MẸ CHỒNG KHÓ TÍNH

215 lượt xem
Mẹ chồng khó tính, là biệt danh, chúng tôi đặt cho thầy giáo chủ nhiệm, tên thật của thầy không phải vậy. Đối với học trò được xếp vào loại, nhất quỷ nhì ma, thứ ba là bọn tôi, thường có việc làm xem là quái dị như thế. Thầy giáo nào cũng có biệt danh. Thầy dạy môn Hóa học, có thân hình nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẻ như con gái, khi đọc các công thức hóa học thường cong môi lên. Chúng tôi cho thầy biệt danh Hiđrô. Còn thầy dạy môn Vật lý, cao to, lại có bộ râu quai nón nữa chứ, mỗi khi học trò mất trật tự ông gầm lên, giọng vang như sấm. Chúng tôi dành cho ông biệt danh: Thần Sấm Sét. Còn thầy dạy môn Lịch sử, cao dỏng, lên lớp thường đội mũ phớt, chúng tôi cho biệt danh là Na-Pô-Lê-Ông…
Năm học lớp mười, thầy chủ nhiệm lớp tôi là thầy Triệu Và, dạy môn Thể dục. Không biết có phải do đặc thù môn dạy không, lúc nào cũng chạy, nhảy, vung chân, múa tay, lên xà đơn, xuống xà kép, nên lớp tôi chỉ chăm chú vào các môn thể dục, đá bóng là giỏi, còn các hoạt động khác trong trường, nhất là học các môn, đều xếp loại bét. Thầy Và không mấy quan tâm đến lớp. Tất cả giao cho cán bộ lớp tự biên tự diễn. Đi học muộn, bỏ giờ, tự nghỉ học, có giấy phép hay không cũng vậy, lớp sáng thứ hai nào, cũng bị bêu dương dưới cờ, xếp vào loại cá biệt, ngu lâu khó đào tạo.
***
Lên lớp mười một, thầy Triệu Và chuyển đi trường khác. Thầy Hữu Văn dạy môn Văn học chuyển đến làm chủ nhiệm. Một thầy giáo đã đứng tuổi, mới toanh với lớp tôi. Đã được nghe thầy dạy tiết nào bao giờ. Chỉ biết học trò trong trường nói với nhau. Thầy Hữu Văn nổi tiếng nghiêm khắc, dạy văn rất hay, lại thương học trò, lớp nào cũng mong muốn được học thầy.
Lớp tôi quen sống tự do, tự quản lẫn nhau, sống theo sở thích, chẳng biết có thầy chủ nhiệm mới là điều may mắn hay là một tai họa đây!
Sáng ấy, thầy Triệu Và ra bến tầu thủy để chuyển trường, đã cử cán bộ lớp đưa tiễn, nhiều đứa yêu mến thầy chạy ùa theo. Trống đánh báo giờ vào lớp, thầy Hữu Văn đã đến. Lớp vắng tanh, bọn đưa tiễn thầy Và chưa về.
Khoảng mười phút sau, bọn chúng lục đục về. Đợi cả lớp ngồi yên chỗ, thầy Hữu Văn không nói gì. Thầy cúi xuống nhặt những mảnh giấy vứt bừa bãi từ cửa lớp vào trong lớp, trên bục giảng, theo lối giữa lớp từ trên xuống cuối lớp, rồi đặt túm giấy to trên bàn giáo viên. Thầy nói nhẹ nhàng:
- Các em nhặt tất cả giấy lộn trong gầm bàn, xung quanh chỗ ngồi, không được bỏ sót, mang tất cả lên đây.
Giấy lộn được đưa lên đầy bàn giáo viên. Thầy hỏi:
- Ai là lớp trưởng?
Minh đứng lên nói nhỏ:
- Thưa thầy em ạ.
- Lớp trưởng phụ trách chung. Lớp phó phụ trách văn thể. Lớp phó phụ trách học tập đâu?
Minh lúng búng: - Có hai lớp phó là bạn Hân và Hồng nhưng thầy Và không phân công cụ thể, ai đảm nhận việc gì.
