưng, khi người ta bưng cà phê Ireland lên, tôi hoàn toàn thất vọng.
Đây là cốc cà phê bằng gốm sứ bình thường! Hơn nữa còn đưa thêm cả thìa nhỏ để khuấy .
Cho dù thân cốc trạm trổ hoa văn vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, không khác gì một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.
Nó vẫn kém xa cốc cà phê Ireland đơn giản và cổ xưa.
Tôi uống hớp đầu tiên, lại càng khó chịu.
Rượu vẫn là rượu, cà phê vẫn là cà phê, pha lẫn vào nhau, rượu vẫn còn là rượu, cà phê vẫn còn là cà phê.
Vị rượu quá đắng, cà phê quá nhạt, đường trong lớp kem đủ mọi màu sắc nổi bên trên làm cho miệng có vị ngọt.
Đây đâu phải cà phê Ireland! Tôi gào lên trong lòng.
Cốc cà phê này dù được chứa trong chiếc chén hoa lệ, được bao phủ trong bầu không khí ưu nhã, nó vẫn không phải cà phê Ireland.
Tính ra, cứ coi nó như cà phê bình thường pha thêm rượu ngon là được.
Ấm áp sao? Khoản tiền tôi phải trả sẽ khiến chủ quán cà phê này cảm thấy ấm áp.
Sau đó tới mấy quán cà phê khác, tình hình còn thảm hại hơn.
Cho dù tôi có chu đáo cẩn thận tới mức nào cũng chẳng phát hiện ra cà phê Ireland trong menu.
Tôi đột nhiên cảm thấy nhớ sự ấm áp mà cốc cà phê Ireland cùng cô gái kia tạo ra.
Tôi như hiểu ra, giá trị của cà phê hẳn tới từ chính bản thân nó cùng sự chú đáo chuyên chú của người pha.
Mà không phải do những thứ đồ dùng tinh xảo quý giá.
Thứ năm tới rồi, cuộc họp ở Đài Bắc kết thúc, mới chưa tới bảy giờ.
Trước khi máy bay cất cánh, ngồi hai quán cà phê liền, vẫn không tìm đuợc cà phê Ireland.
Nếu đúng như cô ấy nói, tôi là người chu đáo cẩn thận, vậy tôi chắc hẳn sẽ không làm việc gì điên rồ.
Tôi sẽ không vì cà phê Ireland mà cố ý bỏ chuyến bay.
Đúng vậy, cô ấy nói đúng.
Hai tuần liên tục, tôi đều đáp máy bay về Đài Nam trong tình trạng không có cà phê Ireland.
Khi tuần thứ ba tới thì cũng đã là tháng 11, buổi tối ở Đài Bắc bắt đầu lạnh dần.
Khi tôi chuẩn bị bỏ tiền ra mua vé ở sân bay, tấm thiệp “Yeats” rớt ra.
Đột nhiên nhớ tới câu thơ tưởng niệm Yeats của nhà thơ người Anh Auden: “Ireland điên cuồng sẽ làm tổn thương bạn thành thơ.”
Yeats, Ireland, cà phê Ireland, cô gái pha cà phê Ireland, đều là thơ.
Tôi quyết định không làm người cẩn thận chu đáo nữa, đêm nay sẽ lưu lại tìm kiếm hơi ấm của cà phê Ireland.
Cũng như lần trước, đầu tiên giết thời gian ở Thành Phẩm.
Lật xong cuốn tiểu thuyết rất lưu hành trên mạng “Lần đầu bên nhau”.
Tác giả Bĩ Tử Thái đúng là một tên vớ vẩn, tôi sẽ không phí tiền mua sách để gã kiếm nhuận bút.
Sắp tới 12 giờ, theo địa chỉ trên danh thiếp, tới “Yeats”.
Tôi đẩy cửa ra, không quay đầu lại, trực tiếp đi tới rìa quầy bar, ngồi xuống.
Cô gái cứ mỉm cười nhìn tôi, ngay cả câu “chào mừng quý khách” cũng không kịp nói.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Cô gái không đưa menu ra, chúng tôi hoàn thành đoạn đối thoại này rất ăn ý.
“Anh phải chú ý xem đấy.”
Cô gái lấy chiếc cốc chuyên pha cà phê Ireland ra đặt lên bàn, sau đó chọn hạt cà phê.
“Cà phê Ireland không quy định phải dùng loại hạt cà phê gì, tôi cảm thấy Lam Sơn hay Mandheling đều được. Có điều Mandheling là tốt nhất, hơn nữa phải nồng một chút. Đó là kinh nghiệm của tôi.”
Cô gái giảng giải rất tỉ mỉ, tôi thì như học sinh ngoan chuyên chú nghe giảng, chỉ thiếu mỗi nước ghi chép lại thôi.
“Espresso tuy đậm đà nhưng lại không thích hợp, dùng nó sẽ khiến màu sắc của cà phê Ireland có hơi vẩn đục, hơn nữa hương vị cũng sẽ kém đi.”
Cô vừa pha cà phê, vừa lấy bình rượu whisky ra, từ từ đổ rượu whisky vào cốc cà phê Ireland.
Vừa vặn chạm vào sợi viền vàng kim ở gần đáy cốc.
Thần sắc chuyên chú cẩn thận của cô khiến tôi liên tưởng tới thí nghiệm hóa học đổ axit sunfuric đặc vào trong cốc chịu nóng hồi cấp ba.
"Rượu whisky nhất định phải dùng rượu whisky Ireland."
“Vì sao” Rốt cuộc tôi cũng không nén nổi lòng hiếu kỳ.
“Cà phe Ireland sao dùng loại whisky khác được? Làm vậy khác nào tên không như thật.”
“Chỉ vì nguyên nhân này?”
“Anh quả nhiên là người chu đáo cẩn thận. Ừ, đáng được vỗ tay.”
Cô vỗ tay ba cái rồi nói tiếp:
“Nguyên nhân quan trọng nhất đương nhiên không phải là nó rồi.”
“Rượu whisky bình thường sẽ ám mùi khói than, ví dụ như rượu whisky Scotland nổi tiếng nhất. Nhưng loại vị khói than này khi pha cùng với cà phê sẽ làm mất hương thơm của cà phê.”
Cô ngừng lại, khóe miệng như cười mà chẳng phải cười, nhìn tôi.
“Sao vậy? Sao cô đột nhiên ngừng nói?”
“Anh là người cẩn thận chu đáo cơ mà, hẳn là muốn hỏi tiếp ‘vì sao’ chứ.”
“Được.” Tôi cảm thấy vui vui, bèn hỏi: “Vì sao lại có vị khói?”
“Good question. Vì nguyên liệu chủ yếu của rượu whisky là lúa mạch, qua hai lần cất mới được. Trong quá trình cất rượu, để lúa mạch khô ráo, người ta sẽ dùng than bùn để xông.
Vì vậy trong rượu thường ám vị khói.”
“Rượu whisky Ireland không như vậy, nó chỉ có hương lúa mạch nồng hơn chứ không có vị khói.”
Cô cầm một chén rượu khác, rót chút rượu whisky Ireland, đưa cho tôi.
“Vị rượu mặc dù nhạt hơn, song hương rượu lại đậm đà. Khi kết hợp với cà phê, hương vị càng thêm mê người.
Tôi uống một ngụm, vị rất ôn hòa, sức rượu cũng vô cùng nhu thuận.
“Thực ra chữ ‘whisky’ này cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Irleland, có nghĩa là ‘nước sinh mệnh’. Bắt đầu từ thế kỷ 12, người Ireland dùng ngũ cốc để cất rượu.
Sau này truyền tới Scotland mới từ từ hình thành nên rượu whisky hiện nay.”
Tiếp đó cô lấy ra một cái giá để cốc bằng đồng, để cốc cà phê Ireland xuống, nghiêng một góc 45 độ.
Bên dưới thân cốc có một ngọn đèn cồn nho nho nhỏ.
Cho hai muỗng cà phê đường nâu nâu vào trong rượu whisky, đốt cồn, dùng ngọn lửa nhỏ từ từ tăng nhiệt độ của rượu whisky lên.
Chiếc cố được xoay tròn khiến cốc nóng đều, cũng khiến đường hòa tan vào trong rượu whisky.
Trong quá trình đun, cô luôn chú tâm, không dám sơ ý chút nào.
Trước khi rượu whisky trong cốc sôi lên, cô nhanh chóng lấy cốc ra, dập tắt đèn cồn.
Rồi lại đổ vào đó cà phê Mandheling vừa được pha, vẫn còn nóng tới vệt vàng kim thứ hai ở gần miệng cốc.
Thấy rõ cà phê vừa vặn chạm vào vệt vàng kim thứ hai, cô mới thở phào một hơi, lau lau cái trán.
Sau đó lấy kem tươi từ trong tủ lạnh ra, đánh xốp lên, từ từ đổ lên trên cà phê, tới khi cao xấp xỉ với miệng cốc.
“Tiên sinh, cà phê Ireland của ngài đây.” Cô đưa cốc cà phê Ireland tới trước mặt tôi, cười nói:
“Xin đừng khuấy lên! Hơn nữa cần uống khi còn nóng. Có điều phải cẩn thận kẻo bỏng miệng.”
Tôi lẳng lặng nhìn cốc cà phê Ireland này, không khỏi nhớ lại buổi tối chật vật ba tuần trước.
Khi đó cô cũng nhiệt tình pha cà phê Ireland như vậy.
Quảng cáo thẻ Hoa Hồng của ngân hàng Đài Tân quả không sai, “Phụ nữ nhiệt tình là xinh đẹp nhất.”
Cà phê Ireland quả thực rất ấm áp, còn chưa uống đã cảm nhận được sự ân cần của người pha.
“Này, uống nhanh đi. Nếu không kem tươi bị hòa tan, màu sắc của cà phê sẽ xấu đi đấy.”
Cô gái ôn nhu thúc giục.
Tôi từ từ uống hết cốc cà phê Ireland này, cô vẫn yên lặng nhìn.
Tới khi từ khuôn mặt tới bên tai đều nóng lên, tôi lại nhớ lại cảm giác ấm áp ba tuần trước.
“Không ngờ pha một cốc cà phê Ireland lại tốn nhiều thời gian như vậy.”
“Thật ra có thể đơn giản hơn một chút. Rất nhiều quán cà phê để tiết kiệm thời gian và nghĩ tới chuyện an toàn sẽ cho nước nóng vào trong cốc cà phê Ireland trước rồi mới cho thêm rượu whisky, đường, hạt cà phê, sau đó nhẹ nhàng khuấy lên. Cuối cùng đổ kem tươi lên trên là được.”
“Vậy sao cô không làm vậy?”
“Tuy rằng khi đun cốc sẽ có khả năng cốc cà phê Ireland vỡ gây ra nguy hiểm, hơn nữa lại tốn thời gian…” Ánh mắt cô sáng lên, nói rất nghiêm chỉnh:
“Có điều cách pha đơn giản kia lại thiếu đi sự nhiệt tình và kiên trì của người pha đối với cà phê. Cà phê tất nhiên có giá, nhưng sự nhiệt tình và kiên trì của người pha cà phê đối với cà phê lại không thể dùng những con số để đong đếm được.”
“Vậy nếu tôi là người chu đáo và cẩn thận thì cô là người kiên trì và nhiệt tình rồi.”
“Coi như vậy đi.” Cô vừa cười vừa đáp.
“Cô pha nhiệt tình cà phê, tôi chu đáo thưởng thức. Có thể coi là không chê vào đâu được rồi.”
“Tôi kiên trì pha cà phê Ireland chân chính, anh cẩn thận lưu ý giúp tôi xem quầy bar có cháy hay không…”
Cô cười lên giòn giã. “Bọn mình thế này gọi là hợp tác chặt chẽ.”
Cách cái quầy bar, tôi với cô cứ thế chuyện trò.
Tôi kể cho cô về công việc của tôi, cả lý do mà mỗi thứ 5 đều phải tới Đài Bắc.
“Vậy tuần trước với tuần trước nữa sao lại không tới?”
“Tôi cho rằng cà phê Ireland ở đâu cũng uống được.”
“Kết quả ra sao?”
“Đương nhiên tôi thất vọng rồi.”
Chúng tôi cùng cười, chỉ cách nhau khoảng cách bằng một chén cà phê Ireland.
“Ừm, tôi cũng nên đi xe rồi. Cám ơn hôm nay cô đã chiêu đãi.”
“Anh là vị khách đầu tiên xem tôi pha cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Ấy? Vậy không được. Lần trước cô cũng kiên quyết mời khách rồi.”
“Tôi là chủ đấy, tôi đã nói vậy là vậy.”
“Vậy… Được rồi.”
“Anh có muốn biết vì sao rất khó tìm được quán cà phê có cà phê Ireland không?”
“Đương nhiên là muốn rồi.”
“Lần sau anh tới tôi sẽ lại kể cho anh.”
“Lần sau tôi tới cô không thể lại mời khách nữa đâu đấy.”
“Anh nói rồi đấy nhé! Anh sẽ lại tới.”
“Ừ.”
Chương 2
Từ đó về sau, mỗi lần họp ở Đài Bắc xong tôi đều cố ý tìm bạn bè ăn một bữa cơm.
Khi tới 12 giờ, lại đến “Yeats”.
Đẩy cửa quán ra, tôi nhất đính sẽ ngồi thẳng vào rìa quầy bar.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Thi thoảng cô còn có khách, bọn họ luôn kinh ngạc nhìn tôi với cô ăn ý không cần có menu.
“Vì sao lại rất khó tìm được quán cà phê có cà phê Ireland?”
Tôi rốt cuộc cũng mang câu hỏi từ tuần trước ra hỏi thẳng cô.
“Bởi vì cà phe Ireland có thể coi là rượu cocktail, thế nên dễ thấy được trong quán bar hơn.”
“Không thể nào? Cà phê Ireland là rượu cocktail?”
“Cà phê Ireland phải thêm rượu whisky, vì vậy có thể coi nó là rượu cocktail được pha với rượu whisky là cơ sở.”
“Loại rượu cocktail này rất đặc biệt.”
“Ừ, đúng. Cho dù cà phê Ireland bị coi như rượu cocktail, nó vẫn rất đặc biệt, vì nó là rượu cocktail cần uống khi còn nóng.
Cà phê Ireland vô cùng thích hợp để uống một mình vào buổi tối vắng vẻ lạnh lẽo.”
“Đúng rồi, tôi luôn thắc mắc, vì sao cô lại thích Ireland tới vậy?”
Cô gái bỏ cặp kính xuống: “Anh nhìn mắt tôi đi.”
“Cô đang chơi trò thôi miên sao?”
“Không phải! Anh nhìn kỹ xem con mắt của tôi có gì khác mắt người thường?”
Tôi chăm chú nhìn hai mắt cô, mắt hai mí, màu sắc con ngươi nhạt hơn so với người Đài Loan, hốc mắt hình như cũng khá sâu.
“Tôi có một phần tư dòng máu Ireland.”
Nói thật lòng, tôi không nhìn ra. Hơn nữa tôi cũng không tiện tiến sát hơn để quan sát.
“Đã thấy chưa? Con ngươi của tôi có một chút màu xanh lá.”
“Ra là thế. Hèn chi tôi thấy thảo nguyên Ireland xanh biếc trong mắt cô.”
“Nói phét.” Cô cười một tiếng: “Anh có biết về Ireland không?”
“Tôi không rõ lắm. Tôi chỉ biết quân cộng hòa Ireland là tổ chức khủng bố thường lên tin tức quốc tế.”
“Người Ireland tôn trọng tự do, bắc Ireland muốn thoát khỏi sự thống trị của nước Anh, cách làm khó tránh khỏi cực đoan.”
Cô gẩy gẩy mái tóc, lại đeo cặp kính gọng tím của mình lên:
“Anh biết không? Thật ra Đài Loan rất giống Ireland.”
“Rất giống? Không thể nào. Đài Loan đâu có tổ chức quân cộng hòa Đài Loan.”
“Tôi không nói đến cái đó. Ireland cũng không lớn, cho dù tính cả bắc Ireland bị nước Anh khống chế cũng chỉ lớn gấp hai lần Đài Loan. Ireland cũng được coi là đảo quốc, nước mưa dồi dào, trong nước đồng cỏ xanh biếc, được gọi là đảo ngọc bích(Emerald Isle), giống như trước đây Đài Loan được gọi là hòn đảo tươi đẹp(Formosa).”
“Nửa sau thế trỉ 12, người Anh bắt đầu đàn áp thống trị Ireland, tới năm 1922 Ireland mới thoát khỏi ách thống trị bảy trăm năm của nước Anh, trở thành bang tự do. Năm 1946 thành lập nước cộng hòa, có điều không bao gồm bắc Ireland. Trong quá trình độc lập, dựng nước của Ireland, văn hóa phục hưng Ireland đóng vai trò vô cùng quan trọng, mà linh hồn của văn hóa phục hưng Ireland chính là Yeats.”
“Vì vậy nên cô mới thích Yeats tới vậy? Thậm chí cả tên quán cũng đặt là Yeats?”
“Ừ. Tôi cũng thích cà phê Ireland vì vậy, nó tượng trưng cho tự do và khoan dung.”
"Tự do? Khoan dung?"
