24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Chương 4
Đặng Phương | Chat Online | |
05/06/2019 11:22:14 | |
Truyện tiểu thuyết | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Chương 5 (Truyện tiểu thuyết)
- * 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Chương 6 (Truyện tiểu thuyết)
- * 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Chương 3 (Truyện tiểu thuyết)
- * 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Chương 2 (Truyện tiểu thuyết)
Thế là cả hai chúng tôi, đứng bên nhau, núp trong một khoảng nhỏ, phía sau chúng tôi là cái quầy, vách đóng kín, trên đầu chúng tôi chỉ có cái mái che, quá nhỏ; dưới mai, nước mứa không ngừng lọt ngấm ngầm qua, quất từng đợt những mảng nước lạnh vào quần áo, vào mặt chúng tôi, tình hình trở nên không sao chịu đựng nổi. Dù sao tôi cũng không thể ở lại lâu hơn nữa, bên cạnh người lạ lướt thướt này. Mặt khác, sau khi kéo anh ta đi theo tôi, cũng không thể bỏ mặc anh ta ngay mà không có một lời nào. Nhất thiết phải làm gì; dần dần, một ý nghĩ rõ ràng, sáng sủa, hình thành trong đầu tôi. Tốt nhất là đưa anh ta về nhà anh bằng xe rồi trở về lại nhà mình ngày mai, anh ta sẽ biết tự lo liệu. Và thế là tôi hỏi con người đứng lặng bên tôi, mắt nhìn đăm đăm vào đêm tối giận dữ:
- Anh ở đâu?
- Tôi không có chỗ ở… Tôi vừa từ Nixơ đến chiều nay… Không thể về nhà tôi được.
Tôi không hiểu ngay câu sau cùng. Mãi sau này, tôi mới hiểu là người ta tưởng tôi là…là… là một trong số đông những người đàn bà đêm đêm lẩn quất quanh cadinô, với hi vọng kiếm được một món tiền nào đó của những con bạc gặp vận may hay của những kẻ say rượu. Thật ra anh ta có thể nào nghĩ khác được vì giờ đây, kể cho ông nghe việc này, tôi cũng cảm thấy tình hình của tôi lúc đó thật là vô lí và kì quặc. Anh ta có thể có ý nghĩ gì về tôi khi cách tôi kéo anh ta ra khỏi ghế và lôi anh ta đi rõ ràng không phải là phong cách của một bà mệnh phụ? Nhưng ý nghĩa đó không đến với tôi ngay lúc bấy giờ. Mãi sau này, khi đã quá muộn, tôi dần dà mới thấy được sự hiểu lầm ghê gớm của anh ta về tôi. Bởi vì nếu không, tôi đã không bao giờ nói những lời sau đây chỉ làm anh ta hiểu lầm thêm nữa. Quả vậy, tôi đã nói:
- Vậy thì ta kiếm một phòng ở khách sạn. Anh không thể ở đây, anh phải tìm ngay một chỗ nghỉ ở đâu chứ.
Nhưng lập tức, tôi lại nhận thấy sự hiểu lầm đau đớn của anh ta vì không buồn quay lại với tôi, anh ta chỉ nói, vẻ hơi mỉa mai:
- Không, tôi không cần phòng. Tôi không cần gì hết. Cô đừng bận tâm, tôi không có gì để cô moi được đâu. Cô kiếm không đúng chỗ rồi, tôi không có tiền.
Điều đó còn được nói ra với một giọng nghe ghê sợ, với một vẻ lạnh lùng gây nhiều ấn tượng và điệu bộ của anh – cái kiểu ẻo lả tựa vào vách quầy hàng, của con người ướt sũng, nước thấu tận xương, tâm hồn mệt lả – đã tác động đến tôi đến mức tôi không kịp nhận ra là mình đã bị xúc phạm một cách ti tiện và ngớ ngẩn. Khi anh ta vừa lảo đảo ra khỏi phòng đánh bạc, và suốt tiếng đồng hồ vừa qua, không sao tưởng tượng nổi đó, điều duy nhất tôi luôn luôn thấy là: ở đây, một con người còn trẻ, đầy sức sống, đầy sinh khí, sắp đến lúc chết và bổn phận của tôi là cứu anh ta. Tôi tới gần anh và nói:
- Đừng lo chuyện tiền bạc, cứ đi với tôi! Anh không thể ở lại đây được, tôi sẽ kiếm ra chỗ nghỉ cho anh. Đừng lo nghĩ gì, cứ đi đi.