- Thầy hiểu rồi, không có người phụ trách nên việc vệ sinh lớp không có ai thực hiện, để lớp bẩn thế này. Những tờ giấy lộn do các em vứt ra hay người lớp khác, trẻ chăn trâu đến đây vứt vào.
Minh lại lúng búng: - Do chúng em vứt ra ạ!
- Nếu cả lớp ai cũng có ý thức biết giữ vệ sinh chung không vứt giấy lộn ra, liệu lớp có sạch không?
- Dạ, sạch ạ!
- Giờ thầy phân công, Minh lớp trưởng phụ trách chung. Hân lớp phó phụ trách văn thể và lao động. Hồng phụ trách học tập của lớp. Các tổ trưởng, tổ phó phụ trách tổ mình thực hiện công việc do lớp đề ra. Ai không thực hiện sẽ chịu trách nhiệm trước thầy chủ nhiệm. Còn tôi chịu trách nhiệm trước nhà trường về tất cả những gì xẩy ra ở lớp.
Lớp phó Hân không phân công tổ nào, bàn nào trực nhật, để lớp bẩn phải chịu phạt một tuần trực nhật. Bàn nào được phân công không thực hiện cũng bị phạt như vậy. Sau buổi học ở lại quét, chỉ khi thầy chủ nhiệm lên kiểm tra thấy sạch mới cho phép về, không sạch phải quét lại. Chỗ ngồi của các em có mảnh giấy nào vứt ra, để bẩn cũng bị phạt tương tự. Lớp nghe rõ chưa?
- Dạ! Rõ rồi ạ! - Chúng tôi mồm nói, mắt lại len lén nhìn nhau.
- Nhân việc nhặt rác hôm nay, thầy kể cho các em nghe câu chuyện. Lâu rồi, ở một làng nọ, có cô gái đẹp người, tính nết lại đểnh đoảng, quen sống tự do, thích gì làm nấy. Trai làng không ai lấy. Cô lấy chồng làng bên cạnh. Về nhà chồng cô vẫn giữ nếp sống ở nhà mình. Bà mẹ chồng thử tính nết nàng dâu bằng cách. Sai đi giã gạo, bà để mấy viên sỏi vào trong cối, xem nàng dâu khi giã có quét cối không. Nàng dâu đứng thõng lưng đổ vào cối, rồi giã. Thấy vậy bà mẹ chồng hỏi:
- Con cho gạo vào có quét cối không?
- Dạ! Có ạ.
- Để mẹ xem. Bà lấy đấu múc gạo lên, nhặt ra mấy viên sỏi, đưa cho nàng dâu xem: Thế này mà bảo đã quét cối sao, đây là sỏi, nếu là thứ bẩn khác, nấu lên ăn được sao! Ở nhà bố mẹ đẻ con cũng làm như vậy phải không? Nàng dâu tưng hửng, đỏ mặt nhìn mẹ chồng.
Lại lần khác, đi làm về bà mẹ chồng thấy đống phân gà sáp ngay giữa thềm, ngay lối người nhà thường qua lại. Thấy nàng dâu đi qua đi lại mấy lần, nhìn thấy đống phân cứ tỉnh bơ đi qua. Bà đánh tiếng bảo nàng dâu:
- Con không nhìn thấy đống phân gà sao? Lấy giẻ lau sạch đi. Nàng dâu lấy giẻ lau sạch. Bà đủng đỉnh nói:
- Không có mồm bà thì đống phân gà vẫn còn đây chứ.
Cả lớp ngẫm ngợi giây lát rồi phá lên cười. Thầy chủ nhiệm hỏi:
- Sao lại cười?
Lớp trưởng Minh đứng lên nói:
- Bà mẹ chồng nói thế khác gì bảo, nhờ mồm bà đống phân gà mới hết.
- Nghĩa là cũng giống thầy, không có tay thầy nhặt, rác rưởi trong lớp vẫn còn đây phải không.