“Cà phê Ireland có thể đại biểu cho tinh thần truy tìm tự do của người Ireland. Mặt khác nó có thể kết hợp hai loại thức uống hoàn toàn bất đồng là rượu whisky và cà phê, đó chẳng phải biểu hiện của khoan dung sao? Thêm nữa, càng thú vị hơn là cà phê Ireland vậy mà lại là thức uống được yêu thích nhất của người Anh!”
“Như vậy cà phê Ireland, rốt cuộc là cà phê? Hay là rượu cocktail?”
“Dù là cà phê hay rượu cocktail vẫn là Ireland. Cà phê Ireland không quan tâm bị phân thành loại đồ uống gì, giá trị của cà phê Ireland sẽ không vì sự phân loại khác nhau mà thay đổi. Vì nếu không có lòng tôn trọng tự do và sự bao dung vô bờ, sẽ không có cà phê Ireland.”
Cô rót chút nước cho tôi rồi nói tiếp:
“Cũng như người sống ở Đài Loan, cho dù bị phân ra làm người nội thành hay ngoại tỉnh, vẫn đều là người Đài Loan.”
Tôi như bị điện giật, suy nghĩ lại tỉ mỉ thâm ý trong lời nói của cô.
Nếu Đài Loan tương tự như Ireland, có thể vì sự tự do và khoan dung, dung hợp cà phê và rượu whisky, sinh ra cà phê Ireland.
Hơn nữa không quan tâm rốt cuộc bị phân thành cà phê hay rượu rượu cocktail.
Đài Loan vì sao lại cố chấp, muốn phân biệt rõ khoai lang với khoai môn chứ?
Có lẽ cô cũng không có ý rộng như vậy, vì cô chỉ là người pha cà phê trong quầy bar.
Nếu nhiều học giả cùng chính trị gia vĩ đại ở Đài Loan đều không giải thích được đạo lý này, vậy một cô gái mở quán cà phê như cô với một dân đen chỉ biết đào cống như tôi làm sao hiểu được.
Hương vị của cà phê Ireland từ từ rút đi, tôi nhìn đồng hồ, bất đắc dĩ đứng dậy nói:
“Lại phải ngồi xe rồi.”
“Anh là người khách đầu tiên biết tôi có dòng máu Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Chị cả ơi, chị lại bắt đầu rồi.”
“Ha ha… Không có chuyện gì đừng gọi tôi chị cả. Nói chung, cứ vậy đi.”
“Nhưng…” Cô xua xua tay, không cho tôi nói tiếp.
“Anh có muốn biết câu chuyện về cà phê Ireland không?”
“Đương nhiên muốn.”
Tôi đột nhiên cảm thấy cô như cô gái kể chuyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”.
“Lần sau anh tới tôi sẽ lại kể cho anh.”
“Tôi biết ngay cô sẽ nói vậy mà.”
Cuộc sống là thứ vô cùng kỳ quặc, kỳ quặc tới mức không ngờ có thể thay đổi phong cách vẽ của tôi.
Vì trước kia tôi luôn vẽ ngón tay giữa lên ngày thứ 5 trong quyển lịch làm việc.
Còn bây giờ tôi lại vẽ ngón tay cái.
Dần dần, tôi không hiểu nổi vì thích cà phê Ireland mà lưu lại Đài Bắc?
Hay là vì cô gái kia?
Tôi chỉ biết uống một cốc cà phê Ireland ở “Yeats” là mong chờ duy nhất của tôi trong cuộc sống bình thường này.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Hôm nay anh đến sớm nửa tiếng.”
“Vì tôi muốn nghe câu chuyện về cà phê Ireland tới không chờ nổi.”
“Phải nói trước, câu chuyện này chỉ là chuyện kể, anh đừng quá coi là thật.”
“Ừ. Kể đi.”
“Về cà phê Ireland, còn có một câu chuyện tình yêu lãng mạn.”
“Cô đừng lãng phí chiều dài của tiểu thuyết, mau kể đi.”
“Ha ha, anh đừng nóng ruột. Anh có muốn biết nguyên nhân khiến cà phê Ireland nổi tiếng thế giới không?”
Cô ngừng lại, cầm chiếc khăn lên lau lau quầy bar.
Cô nàng này, xem ra nếu tôi không đóng vai người nghe hiếu kỳ, cô ta sẽ cố ý ngừng nói.
“Muốn chứ. Vì sao nào?”
“Anh biết cà phê Ireland do ai phát minh ra không?” Cô nàng lại bắt đầu lau quầy.
“Chị cả, chị tha cho em đi. Mau kể chuyện về cà phê Ireland đi.”
“Có người nói, người phát minh ra cà phê Ireland là bartender ở sân bay Berlin. Bởi vì máy bay bay ngang qua Đại Tây Dương thường nghỉ lại tại sân bay này. Hành khách khi xuống máy bay nghỉ ngơi rất thích uống cà phê Ireland, vì vậy nên nó theo các chuyến bay truyền khắp mọi nơi trên thế giới.”
“Ừm.”
“Vậy anh có biết vì sao bartender đó lại phát minh ra cà phê Ireland không? Ừm… quầy bar lại bẩn rồi.”
“Xin cô đừng lau quầy nữa.”
“Ha ha… Bartender đó chế ra là vì một tiếp viên hàng không xinh đẹp.”
“Vậy cô ấy nhất định không phải tiếp viên hàng không của hãng hàng không Trường Vinh rồi.”
“Anh lại nói bậy rồi. Tôi có một người bạn làm tiếp viên hàng không cho hãng Trường Vinh, cô ấy cũng xinh đẹp lắm chứ.”
“Có nguyên tắc cũng sẽ có ngoại lệ, cô không thể vơ đũa cả nắm được. Sau đó thì sao?”
“Bartender ở sân bay Berlin gặp cô gái này, có thể là vừa thấy đã yêu, bartender vô cùng yêu cô tiếp viên hàng không. Anh cảm thấy cô ấy như rượu whisky Ireland, nồng nàn mà thuần khiết. Thế nhưng, mỗi lần tới quầy bar, cô luôn theo tâm tình mà chọn loại cà phê khác nhau, chẳng bao giờ gọi rượu cocktail.”
“Vì sao lại phải gọi rượu cocktail?”
“Bartender này giỏi pha chế rượu cocktail, anh ta rất hy vọng cô có thể uống một chén rượu cocktail do mình tự tay pha chế. Sau đó, anh ta nghĩ ra một cách, đem cô gái như rượu whisky mà anh yêu kết hợp với cà phê, trở thành một loại đồ uống mới, rồi đặt tên nó là cà phê Ireland, đưa vào trong menu, mong rằng cô gái có thể phát hiện ra.”
“Chỉ tiếc là cô gái này không giống anh, cô không phải người cẩn thận chu đáo, vì vậy mãi không phát hiện ra cà phê Ireland. Bartender cũng chẳng bao giờ nhắc cô, chỉ làm việc của mình sau quầy bar rồi lại đợi cô gái cứ cách một khoảng thời gian lại tới. Tiếp đó, rốt cuộc cô gái cũng phát hiện ra cà phê Ireland, đồng thời chọn nó. Ừm, tôi nói xong rồi.”
“Chỉ đơn giản như vậy thôi?”
“Đơn giản? Anh có biết bartender đó đã mất bao nhiêu tâm huyết mới sáng tạo ra cà phê Ireland không?”
“Về cơ bản, muốn hoàn toàn dung hợp rượu whisky Ireland với cà phê có độ khó rất cao.”
Cô lại lấy một cốc cà phê Ireland từ trên quầy bar.
“Đầu tiên là tỷ lệ của rượu whisky với cà phê.” Cô chỉ vào vạch kim tuyến thứ nhất trên chiếc cốc:
“Rượu whisky cần hơn một ounce, khoảng chừng 30 cc.”
Cô lại chỉ vào vạch kim tuyến thứ hai:
“Cà phê năm ounce, 150 cc, tỷ lệ một chia năm. Anh có biết muốn có tỷ lệ này phải qua bao nhiêu lần thí nghiệm không? Cô gái chẳng bao giờ chọn ruợu cocktail, hẳn không thích vị rượu, nhưng rượu whisky lại còn là rượu mạnh tới gai họng. Vì vậy anh ta phải nghĩ cách khiến vị rượu nhạt đi, song lại không thể làm mất hương và vị của rượu. Vì vậy trong quá trình đun cốc, khống chế lửa là rất quan trọng.”
“Đây là lý do vì sao cốc cà phê Ireland chịu nhiệt tốt hơn cốc pha lê bình thường, hơn nữa còn có hai vạch kim tuyến.”
Cô lại đưa tay ra muốn cầm khăn lau, tôi bèn ra tay trước, nhanh tay ném cái khăn ra xa.
“Bị anh phát hiện rồi, ha ha. Anh có để ý thấy việc lựa chọn rượu whisky của cà phê Ireland, cả tỷ lệ giữa rượu whisky với cà phê, cách đun cốc cùng cách pha đều rất nghiêm ngặt, riêng chỉ có việc chọn cà phê lại khá tùy tiện, chỉ cần có vị nồng là được.”
“Vì sao lại như vậy.”
“Ngoại từ vì cô gái không có loại cà phê nào đặc biệt yêu thích, nó còn đại biểu cho một hình thức bao dung khác. Cho dù kén chọn đối với ruợu whisky ra sao, đối với cà phê mà nói lại rất khoan dung. Bartender có thể chỉ muốn pha cà phê Ireland cho cô gái, khong quan tâm tới việc cô có hiểu được tâm huyết và sự kiên trì của mình hay không, cũng không quan tâm tới việc cô gái có cảm động không.”
“Giờ tôi còn chưa pha cà phê Ireland cho anh đấy, muốn pha luôn bây giờ không?”
“Đợi lát nữa đi. Cô đừng nói lảng sang chuyện khác, sau đó thì sao?”
“Muốn biết kỹ hơn, xin chờ hồi sau sẽ rõ.”
“Này.”
“Không làm vậy tôi không biết liệu cuối tuần sau anh có lại tới nữa không.”
“Chỉ cần tôi còn phải tới Đài Bắc họp, tôi nhất định sẽ tới.”
“Chỉ cần anh tới Đài Bắc.”
Cô nhỏ giọng lặp lại những lời này một mình.
Cô gái lại lấy ra cốc cà phê, bắt đầu pha cà phê Ireland.
Tôi đã quan sát kỹ cô pha cà phê Ireland hai lần rồi, vì vậy lần này tôi chỉ ngắm cô.
Tôi chẳng bao giờ quan sát tỉ mỉ vẻ bề ngoài của cô, vì tôi luôn cảm thấy thứ đẹp nhất ở cô là sự nhiệt tình.
Từ khi biết cô có dòng máu của Ireland tới giờ, tôi cũng cảm thấy nàng có chút phong thái của nước ngoài.
Giờ ngắm kỹ, ngoại trừ rất biết pha cà phê ra, vẻ ngoài cũng rất xuất sắc.
Nhất là cặp mắt như biết kể chuyện kia.
“Anh nhìn tôi làm gì?” Cô như hơi xấu hổ.
“”Pha cà phê phải chuyên tâm chứ. Nếu cô không nhìn tôi làm sao biết tôi đang nhìn cô?”
“Mau uống lúc còn nóng đi.”
“Ừ.”
“Đài Bắc càng lúc càng lạnh, lần sau phải mặc thêm chút áo đấy.”
“Ừ.”
“Đừng có ừ ừ nữa, bị ốm thì mệt đấy, nhất là anh còn phải đi xe đêm.”
“Sau khi uống cà phê Ireland sẽ không bị cảm.”
“Anh ngốc.”
“Cô đang mắng tôi đấy, có biết không?”
“Uống nhanh lên!”
“Anh nên tới bến xe đi.”
Tôi gật đầu, chuẩn bị lấy ví ra thì cô lại nói:
“Anh là vị khách đầu tiên nghe tôi kể chuyện về cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Kiên quyết của cô rõ là nhiều. Cứ để tôi trả tiền đi.”
“Tôi không cần đâu…” Cô lè lưỡi ra rồi nói:
“Lần sau anh tới tôi sẽ kể tiếp diễn biến câu chuyện giữa bartender và cô tiếp viên hàng không kia.”
“Được rồi. Tuần sau lại gặp.”
“Ừ!”
Tôi vừa tới dướng táng cây phượng ở cửa ngõ đã nghe tiếng cô đuổi theo vang lên bên tai.
“Thế nào? Cô hối hận, muốn nhận tiền rồi hả.”
“Không cần đâu. Anh quên mang theo cặp công tác này.”
“Á. Cám ơn cô.”
“Uổng cho tôi khen anh là người chu đáo cẩn thận, không ngờ anh lại sơ ý như thế.”
“Nếu tôi không sơ ý, vậy cũng sẽ không biết cô.”
“Vì sao?”
“Muốn biết kỹ hơn, xin chờ hồi sau sẽ rõ.”
“Ha ha… Anh đừng bắt chước tôi. Mau nói đi.”
Ánh sáng của đèn đường ở cổng ngõ, xen qua kẽ hở giữa những chiếc lá phượng, phủ xuống bên dưới.
Có lẽ do tác dụng phản quang của lá cây, tôi rốt cuộc cũng thấy được một chút xanh lá trong con mắt cô.
“Lần đầu tôi tới nơi này là vì trễ chuyến bay, còn lý do trễ chuyến bay là do quên mang theo báo cáo nghiên cứu.”
“Chỉ đơn giản như vậy?”
“Đơn giản? Cô có biết tôi phải mất bao nhiêu sơ ý mới tạo nên sai lầm nghiêm trọng như vậy không?”
Tôi bắt chước cách nói của cô, khiến cho thân hình cô dưới táng cây cùng bóng cây đồng thời lay động.
“Bên ngoài rất lạnh, mau về đi.”
“Được.” Cô im lặng một lúc rồi lại hỏi: “Vậy anh cứ đáp xe đêm như vậy, không mệt sao?”
“Không đâu. Dù sao cũng không có việc gì lớn phải về ngay. Hơn nữa…”
"Hơn nữa cái gì?"
"Hơn nữa tôi thích."
“Anh thích cái gì? Cà phê Ireland? Hay là ‘Yeats’? Hay là…”
“Hay là cái gì?”
Cô mỉm cười không đáp.
Cũng hay, dù sao tôi cũng không biết đáp án.
Tôi ngẩng đầu ngắm ánh trăng xen lẫn giữa những chiếc lá cây, không tự chủ cất tiếng khen:
“Cây phượng này đẹp thật.”
“Cây phượng? Đây là cây bồ đề mà.”
“Là cây bồ đề hả?”
“Ngay cả cây phượng với cây bồ đề anh cũng không phân biệt được sao?”
“Bồ đề vốn không gốc, phượng hoàng duỗi cánh bay, vốn đều chẳng phải cây, hà tất phải nghi ngờ. A di đà phật… Đây là thiền học cao thâm, cô không hiểu nổi đâu.”
“Anh lại bốc phét rồi. Mau tới bến xe đi.”
“Ừ. Tuần sau tôi lại tới.”
“Ừ. Tôi sẽ chờ anh.”
Về Đài Nam được vài ngày, tôi không cẩn thận bị bệnh.
Lúc đầu còn đỡ, chỉ choáng váng đầu óc, cổ họng hơi đau thôi.
Sau đó mới phát sốt, tôi đành xin nghỉ, tĩnh dưỡng ở nhà.
Thứ năm lại tới nhưng tôi không tới Đài Bắc họp, chỉ nằm nhà mơ mơ màng màng ngủ suốt một ngày.
Lần tiếp theo đễn “Yeats” đã là chuyện của hai tuần sau.
Không ngờ vừa tới cửa quán đã thấy tấm bảng “CLOSE” treo ở ngoài.
Tôi thực sự rất kinh ngạc, ngây dại suốt mười phút.
Đành phải đi tới đi lui ở chỗ cây phượng, nhầm, cây bồ đề gần quán “Yeats”.
Bồi hồi suốt nửa tiếng đồng hồ, đột nhiên thấy một bóng người xa xa rời khỏi màn đêm, từ từ đi tới.
“Sao giờ cô mới tới?”
“Anh mới đợi chưa tới một tiếng, còn tôi đợi anh suốt hai tuần rồi đấy.”
Cô có vẻ như đang tức giận, tôi chỉ đành im lặng theo sát cô vào bên trong.
Cô gái lấy chìa khóa ra mở cửa, bật đèn, đi vào trong quầy bar, xoay người sang rửa chén.
Vòi nước khóc ô ô, chén chạm nhau lách cách, song cô vẫn không nói một lời.
“Tôi… Cuối tuần trước tôi bị sốt nên không tới Đài Bắc.”
“Thật không?” Cô gái quay đầu lại, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên và quan tâm.
“Ừ.”
“Vậy anh đã khá hơn chút nào chưa?”
“Tôi khỏi bệnh rồi.”
Cô lau khô tay, ra rìa quầy bar ngồi xuống, dùng ngón nay nhẹ nhàng chạm vào trán ta một cái.
“Vừa nãy sao cô không nói gì? Còn giờ sao không mở quán?”
“Tức chứ sao. Pháp luật có quy định người mở quán cà phê không thể tức sao?”
“Có chuyện gì đâu mà tức?”
“Anh có biết cuối tuần trước tôi đợi anh bao lâu không?”