Anh ta hất đầu và trong khi mưa vẫn rơi lộp bộp quanh chúng tôi, cơn giông vẫn xối nước rào rào dưới chân chúng tôi, tôi cảm thấy là lần đầu tiên, anh cố nhìn vào mặt tôi trong bóng tối. Thân thể anh cũng dần dần thoát khỏi cơn mê.
- Thôi được, tùy cô, - anh ta nhận lời và nói – tôi cũng chẳng thiết… Sao không thế được nhỉ? Chúng ta đi thôi.
Tôi mở dù, anh ta đến bên tôi và khoác tay tôi. Cái cách đột nhiên tỏ ra thân mật như vậy làm tôi rất khó chịu. Phải, nó làm tôi khiếp sợ, tôi thấy hoảng hốt đến tận đáy lòng. Nhưng tôi không có can đảm cấm anh ta làm như vậy, vì nếu giờ đây, tôi gạt tay anh ta ra, anh lại rơi xuống vực thẳm và những gì tôi đã làm cho đến lúc này sẽ trở nên vô ích. Chúng tôi đi vài bước về phía nhà cadinô.
Đến lúc đó, tôi mới thấy là không biết nên làm gì với anh ta. Sau khi suy nghĩ thật mau, tôi nghĩ đến điều tốt nhất dẫn anh ta đến một khách sạn, dúi vào tay anh ta một số tiền để anh ta có thể trả tiền phòng và ngày mai, trở về Nixơ được; tôi không nghĩ đến việc gì khác. Lúc này các xe cộ đi nhanh ngang qua nhà cadinô, tôi gọi một chiếc và chúng tôi lên xe đó. Khi người đánh xe hỏi chúng tôi muốn đi đâu, thoạt tiên tôi không biết trả lời ra sao. Chợt nghĩ rằng, con người sũng nước từ đầu đến chân này đang ở bên tôi sẽ không được chấp nhận vào bất cứ một khách sạn sang nào. Mặt khác, do tôi là đàn bà không có kinh nghiệm, không hề nghĩ đến việc có thể bị hiểu lầm, tôi chỉ nói với người đánh xe:
- Đến một khách sạn nhỏ nào cũng được!
Người đánh xe, vẻ khắc khổ, ướt đẩm nước mưa, cho ngựa cất bước. Người lạ, ngồi bên tôi, nín lặng; tiếng bánh xe lõng bõng, nước mưa đập vào kính. Trong cái khoảng vuông tối tăm, không ánh sáng, như trong một chiếc quan tài, tôi cảm thấy như đi theo một xác chết. Tôi cố suy nghĩ, cố tìm một lời để làm nhẹ bớt vẻ kì quặc và kinh hãi của việc lầm lì ngồi bên nhau như thế này, nhưng tôi không làm nổi. Sau vài phút, xe dừng lại. Tôi xuống trước, trả tiền xe trong khi người kia, nửa thức nửa ngủ, đóng cửa xe lại. Bây giờ chúng tôi đang ở trước một khách sạn nhỏ mà tôi không biết nữa, phía trên là một mái hiên bằng kính chìa cái vòm tròn nhỏ ra che chở chúng tôi chống cơn mưa vẫn đều đều tí tách đến rợn người, xé rách bức màn đêm lạnh lùng.