Từ đấy, lớp tôi gọi thầy là: Bà Mẹ Chồng Khó Tính. Tự thấy không thể đùa được với bà Mẹ Chồng này. Chỉ thời gian ngắn, thầy hiểu rõ hoàn cảnh, thói hư, tật xấu, năng lực học của từng học sinh trong lớp. Thầy kể ra vanh vách cả những việc làm tưởng thầy không thể biết được, cứ như có cả mạng lưới tình báo ở khắp mọi nơi, luôn thông tin cho biết.
Như cánh thằng Toản, ba đứa ở cách trường năm cây số, mãi trong núi. Rủ nhau đẵn trộm mía, bắt trộm gà mang vào hang núi nhậu nhẹt với nhau. Uống rượu say khướt, còn cà khịa với học sinh lớp dưới trong xóm.
Giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, thầy gọi ba đứa trong nhóm thằng Toản đứng lên, thầy bảo:
- Kể ra cho cả lớp nghe việc làm chiều thứ bảy tuần trước, trong hang đá, ở khu rừng gần con đường lên bản Cọi. Thằng Toản lúng búng:
- Dạ! Chuyện gì ạ.
- Cậu vẫn còn say rượu sao? Hoàn, Sơn tỉnh rượu chưa, kể lại việc ba cậu bắt trộm gà của vợ chồng ông bà già không có con, ở bản Phạ, giáp ranh với bản ba cậu đang sống. Thầy nói không sai chứ?
Nghe thầy nói, lớp mới biết việc làm của ba đứa. Hoàn òa khóc, nói trong nước mắt:
- Bọn em biết lỗi rồi, mong thầy và các bạn trong lớp tha cho lần này. Chúng em không bao giờ dám làm như thế nữa.
- Được, tôi và cả lớp tha cho các cậu. Cả lớp lấy đó làm gương, đừng bao giờ làm những việc hèn mọn như thế nữa. Ai trong lớp còn làm các việc tương tự đừng bao giờ đến lớp. Tất cả rõ chưa?
- Rõ ạ!
- Còn nhóm Tâm, Kha, Biểu, Thuận, Tú đâu, đứng lên.
Năm đứa lục tục đứng lên. Mặt đứa nào cũng tái đi. Cả lớp không ai biết tụi chúng mắc phải lỗi lầm gì. Thầy nói:
- Nhìn cả nhóm bảnh trai đấy chứ, ai dám bảo không phải con nhà đèn sách. Hôm nay có mang bài Tu Lơ Khơ theo không, mang lên đây, đánh với thầy mấy ván xem thắng thua thế nào. Đêm nào cũng xin phép bố mẹ đi học nhóm, để đánh bài, đến tận khuya mới về. Bố mẹ còn bảo: Chịu khó học thế ốm thì sao? Mẹ cậu Tâm còn nấu mì tôm bồi dưỡng thêm, đúng không. Đêm nay đánh ở chỗ nào, cho thầy đến góp một chân.
Cả năm đứa cúi gằm mặt, không dám nhìn ai. Thằng Tâm mạnh dạn nói:
- Chúng em thề với thầy không có chuyện ấy xẩy ra nữa ạ.
- Lời thề của những tay cờ bạc, tin được sao!
- Dạ! Chúng em không dám thế nữa.
- Các em gọi thầy là Bà Mẹ Chồng Khó Tính, liệu thầy có quá đáng không, can thiệp quá sâu vào việc sinh hoạt bừa bãi của học trò. Lớp trưởng đâu, trả lời hộ lớp đi.
- Dạ! Thưa thầy đó là những việc làm không thể tha thứ được.
- Nghe lớp trưởng nói đấy, không thể tha thứ, nhưng thầy và cả lớp tha, cho cơ hội để sửa chữa bằng tự tu dưỡng và học tập. Cả lớp đồng ý chứ.
Tất nhiên cả lớp đồng ý rồi, đó là bài học không riêng cho người mắc phải và còn chung cho mọi người nữa.
***
Trên đường về, chúng tôi nói với nhau:
- Làm sao việc gì thầy cũng biết thế nhỉ?