“Tôi đương nhiên không biết rồi.”
“Tôi đợi tới tận sáng.”
“Hả? Xin lỗi, tôi không cố ý.”
“Được rồi. Tha cho anh đấy.”
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Hả? Cái gì?”
“Anh có biết từ khi bartender nghĩ ca cà phê Ireland tới khi cô gái chọn nó, mất bao lâu không?”
"Bao lâu?"
"Tròn một năm."
"Hả? Lâu vậy sao?"
“Lần đầu tiên anh ta pha cà phê cho cô gái, vì quá kích động đã rơi nước mắt. Vì sợ bị cô gái nhìn thấy, anh lén dùng ngón tay lau giọt nước mắt đi, sau đó lại lén dùng nước mắt vẽ một vòng trong cốc cà phê Ireland. Vì vậy ngụm cà phê Ireland đầu tiên sẽ có hơi men của nỗi nhớ nhung bị kiềm chế lâu ngày, mãi mới được bộc lộ ra. Còn cô gái cũng trở thành người khách đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Trong suốt một năm đó không ai chọn cà phê Ireland?”
“Đúng. Vì chỉ có cô gái mới chọn được.”
“Vì sao?”
Cô không trả lời câu hỏi của tôi mà tiếp tục kể:
“Cô tiếp viên hàng không kia rất thích cà phê Ireland, từ đó về sau, chỉ cần nghỉ lại tại sân bay Berlin đều sẽ gọi một cốc cà phê Ireland. Dần dần, hai người bọn họ dần dần thân quen, cô tiếp viên hàng không kể với anh những chuyện thú vị ở các quốc gia trên thế giới, bartender thì dạy cô pha cà phê Ireland. Mãi tới một ngày, cô quyết định không làm tiếp viên nữa, nói Farewell với anh, câu chuyện của bọn họ mới kết thúc.”
"Farewell?"
"Farewell, tạm biệt mà không gặp lại, không như goodbye. Khi anh pha cốc cà phê Ireland cuối cùng cho cô, đã hỏi cô một câu như vậy: ‘Want some tear drop?’”
"Tear drops?"
“Ừ. Vì anh hy vọng cô cỏ thể hiểu được vị men nhung nhớ.”
“Sau khi cô gái trở về nhà ở San Francisco, một ngày nọ đột nhiên muốn uống cà phê Ireland, tìm khắp mọi quán cà phê đều không thấy. Sau này cô mới biết, cà phê Ireland là do bartender kia tạo ra chỉ vì mình, song rốt cuộc vẫn không hiểu vì sao bartender lại hỏi mình: ‘Want some tear drops?’ ."
“Không bao lâu sau, cô mở quán cà phê, cũng bán cà phê Ireland. Dần dà, cà phê Ireland bắt đầu lưu hành ở San Francisco. Đây là lý do vì sao cà phê Ireland xuất hiện sớm nhất ở Berlin song lại thịnh hành ở San Francisco.”
“Cô tiếp viên hàng không đi rồi, bartender cũng bắt đầu để khách hàng chọn cà phê Ireland, vì vậy mọi người tới uống cà phê Ireland ở sân bay Berlin đều cho rằng cà phê Ireland là rượu cocktail. Còn người uống nó ở quán cà phê San Francisco, đương nhiên sẽ cảm thấy cà phê Ireland là cà phê.”
“Vì vậy cà phê Ireland vừa là rượu cocktail, lại vừa là cà phê, bản thân nó chính là một sự nhầm lẫn tuyệt đẹp.”
“Được rồi, kể chuyện xong rồi. Giờ phải pha cà phê Ireland cho anh.”
“Đừng lén bỏ thêm nước mắt vào đấy.”
“Hừ. Cho dù bỏ thêm vào anh cũng chẳng nhận ra.”
“Làm không tốt tôi chắc chắn sẽ nhận ra. Vì nước mắt của cô chắc hẳn có vị ngọt.”
“Tuần trước anh cho tôi leo cây, tôi còn chưa tính sổ với anh đấy.”
“Cô đừng tự trách nữa. Tôi đã tha thứ cho cô rồi mà.”
“Anh…” Cô chỉ tay vào người tôi: “Không nói chuyện với anh nữa.”
Cô lườm tôi một cái rồi chuyên tâm vào việc pha cà phê.
Lần này thời gian ngồi được ở quán cà phê “Yeats” tương đối ngắn, vừa uống xong cốc cà phe Ireland đã tới giờ phải ra bến xe.
“Hôm nay cô kiên quyết gì đây?”
“Anh là người đầu tiên biết cà phê Ireland thích hợp với tâm tình ra sao, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
"Tâm tình?"
“Vừa mới nói rồi mà, cà phê Ireland thích hợp với tâm tình nhung nhớ tới lên men.”
“Được rồi. Thật ra tôi cũng sợ cô không tìm được lý do để kiên quyết.”
“Cuối tuần sau đừng ốm nữa nhé.”
“Cô yên tâm đi. Cho dù bị truyền nước trong bệnh viện, tôi cũng sẽ ôm cả cột truyền nước tới đây.”
“Anh ngốc, đừng nói lung tung nữa. Mặc áo khoác vào đi rồi hãy ra đi xe.”
Ngày càng lúc càng lạnh, sự khác biệt về khí hậu giữa hai vùng nam bắc cũng càng lúc càng lớn.
Thường thường Đài Nam sáng sủa khe khẽ lạnh, Đài Bắc lạnh ẩm ướt và lạnh lẽo.
Mồt lần Đài Bắc có mưa, cô vẫn cố đứng dưới tán cây phượng chờ tôi.
Lại nói sai rồi, là cây bồ đề.
“Khách hàng khác thì sao?”
“Bị tôi đuổi đi rồi.”
“Sao cô ác vậy?”
“Ha ha… Tôi đùa thôi. Thời điểm này ít khách lắm.”
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Đoạn đối thoại này luôn không thay đổi, chúng tôi như ra sức duy trì mối quan hệ đơn thuần: chủ quán và khách hàng.
Bất quá tôi cũng hỏi cô vài lần, cô luôn không nói cho tôi biết vì sao trong suốt một năm sau khi bartender nghĩ ra cà phê Ireland, chỉ có cô tiếp viên hàng không mới chọn được nó.
Tháng 12 năm ấy, thứ năm của tuần thứ ba, tình cờ lại là sinh nhật cô.
“Trùng hợp vậy sao? Ừm… Hóa ra cô thuộc cung xạ thủ.”
“Đúng. Vì vậy hôm nay tôi muốn uống một cốc cà phê Ireland cùng anh.”
“Vì sao?”
“Cung xạ thủ, cũng có thể gọi là nhân mã, như một chú ngựa hoang bôn ba tự do giữa vùng quê. Nhân mã tôn trọng sự tự do đương nhiên thích hợp để uống một cốc cà phê Ireland rồi.”
Dường như cô rất thích đem mọi chuyện gắn với cà phê Ireland.
Mỗi lần phải tới bến xe, tôi luôn cảm thấy cặp công tác mang tới Đài Bắc nặng hơn trước nhiều.
“Anh là người khách đầu tiên biết tôi thuộc cung xạ thủ, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên dám cho nữ chủ quán này leo cây, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên không phân biệt được cây phượng với cây bồ đề, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên uống cà phê Ireland không cần trả tiền, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
Cô luôn tìm được lý do để kiên trì.
Cho dù thật sự không tìm được lý do, cô cũng sẽ nói:
“Anh là vị khách đầu tiên mà tôi không nghĩ ra lý do để mời uống cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
Đã gần năm mới, kế hoạch nghiên cũng cũng đã tới những báo cáo cuối cùng.
Tôi thắt cà vạt, chuẩn bị lên bục giải trình kết quả nghiên cứu, để các đại gia bỏ tiền tài trợ cam lòng.
Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần cuối tôi đến Đài Bắc vì công việc.
Đương nhiên có hay không tôi vẫn có thể đến Đài Bắc lúc nào cũng được.
Chỉ có điều đối với người hiện đại mà nói, lúc thực sự “rảnh rỗi”, không biết sẽ là chuyện của năm nào tháng nào nữa.
Quan trọng hơn nữa là, tôi mất đi “lý do” để tới “Yeats”.
Bất cứ kế hoạch nghiên cứu nào đều sẽ vì động cơ hay mục đích nào đó, nói đơn giản hơn, chính là lý do.
Thế nhưng khi tôi không còn phải tới Đài Bắc vì công việc nữa, vậy lý do mà tôi tới “Yeats” là?
Quan hệ giữa tôi với cô ấy dù sao cũng chỉ là chủ quán và khách hàng.
Một người ở trong quầy bar, một người bên ngoài quầy. Cách nhau quầy bar song ngược lại chúng tôi lại cảm thấy an toàn và đơn giản.
Vượt qua ranh giới này, có lẽ cũng sẽ như rượu whisky Ireland và cà phê nóng vượt qua hai vệt kim tuyến kia, sẽ khiến cà phê Ireland không còn thuần khiết nữa.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Hôm nay anh đeo cà vạt làm gì vậy?”
“Vì… Vì hôm nay phải báo cáo cuối kỳ, vì vậy tôi… tôi phải đeo cà vạt.”
Tôi vì hơi chột dạ nên nói năng có phần lắp bắp.
Cô ngắm nghía cái cà vạt tôi đang đeo, cả cái cặp công tác dày hơn bình thường.
“Tôi hiểu rồi. Cuối tuần sau anh sẽ không tới Đài Bắc nữa.”
Tôi nhìn cô, không biết nên nói gì, chỉ gật đầu.
Cô không hỏi.
Như máy móc lấy cốc cà phê Ireland ra, xay hạt cà phê, pha Mandheling. (Hạt cà phê ít quá vậy!)
Rót rượu whisky Ireland. (Rót nhiều quá rồi!)
Vượt qua vệt kim tuyến đầu tiên, rót ra một chút, lại rót vào một chút, vẫn cứ vượt qua.
Dứt khoát uống một hơi cạn sạch.
Lại rót rượu whisky Ireland vào.
Thêm đường, đốt cồn, đun cốc. (Lửa lớn quá rồi!)
Xoay tròn chiếc cốc. (Xoay nhanh quá rồi!)
Lẳng lặng nhìn rượu whisky trong cốc. (Mau tắt lửa đi!)
Tắt đèn cồn, thêm cà phê nóng và kem tươi vào.
“Uống đi.” Cô mở miệng.
“Muốn nghe chuyện về tôi không?” Cô ngồi xuống, tháo cặp kính ra.
“Ừ.”
“Tôi không đọc nhiều sách, cũng học không tốt, sau khi tốt nghiệp vẫn luôn làm việc ở quán cà phê. Sau khi chuyển vài quán cà phê bắt đầu hứng thú đối với việc pha cà phê. Tiếc là quán cà phê bây giờ càng lúc càng coi trọng không khí với cốc chén, ngược lại lại không chú ý tới bản thân cà phê.”
“Sau nghe được câu chuyện về cà phê Ireland, tôi bèn hạ quyết tâm phải pha được cà phê Ireland chân chính. Sau khi học được các pha cà phê Ireland, tôi bèn mở quán “Yeats” này.”
“Tuy đó cũng chỉ là chuyện kể, hoặc do mọi người cố ý gán vào. Thế nhưng, tôi luôn coi là thật.”
“Sau khi mở quán, tôi luôn đợi người khách chọn cà phê Ireland. Bartender đợi một năm mới đến lúc chén cà phê Ireland được uống, tôi may mắn hơn anh ta, chỉ mất ba tháng là anh đã chọn.”
Bầu không khí có vẻ khác lạ, tựa như trong cà phê Ireland là rượu whisky Scotland ám hơi khói chứ không phải rượu whisky Ireland.
Cô lấy ra hai menu mà lần đầu tới “Yeats” tôi đã thấy.
“Anh xem xem có gì khác nhau?”
Tôi lấy menu màu cà phê đậm trước, mặt đầu tiên là tên và giá của 20 loại cà phê Ireland.
Lại lấy cái màu cà phê nhạt, mặt đầu tiên vẫn là tên và giá của cà phê!
Tôi vốn cho rằng trong menu màu cà phê nhạt sẽ là các loại trà.
Hóa ra mặt thứ hai của hai menu này mới cùng là tên và giá của các loại trà.
Khác nhau là, trong menu màu đậm mới có cà phê Ireland.
“Vì sao cô lại làm hai menu?”
“Lúc đó bartender cũng làm vậy, vì thế cô tiếp viên hàng không mới trở thành vị khách đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Tuy tôi cũng làm hai menu, nhưng menu màu cà phê đậm tôi chưa bao giờ lấy ra.”
“Lần đầu tiên anh tới, tôi để ý thấy anh luôn chú ý tới bức vẽ và câu thơ của Yeats. Tuy rằng đại đa số khách tới lần đầu cũng đều như vậy, nhưng những người khác đều chỉ xem lướt qua, chỉ có anh là đọc.”
“Tôi mất một lúc mới quyết định thử vận may, xem anh có chọn cà phê Ireland không.”
“Lần đầu tiên anh chọn cà phê Ireland, trong lòng tôi rất kích động. Như đột nhiên hiểu đuợc tâm tình của bartender khi nghe cô tiếp viên hàng không gọi 'Irish Coffee'.”
“Tôi rất nhiệt tình pha cà phê cho người khách chọn cà phê Ireland đầu tiên trong cuộc đời mình, cũng rất khẩn trương. Khi anh uống cà phê Ireland, tôi luôn lén quan sát anh. Thấy vẻ thỏa mãn khi uống hết của anh, tôi đã rất cảm động. Dùng cà phê để kết thân, chẳng qua cũng chỉ như vậy thôi.”
“Khi tính tiền, câu cảm ơn chân thành của anh, đối với tôi mà nói, chính là thù lao lớn nhất rồi. Anh có biết vì sao tôi luôn kiên quyết không để anh trả tiền không? Đó là vì tôi vốn dĩ chưa từng coi anh là khách hàng.”
Cô nói không ngừng, như đang thì thầm trong mộng.
“Hôm nay để tôi kiên quyết thêm một lần nữa đi.”
“Lý do kiên quyết của hôm nay là gì?”
“Vì rốt cuộc anh cũng khiến tôi cảm nhận được tâm tình của bartender khi pha cốc cà phê Ireland cuối cùng cho cô tiếp viên hàng không, vì vậy nên tôi kiên quyết mời khách.”
“Là tâm tình gì?"
“Nhớ nhung trong tuyệt vọng. Nhớ nhung không như xe lửa, nhớ nhung luôn chỉ có một hướng, cà phê Ireland có thể lưu truyền tới giờ, song anh ta vĩnh viễn không cách nào khiến cô hiểu được nỗi khổ tâm của mình.”
“Cô nhớ ai?”
“Một người chu đáo và cẩn thận.”
Tới phiên tôi không nói gì.
“Xin lỗi…” Chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu rồi cô mới mở miệng:
“Vừa rồi tôi quên không thêm nước mắt cho anh.”
Cô nhấc cốc cà phê Ireland đã trống không lên, kinh ngạc nhìn vào nó một lúc lâu.
“Đã là cốc cà phê Ireland cuối cùng rồi, vì sao tôi lại sơ sót như vậy chứ.”
Nước mắt cô đột nhiên tuôn rơi, từ thảo nguyên Ireland xanh biếc, nhỏ xuống cốc cà phê Ireland.
Sau đó, dùng ngón trỏ tay phải, thấm chút nước mắt, quệt lên miệng cốc cà phê Ireland.
Từng vòng từng vòng.
Khi quệt tới vòng thứ năm, cô ngẩng đầu lên, hai mắt đẫm lệ nói:
"Farewell."
"Farewell." Tôi cũng nói theo.
Chúng tôi không nói goodbye.
Trở lại Đài Nam, tiếp tục cuộc sống làm việc bình thường.
Cuộc sống không có lịch công tác cố định vào cuối tuần, bỉnh thản tới lạ thường.
Thi thoảng lại cùng đồng nghiệp tới quán cà phê, tôi luôn tìm cà phê Ireland.
Có thì chọn, không có thì thôi.
Cho dù chọn cà phê Ireland, thường cũng chỉ là tài liệu tương tự mà thôi.
Nói cách khác, đối với rất nhiều quán cà phê, ý nghĩa của cà phê Ireland chỉ đơn giản là rượu whisky pha thêm cà phê mà thôi.
Thậm chí có nơi còn đổi thành rượu brandy.
Càng không cần nói tới cốc cà phê Ireland có chữ "Irish Coffee".
Mùa đông nhanh chóng trôi qua, mùa thích hợp nhất để uống cà phê Ireland rốt cuộc cũng kết thúc.
Còn mùa tưởng nhớ cà phê Ireland nên bắt đầu? Hay nên kết thúc?
Cà phê Ireland và cô gái đó, rốt cuộc tôi thích nhất là gì?
Tôi dường như không cách nào phân biệt hai thứ cảm tình này, cũng như tôi không phân biệt được cây phượng với cây bồ đề.
Nếu cà phê Ireland có thể vừa là rượu cocktail vừa là cà phê;
Vậy tôi có thể đồng thời thích cả cà phê Ireland và cô gái đó không?
Vừa qua năm âm lịch, vài đồng nghiệp hẹn nhau tới Đài Đông tắm suối nước nóng.