Người lạ này, không đỡ nổi sức nặng của thân mình, buộc phải tựa vào tường; từ chiếc mũ ướt lướt thướt, từ bộ quần áo nhàu nát của anh ta, nước rỏ xuống như từ một ống máng. Anh ta ở đó như người bị chết đuối vừa được vớt lên, tinh thần còn tê cóng và ở chỗ anh ta tựa, nước chảy thành một vũng nhỏ. Nhưng anh ta cũng không làm gì để rũ hết nước, để nhấc chiếc mũ, nước cứ chảy không ngừng xuống trán, xuống mặt anh. Anh ta cứ đứng đó, trơ trơ và tôi không sao có thể nói để ông rõ là tôi bị xúc động bởi sự suy sụp ấy đến chừng nào.
Nhưng giờ đây, phải làm gì đã. Tôi cho tay vào túi:
- Đây là một trăm phrăng, – tôi nói, – anh sẽ thuê phòng và sáng mai anh trở về Nixơ.
Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi.
- Tôi đã để ý quan sát anh từ trong sòng bạc, – sau khi thấy anh ta do dự, tôi nói tiếp và nhấn mạnh. – Tôi biết anh đã thua cháy túi rồi và tôi lo anh sắp làm điều dại dột. Nhận sự giúp đỡ không có gì xấu cả… Thôi, cầm lấy đi.
Nhưng anh ta gạt tay tôi ra, mạnh không ngờ.
- Cô là gái tốt đấy, – anh nói, – nhưng đừng vung phí tiền như vậy. Không làm gì được cho tôi đâu. Đêm nay, ngủ hay không, tôi cũng chẳng thiết. Mai là hết. Không còn làm gì được nữa đâu.
- Không, anh phải cầm lấy số tiền này, – tôi năn nỉ, – mai anh sẽ nghĩ khác. Bây giờ anh hãy vào khách sạn đi và ngủ cho yên: ban đêm giúp ta suy nghĩ chín chắn hơn; mọi việc sẽ khác, không giống ban ngày.
Nhưng khi tôi đưa tiền cho anh ta, một lần nữa, anh ta gạt phắt đi, vẻ dữ tợn.
- Vô ích, – anh ta nhắc lại với giọng trầm, – tiền không dùng làm gì hết. Tốt hơn là để việc này xảy ra ở ngoài hơn là để phòng của người ta giây máu. Một trăm phrăng, chứ đến một ngàn phrăng cũng không giúp được gì cho tôi. Ngày mai tôi sẽ trở lại cadinô với vài phrăng còn lại và khi nào cháy túi, tôi mới đi. Bắt đầu lại làm gì? Tôi chán lắm rồi!
Ông không thể tưởng tượng được giọng nói âm âm đó đã đem lại cái cảm giác gì, tận nơi sâu thẳm của tâm hồn tôi; ông hãy hình dung hoàn cảnh của tôi; hai bước trước mặt mình là một người trai trẻ sáng sủa, đầy sức sống, khoẻ mạnh và ta biết rằng, nếu ta không ráng hết sức mình, thì chỉ trong hai giờ nữa, cái tuổi hoa xuân này, đang suy nghĩ, nói năng và hô hấp kia sẽ chỉ còn là một xác chết. Thế là tôi có ước vọng mãnh liệt phải thắng sự chống cự điên dại này.
Tôi nắm cánh tay anh ta và nói:
- Điên khùng thế là đủ rồi! Anh sẽ vào khách sạn thuê một phòng; sáng mai tôi sẽ đến kiếm anh và đưa anh ra ga. Anh phải ra khỏi nơi đây trong ngày mai, anh phải trở về nhà và tôi sẽ không để anh yên trước khi thấy anh mua vé và lên tàu. Khi còn trẻ, thì không ai chỉ vì thua một vài trăm hay vài ngàn phrăng mà lại đi kết liễu đời mình. Thế là hèn nhát, là nổi cơn nóng giận, điên khùng một cách ngớ ngẩn. Ngày mai anh sẽ cho tôi là có lí.
- Ngày mai ư? – Anh ta nhắc lại với giọng chua chát mỉa mai lạ lùng. – Ngày mai! Nếu cô biết ngày mai tôi sẽ ở đâu! Nói thật, tôi thấy vấn đề nay hơi kì cục đấy. Thôi, cô em, cô đi về nhà đi, đừng mất công và đừng phí tiền nữa.