- Còn phải hỏi, gần ba mươi năm dạy học ở trường này, học sinh thầy lấy vợ sớm, có con đang học với tụi mình cũng nên.
- Chỗ nào thầy chẳng có học trò, từ dân cày đến cán bộ xã, huyện, tỉnh. Mạng lưới tình báo là đấy chứ đâu. Biết là học sinh thầy làm bậy họ không phản ánh sao. Liệu mà tu thân kẻo hối không kịp.
Lớp đi vào nề nếp, riêng học tập xem ra vẫn còn chậm chạp lắm. Nhiều đứa các thầy gọi lên bảng vẫn đóng vai Từ Hải chết đứng. Ngay lớp trưởng Minh, cao to, đẹp trai nhất lớp được bầu làm lớp trưởng. Thầy chủ nhiệm gọi lên bảng, hỏi gì cũng không trả lời được. Bảo đọc bài thơ “Giải đi sớm” trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chủ tịch cũng ngắc ngứ. Thầy hỏi:
- Bố mẹ em làm nông dân đúng không, ai trong lớp có bố mẹ làm ruộng đứng cả lên. Quá nửa lớp đứng lên. Bố mẹ làm ruộng có biết câu: “Một nắng hai sương. Bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, biết câu ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày, Ai ơi bưng bát cơm đầy, Rẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” không?
Bố mẹ lam lũ đến vậy, cho ăn học, không chịu học, lấy sao được bằng tốt nghiệp, lại còn thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học nữa. Ngay cả đi làm thuê ở các xí nghiệp người ta cũng đòi hỏi bằng tốt nghiệp lớp mười hai.
Người có nhiều tiền của nói với thầy: Tôi cho con tôi cưỡi trâu, cưỡi bò vào đại học. Nghĩa là người ta dùng tiền để thi. Các em cưỡi gì vào đại học, khi tiền không, kiến thức cũng không. Báo hiếu bố mẹ bằng lười học, chỉ biết ăn chơi sao?
Cả lớp nín lặng nghe thầy nói, tự thấy xấu hổ và ân hận.
<img alt="" data-cke-saved-src="http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/Image/image/thuan/bao/489/mh1.jpg" src="http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/Image/image/thuan/bao/489/mh1.jpg" width:400px"="">
Minh họa: Tân Hà
Đến lớp mười hai, cả lớp mới thật sự lao vào học. Có nhiều đứa phải bỏ thời gian ôn lại kiến thức lớp dưới, kêu trời lên, biết thế này học ngay từ đầu có phải đỡ khổ không. Các phong trào thi đua của nhà trường phát động, làm báo tường chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Thi cắm trại chào mừng ngày sinh nhật Đoàn hai sáu tháng ba, hội thi học sinh thanh lịch, thi văn nghệ, lớp tôi đều đạt giải nhất.
Nhiều lớp nhìn chúng tôi bằng con mắt ghen tị. Họ nói: Từ một lớp ngu lâu khó đào tạo, vươn lên đứng nhất trường, chịu đấy.
Thi tốt nghiệp, lớp tôi không trượt ai cả, trong khi các lớp khác trượt từ năm đến mười người. Chưa bao giờ chúng tôi vui đến thế. Ngồi vây quanh thầy chủ nhiệm trong lớp. Lớp trưởng Minh, chạy từ ngoài vào, không biết có thầy chủ nhiệm, nói như hét lên: Vô cùng cảm ơn thầy chủ nhiệm Bà Mẹ Chồng Khó Tính, nhờ có thầy lớp đạt kết quả mĩ mãn. Nhìn thấy thầy chủ nhiệm, Minh lúng túng, xoa tay nói nhỏ: Em xin lỗi thầy!
- Có gì phải xin lỗi, được làm Bà Mẹ Chồng Khó Tính để lớp không ai trượt tốt nghiệp, không đáng tự hào sao.
Nghe thầy nói thế cả lớp gào lên:
- Chúng em cảm ơn thầy, Bà Mẹ Chồng Khó Tính. Rồi ôm lấy thầy, không muốn rời ra.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k