Trên đường về, trong một quán cà phê gần ga tàu hỏa Đài Đông, tôi lại chọn cà phê Ireland.
Cốc đúng rồi, mùi cũng đúng rồi, ngay cả vị cũng đúng rồi.
Chỉ có điều ông chủ lại là một người đàn ông trung niên to béo khoảng bốn mươi tuổi.
Dường như tôi đã có thể phân biệt rõ sai biệt giữa cô với cà phê Ireland.
Tôi vừa uống, vừa nhớ lại những chuyện khi tới uống cà phê Ireland tại “Yeats”.
Uống xong, rượu không chỉ làm bụng ấm lên, ngay cả trái tim cũng bùng lên theo.
Như có thứ nước gì đó rời khỏi khóe mắt, lướt qua gương mặt, rơi vào trong miệng.
Hơi mặn, lại hơi chua chát.
Tôi cũng như cô ấy, rốt cuộc cũng đã nếm thử vị nhung nhớ tới lên men.
Tôi không chờ tới thứ năm cũng chẳng cần phải chờ tới thứ năm.
Nhung nhớ, thứ này vốn không có mắt, khi nhung nhớ đột nhiên trào dâng, nó sẽ bỏ qua cả thời gian và địa điểm.
Sau đó, đáp chuyến máy bay cuối cùng từ Đài Nam tới Đài Bắc, khi tới Đài Bắc còn một lúc mới tới 12 giờ đêm, đứng dưới tán cây bồ đề ở cửa ngõ đợi.
Ừm, rốt cuộc cũng nói đúng, không nói nhầm thành cây phượng nữa.
Tôi đẩy cửa “Yeats”, nhốt cơn giá lạnh ngoài cửa.
Cô đang cầm khăn lau, cúi đầu lau quầy bar.
“Chào mừng quý khách.” Cô không ngẩng đầu lên.
Tôi tới rìa quầy bar, ngồi xuống.
“Cô vẫn thích dùng trò lau quầy bar này sao?”
Cô run lên một cái, đột nhiên ngừng lau.
Ngẩng đầu lên.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Anh lại chạy tới Đài Bắc làm gì?”
“Vì muốn uống cà phê Ireland.”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Không cần đâu.”
“Vì sao?”
“Vì rốt cuộc tôi cũng hiểu được tâm tình khi nhung nhớ một người.”
“Anh nhớ ai?”
“Một người kiên trì và nhiệt tình.”
Cô ngẩng đầu dậy, đôi tay run run vươn tới muốn lấy cốc cà phê Ireland trên quầy bar.
Song dù thế nào cũng không nắm được.
Tôi rốt cuộc cũng vượt qua cái quầy bar luôn ngăn cách chúng tôi, đi vào trong quầy.
Nhẹ nhàng nắm lấy tay cô, giúp cô lấy hai cốc cà phê Ireland.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Hả? Cái gì?”
Thật ra tôi có thể coi là rất thích uống cà phê, nhưng còn chưa thể nói là nghiện.
Thích cà phê như vậy là vì hồi còn đi học, bạn học khóa dưới cùng phòng nghiên cứu luôn tiện tay pha cho tôi một cốc.
Lâu ngày, cà phê đối với tôi mà nói trở thành một đồ uống luôn phải có trong cuộc sống.
Chỉ có điều vừa rời khỏi phòng nghiên cứu, tôi cũng rất ít khi uống cà phê.
Tốt nghiệp rồi, tìm một công việc ở Đài Nam quen thuộc này.
Đó là một đơn vị khoa học, chức danh của tôi cũng chỉ là trợ lý nghiên cứu nho xíu.
Nếu nỗ lực một chút, sẽ tăng lên thành trợ lý nghiên cứu nhỏ, sau đó thành trợ lý nghiên cứu, chuyên viên trợ lý nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu viên, phó nghiên cứu viên, nghiên cứu viên, chuyên viên nghiên cứu viên.
Sau đó thì sao? Tôi cũng chẳng biết. Có lẽ là siêu cấp nghiên cứu viên hay những thứ như nghiên cứu viên vô cùng lợi hại.
Nói chung, chức danh nhất định sẽ có hai chữ “nghiên cứu”.
Công việc này cũng có thể coi là tốt, đãi ngộ cũng không tồi, chỉ có điều thiếu một đồng nghiệp biết pha cà phê.
Căn cứ vào việc nếu tự pha cà phê, cần phải mua dụng cụ cùng hạt cà phê, rất phiền phức, tôi tiện đó cai luôn cà phê.
Tôi rất lười, điểm này thì phải thừa nhận.
Vừa bắt đầu công việc, tiếp nhận case đầu tiên là hợp tác cùng đại học Đài Loan.
Mỗi chiều thứ năm phải tới Đài Bắc họp tiến độ.
Chẳng có cách nào, Đài Bắc là khu vực trung tâm, nam bộ là bang man di, chỉ có nước thích ứng.
Bình thường tôi ngồi máy bay, cùng ngày lại về.
Ngoại trừ nghĩ tới ngày hôm sau còn cần đi làm ra, càng quan trọng hơn là tôi không quen ở Đài Bắc.
Vì tôi phát hiện, ở Đài Nam, mỗi phút tôi đi 95 bước mà đến Đài Bắc không tự chủ lại tăng đến 112 bước.
Một ngày tháng 10, Đài Nam nắng chói và nóng bức thì ở Đài Bắc, lại chẳng thấy được bầu trời vì mưa ào ào trút xuống.
Xong buổi họp, rời phòng, vội vội vàng vàng đón taxi, đến sân bay Tùng Sơn mới phát hiện quên mang báo cáo nghiên cứu.
Vì vậy lại rời sân bay Tùng Sơn, vội vội vàng vàng đón taxi, trở lại phòng họp, phòng họp bị khóa rồi.
Đến lúc người trực sau khi hết giờ làm tới, mở cửa phòng họp, cầm được báo cáo nghiên cứu mới thở dài một hơi.
Thở dài một hơi không chỉ riêng tôi, mưa đột nhiên phủ xuống mặt đất.
Tuy rằng mưa với thời gian không liên quan trực tiếp, song Đài Bắc chỉ cần mưa một cái, không hiểu vì sao sẽ xảy ra tắc đường.
Tôi “kể lể” mất nửa ngày, cũng chỉ muốn nói tới một chuyện rất bi thảm:
Tôi không lên được chuyến máy bay chín giờ về Đài Nam của hãng hàng không Phục Hưng.
Không sai, đây là chuyến cuối cùng.
Ở nhà nghỉ sao? Nghe nói đàn ông con trai độc thân ở nhà nghỉ rất dễ thất thân.
Tìm bạn bè sao? Mặt dày coi nhà bạn là nhà nghỉ?
Tôi quyết định đi xe đêm, chắc chỉ phải ngồi xe khoảng sáu tiếng, trời sáng là vừa vặn tới Đài Nam.
Còn rất nhiều thời gian, đành phải tới hiệu sách Thành Phẩm buôn bán 24 giờ ở đường Đôn Hóa Nam.
Khi tôi buồn chán tới mức ngay cả quyển “Ba trăm bài thơ Đường” cũng cầm lên xem, tôi biết tôi không ổn rồi.
Rời khỏi Thành Phẩm, mưa miễn cưỡng có thể coi là ngừng, chỉ có những vũng nước trên đường thi thoảng lại xao động đôi chút.
Tôi để mặc chân mình bước đi, đi mà không có mục đích mới tới gần bản chất của tản bộ.
Mỗi khi gặp phải ngã rẽ, lại tung đồng xu. Đầu người chuyển hướng, chữ đi thẳng.
Tôi cũng giống như đa số người Đài Loan, quen dùng tiền xu để quyết định phương hướng.
Qua một cái ngõ nào đó, đồng tiễn mười xu lăn vào mương nước.
Tôi quỳ rạp xuống mặt đất, qua lớp lưới sắt, dường như có thể thấy nụ cười của tổng thống Tưởng Công ở trước mặt. Quả không hổ danh vị lãnh vụ vĩ đại! Cho dù là trong cống nước, khuôn mặt vẫn nở nụ cười.
(Tưởng Công: tức Tưởng Giới Thạch, người Đài Loan đều gọi như thế, như Lý Đăng Huy được gọi là Lý tổng thống, Đăng Huy tiên sinh.)
Ừm, tôi quên không nói, đối tượng nghiên cứu của ta có liên quan tới cống nước.
Phàm là công trình đào cống nước sửa cống nước các loại, đều nằm trong phạm vi nghiên cứu.
Vì vậy nếu thấy cống nước sẽ rất tự nhiên ngồi sổm xuống quan sát một hồi, cũng chẳng phải là chuyện không thể.
Đứng dậy, may mà đồng tiền năm mươi xu không in hình đầu người, thế nên tôi chỉ mất mười xu.
Quẹo phải vào trong ngõ, rất bình thường, yên tĩnh như những ngõ khác ở Đài Bắc.
Hai bên cửa ngõ này mỗi bên có một cái cây, bên phải là cây dong, bên trái là cây phượng, tôi đoán vậy.
Dù sao số loại cây mà tôi nhận ra cũng ít, cũng như chim vậy, tôi chỉ biết, nếu bay được là đại khái có lẽ là chim.
Chỉ cần lá cây màu xanh, hơn nữa khá dài khá lớn, đối với tôi mà nói, đều gọi là cây.
Về phần là cây gì hay chim gì, không nằm trong phạm vi quan tâm, cũng chẳng phải đối tượng nghiên cứu của tôi.
Cách đó không xa có ánh sáng xanh lá, vì đang buổi tối, cảm giác tựa như lửa quỷ.
Đi chừng hai trăm bước, phát hiện ra là một quán cà phê.
Biển hiệu có màu cà phê rất đậm, bên trên đề chữ màu xanh lá mạ “Yeats”.
Ngắm nghía biển một lúc, vừa qua mười hai giờ. Người vừa lạnh vừa ướt, cũng nên uống chút gì đó.
Đẩy cửa vào, mùi cà phê đậm đặc xông vào mũi, sau đó mới tới âm thanh “chào mừng quý khách”.
Quán cà phê này ánh sáng rất tốt song lại không rực rỡ, trong không khí cũng không có mùi gay mũi.
Rất nhiều quán cà phê vì một thời gian dài kinh doanh không tốt, muốn tiết kiệm tiền điện, khiến cho ánh sáng rất âm u.
Tôi thường xuyên vấp phải cạnh bàn trong quán cà phê loại này.
Trước đây ở Đài Nam còn có quán cà phê thắp thêm vài ngọn nến, làm vậy ngoại trừ có thể tiết kiệm điện ra, cốc cà phê có con gián nổi lềnh phềnh, khách hàng cũng không dễ dàng phát hiện ra.
Khi tính tiền, bà chủ còn len lén nở nụ cười, cực kỳ giống Mỗ Mỗ trong phim “Thiện Nữ U Hồn”.
Trong lúc chờ người phục vụ đưa menu tới, tôi quan sát cách bày biện của quán một chút.
Không gian bên trong quầy bar tương đối rộng rãi, nhưng bên ngoài quầy chỉ có bốn chỗ ngồi.
Trong phòng cũng chỉ xếp bốn cái bàn, tôi ngồi ở chỗ cách quầy bar xa nhất, mặt hướng về phía quầy.
Phía trước, bên phải tôi là một đôi nam nữ tuổi không tương xứng, dáng vẻ vô cùng thân thiết, xem chừng là người yêu.
Nam xem ra hơn tôi mười tuổi, tôi xem ra hơn nữ mười tuổi.
Rìa quầy bar không có khách.
“Xin chờ một chút.”
Trong quầy bar vang lên tiếng nói rất nhỏ nhẹ, tôi nhìn lại, cô gái đối diện nở nụ cười áy náy.
Tôi gật đầu, tiếp tục cho ánh mắt tản bộ.
Trên bức tường bên trái tôi treo một bức tranh người vẽ bằng than chì, một người con trai nhìn qua khoảng ba mươi tuổi.
Anh ta có bộ mặt gầy và dài, mặc âu phục, cổ thắt nơ lớn, tóc hơi xoăn rẽ lệch sang bên trái được vén cẩn thận ra sau tai.
Vì ánh sáng chiếu từ bên trái đến nên mé phải khá tối, mắt trái cũng vừa hay bị bóng tối che khuất.
Nói cách khác, tôi không nhìn rõ lắm ánh mắt anh ta.
Nhưng thật kỳ lạ, tôi vẫn cảm nhận được vẻ hào hoa và u buồn trong ánh mắt đó.
Ánh mắt anh ta như đang nhìn thẳng vào một thứ gì đó được đóng khung trên bức tường bên phái.
Tôi nghiêng đầu sang bên trái, thấy trên đó viết:
Cast a cold Eye
On Life, on Death
Horseman, pass by!
Ừm… viết rất hay, chỉ có điều tôi không hiểu vì sao lại chỉ dùng một mắt để nhìn.
Vì sao lại không phải Cast cold Eyes, One eye On Life, One eye On Death?
Mỗi mắt một loại, xem như tương đối công bằng.
Nhưng như vậy hình như cũng không hay lắm, sẽ biến thành mắt âm dương mất.
“Xin lỗi, đã để ngài đợi lâu rồi.”
Trên người nữ phục vụ mang theo một chút hương cà phê, nhẹ nhàng tỏa ra từ góc áo.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
Cô gái cầm hai cái menu mỉm cười hỏi, đây cũng là chủ của giọng nói vang lên sau quầy bar.
Cô gái khoảng chừng 25 tuổi, mặc một chiếc tạp dề màu cà phê, đeo một cặp kính có gọng màu tím.
Một menu có màu cà phê đậm, menu còn lại là màu cà phê nhạt, cả hai đều có chữ “Yeats” màu xanh lá.
“Tôi chỉ uống cà phê.”
Đầu tiên cô gái ngây ra một chút, sau đó mới đưa tờ menu màu cà phê đậm ra, mỉm cười chờ đợi.
Bình thường tôi sẽ gọi những loại cà phê thông thường như Lam Sơn, Mandheling, Brazil .
Khi Latte vừa bắt đầu lưu hành, cũng từng thủ một lần.
Sau này vì ngại vị kem quá nồng nên không uống lại nữa.
Đang lúc tôi chuẩn bị gọi Lam Sơn, đột nhiên chú ý tới bên dưới dòng thứ ba từ dưới lên có viết:
“Cà phê Ireland – chỉ cung cấp vào buổi tối sau 12 giờ.”
Tôi vô cùng hiếu kỳ, vì vậy bèn đổi giọng:
“Cà phê Ireland.”
Cô gái như kinh ngạc, sau đó vui vẻ nói:
"Good choice."
Câu nói này lại càng làm dậy lên lòng hiếu kỳ trong tôi, tôi nhìn theo bóng cô đi vào quầy bar.
Cô gái nhẹ nhàng kéo tay áo, đẩy đẩy kính mắt, tay phải vén một cụm tóc ra sau tai.
Cô cẩn thận lấy một cái cốc tựa như cốc uống rượu nho từ trong chỗ để chén trên quầy bar.
Sau đó cầm một bình rượu, đổ chút rượu vào, rượu có màu hổ phách.
Tôi gọi cà phê cơ mà, cô ta không hiểu tiếng Trung hay sao?
Cô gái đột nhiên ngẩng đầu cười với tôi một cái, khiến kẻ đối diện đang nghi ngờ là tôi thầm xấu hổ.
Đành phải chuyển ánh mắt trở lại bức họa chàng trai trung niên kia, đúng là một người rất tuấn tú.
Nếu như đời này tôi cố gắng một chút, tích chút công đức, kiếp sau chắc hẳn cũng sẽ có cái túi da tốt như anh ta.
Có điều, đàn ông con trai tốt mã thường chẳng hạnh phúc, về điểm này mà nói, tôi có thể coi là người rất hạnh phúc.
Vách tường rất sạch sẽ, ngoại trừ tranh và thơ ra, không có nhiều vật trang trí.
Giấy dán tường có màu vàng như bùn đất khô ráo, chỉ hơi nhạt hơn một chút.
Trên đó phủ đầy những hình ba chiếc lá màu xanh lục, hai bên tường đều như vậy.
“Tiên sinh, cà phê Ireland của ngài đây.”
Nữ phục vụ đặt một miếng giấy lót hình tròn xuống, trên tấm giấy lót này cũng có hình ba chiếc lá màu xanh lục.
Cô gái cẩn thận từng chút từng chút một cầm cốc cà phê trên khay, đặt lên trên tấm giấy lót.
“Xin đừng khuấy lên! Hơn nữa cần uống khi còn nóng. Có điều phải cẩn thận kẻo bỏng miệng.”
Cô gái mỉm cười dặn dò, thu khay vào nách trái.
Tôi ngây ra một lúc, trước khi tôi mở miệng định hỏi vì sao, cô gái lại dặn:
“Nhớ kỹ đấy.”
Thật ra cô gái vốn không cần dặn, bởi vì cô ấy đâu có cho tôi thìa hay cái gì để khuấy.
Tôi cũng chẳng ngốc tới mức lè lưỡi ra để khuấy .
Tôi nhìn kỹ cốc cà phê này, quả nhiên là dùng cốc tương tự cốc uống rượu nho để đựng.