Nhưng tôi không nhượng bộ. Ở trong tôi, hình như có một sự mê say, một cơn phẫn nộ. Tôi nắm mạnh bàn tay anh ta và nhét tờ giấy bạc vào tay anh:
- Cầm lấy tiền và vào ngay đi!
Nói rồi, tôi kiên quyết đến kéo mạnh dây chuông.
- Đấy, bây giờ tôi đã kéo chuông rồi, người gác sắp ra, anh lên phòng và ngủ đi. Chín giờ sáng mai, tôi sẽ chờ anh ở trước nhà này và tôi sẽ đưa anh ra ga ngay. Anh không phải lo gì cả, tôi sẽ làm mọi việc cần thiết để anh có thể trở về nhà được. Bây giờ thì đi nằm đi ngủ cho ngon và đừng nghĩ ngợi gì hết.
Lúc đó, ở phía trong, có tiếng khóa và người làm của khách sạn ra mở cửa.
- Vào đây! – Người trai đó bỗng nói bằng một giọng cứng rắn, quả quyết và bực tức.
Và tôi thấy những ngón tay của anh ta xiết chặt như sắt lấy cổ tay tôi. Tôi kinh hãi, tê cứng đến mức như bị sét đánh và không còn đầu óc để nghĩ ngợi nữa. Tôi muốn chống cự, muốn vùng thoát… nhưng ý chí của tôi đã mềm nhũn ra… và tôi… xin ông hiểu cho… tôi thấy xấu hổ vì phải chống cự với một người lạ trước người gác – vẫn đứng đó vẻ sốt ruột. Và như vậy… như vậy là tôi bỗng thấy mình đã ở bên trong khách sạn. Tôi muốn nói, muốn bày tỏ một điều gì nhưng tiếng nói cứ bị nghẹn trong cổ họng… Bàn tay anh ta vẫn nắm cánh tôi, chặt cứng và phũ phàng… Tôi lơ mơ cảm thấy mình bị kéo đi, lên thang gác mà không ý thức được việc mình làm… Khóa mở.
Và bổng nhiên tôi thấy một mình tôi trong gian phòng xa lạ tại một khách sạn tới nay tôi cũng không biết tên, với một người đàn ông không biết là ai nữa.
Bà C… lại ngưng và đột nhiên bà đứng dậy; bà nói không nên lời nữa. Bà tới cửa sổ, lặng lẽ nhìn vài phút ra ngoài; hay có thể bà chỉ tựa trán vào tấm kính lạnh; tôi không có can đảm để thấy rỏ được điều đó, vì quan sát bà mệnh phụ già này trong cơn xúc động thật là cực khổ. Cho nên tôi cứ ngồi lặng thinh, không nói gì, không gây tiếng động, và tôi đợi cho đến khi bà quay lại, bình tĩnh bước tới ngồi trước mặt tôi.
- Bây giờ điều khó khăn nhất đã được nói ra. Và bây giờ tôi hy vọng ông sẽ tin tôi nếu tôi khẳng định một lần nữa với ông, nếu tôi thề với ông trước tất cả những gì thiêng liêng nhất đối với tôi, trước danh dự tôi và trước sinh mạng của các con tôi rằng, trước giây phút đó, không hề có một chút ý nghĩ nào về một cuộc… một cuộc chung chạ với con người xa lạ này đến trong tâm trí tôi, rằng thật sự tôi không còn ý chí nữa, không còn ý thức nữa, tôi bỗng rơi, như bị bẫy, từ con đường quang đãng của đời mình vào hoàn cảnh này. Tôi đã hứa với ông và với tôi, tôi nhắc lại một lần nữa với ông là chỉ duy nhất do ý chí gần như cuồng nhiệt muốn giúp người trai trẻ này chứ không phải do một tình cảm nào khác, một tình cảm cá nhân nào đó, nghĩa là không có một chút ham muốn, một ý nghĩ nào về việc gì sẽ tới mà tôi bị xô đẩy vào câu chuyện bi thảm này.