Chỉ có điều quai cốc thấp hơn, thân cốc cũng tương đối lớn.
Đây là cốc pha lê, không phải cốc cà phê bằng gốm sứ bình thường.
Thân cốc cũng in ba chiếc lá màu xanh lục, cũng viết rõ ràng: “Irish Coffee" .
Tôi nghĩ đây hẳn là cốc chuyên dụng cho cà phê Ireland.
Điểm đặc biệt nhất là có hai vệt kim tuyến, một cái tới gần đáy cốc, một cái khác ở cạnh rìa cốc.
Cà phê vừa vặn tiếp xúc với vệt bên trên, nổi trên nó là một tầng kem tươi dày đặc.
Tôi nhấc cốc “rượu” lên, cà phê nóng ấm xen lẫn một mùi hương kỳ lạ.
Xuyên qua lớp kem tươi lạnh lẽo, cà phê không còn nóng tới bỏng miệng, từ từ chảy xuống họng.
Không bao lâu sau, cảm giác ấm áp đã từ trong bụng tỏa khắp toàn thân.
Không sai, là tác dụng của rượu.
Hương bản thân cà phê thêm vào hương rượu, sinh ra mùi hương đặc biệt.
Cà phê bình thường pha thêm rượu ngon, bạn vẫn có thể dễ dàng phân biệt được hai thứ vị hoàn toàn khác nhau này.
Song cà phê Ireland lại dung hợp hai hương vị đó một cách xảo diệu, khiến bạn không cách nào phân biệt được là trong cà phê có rượu?
Hay là trong rượu có cà phê?
Uống chén cà phê này, mọi ẩm ướt lạnh lẽo trên người đều như tan biến, cảm giác ấm áp say sưa dâng lên trong lòng.
Ấm áp chẳng khác nào đêm đông vừa rắm rửa xong chui người vào chăn ấm.
Trong buổi tối giá lạnh và ướt át, cảm giác ấm áp là một món đồ xa xỉ, vô cùng đáng quý.
Chỉ là một chén cà phê thôi! Lại khiến tôi cảm thấy cuộc sống như vậy cũng đã đủ rồi, không cần tốt đẹp gì thêm nữa.
Tôi không khỏi cảm kích cô gái pha cà phê trong quầy bar kia, cả người đã phát minh ra cà phê Ireland này.
Đôi tình nhân tuổi tác không cân xứng kia vừa vặn đứng dậy tính tiền, dắt tay nhau chuẩn bị rời khỏi.
Chiều cao của họ cũng không cân xứng, nam cần cúi đầu mới ra khỏi quán này, nữ có nhảy đến chết cũng chẳng chạm tới xà cửa.
Vừa rồi cũng quên không chú ý tới thời gian đóng cửa của quán, vì vậy tôi nghĩ có lẽ mình cũng nên đi?
Mặc dù vẫn còn chìm đắm trong cảm giác ấm áp này, mặc dù bên ngoài mưa lại rơi, mặc dù còn cách thời gian ngồi xe một lúc, tôi vẫn đi về phía quầy bar.
“Anh ngồi thêm một lát nữa đi. Bên ngoài hình như lại bắt đầu mưa rồi, anh sẽ ướt mất.”
Cô gái rửa rửa chiếc cốc, quay đầu lại nhẹ nhàng nói.
“Không phải sắp đóng cửa rồi sao?”
“Hai giờ rưỡi mới đóng cửa, còn một giờ nữa.”
“Ừm, cảm ơn. Hy vọng không làm phiền cô.”
“Mặc dù cà phê có giá, nhưng thời gian ngồi ở đây lại không cần trả tiền.”
Cô gái rửa xong chiếc cốc, lau khô bàn tay, cười nói: “Không đúng sao?”
Tôi ngồi ở rìa quầy bar, cầm một tấm danh thiếp của quán, xem kỹ một lượt.
“Anh không phải người Đài Bắc đúng không?”
“Sao cô biết?”
“Đài Bắc mấy ngày nay thường có mưa, nhưng anh ra ngoài lại không mang ô, cho nên anh hẳn không phải người Đài Bắc.”
Trong lời nói của cô gái lộ vẻ tự tin.
“Có thể tôi lái xe. Có thể tôi để xe ở ngoài đầu ngõ, sau đó đi vào.”
“Từ đầu ngõ vào tới đây, cả đi cả về mất tầm sáu phút. Vì sao anh không bung dù?”
“Vì tôi lười, hơn nữa mưa cũng rất nhỏ.”
“Đối với người khác mà nói, có thể có khả năng này, nhưng anh thì khác.”
Cô gái cũng ngồi xuống trong quầy bar, khuỷu tay chống lên quầy, hai tay áp má, mỉm cười nhìn tôi.
“Hả? Vì sao?”
“Anh sẽ không mạo hiểm sáu phút có khả năng dính mưa, bởi vì anh là người cẩn thận và chu đáo.”
“Cẩn thận? Chu đáo?”
Xem ra không chỉ cà phê Ireland làm dấy lên lòng hiếu kỳ của tôi, ngay cả cô gái này cũng vậy.
“Trước khi anh vào cửa đã xem trước chữ trên cánh cửa. Thấy chữ ‘đẩy cửa’ anh mới đẩy cửa đi vào.”
Cô gái làm động tác đẩy cửa như đánh Thái Cực quyền.
“Sau khi vào, anh lại nhẹ nhàng đóng cửa lại, cho nên anh rất chu đáo.”
“Sau đó thì sao?” Tôi mỉm cười hỏi lại. Đây là lần đầu tiên tôi nở nụ cười sau khi không lên được máy bay.
“Bên rìa quầy bar có bốn chỗ, anh đi một mình nhưng lại không chọn bên rìa quầy bar.”
“Người đi một mình không nhất định sẽ chọn rìa quầy bar.” Tôi mỉm cười kháng nghị.
“Đây có thể coi là giả thuyết lớn nhất của tôi. Tôi đoán anh vì lần đầu tiên đến, còn rất xa lạ đối với hoàn cảnh và tôi.”
Cô gái chỉ vào chỗ ngồi vừa rồi của tôi: “Vì vậy anh chọn chỗ an toàn nhất, cách xa quầy bar nhất.”
Cô vừa cười vừa nói tiếp: “Cái này gọi là cẩn thận.”
“Có lẽ tôi chỉ tùy tiện chọn một chỗ.”
“Thế nhưng anh lại ngồi ở vị trí gần cửa nhất, hơn nữa quay mặt về phía quầy bar, đây chẳng lẽ không phải là cẩn thận và chu đáo?”
“Cái này có liên quan gì tới cẩn thận với chu đáo?”
“Có chứ! Như vậy anh có thể thấy quầy bar có cháy hay không, sau đó trốn ra trong thời gian nhanh nhất!”
Sau khi cô nói xong, cả hai rốt cuộc đều không nhịn nổi, đồng thời nở nụ cười.
“Khả năng quan sát của cô thật nhạy cảm.” Tôi ngừng cười trước.
“Tôi cũng chỉ nói nhảm thôi.” Cô gái cũng nhịn cười, rồi nói tiếp:
“Thật ra lúc tôi hỏi câu ‘anh không phải người Đài Bắc’, câu trả lời ‘sao cô biết’ của anh đã để lộ rồi.”
Nói xong, cô gái lại cười.
“Dẫu sao cô có thể phân tích được như vậy cũng rất giỏi rồi.”
“Chẳng có cách nào, đợi lâu ở quầy bar, rốt cuộc cũng sẽ thành thói quen quan sát khách hàng.”
Cô lại ngắm nghía tôi: “Đây là lần đầu tiên anh uống cà phê Ireland?”
“Sao cô biết?” Tôi lại để lộ chuyện,
“Khi anh xem menu, trong số 20 loại cà phê, lại chọn loại thứ ba từ dưới lên.”
“Vậy thì sao?”
“Đó là vị trí người ta ít chú ý nhất đấy.”
“Ừm. Tôi quả nhiên là người cẩn thận và chu đáo.”
Tôi bắt đầu học ngữ điệu của cô, câu đùa này khiến cô cười hi hi hai tiếng.
“Vốn tôi nghĩ anh từng uống cà phê Ireland, nhưng khi tôi thêm rượu whisky anh lại lộ vẻ kinh ngạc.”
“Vì thế…” Cô kéo dài âm cuối, chỉ vào tôi nói: “Anh chưa từng uống cà phê Ireland.”
“Hóa ra là rượu whisky.” Rốt cuộc tôi cũng hiểu ra.
“Cà phê Ireland tôi pha uống có ngon không?”
“Rất rất ngon, cám ơn cô. Thật đấy.”
“Anh biết không? Cà phê tôi thích nhất chính là cà phê Ireland.”
“Hả, trùng hợp vậy sao?”
“Còn có thứ trùng hợp hơn cơ. Tôi mở quán đã ba tháng, anh là người đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Quán này do cô mở? Cô là chủ ở đây?”
“Đúng vậy. Buổi tối trước 12 giờ tôi có thuê một học sinh vừa học vừa làm, sau mười hai giờ thì chỉ còn mình tôi.”
“Vậy vì sao sau 12 giờ mới bán cà phê Ireland?”
“Vì pha cà phê Ireland cần hết sức chăm chú. Sau mười hai giờ ít khách tôi mới có thể chuyên tâm pha được.”
“Hết sức chăm chú?” Tôi rất khó tưởng tượng pha cà phê lại cần hết sức chăm chú.
Trước đây bạn học xay hạt cà phê, sau đó cho thêm nước, bật điện, rồi có thể vắt chéo chân ngồi đợi.
“Ừm. Lần sau khi anh tới tôi sẽ pha cho anh xem.”
“Ừ.”
Tôi không biết còn có lần sau không, chẳng lẽ lại bỏ qua một chuyến máy bay nữa?”
“Cám ơn cô đã cho tôi uống một tách cà phê ngon đến vậy.”
Tôi đứng dậy, ngắm nghía biển hiệu, cũng là lúc cô nên đóng cửa rồi.
“Anh là người khách đầu tiên chọn cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Cái này… cái này thật không tiện.”
“Không sao. Hoan nghênh anh tới lại tới.”
Tôi đem tấm danh thiếp vẫn cầm trong tay lên, liếc mắt nhìn, chuẩn bị cho vào trong ví da.
“Yeats” là tên quán rất đặc biệt, chủ quán cũng là một cô gái rất đặc biệt.
Yeats. . . Yeats... . . . A? Tôi không khỏi thấp giọng kêu lên:
“Yeats à! Nhà thơ tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, cũng là nhà văn học, nhà cách mạng Ireland.”
“Ha ha, rốt cuộc anh cũng nhận ra.”
Bức tranh người con trai trung niên trên tường đương nhiên là Yeats, câu thơ trên tường bên phải hẳn cũng là của ông ấy.
Màu xanh lá là màu đại biểu của dân tộc Ireland, thảo nào quán này đầy màu xanh.
Còn ba chiếc lá cây màu xanh lục tất nhiên là cỏ ba lá tượng trưng của Ireland.
“Tôi rất có cảm tình với Ireland, Yeats cũng là nhà thơ mà tôi thích nhất.”
Cô ngước mắt nhìn lên bức họa trên tường, rồi lại chuyển ánh mắt sang bức tường bên phải:
“Ánh mắt lạnh lùng. Thấy sinh, thấy tử. Kỵ sĩ, tiến lên!”
Cô dường như đang thả hồn về đảo Irelanhd xanh đậm như phỉ thúy.
Tôi cầm lấy cặp công tác, mở cửa, chuẩn bị đáp xe trở về Đài Nam.
“Hết mưa rồi sao?”
“Ừ, chăc là hết rồi.”
“Anh làm sao về đây?”
“Ngồi taxi đến đường Thừa Đức, sau đó đáp chuyến xe đêm về Đài Nam.”
“Anh vừa uống cà phê Ireland, trên xe ngủ sẽ rất ngon.”
“Hy vọng như vậy.” Tôi vẫy tay với cô: “Bye-bye.”
"Bye-Bye. Đi đường cẩn thận."
Đúng như cô nói, tôi đang hơi lâng lâng, vừa lên xe đã ngủ thiếp đi.
Hôm sau đi làm, khóe miệng dường như vẫn còn lưu lại hương vị và hơi ấm của cà phê Ireland.
Tôi hơi nghi ngờ, liệu cảm giác ấm áp này có phải cũng tới từ cô gái đó không?
Vì vậy, sau khi tan tầm, tôi đến một quán cà phê cũng khá nổi tiếng ở Đài Nam, tìm cà phê Ireland.
Bầu không khí và âm nhạc mà quán cà phê này bày biện lộ vẻ cao cấp, đương nhiên giá cả cũng vậy.
Thế nhưng, khi người ta bưng cà phê Ireland lên, tôi hoàn toàn thất vọng.
Đây là cốc cà phê bằng gốm sứ bình thường! Hơn nữa còn đưa thêm cả thìa nhỏ để khuấy .
Cho dù thân cốc trạm trổ hoa văn vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, không khác gì một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.
Nó vẫn kém xa cốc cà phê Ireland đơn giản và cổ xưa.
Tôi uống hớp đầu tiên, lại càng khó chịu.
Rượu vẫn là rượu, cà phê vẫn là cà phê, pha lẫn vào nhau, rượu vẫn còn là rượu, cà phê vẫn còn là cà phê.
Vị rượu quá đắng, cà phê quá nhạt, đường trong lớp kem đủ mọi màu sắc nổi bên trên làm cho miệng có vị ngọt.
Đây đâu phải cà phê Ireland! Tôi gào lên trong lòng.
Cốc cà phê này dù được chứa trong chiếc chén hoa lệ, được bao phủ trong bầu không khí ưu nhã, nó vẫn không phải cà phê Ireland.
Tính ra, cứ coi nó như cà phê bình thường pha thêm rượu ngon là được.
Ấm áp sao? Khoản tiền tôi phải trả sẽ khiến chủ quán cà phê này cảm thấy ấm áp.
Sau đó tới mấy quán cà phê khác, tình hình còn thảm hại hơn.
Cho dù tôi có chu đáo cẩn thận tới mức nào cũng chẳng phát hiện ra cà phê Ireland trong menu.
Tôi đột nhiên cảm thấy nhớ sự ấm áp mà cốc cà phê Ireland cùng cô gái kia tạo ra.
Tôi như hiểu ra, giá trị của cà phê hẳn tới từ chính bản thân nó cùng sự chú đáo chuyên chú của người pha.
Mà không phải do những thứ đồ dùng tinh xảo quý giá.
Thứ năm tới rồi, cuộc họp ở Đài Bắc kết thúc, mới chưa tới bảy giờ.
Trước khi máy bay cất cánh, ngồi hai quán cà phê liền, vẫn không tìm đuợc cà phê Ireland.
Nếu đúng như cô ấy nói, tôi là người chu đáo cẩn thận, vậy tôi chắc hẳn sẽ không làm việc gì điên rồ.
Tôi sẽ không vì cà phê Ireland mà cố ý bỏ chuyến bay.
Đúng vậy, cô ấy nói đúng.
Hai tuần liên tục, tôi đều đáp máy bay về Đài Nam trong tình trạng không có cà phê Ireland.
Khi tuần thứ ba tới thì cũng đã là tháng 11, buổi tối ở Đài Bắc bắt đầu lạnh dần.
Khi tôi chuẩn bị bỏ tiền ra mua vé ở sân bay, tấm thiệp “Yeats” rớt ra.
Đột nhiên nhớ tới câu thơ tưởng niệm Yeats của nhà thơ người Anh Auden: “Ireland điên cuồng sẽ làm tổn thương bạn thành thơ.”
Yeats, Ireland, cà phê Ireland, cô gái pha cà phê Ireland, đều là thơ.
Tôi quyết định không làm người cẩn thận chu đáo nữa, đêm nay sẽ lưu lại tìm kiếm hơi ấm của cà phê Ireland.
Cũng như lần trước, đầu tiên giết thời gian ở Thành Phẩm.
Lật xong cuốn tiểu thuyết rất lưu hành trên mạng “Lần đầu bên nhau”.
Tác giả Bĩ Tử Thái đúng là một tên vớ vẩn, tôi sẽ không phí tiền mua sách để gã kiếm nhuận bút.
Sắp tới 12 giờ, theo địa chỉ trên danh thiếp, tới “Yeats”.
Tôi đẩy cửa ra, không quay đầu lại, trực tiếp đi tới rìa quầy bar, ngồi xuống.
Cô gái cứ mỉm cười nhìn tôi, ngay cả câu “chào mừng quý khách” cũng không kịp nói.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Cô gái không đưa menu ra, chúng tôi hoàn thành đoạn đối thoại này rất ăn ý.
“Anh phải chú ý xem đấy.”
Cô gái lấy chiếc cốc chuyên pha cà phê Ireland ra đặt lên bàn, sau đó chọn hạt cà phê.
“Cà phê Ireland không quy định phải dùng loại hạt cà phê gì, tôi cảm thấy Lam Sơn hay Mandheling đều được. Có điều Mandheling là tốt nhất, hơn nữa phải nồng một chút. Đó là kinh nghiệm của tôi.”
Cô gái giảng giải rất tỉ mỉ, tôi thì như học sinh ngoan chuyên chú nghe giảng, chỉ thiếu mỗi nước ghi chép lại thôi.
“Espresso tuy đậm đà nhưng lại không thích hợp, dùng nó sẽ khiến màu sắc của cà phê Ireland có hơi vẩn đục, hơn nữa hương vị cũng sẽ kém đi.”
Cô vừa pha cà phê, vừa lấy bình rượu whisky ra, từ từ đổ rượu whisky vào cốc cà phê Ireland.
Vừa vặn chạm vào sợi viền vàng kim ở gần đáy cốc.
Thần sắc chuyên chú cẩn thận của cô khiến tôi liên tưởng tới thí nghiệm hóa học đổ axit sunfuric đặc vào trong cốc chịu nóng hồi cấp ba.
"Rượu whisky nhất định phải dùng rượu whisky Ireland."
“Vì sao” Rốt cuộc tôi cũng không nén nổi lòng hiếu kỳ.
“Cà phe Ireland sao dùng loại whisky khác được? Làm vậy khác nào tên không như thật.”
“Chỉ vì nguyên nhân này?”
“Anh quả nhiên là người chu đáo cẩn thận. Ừ, đáng được vỗ tay.”
Cô vỗ tay ba cái rồi nói tiếp:
“Nguyên nhân quan trọng nhất đương nhiên không phải là nó rồi.”
“Rượu whisky bình thường sẽ ám mùi khói than, ví dụ như rượu whisky Scotland nổi tiếng nhất. Nhưng loại vị khói than này khi pha cùng với cà phê sẽ làm mất hương thơm của cà phê.”
Cô ngừng lại, khóe miệng như cười mà chẳng phải cười, nhìn tôi.
“Sao vậy? Sao cô đột nhiên ngừng nói?”
“Anh là người cẩn thận chu đáo cơ mà, hẳn là muốn hỏi tiếp ‘vì sao’ chứ.”
“Được.” Tôi cảm thấy vui vui, bèn hỏi: “Vì sao lại có vị khói?”
“Good question. Vì nguyên liệu chủ yếu của rượu whisky là lúa mạch, qua hai lần cất mới được. Trong quá trình cất rượu, để lúa mạch khô ráo, người ta sẽ dùng than bùn để xông.
Vì vậy trong rượu thường ám vị khói.”
“Rượu whisky Ireland không như vậy, nó chỉ có hương lúa mạch nồng hơn chứ không có vị khói.”
Cô cầm một chén rượu khác, rót chút rượu whisky Ireland, đưa cho tôi.
“Vị rượu mặc dù nhạt hơn, song hương rượu lại đậm đà. Khi kết hợp với cà phê, hương vị càng thêm mê người.
Tôi uống một ngụm, vị rất ôn hòa, sức rượu cũng vô cùng nhu thuận.
“Thực ra chữ ‘whisky’ này cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Irleland, có nghĩa là ‘nước sinh mệnh’. Bắt đầu từ thế kỷ 12, người Ireland dùng ngũ cốc để cất rượu.
Sau này truyền tới Scotland mới từ từ hình thành nên rượu whisky hiện nay.”
Tiếp đó cô lấy ra một cái giá để cốc bằng đồng, để cốc cà phê Ireland xuống, nghiêng một góc 45 độ.
Bên dưới thân cốc có một ngọn đèn cồn nho nho nhỏ.
Cho hai muỗng cà phê đường nâu nâu vào trong rượu whisky, đốt cồn, dùng ngọn lửa nhỏ từ từ tăng nhiệt độ của rượu whisky lên.
Chiếc cố được xoay tròn khiến cốc nóng đều, cũng khiến đường hòa tan vào trong rượu whisky.
Trong quá trình đun, cô luôn chú tâm, không dám sơ ý chút nào.
Trước khi rượu whisky trong cốc sôi lên, cô nhanh chóng lấy cốc ra, dập tắt đèn cồn.
Rồi lại đổ vào đó cà phê Mandheling vừa được pha, vẫn còn nóng tới vệt vàng kim thứ hai ở gần miệng cốc.
Thấy rõ cà phê vừa vặn chạm vào vệt vàng kim thứ hai, cô mới thở phào một hơi, lau lau cái trán.
Sau đó lấy kem tươi từ trong tủ lạnh ra, đánh xốp lên, từ từ đổ lên trên cà phê, tới khi cao xấp xỉ với miệng cốc.
“Tiên sinh, cà phê Ireland của ngài đây.” Cô đưa cốc cà phê Ireland tới trước mặt tôi, cười nói:
“Xin đừng khuấy lên! Hơn nữa cần uống khi còn nóng. Có điều phải cẩn thận kẻo bỏng miệng.”
Tôi lẳng lặng nhìn cốc cà phê Ireland này, không khỏi nhớ lại buổi tối chật vật ba tuần trước.
Khi đó cô cũng nhiệt tình pha cà phê Ireland như vậy.
Quảng cáo thẻ Hoa Hồng của ngân hàng Đài Tân quả không sai, “Phụ nữ nhiệt tình là xinh đẹp nhất.”
Cà phê Ireland quả thực rất ấm áp, còn chưa uống đã cảm nhận được sự ân cần của người pha.
“Này, uống nhanh đi. Nếu không kem tươi bị hòa tan, màu sắc của cà phê sẽ xấu đi đấy.”
Cô gái ôn nhu thúc giục.
Tôi từ từ uống hết cốc cà phê Ireland này, cô vẫn yên lặng nhìn.
Tới khi từ khuôn mặt tới bên tai đều nóng lên, tôi lại nhớ lại cảm giác ấm áp ba tuần trước.
“Không ngờ pha một cốc cà phê Ireland lại tốn nhiều thời gian như vậy.”
“Thật ra có thể đơn giản hơn một chút. Rất nhiều quán cà phê để tiết kiệm thời gian và nghĩ tới chuyện an toàn sẽ cho nước nóng vào trong cốc cà phê Ireland trước rồi mới cho thêm rượu whisky, đường, hạt cà phê, sau đó nhẹ nhàng khuấy lên. Cuối cùng đổ kem tươi lên trên là được.”
“Vậy sao cô không làm vậy?”
“Tuy rằng khi đun cốc sẽ có khả năng cốc cà phê Ireland vỡ gây ra nguy hiểm, hơn nữa lại tốn thời gian…” Ánh mắt cô sáng lên, nói rất nghiêm chỉnh:
“Có điều cách pha đơn giản kia lại thiếu đi sự nhiệt tình và kiên trì của người pha đối với cà phê. Cà phê tất nhiên có giá, nhưng sự nhiệt tình và kiên trì của người pha cà phê đối với cà phê lại không thể dùng những con số để đong đếm được.”
“Vậy nếu tôi là người chu đáo và cẩn thận thì cô là người kiên trì và nhiệt tình rồi.”
“Coi như vậy đi.” Cô vừa cười vừa đáp.
“Cô pha nhiệt tình cà phê, tôi chu đáo thưởng thức. Có thể coi là không chê vào đâu được rồi.”
“Tôi kiên trì pha cà phê Ireland chân chính, anh cẩn thận lưu ý giúp tôi xem quầy bar có cháy hay không…”
Cô cười lên giòn giã. “Bọn mình thế này gọi là hợp tác chặt chẽ.”
Cách cái quầy bar, tôi với cô cứ thế chuyện trò.
Tôi kể cho cô về công việc của tôi, cả lý do mà mỗi thứ 5 đều phải tới Đài Bắc.
“Vậy tuần trước với tuần trước nữa sao lại không tới?”
“Tôi cho rằng cà phê Ireland ở đâu cũng uống được.”
“Kết quả ra sao?”
“Đương nhiên tôi thất vọng rồi.”
Chúng tôi cùng cười, chỉ cách nhau khoảng cách bằng một chén cà phê Ireland.
“Ừm, tôi cũng nên đi xe rồi. Cám ơn hôm nay cô đã chiêu đãi.”
“Anh là vị khách đầu tiên xem tôi pha cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Ấy? Vậy không được. Lần trước cô cũng kiên quyết mời khách rồi.”
“Tôi là chủ đấy, tôi đã nói vậy là vậy.”
“Vậy… Được rồi.”
“Anh có muốn biết vì sao rất khó tìm được quán cà phê có cà phê Ireland không?”
“Đương nhiên là muốn rồi.”
“Lần sau anh tới tôi sẽ lại kể cho anh.”
“Lần sau tôi tới cô không thể lại mời khách nữa đâu đấy.”
“Anh nói rồi đấy nhé! Anh sẽ lại tới.”
“Ừ.”
Chương 2
Từ đó về sau, mỗi lần họp ở Đài Bắc xong tôi đều cố ý tìm bạn bè ăn một bữa cơm.
Khi tới 12 giờ, lại đến “Yeats”.
Đẩy cửa quán ra, tôi nhất đính sẽ ngồi thẳng vào rìa quầy bar.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Thi thoảng cô còn có khách, bọn họ luôn kinh ngạc nhìn tôi với cô ăn ý không cần có menu.
“Vì sao lại rất khó tìm được quán cà phê có cà phê Ireland?”
Tôi rốt cuộc cũng mang câu hỏi từ tuần trước ra hỏi thẳng cô.
“Bởi vì cà phe Ireland có thể coi là rượu cocktail, thế nên dễ thấy được trong quán bar hơn.”
“Không thể nào? Cà phê Ireland là rượu cocktail?”
“Cà phê Ireland phải thêm rượu whisky, vì vậy có thể coi nó là rượu cocktail được pha với rượu whisky là cơ sở.”
“Loại rượu cocktail này rất đặc biệt.”
“Ừ, đúng. Cho dù cà phê Ireland bị coi như rượu cocktail, nó vẫn rất đặc biệt, vì nó là rượu cocktail cần uống khi còn nóng.
Cà phê Ireland vô cùng thích hợp để uống một mình vào buổi tối vắng vẻ lạnh lẽo.”
“Đúng rồi, tôi luôn thắc mắc, vì sao cô lại thích Ireland tới vậy?”
Cô gái bỏ cặp kính xuống: “Anh nhìn mắt tôi đi.”
“Cô đang chơi trò thôi miên sao?”
“Không phải! Anh nhìn kỹ xem con mắt của tôi có gì khác mắt người thường?”
Tôi chăm chú nhìn hai mắt cô, mắt hai mí, màu sắc con ngươi nhạt hơn so với người Đài Loan, hốc mắt hình như cũng khá sâu.
“Tôi có một phần tư dòng máu Ireland.”
Nói thật lòng, tôi không nhìn ra. Hơn nữa tôi cũng không tiện tiến sát hơn để quan sát.
“Đã thấy chưa? Con ngươi của tôi có một chút màu xanh lá.”
“Ra là thế. Hèn chi tôi thấy thảo nguyên Ireland xanh biếc trong mắt cô.”
“Nói phét.” Cô cười một tiếng: “Anh có biết về Ireland không?”
“Tôi không rõ lắm. Tôi chỉ biết quân cộng hòa Ireland là tổ chức khủng bố thường lên tin tức quốc tế.”
“Người Ireland tôn trọng tự do, bắc Ireland muốn thoát khỏi sự thống trị của nước Anh, cách làm khó tránh khỏi cực đoan.”
Cô gẩy gẩy mái tóc, lại đeo cặp kính gọng tím của mình lên:
“Anh biết không? Thật ra Đài Loan rất giống Ireland.”
“Rất giống? Không thể nào. Đài Loan đâu có tổ chức quân cộng hòa Đài Loan.”
“Tôi không nói đến cái đó. Ireland cũng không lớn, cho dù tính cả bắc Ireland bị nước Anh khống chế cũng chỉ lớn gấp hai lần Đài Loan. Ireland cũng được coi là đảo quốc, nước mưa dồi dào, trong nước đồng cỏ xanh biếc, được gọi là đảo ngọc bích(Emerald Isle), giống như trước đây Đài Loan được gọi là hòn đảo tươi đẹp(Formosa).”
“Nửa sau thế trỉ 12, người Anh bắt đầu đàn áp thống trị Ireland, tới năm 1922 Ireland mới thoát khỏi ách thống trị bảy trăm năm của nước Anh, trở thành bang tự do. Năm 1946 thành lập nước cộng hòa, có điều không bao gồm bắc Ireland. Trong quá trình độc lập, dựng nước của Ireland, văn hóa phục hưng Ireland đóng vai trò vô cùng quan trọng, mà linh hồn của văn hóa phục hưng Ireland chính là Yeats.”
“Vì vậy nên cô mới thích Yeats tới vậy? Thậm chí cả tên quán cũng đặt là Yeats?”
“Ừ. Tôi cũng thích cà phê Ireland vì vậy, nó tượng trưng cho tự do và khoan dung.”
"Tự do? Khoan dung?"
“Cà phê Ireland có thể đại biểu cho tinh thần truy tìm tự do của người Ireland. Mặt khác nó có thể kết hợp hai loại thức uống hoàn toàn bất đồng là rượu whisky và cà phê, đó chẳng phải biểu hiện của khoan dung sao? Thêm nữa, càng thú vị hơn là cà phê Ireland vậy mà lại là thức uống được yêu thích nhất của người Anh!”
“Như vậy cà phê Ireland, rốt cuộc là cà phê? Hay là rượu cocktail?”
“Dù là cà phê hay rượu cocktail vẫn là Ireland. Cà phê Ireland không quan tâm bị phân thành loại đồ uống gì, giá trị của cà phê Ireland sẽ không vì sự phân loại khác nhau mà thay đổi. Vì nếu không có lòng tôn trọng tự do và sự bao dung vô bờ, sẽ không có cà phê Ireland.”
Cô rót chút nước cho tôi rồi nói tiếp:
“Cũng như người sống ở Đài Loan, cho dù bị phân ra làm người nội thành hay ngoại tỉnh, vẫn đều là người Đài Loan.”
Tôi như bị điện giật, suy nghĩ lại tỉ mỉ thâm ý trong lời nói của cô.
Nếu Đài Loan tương tự như Ireland, có thể vì sự tự do và khoan dung, dung hợp cà phê và rượu whisky, sinh ra cà phê Ireland.
Hơn nữa không quan tâm rốt cuộc bị phân thành cà phê hay rượu rượu cocktail.
Đài Loan vì sao lại cố chấp, muốn phân biệt rõ khoai lang với khoai môn chứ?
Có lẽ cô cũng không có ý rộng như vậy, vì cô chỉ là người pha cà phê trong quầy bar.
Nếu nhiều học giả cùng chính trị gia vĩ đại ở Đài Loan đều không giải thích được đạo lý này, vậy một cô gái mở quán cà phê như cô với một dân đen chỉ biết đào cống như tôi làm sao hiểu được.
Hương vị của cà phê Ireland từ từ rút đi, tôi nhìn đồng hồ, bất đắc dĩ đứng dậy nói:
“Lại phải ngồi xe rồi.”
“Anh là người khách đầu tiên biết tôi có dòng máu Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Chị cả ơi, chị lại bắt đầu rồi.”
“Ha ha… Không có chuyện gì đừng gọi tôi chị cả. Nói chung, cứ vậy đi.”
“Nhưng…” Cô xua xua tay, không cho tôi nói tiếp.
“Anh có muốn biết câu chuyện về cà phê Ireland không?”
“Đương nhiên muốn.”
Tôi đột nhiên cảm thấy cô như cô gái kể chuyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”.
“Lần sau anh tới tôi sẽ lại kể cho anh.”
“Tôi biết ngay cô sẽ nói vậy mà.”
Cuộc sống là thứ vô cùng kỳ quặc, kỳ quặc tới mức không ngờ có thể thay đổi phong cách vẽ của tôi.
Vì trước kia tôi luôn vẽ ngón tay giữa lên ngày thứ 5 trong quyển lịch làm việc.
Còn bây giờ tôi lại vẽ ngón tay cái.
Dần dần, tôi không hiểu nổi vì thích cà phê Ireland mà lưu lại Đài Bắc?
Hay là vì cô gái kia?
Tôi chỉ biết uống một cốc cà phê Ireland ở “Yeats” là mong chờ duy nhất của tôi trong cuộc sống bình thường này.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Hôm nay anh đến sớm nửa tiếng.”
“Vì tôi muốn nghe câu chuyện về cà phê Ireland tới không chờ nổi.”
“Phải nói trước, câu chuyện này chỉ là chuyện kể, anh đừng quá coi là thật.”
“Ừ. Kể đi.”
“Về cà phê Ireland, còn có một câu chuyện tình yêu lãng mạn.”
“Cô đừng lãng phí chiều dài của tiểu thuyết, mau kể đi.”
“Ha ha, anh đừng nóng ruột. Anh có muốn biết nguyên nhân khiến cà phê Ireland nổi tiếng thế giới không?”
Cô ngừng lại, cầm chiếc khăn lên lau lau quầy bar.
Cô nàng này, xem ra nếu tôi không đóng vai người nghe hiếu kỳ, cô ta sẽ cố ý ngừng nói.
“Muốn chứ. Vì sao nào?”
“Anh biết cà phê Ireland do ai phát minh ra không?” Cô nàng lại bắt đầu lau quầy.
“Chị cả, chị tha cho em đi. Mau kể chuyện về cà phê Ireland đi.”
“Có người nói, người phát minh ra cà phê Ireland là bartender ở sân bay Berlin. Bởi vì máy bay bay ngang qua Đại Tây Dương thường nghỉ lại tại sân bay này. Hành khách khi xuống máy bay nghỉ ngơi rất thích uống cà phê Ireland, vì vậy nên nó theo các chuyến bay truyền khắp mọi nơi trên thế giới.”