Ông miễn cho tôi khỏi phải kể cho ông nghe những gì đã xảy ra trong gian phòng ấy, tôi không bao giờ quên và sẽ không quên một giây phút nào của cái đêm đó. Bởi vì ở đấy, tôi đã đấu tranh với một con người, để cứu sống anh ta, phải, tôi nhắc lại, trong cuộc đấu tranh này, chủ yếu là cuộc sống, hay cái chết của một con người.
Mỗi sợi thần kinh của tôi đều cảm thấy không sai chút nào rằng người lạ, người đàn ông này, lúc sắp chết, đã bám lấy tấm ván cứu mạng với tất cả sự sôi nổi, sự đam mê của một người bị đe dọa đến tính mạng. Anh ta bám lấy tôi như một người đã cảm thấy vực thẳm ở dưới chân mình. Còn tôi, tôi ráng dùng hết mọi phương cách, tất cả những gì tôi có thể để cứu anh ta.
Trong đời mình, người ta chỉ sống một giờ như vậy có một lần và điều đó cũng chỉ đến với một người trong số hàng triệu người; không có cái sự kiện khủng khiếp này, tôi không bao giờ ngờ được là với sức mạnh của tuyệt vọng, với sự phẫn nộ được buông lỏng, một con người bị bỏ rơi, một con người bị thất vọng vẫn cầu mong một lần cuối, đến giọt máu thắm cuối cùng của đời mình; bản thân tôi, đã xa lánh trong hai mươi năm, những sự cám dỗ ma quỷ của cuộc sống, tôi không hiểu được cái cách vĩ đại và kì quái mà đôi khi thiên nhiên cô lại trong vài hơi thở gấp gáp tất cả những gì là nồng nhiệt và băng giá, là sự sống và cái chết, là say đắm và tuyệt vọng. Cái đêm đó chứa chất đầy những đấu tranh và lời lẽ, đam mê, giận dữ và oán hờn, những giọt lệ van nài, say sưa đến nỗi tôi tưởng nó kéo dài tới một ngàn năm và chúng tôi – hai con người thất thểu ràng buộc lấy nhau cùng lăn xuống đáy vực thẳm, một người mang trong mình sự điện dại của cái chết, còn người kia, sự linh cảm của cái chết đó, – chúng tôi thoát ra khỏi cuộc đấu tranh sinh tử này, hoàn toàn biến hóa, toàn bộ đổi thay, với một tinh thần và một cảm giác khác.
Nhưng tôi không nói về điều ấy. Tôi không thể và không muốn biết điều ấy. Tuy vậy tôi lại phải nói với ông về cái phút kì lạ khi tôi tỉnh giấc sáng hôm sau. Tôi thức dậy sau một giấc ngủ nặng như chì, từ một vực sâu thăm thẳm, mà tôi chưa bao giờ biết đến. Mãi một lúc lâu, tôi mở mắt ra được và vật đầu tiên tôi trông thấy ở phía trên, là trần một gian phòng lạ; tôi sờ soạng thêm một chút nữa, thì thấy đây là một nơi khác lạ, ghê tởm, tôi chưa hề biết tới, không hiểu sao tôi lại có thể rơi vào đây được. Thoạt tiên, tôi cố cho đây chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ rỏ rệt và trong suốt, đã dẫn tới giấc ngủ nặng nề và lộn xộn này; nhưng trước cửa là ánh sáng ban mai, ánh sáng trong vắt và thật, không sao chối cãi được của vầng dương đã lóe lên; đã có những tiếng động của đường phố vang lên, tiếng xe lăn, tiếng chuông tàu điện, tiếng người ồn ào, bây giờ tôi biết là tôi không mơ mà tôi tỉnh. Tôi miễn cưỡng nhỏm dậy, để lấy tinh thần và… nhìn sang bên…kìa, tôi trông thấy (không bao giờ tôi có thể tả cho ông thấy hết nỗi kinh hoàng của tôi) một người đàn ông lạ ngủ bên tôi trên cái giường rộng… nhưng đó là một người lạ, một người xa lạ hoàn toàn tôi không quen biết, ở trần…
Không, tôi hiểu là nổi kinh hoàng không sao kể ra được ấy, nó ập tới mạnh đến nỗi tôi lại nằm vật xuống, bất động. Nhưng đây không phải là ngất xỉu thật sự, không còn ý thức được gì, trái lại, trong khoảnh khắc một ánh chớp, tất cả mọi việc đối với tôi, trở nên vừa rõ ràng vừa không sao giải thích được, và tôi chỉ ước ao được chết vì chán chường, vì tủi hổ vì thấy mình bỗng nhiên, nằm cùng một người hoàn toàn không quen biết, trên một cái giường lạ, tại một hắc điếm, rõ ràng là đáng nghi ngờ. Tôi còn nhớ rất rõ là tim tôi đã ngừng đập; tôi nín thở như để bằng cách đó, có thể chấm dứt được đời mình, trước hết là lương tâm mình, cái lương tâm trong sáng, một sự trong sáng quái đản, cảm thấy được tất cả nhưng không hiểu được gì hết.