“Ừm.”
“Vậy anh có biết vì sao bartender đó lại phát minh ra cà phê Ireland không? Ừm… quầy bar lại bẩn rồi.”
“Xin cô đừng lau quầy nữa.”
“Ha ha… Bartender đó chế ra là vì một tiếp viên hàng không xinh đẹp.”
“Vậy cô ấy nhất định không phải tiếp viên hàng không của hãng hàng không Trường Vinh rồi.”
“Anh lại nói bậy rồi. Tôi có một người bạn làm tiếp viên hàng không cho hãng Trường Vinh, cô ấy cũng xinh đẹp lắm chứ.”
“Có nguyên tắc cũng sẽ có ngoại lệ, cô không thể vơ đũa cả nắm được. Sau đó thì sao?”
“Bartender ở sân bay Berlin gặp cô gái này, có thể là vừa thấy đã yêu, bartender vô cùng yêu cô tiếp viên hàng không. Anh cảm thấy cô ấy như rượu whisky Ireland, nồng nàn mà thuần khiết. Thế nhưng, mỗi lần tới quầy bar, cô luôn theo tâm tình mà chọn loại cà phê khác nhau, chẳng bao giờ gọi rượu cocktail.”
“Vì sao lại phải gọi rượu cocktail?”
“Bartender này giỏi pha chế rượu cocktail, anh ta rất hy vọng cô có thể uống một chén rượu cocktail do mình tự tay pha chế. Sau đó, anh ta nghĩ ra một cách, đem cô gái như rượu whisky mà anh yêu kết hợp với cà phê, trở thành một loại đồ uống mới, rồi đặt tên nó là cà phê Ireland, đưa vào trong menu, mong rằng cô gái có thể phát hiện ra.”
“Chỉ tiếc là cô gái này không giống anh, cô không phải người cẩn thận chu đáo, vì vậy mãi không phát hiện ra cà phê Ireland. Bartender cũng chẳng bao giờ nhắc cô, chỉ làm việc của mình sau quầy bar rồi lại đợi cô gái cứ cách một khoảng thời gian lại tới. Tiếp đó, rốt cuộc cô gái cũng phát hiện ra cà phê Ireland, đồng thời chọn nó. Ừm, tôi nói xong rồi.”
“Chỉ đơn giản như vậy thôi?”
“Đơn giản? Anh có biết bartender đó đã mất bao nhiêu tâm huyết mới sáng tạo ra cà phê Ireland không?”
“Về cơ bản, muốn hoàn toàn dung hợp rượu whisky Ireland với cà phê có độ khó rất cao.”
Cô lại lấy một cốc cà phê Ireland từ trên quầy bar.
“Đầu tiên là tỷ lệ của rượu whisky với cà phê.” Cô chỉ vào vạch kim tuyến thứ nhất trên chiếc cốc:
“Rượu whisky cần hơn một ounce, khoảng chừng 30 cc.”
Cô lại chỉ vào vạch kim tuyến thứ hai:
“Cà phê năm ounce, 150 cc, tỷ lệ một chia năm. Anh có biết muốn có tỷ lệ này phải qua bao nhiêu lần thí nghiệm không? Cô gái chẳng bao giờ chọn ruợu cocktail, hẳn không thích vị rượu, nhưng rượu whisky lại còn là rượu mạnh tới gai họng. Vì vậy anh ta phải nghĩ cách khiến vị rượu nhạt đi, song lại không thể làm mất hương và vị của rượu. Vì vậy trong quá trình đun cốc, khống chế lửa là rất quan trọng.”
“Đây là lý do vì sao cốc cà phê Ireland chịu nhiệt tốt hơn cốc pha lê bình thường, hơn nữa còn có hai vạch kim tuyến.”
Cô lại đưa tay ra muốn cầm khăn lau, tôi bèn ra tay trước, nhanh tay ném cái khăn ra xa.
“Bị anh phát hiện rồi, ha ha. Anh có để ý thấy việc lựa chọn rượu whisky của cà phê Ireland, cả tỷ lệ giữa rượu whisky với cà phê, cách đun cốc cùng cách pha đều rất nghiêm ngặt, riêng chỉ có việc chọn cà phê lại khá tùy tiện, chỉ cần có vị nồng là được.”
“Vì sao lại như vậy.”
“Ngoại từ vì cô gái không có loại cà phê nào đặc biệt yêu thích, nó còn đại biểu cho một hình thức bao dung khác. Cho dù kén chọn đối với ruợu whisky ra sao, đối với cà phê mà nói lại rất khoan dung. Bartender có thể chỉ muốn pha cà phê Ireland cho cô gái, khong quan tâm tới việc cô có hiểu được tâm huyết và sự kiên trì của mình hay không, cũng không quan tâm tới việc cô gái có cảm động không.”
“Giờ tôi còn chưa pha cà phê Ireland cho anh đấy, muốn pha luôn bây giờ không?”
“Đợi lát nữa đi. Cô đừng nói lảng sang chuyện khác, sau đó thì sao?”
“Muốn biết kỹ hơn, xin chờ hồi sau sẽ rõ.”
“Này.”
“Không làm vậy tôi không biết liệu cuối tuần sau anh có lại tới nữa không.”
“Chỉ cần tôi còn phải tới Đài Bắc họp, tôi nhất định sẽ tới.”
“Chỉ cần anh tới Đài Bắc.”
Cô nhỏ giọng lặp lại những lời này một mình.
Cô gái lại lấy ra cốc cà phê, bắt đầu pha cà phê Ireland.
Tôi đã quan sát kỹ cô pha cà phê Ireland hai lần rồi, vì vậy lần này tôi chỉ ngắm cô.
Tôi chẳng bao giờ quan sát tỉ mỉ vẻ bề ngoài của cô, vì tôi luôn cảm thấy thứ đẹp nhất ở cô là sự nhiệt tình.
Từ khi biết cô có dòng máu của Ireland tới giờ, tôi cũng cảm thấy nàng có chút phong thái của nước ngoài.
Giờ ngắm kỹ, ngoại trừ rất biết pha cà phê ra, vẻ ngoài cũng rất xuất sắc.
Nhất là cặp mắt như biết kể chuyện kia.
“Anh nhìn tôi làm gì?” Cô như hơi xấu hổ.
“”Pha cà phê phải chuyên tâm chứ. Nếu cô không nhìn tôi làm sao biết tôi đang nhìn cô?”
“Mau uống lúc còn nóng đi.”
“Ừ.”
“Đài Bắc càng lúc càng lạnh, lần sau phải mặc thêm chút áo đấy.”
“Ừ.”
“Đừng có ừ ừ nữa, bị ốm thì mệt đấy, nhất là anh còn phải đi xe đêm.”
“Sau khi uống cà phê Ireland sẽ không bị cảm.”
“Anh ngốc.”
“Cô đang mắng tôi đấy, có biết không?”
“Uống nhanh lên!”
“Anh nên tới bến xe đi.”
Tôi gật đầu, chuẩn bị lấy ví ra thì cô lại nói:
“Anh là vị khách đầu tiên nghe tôi kể chuyện về cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Kiên quyết của cô rõ là nhiều. Cứ để tôi trả tiền đi.”
“Tôi không cần đâu…” Cô lè lưỡi ra rồi nói:
“Lần sau anh tới tôi sẽ kể tiếp diễn biến câu chuyện giữa bartender và cô tiếp viên hàng không kia.”
“Được rồi. Tuần sau lại gặp.”
“Ừ!”
Tôi vừa tới dướng táng cây phượng ở cửa ngõ đã nghe tiếng cô đuổi theo vang lên bên tai.
“Thế nào? Cô hối hận, muốn nhận tiền rồi hả.”
“Không cần đâu. Anh quên mang theo cặp công tác này.”
“Á. Cám ơn cô.”
“Uổng cho tôi khen anh là người chu đáo cẩn thận, không ngờ anh lại sơ ý như thế.”
“Nếu tôi không sơ ý, vậy cũng sẽ không biết cô.”
“Vì sao?”
“Muốn biết kỹ hơn, xin chờ hồi sau sẽ rõ.”
“Ha ha… Anh đừng bắt chước tôi. Mau nói đi.”
Ánh sáng của đèn đường ở cổng ngõ, xen qua kẽ hở giữa những chiếc lá phượng, phủ xuống bên dưới.
Có lẽ do tác dụng phản quang của lá cây, tôi rốt cuộc cũng thấy được một chút xanh lá trong con mắt cô.
“Lần đầu tôi tới nơi này là vì trễ chuyến bay, còn lý do trễ chuyến bay là do quên mang theo báo cáo nghiên cứu.”
“Chỉ đơn giản như vậy?”
“Đơn giản? Cô có biết tôi phải mất bao nhiêu sơ ý mới tạo nên sai lầm nghiêm trọng như vậy không?”
Tôi bắt chước cách nói của cô, khiến cho thân hình cô dưới táng cây cùng bóng cây đồng thời lay động.
“Bên ngoài rất lạnh, mau về đi.”
“Được.” Cô im lặng một lúc rồi lại hỏi: “Vậy anh cứ đáp xe đêm như vậy, không mệt sao?”
“Không đâu. Dù sao cũng không có việc gì lớn phải về ngay. Hơn nữa…”
"Hơn nữa cái gì?"
"Hơn nữa tôi thích."
“Anh thích cái gì? Cà phê Ireland? Hay là ‘Yeats’? Hay là…”
“Hay là cái gì?”
Cô mỉm cười không đáp.
Cũng hay, dù sao tôi cũng không biết đáp án.
Tôi ngẩng đầu ngắm ánh trăng xen lẫn giữa những chiếc lá cây, không tự chủ cất tiếng khen:
“Cây phượng này đẹp thật.”
“Cây phượng? Đây là cây bồ đề mà.”
“Là cây bồ đề hả?”
“Ngay cả cây phượng với cây bồ đề anh cũng không phân biệt được sao?”
“Bồ đề vốn không gốc, phượng hoàng duỗi cánh bay, vốn đều chẳng phải cây, hà tất phải nghi ngờ. A di đà phật… Đây là thiền học cao thâm, cô không hiểu nổi đâu.”
“Anh lại bốc phét rồi. Mau tới bến xe đi.”
“Ừ. Tuần sau tôi lại tới.”
“Ừ. Tôi sẽ chờ anh.”
Về Đài Nam được vài ngày, tôi không cẩn thận bị bệnh.
Lúc đầu còn đỡ, chỉ choáng váng đầu óc, cổ họng hơi đau thôi.
Sau đó mới phát sốt, tôi đành xin nghỉ, tĩnh dưỡng ở nhà.
Thứ năm lại tới nhưng tôi không tới Đài Bắc họp, chỉ nằm nhà mơ mơ màng màng ngủ suốt một ngày.
Lần tiếp theo đễn “Yeats” đã là chuyện của hai tuần sau.
Không ngờ vừa tới cửa quán đã thấy tấm bảng “CLOSE” treo ở ngoài.
Tôi thực sự rất kinh ngạc, ngây dại suốt mười phút.
Đành phải đi tới đi lui ở chỗ cây phượng, nhầm, cây bồ đề gần quán “Yeats”.
Bồi hồi suốt nửa tiếng đồng hồ, đột nhiên thấy một bóng người xa xa rời khỏi màn đêm, từ từ đi tới.
“Sao giờ cô mới tới?”
“Anh mới đợi chưa tới một tiếng, còn tôi đợi anh suốt hai tuần rồi đấy.”
Cô có vẻ như đang tức giận, tôi chỉ đành im lặng theo sát cô vào bên trong.
Cô gái lấy chìa khóa ra mở cửa, bật đèn, đi vào trong quầy bar, xoay người sang rửa chén.
Vòi nước khóc ô ô, chén chạm nhau lách cách, song cô vẫn không nói một lời.
“Tôi… Cuối tuần trước tôi bị sốt nên không tới Đài Bắc.”
“Thật không?” Cô gái quay đầu lại, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên và quan tâm.
“Ừ.”
“Vậy anh đã khá hơn chút nào chưa?”
“Tôi khỏi bệnh rồi.”
Cô lau khô tay, ra rìa quầy bar ngồi xuống, dùng ngón nay nhẹ nhàng chạm vào trán ta một cái.
“Vừa nãy sao cô không nói gì? Còn giờ sao không mở quán?”
“Tức chứ sao. Pháp luật có quy định người mở quán cà phê không thể tức sao?”
“Có chuyện gì đâu mà tức?”
“Anh có biết cuối tuần trước tôi đợi anh bao lâu không?”
“Tôi đương nhiên không biết rồi.”
“Tôi đợi tới tận sáng.”
“Hả? Xin lỗi, tôi không cố ý.”
“Được rồi. Tha cho anh đấy.”
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Hả? Cái gì?”
“Anh có biết từ khi bartender nghĩ ca cà phê Ireland tới khi cô gái chọn nó, mất bao lâu không?”
"Bao lâu?"
"Tròn một năm."
"Hả? Lâu vậy sao?"
“Lần đầu tiên anh ta pha cà phê cho cô gái, vì quá kích động đã rơi nước mắt. Vì sợ bị cô gái nhìn thấy, anh lén dùng ngón tay lau giọt nước mắt đi, sau đó lại lén dùng nước mắt vẽ một vòng trong cốc cà phê Ireland. Vì vậy ngụm cà phê Ireland đầu tiên sẽ có hơi men của nỗi nhớ nhung bị kiềm chế lâu ngày, mãi mới được bộc lộ ra. Còn cô gái cũng trở thành người khách đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Trong suốt một năm đó không ai chọn cà phê Ireland?”
“Đúng. Vì chỉ có cô gái mới chọn được.”
“Vì sao?”
Cô không trả lời câu hỏi của tôi mà tiếp tục kể:
“Cô tiếp viên hàng không kia rất thích cà phê Ireland, từ đó về sau, chỉ cần nghỉ lại tại sân bay Berlin đều sẽ gọi một cốc cà phê Ireland. Dần dần, hai người bọn họ dần dần thân quen, cô tiếp viên hàng không kể với anh những chuyện thú vị ở các quốc gia trên thế giới, bartender thì dạy cô pha cà phê Ireland. Mãi tới một ngày, cô quyết định không làm tiếp viên nữa, nói Farewell với anh, câu chuyện của bọn họ mới kết thúc.”
"Farewell?"
"Farewell, tạm biệt mà không gặp lại, không như goodbye. Khi anh pha cốc cà phê Ireland cuối cùng cho cô, đã hỏi cô một câu như vậy: ‘Want some tear drop?’”
"Tear drops?"
“Ừ. Vì anh hy vọng cô cỏ thể hiểu được vị men nhung nhớ.”
“Sau khi cô gái trở về nhà ở San Francisco, một ngày nọ đột nhiên muốn uống cà phê Ireland, tìm khắp mọi quán cà phê đều không thấy. Sau này cô mới biết, cà phê Ireland là do bartender kia tạo ra chỉ vì mình, song rốt cuộc vẫn không hiểu vì sao bartender lại hỏi mình: ‘Want some tear drops?’ ."
“Không bao lâu sau, cô mở quán cà phê, cũng bán cà phê Ireland. Dần dà, cà phê Ireland bắt đầu lưu hành ở San Francisco. Đây là lý do vì sao cà phê Ireland xuất hiện sớm nhất ở Berlin song lại thịnh hành ở San Francisco.”
“Cô tiếp viên hàng không đi rồi, bartender cũng bắt đầu để khách hàng chọn cà phê Ireland, vì vậy mọi người tới uống cà phê Ireland ở sân bay Berlin đều cho rằng cà phê Ireland là rượu cocktail. Còn người uống nó ở quán cà phê San Francisco, đương nhiên sẽ cảm thấy cà phê Ireland là cà phê.”
“Vì vậy cà phê Ireland vừa là rượu cocktail, lại vừa là cà phê, bản thân nó chính là một sự nhầm lẫn tuyệt đẹp.”
“Được rồi, kể chuyện xong rồi. Giờ phải pha cà phê Ireland cho anh.”
“Đừng lén bỏ thêm nước mắt vào đấy.”
“Hừ. Cho dù bỏ thêm vào anh cũng chẳng nhận ra.”
“Làm không tốt tôi chắc chắn sẽ nhận ra. Vì nước mắt của cô chắc hẳn có vị ngọt.”
“Tuần trước anh cho tôi leo cây, tôi còn chưa tính sổ với anh đấy.”
“Cô đừng tự trách nữa. Tôi đã tha thứ cho cô rồi mà.”
“Anh…” Cô chỉ tay vào người tôi: “Không nói chuyện với anh nữa.”
Cô lườm tôi một cái rồi chuyên tâm vào việc pha cà phê.
Lần này thời gian ngồi được ở quán cà phê “Yeats” tương đối ngắn, vừa uống xong cốc cà phe Ireland đã tới giờ phải ra bến xe.
“Hôm nay cô kiên quyết gì đây?”
“Anh là người đầu tiên biết cà phê Ireland thích hợp với tâm tình ra sao, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
"Tâm tình?"
“Vừa mới nói rồi mà, cà phê Ireland thích hợp với tâm tình nhung nhớ tới lên men.”