Tôi không biết tôi nằm sóng sượt, toàn thân lạnh toát được bao nhiêu lâu: những người chết nằm trong quan tài cũng cứng đờ như vậy. Tôi chỉ biết là tôi đã nhắm mắt lại và tôi cầu khẩn tất cả sức mạnh của trời đất, dù là gì đi nữa, hãy làm cho những điều đó không phải là thật, không phải đúng như vậy. Nhưng các giác quan nhạy bén của tôi đã cho thấy là tôi không mơ hồ chút nào: tôi nghe thấy tiếng người nói ở phòng bên, tiếng nước chảy; bên ngoài, những tiếng chân lướt ở hành lang và mỗi bằng chứng đó đã xác nhận một cách tàn nhẫn rằng tôi vẫn tỉnh táo.
Tôi không nói được là tình hình đau đớn như vậy kéo dài bao nhiêu lâu; những giây phút đó không đo được bằng những giây phút của cuộc đời. Bỗng nhiên một nổi lo sợ khác xâm chiếm lấy tôi, nổi lo sợ khủng khiếp và man dại là người lạ này tên là gi tôi cũng không biết, sẽ thức dậy và hỏi tôi. Tôi thấy rõ là tôi chỉ còn cách duy nhất: mặc quần áo, bỏ đi để tìm lại, bằng cách nào cũng được, cuộc sống thật của mình, trở về khách sạn và ngay lập tức, bằng chuyến tàu đầu tiên, rời khỏi cái nơi đáng nguyền rủa này, rời đất nước này để không bao giờ gặp người đàn ông này nữa, không nhìn thấy mặt anh ta, không có nhân chứng, người buộc tội và kẻ đồng lõa nữa. Ý nghĩ đó đã thắng được cơn ngất xỉu của tôi: rất thận trọng, với những cử chỉ vụng trộm của một tên kẻ cắp, tôi ra khỏi giường, lần mò lấy quần áo, rón rén đưa tay lấy từng tí một (để khỏi gây ra tiếng động).
Tôi mặc quần áo, vô cùng thận trọng, chỉ sợ anh ta thức giấc và sau cùng tôi cũng đã sẵn sàng, tôi đã đạt tới mục đích của mình. Chỉ còn cái mũ của tôi ở đầu giường phía bên kia, và trong khi nhón gót, mò mẫm đi lấy mũ, ở giây phút này, tôi không thể làm khác: tôi cứ phải nhìn lần nữa bộ mặt của con người đã rơi vào đời tôi như một viên gạch rớt từ mái nhà xuống. Tôi chỉ muốn nhìn anh ta thôi nhưng… điều kì diệu là người trẻ lạ đang nằm ngủ nơi đây hoàn toàn xa lạ với tôi, thoạt tiên tôi không nhận ra bộ mặt ngày hôm qua. Thật vậy, những nét căng thẳng do đam mê làm nhăn nhó, với vẻ hốt hoảng, căng thẳng của con người bị kích thích đến cùng cực này như đã bị xóa nhòa; người nằm trước mặt tôi có một bộ mặt khác, thơ trẻ, bộ mặt của một đứa con trai, và thật tình mà nói, nó rạng rỡ, trong sáng và chân thành. Đôi môi hôm qua còn mím lại, răng nghiến chặt, đang mơ màng, hé mở, dịu dàng và hơi phác một nụ cười; mớ tóc bạch kim trải những lọn tròn trên vầng trán không một nếp nhăn và cái thân thể đang nghỉ ngơi này thở nhè nhẹ như một lớp sóng điện êm dịu toát từ lồng ngực ra.
Chắc ông còn nhớ, trước đây tôi đã nói với ông, chưa bao giờ tôi quan sát thấy một cách tập trung, sâu sắc và ở mức độ say sưa mãnh liệt đến như vậy, vẻ thèm khát dữ dằn và sự đam mê ở trong con người như tôi đã quan sát người lạ này trước bàn bạc. Và bây giờ tôi lại nói với ông rằng chưa bao giờ, ngay cả ở những trẻ nít, trong giấc ngủ buổi sơ sinh, thường toả ra quanh chúng vẻ êm đềm của thiên thần, tôi cũng chưa bao giờ thấy một biểu hiện thanh khiết, trong sáng của giấc ngủ thực sự là sung sướng. Trên bộ mặt này, tất cả tình cảm đã được ghi lại như một bức họa vô song, và bây giờ đây là một sự tĩnh dưỡng, như ở nơi cực lạc, một sự giải thoát việc trút bỏ mọi u uất trong lòng, một sự giải phóng.
Trước cảnh tượng kì lạ này, mọi lo âu, sợ hãi đã rời khỏi tôi như một chiếc áo khoác ngoài đen tối; tôi không thấy xấu hổ, không, tôi cảm thấy sung sướng nữa là khác. Sự kiện ghê gớm và khó hiểu này, bỗng có ý nghĩa đối với tôi; tôi thấy vui mừng, tự hào với ý nghĩ là người trai thanh lịch và đẹp này đang nằm tại đây, bình thản, điềm tĩnh như một bông hoa, nếu không có sự tận tình của tôi, sẽ được người ta thấy ở một nơi nào đó, bên một tảng đá, người gãy gập, đẫm máu, mặt vỡ nát, không hồn, mắt mở to trừng trừng; tôi đã cứu sống anh ta, anh ta đã được cứu sống. Và bây giờ với cặp mắt của người mẹ (tôi không tìm ra được từ nào khác), tôi nhìn người trẻ tuổi đang ngủ ở đây, được tôi đưa trở lại cuộc sống, đau đớn còn hơn khi tôi sinh các con ruột của tôi. Và trong gian phòng cáu bẩn, đồ đạc cổ lỗ, trong cái khách sạn tạm bợ, gớm ghiếc và nhơ nhớp này, tôi bỗng có cảm giác như khi tôi đang ở một nhà thờ, một cảm giác sung sướng tuyệt vời, huyền diệu và thánh thiện (tôi nghĩ vậy dù ông có cho những lời này là lố bịch). Từ giây phút rùng rợn nhất trong suốt cuộc đời tôi, đã nảy sinh trong tôi, như chị em ruột thịt, cái giây phút kỳ lạ, mạnh mẽ nhất có thể có được.
Truyện mới nhất:
- Đi đêm (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- Rùa Và Thỏ (Truyện ngụ ngôn)
- Yêu Anh Nhiều Đến Như Vậy Sao, Cô Gái Nhỏ Đáng Yêu? (Truyện ngôn tình)
- BẠN ĐẦU TIÊN (Truyện ngắn)
- Ánh Trăng và bánh quy Nàng Tiên Biển (Truyện tổng hợp)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 4 : HÓA RA CHỈ LÀ NHÓC TRẺ TRÂU ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 3 : CÔNG LƯỢC CON TRAI HOÀNG ĐẾ TRƯỚC VẬY ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 2 ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 1 : LÂM PHI LỘC CẢM THẤY CÁI HẬU CUNG NÀY CŨNG THÚ VỊ RA PHẾT ) (Truyện xuyên không)
- Thiếu nữ bên chiếc đàn tranh (Truyện tiểu thuyết)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!