“Được rồi. Thật ra tôi cũng sợ cô không tìm được lý do để kiên quyết.”
“Cuối tuần sau đừng ốm nữa nhé.”
“Cô yên tâm đi. Cho dù bị truyền nước trong bệnh viện, tôi cũng sẽ ôm cả cột truyền nước tới đây.”
“Anh ngốc, đừng nói lung tung nữa. Mặc áo khoác vào đi rồi hãy ra đi xe.”
Ngày càng lúc càng lạnh, sự khác biệt về khí hậu giữa hai vùng nam bắc cũng càng lúc càng lớn.
Thường thường Đài Nam sáng sủa khe khẽ lạnh, Đài Bắc lạnh ẩm ướt và lạnh lẽo.
Mồt lần Đài Bắc có mưa, cô vẫn cố đứng dưới tán cây phượng chờ tôi.
Lại nói sai rồi, là cây bồ đề.
“Khách hàng khác thì sao?”
“Bị tôi đuổi đi rồi.”
“Sao cô ác vậy?”
“Ha ha… Tôi đùa thôi. Thời điểm này ít khách lắm.”
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
Đoạn đối thoại này luôn không thay đổi, chúng tôi như ra sức duy trì mối quan hệ đơn thuần: chủ quán và khách hàng.
Bất quá tôi cũng hỏi cô vài lần, cô luôn không nói cho tôi biết vì sao trong suốt một năm sau khi bartender nghĩ ra cà phê Ireland, chỉ có cô tiếp viên hàng không mới chọn được nó.
Tháng 12 năm ấy, thứ năm của tuần thứ ba, tình cờ lại là sinh nhật cô.
“Trùng hợp vậy sao? Ừm… Hóa ra cô thuộc cung xạ thủ.”
“Đúng. Vì vậy hôm nay tôi muốn uống một cốc cà phê Ireland cùng anh.”
“Vì sao?”
“Cung xạ thủ, cũng có thể gọi là nhân mã, như một chú ngựa hoang bôn ba tự do giữa vùng quê. Nhân mã tôn trọng sự tự do đương nhiên thích hợp để uống một cốc cà phê Ireland rồi.”
Dường như cô rất thích đem mọi chuyện gắn với cà phê Ireland.
Mỗi lần phải tới bến xe, tôi luôn cảm thấy cặp công tác mang tới Đài Bắc nặng hơn trước nhiều.
“Anh là người khách đầu tiên biết tôi thuộc cung xạ thủ, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên dám cho nữ chủ quán này leo cây, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên không phân biệt được cây phượng với cây bồ đề, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
“Anh là vị khách đầu tiên uống cà phê Ireland không cần trả tiền, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
Cô luôn tìm được lý do để kiên trì.
Cho dù thật sự không tìm được lý do, cô cũng sẽ nói:
“Anh là vị khách đầu tiên mà tôi không nghĩ ra lý do để mời uống cà phê Ireland, vì vậy tôi kiên quyết mời khách.”
Đã gần năm mới, kế hoạch nghiên cũng cũng đã tới những báo cáo cuối cùng.
Tôi thắt cà vạt, chuẩn bị lên bục giải trình kết quả nghiên cứu, để các đại gia bỏ tiền tài trợ cam lòng.
Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần cuối tôi đến Đài Bắc vì công việc.
Đương nhiên có hay không tôi vẫn có thể đến Đài Bắc lúc nào cũng được.
Chỉ có điều đối với người hiện đại mà nói, lúc thực sự “rảnh rỗi”, không biết sẽ là chuyện của năm nào tháng nào nữa.
Quan trọng hơn nữa là, tôi mất đi “lý do” để tới “Yeats”.
Bất cứ kế hoạch nghiên cứu nào đều sẽ vì động cơ hay mục đích nào đó, nói đơn giản hơn, chính là lý do.
Thế nhưng khi tôi không còn phải tới Đài Bắc vì công việc nữa, vậy lý do mà tôi tới “Yeats” là?
Quan hệ giữa tôi với cô ấy dù sao cũng chỉ là chủ quán và khách hàng.
Một người ở trong quầy bar, một người bên ngoài quầy. Cách nhau quầy bar song ngược lại chúng tôi lại cảm thấy an toàn và đơn giản.
Vượt qua ranh giới này, có lẽ cũng sẽ như rượu whisky Ireland và cà phê nóng vượt qua hai vệt kim tuyến kia, sẽ khiến cà phê Ireland không còn thuần khiết nữa.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Hôm nay anh đeo cà vạt làm gì vậy?”
“Vì… Vì hôm nay phải báo cáo cuối kỳ, vì vậy tôi… tôi phải đeo cà vạt.”
Tôi vì hơi chột dạ nên nói năng có phần lắp bắp.
Cô ngắm nghía cái cà vạt tôi đang đeo, cả cái cặp công tác dày hơn bình thường.
“Tôi hiểu rồi. Cuối tuần sau anh sẽ không tới Đài Bắc nữa.”
Tôi nhìn cô, không biết nên nói gì, chỉ gật đầu.
Cô không hỏi.
Như máy móc lấy cốc cà phê Ireland ra, xay hạt cà phê, pha Mandheling. (Hạt cà phê ít quá vậy!)
Rót rượu whisky Ireland. (Rót nhiều quá rồi!)
Vượt qua vệt kim tuyến đầu tiên, rót ra một chút, lại rót vào một chút, vẫn cứ vượt qua.
Dứt khoát uống một hơi cạn sạch.
Lại rót rượu whisky Ireland vào.
Thêm đường, đốt cồn, đun cốc. (Lửa lớn quá rồi!)
Xoay tròn chiếc cốc. (Xoay nhanh quá rồi!)
Lẳng lặng nhìn rượu whisky trong cốc. (Mau tắt lửa đi!)
Tắt đèn cồn, thêm cà phê nóng và kem tươi vào.
“Uống đi.” Cô mở miệng.
“Muốn nghe chuyện về tôi không?” Cô ngồi xuống, tháo cặp kính ra.
“Ừ.”
“Tôi không đọc nhiều sách, cũng học không tốt, sau khi tốt nghiệp vẫn luôn làm việc ở quán cà phê. Sau khi chuyển vài quán cà phê bắt đầu hứng thú đối với việc pha cà phê. Tiếc là quán cà phê bây giờ càng lúc càng coi trọng không khí với cốc chén, ngược lại lại không chú ý tới bản thân cà phê.”
“Sau nghe được câu chuyện về cà phê Ireland, tôi bèn hạ quyết tâm phải pha được cà phê Ireland chân chính. Sau khi học được các pha cà phê Ireland, tôi bèn mở quán “Yeats” này.”
“Tuy đó cũng chỉ là chuyện kể, hoặc do mọi người cố ý gán vào. Thế nhưng, tôi luôn coi là thật.”
“Sau khi mở quán, tôi luôn đợi người khách chọn cà phê Ireland. Bartender đợi một năm mới đến lúc chén cà phê Ireland được uống, tôi may mắn hơn anh ta, chỉ mất ba tháng là anh đã chọn.”
Bầu không khí có vẻ khác lạ, tựa như trong cà phê Ireland là rượu whisky Scotland ám hơi khói chứ không phải rượu whisky Ireland.
Cô lấy ra hai menu mà lần đầu tới “Yeats” tôi đã thấy.
“Anh xem xem có gì khác nhau?”
Tôi lấy menu màu cà phê đậm trước, mặt đầu tiên là tên và giá của 20 loại cà phê Ireland.
Lại lấy cái màu cà phê nhạt, mặt đầu tiên vẫn là tên và giá của cà phê!
Tôi vốn cho rằng trong menu màu cà phê nhạt sẽ là các loại trà.
Hóa ra mặt thứ hai của hai menu này mới cùng là tên và giá của các loại trà.
Khác nhau là, trong menu màu đậm mới có cà phê Ireland.
“Vì sao cô lại làm hai menu?”
“Lúc đó bartender cũng làm vậy, vì thế cô tiếp viên hàng không mới trở thành vị khách đầu tiên chọn cà phê Ireland.”
“Tuy tôi cũng làm hai menu, nhưng menu màu cà phê đậm tôi chưa bao giờ lấy ra.”
“Lần đầu tiên anh tới, tôi để ý thấy anh luôn chú ý tới bức vẽ và câu thơ của Yeats. Tuy rằng đại đa số khách tới lần đầu cũng đều như vậy, nhưng những người khác đều chỉ xem lướt qua, chỉ có anh là đọc.”
“Tôi mất một lúc mới quyết định thử vận may, xem anh có chọn cà phê Ireland không.”
“Lần đầu tiên anh chọn cà phê Ireland, trong lòng tôi rất kích động. Như đột nhiên hiểu đuợc tâm tình của bartender khi nghe cô tiếp viên hàng không gọi 'Irish Coffee'.”
“Tôi rất nhiệt tình pha cà phê cho người khách chọn cà phê Ireland đầu tiên trong cuộc đời mình, cũng rất khẩn trương. Khi anh uống cà phê Ireland, tôi luôn lén quan sát anh. Thấy vẻ thỏa mãn khi uống hết của anh, tôi đã rất cảm động. Dùng cà phê để kết thân, chẳng qua cũng chỉ như vậy thôi.”
“Khi tính tiền, câu cảm ơn chân thành của anh, đối với tôi mà nói, chính là thù lao lớn nhất rồi. Anh có biết vì sao tôi luôn kiên quyết không để anh trả tiền không? Đó là vì tôi vốn dĩ chưa từng coi anh là khách hàng.”
Cô nói không ngừng, như đang thì thầm trong mộng.
“Hôm nay để tôi kiên quyết thêm một lần nữa đi.”
“Lý do kiên quyết của hôm nay là gì?”
“Vì rốt cuộc anh cũng khiến tôi cảm nhận được tâm tình của bartender khi pha cốc cà phê Ireland cuối cùng cho cô tiếp viên hàng không, vì vậy nên tôi kiên quyết mời khách.”
“Là tâm tình gì?"
“Nhớ nhung trong tuyệt vọng. Nhớ nhung không như xe lửa, nhớ nhung luôn chỉ có một hướng, cà phê Ireland có thể lưu truyền tới giờ, song anh ta vĩnh viễn không cách nào khiến cô hiểu được nỗi khổ tâm của mình.”
“Cô nhớ ai?”
“Một người chu đáo và cẩn thận.”
Tới phiên tôi không nói gì.
“Xin lỗi…” Chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu rồi cô mới mở miệng:
“Vừa rồi tôi quên không thêm nước mắt cho anh.”
Cô nhấc cốc cà phê Ireland đã trống không lên, kinh ngạc nhìn vào nó một lúc lâu.
“Đã là cốc cà phê Ireland cuối cùng rồi, vì sao tôi lại sơ sót như vậy chứ.”
Nước mắt cô đột nhiên tuôn rơi, từ thảo nguyên Ireland xanh biếc, nhỏ xuống cốc cà phê Ireland.
Sau đó, dùng ngón trỏ tay phải, thấm chút nước mắt, quệt lên miệng cốc cà phê Ireland.
Từng vòng từng vòng.
Khi quệt tới vòng thứ năm, cô ngẩng đầu lên, hai mắt đẫm lệ nói:
"Farewell."
"Farewell." Tôi cũng nói theo.
Chúng tôi không nói goodbye.
Trở lại Đài Nam, tiếp tục cuộc sống làm việc bình thường.
Cuộc sống không có lịch công tác cố định vào cuối tuần, bỉnh thản tới lạ thường.
Thi thoảng lại cùng đồng nghiệp tới quán cà phê, tôi luôn tìm cà phê Ireland.
Có thì chọn, không có thì thôi.
Cho dù chọn cà phê Ireland, thường cũng chỉ là tài liệu tương tự mà thôi.
Nói cách khác, đối với rất nhiều quán cà phê, ý nghĩa của cà phê Ireland chỉ đơn giản là rượu whisky pha thêm cà phê mà thôi.
Thậm chí có nơi còn đổi thành rượu brandy.
Càng không cần nói tới cốc cà phê Ireland có chữ "Irish Coffee".
Mùa đông nhanh chóng trôi qua, mùa thích hợp nhất để uống cà phê Ireland rốt cuộc cũng kết thúc.
Còn mùa tưởng nhớ cà phê Ireland nên bắt đầu? Hay nên kết thúc?
Cà phê Ireland và cô gái đó, rốt cuộc tôi thích nhất là gì?
Tôi dường như không cách nào phân biệt hai thứ cảm tình này, cũng như tôi không phân biệt được cây phượng với cây bồ đề.
Nếu cà phê Ireland có thể vừa là rượu cocktail vừa là cà phê;
Vậy tôi có thể đồng thời thích cả cà phê Ireland và cô gái đó không?
Vừa qua năm âm lịch, vài đồng nghiệp hẹn nhau tới Đài Đông tắm suối nước nóng.
Trên đường về, trong một quán cà phê gần ga tàu hỏa Đài Đông, tôi lại chọn cà phê Ireland.
Cốc đúng rồi, mùi cũng đúng rồi, ngay cả vị cũng đúng rồi.
Chỉ có điều ông chủ lại là một người đàn ông trung niên to béo khoảng bốn mươi tuổi.
Dường như tôi đã có thể phân biệt rõ sai biệt giữa cô với cà phê Ireland.
Tôi vừa uống, vừa nhớ lại những chuyện khi tới uống cà phê Ireland tại “Yeats”.
Uống xong, rượu không chỉ làm bụng ấm lên, ngay cả trái tim cũng bùng lên theo.
Như có thứ nước gì đó rời khỏi khóe mắt, lướt qua gương mặt, rơi vào trong miệng.
Hơi mặn, lại hơi chua chát.
Tôi cũng như cô ấy, rốt cuộc cũng đã nếm thử vị nhung nhớ tới lên men.
Tôi không chờ tới thứ năm cũng chẳng cần phải chờ tới thứ năm.
Nhung nhớ, thứ này vốn không có mắt, khi nhung nhớ đột nhiên trào dâng, nó sẽ bỏ qua cả thời gian và địa điểm.
Sau đó, đáp chuyến máy bay cuối cùng từ Đài Nam tới Đài Bắc, khi tới Đài Bắc còn một lúc mới tới 12 giờ đêm, đứng dưới tán cây bồ đề ở cửa ngõ đợi.
Ừm, rốt cuộc cũng nói đúng, không nói nhầm thành cây phượng nữa.
Tôi đẩy cửa “Yeats”, nhốt cơn giá lạnh ngoài cửa.
Cô đang cầm khăn lau, cúi đầu lau quầy bar.
“Chào mừng quý khách.” Cô không ngẩng đầu lên.
Tôi tới rìa quầy bar, ngồi xuống.
“Cô vẫn thích dùng trò lau quầy bar này sao?”
Cô run lên một cái, đột nhiên ngừng lau.
Ngẩng đầu lên.
“Xin hỏi muốn uống trà hay cà phê?”
“Cà phê.”
“Xin hỏi ngài muốn uống loại cà phê nào?”
“Cà phê Ireland”
“Anh lại chạy tới Đài Bắc làm gì?”
“Vì muốn uống cà phê Ireland.”
“Có cần cho thêm nước mắt không?”
“Không cần đâu.”
“Vì sao?”
“Vì rốt cuộc tôi cũng hiểu được tâm tình khi nhung nhớ một người.”
“Anh nhớ ai?”
“Một người kiên trì và nhiệt tình.”
Cô ngẩng đầu dậy, đôi tay run run vươn tới muốn lấy cốc cà phê Ireland trên quầy bar.
Song dù thế nào cũng không nắm được.
Tôi rốt cuộc cũng vượt qua cái quầy bar luôn ngăn cách chúng tôi, đi vào trong quầy.
Nhẹ nhàng nắm lấy tay cô, giúp cô lấy hai cốc cà phê Ireland.
Truyện mới nhất:
- Cận vệ của bóng tối (Chương 2) (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Xuyên Thành Hắc Liên Hoa Hoàng Đế Chi Sư (giới thiệu) (Truyện Đam mỹ)
- Định Mệnh Sắp Đặt (chap 1) (Truyện ngôn tình)
- Cảm Xúc Chưa Lời (Truyện ngôn tình)
- Ba Con Đường, Một Trái Tim (chap2) (Truyện ngôn tình)
- Cận vệ của bóng tối (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (giới thiệu) (Truyện xuyên không)
- Bị Năm Người Anh Đọc Trộm Tiếng Lòng, Hình Tượng Tôi Sụp Đổ (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Trà xanh max level xuyên vào tiểu thuyết kinh dị (4/4) (Truyện xuyên không)
- Xem tất cả truyện >>
Xem thêm: Truyện Cười | Truyện ngắn | Truyện kể về Bác Hồ | Truyện Ngôn tình | Truyện Trạng Quỳnh | Truyện Cổ tích | Truyện cổ tích Việt Nam | Truyện cổ tích Thế giới | Truyện cổ tích Nhật Bản | Truyện Ngụ ngôn | Truyện Dân gian | Truyện ma - Truyện kinh dị | Thần thoại Việt Nam | Thần thoại Hy Lạp | Thần thoại Bắc Âu | Thần thoại Ai Cập | Truyện cổ Grimm | Truyện cổ Andersen | Nghìn lẻ một đêm | Tất cả truyện | Gửi truyện bạn biết >>
|
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!