LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Ai hại ai?

159 lượt xem
Trời mới tờ mờ sáng, hai bố con ông Đức dắt cái xe đạp thồ đầy các loại rau mang ra chợ bán, thằng con hôm nay phải dậy sớm thay mẹ ra hái rau cùng bố nên vẫn ngáp ngắn ngáp dài...
- Mày đúng là thanh niên hoi, đi hái rau có một buổi mà trông chán đời chưa kìa...tao và mẹ mày ngày nào chả phải dậy sớm thế này, có đi làm cùng bố mày thì mày mới biết kiếm đồng tiền nó vất vả thế nào con ạ, liệu mà học cho giỏi vào !
Thằng con có vẻ đã mệt mỏi:
- Mới gần 3 giờ bố đã bắt con dậy rồi, tự nhiên mẹ lại ốm làm con phải đi làm thay...
***
Ông Đức cười dỗ thằng con:
- Ừ đúng là hôm nay đi sớm hơn mọi hôm thật, vì là mồng 1 đầu tháng bán được nhiều rau hơn nên phải tranh thủ hái nhiều bán còn kiếm thêm được tí chút...tết nhất đến nơi rồi. Lát rửa rau xong thì mày về, mình tao vào thành phố cũng được...
Thằng con nhìn lại đống rau chất đầy trên cái xe đạp rồi thắc mắc:
- Mà sao bố không quành về đường dưới, gần cái ao làng mình rửa rau lại đi luôn à?
Ông Đức dừng cái xe đạp lại, vừa chuyển rau xuống đất ông vừa mắng:
- Mày ăn học mà dốt lắm con ạ, quay về ao làng rửa rau thì đến trưa mới ra đến chợ à...phải biết tranh thủ thời gian chứ...vòng đi vòng lại bao giờ mới đến nơi...
Ông Đức nhìn xuống cái nắp miệng cống nước thải trên đường và giật mình:
- Trời đất, bọn nó lại đậy vào rồi à, chết thật! Mày ra đây cùng bố cậy cái nắp cống này lên
Thằng con ngơ ngác không hiểu gì nhưng thấy bố đang nhăn mặt, chổng mông lên gồng hết sức cậy nắp cống nên nó cũng vào giúp sức cùng. Loay hoay một lúc hai bố con cũng kéo được cái nắp cống bằng bê tông và rộng khoảng 2 người đứng xuống cũng vừa...Nắp cống mở ra thì mùi hôi thối bốc lên, thằng con nhăn mặt vì không chịu nổi mùi. Riêng ông Đức thì đã quen với công việc này nên thấy bình thường...
Xắn tay áo, ông Đức nhét lại ống quần vào trong đôi ủng rồi nhảy luôn xuống miệng cống và bảo thằng con:
- Mày ở trên chuyển rau xuống đây cho bố rửa...
Đưa cho bố mấy mớ rau mà thằng con vẫn chưa hết ngạc nhiên, vừa nói nó vừa bịt mũi:
- Rửa rau ở cái cống này hả bố, kinh quá bố ơi, ghê hơn là mùi trong chuồng xí nhà mình ý...
Ông Đức cũng thông cảm cho thằng con vì đây là lần đầu tiên nó đi làm rau cùng bố thay mẹ nó hôm nay bị ốm, tay ông vẫn thoăn thoắt cầm mớ rau cải, rau muống hứng xuống dòng nước cống đang chảy rồi lại chuyển lên cho thằng con xếp lên xe đạp, vừa làm ông vừa nói vừa cười:
- Cả làng mình ai chả tưới rau bằng cái cống này vừa nhanh lại vừa tiện, rửa bằng nước máy thì chết tiền à, còn quay về tận cái áo làng thì vừa xa lại mất thời gian, ra đến chợ thì cũng trưa rồi buôn bán gì nữa...
Thằng con có vẻ lo lắng:
- Rửa thế này nhỡ người ta ăn vào bị ngộ độc thì sao hả bố ?
Ông Đức tay vẫn thoăn thoắt nhúng rau xuống cống:
- Ngộ độc thế chó nào được, đằng nào mua rau về người ta chả phải rửa lại bằng nước máy. Nấu chín lên thì vi khuẩn nó chết bố nó hết còn đâu mà ngộ độc. Còn đứa nào ăn sống thì cho nó chết..cùng lắm là tào tháo đuổi là cùng...Mà bây giờ hiện đại, dân tình ăn lắm chất đạm bổ béo vào nên toàn bị táo bón, ăn rau này mà chẳng may tào tháo đuổi có khi họ lại thích ý chứ...
Thằng con tần ngần một lúc rồi nói:
- Bố ơi ở cái cống này toàn nước thải sinh hoạt, nước từ hố xí tự hoại và nước mưa đổ dồn về từ các khu quanh đây nên bẩn và ô nhiễm lắm...
Đang nói nó bắt chợt nheo nheo mắt rồi hô lên:
- Kìa, có con chuột chết ở dưới cống kìa bố ơi...
Ông Đức cúi xuống nhăn mặt bảo thằng con:
- Ừ nhỉ, hèn nào cống hôm nay thối thế, hóa ra có con chuột chết...chứ mọi hôm không đến mức thối thế đâu...mày đưa 2 quả dưa chuột đây cho tao...
Ông Đức cầm 2 quả dưa rồi gắp lấy con chuột chết quăng ra ngoài đường...sau đó ông nhúng 2 quả dưa chuột xuống cống rửa qua rồi đưa cho thằng con cất lên cùng đống cà chua, ớt...
Thằng con như hiểu ra điều gì đó nó nói:
- Hèn nào mấy hôm nay mẹ cứ kêu đau đầu, chóng mặt...chắc tại xuống cống rửa rau nhiều nên có khi bị nhiễm khuẩn đó bố ạ!
Ông Đức phì cười:
- Tiên sư nhà mày! có lớn mà chả có khôn, mẹ mày đau đầu chóng mặt có khi là mày sắp có thêm thằng em đấy, nhiễm độc cái gì. Mà mày kêu ít thôi, xếp hết hàng lên xe rồi buộc chặt vào để tao còn mang ra chợ bán, sáng đến nơi rồi kia kìa...Con nhà lính tính nhà quan...chả được cái tích sự mẹ gì cả...
Khoảng hơn 5 giờ sáng cái chợ cóc nơi ông Đức và những người bán hàng rong khác đã khá nhộn nhịp, tiếng người bán hàng rục rịch dọn đồ pha lẫn tiếng cãi, chửi nhau vì tranh chỗ ngồi
- Thằng ranh kia để gọn cái đống Ngô của mày vào, thích bành trướng hả, mới sáng mồng một đã ám quẻ...bực cả mình - mụ Nhẫn đặt thúng bún xuống dưới đất rồi quát thằng Tâm ái bán ngô, dạo này bán bún ế ẩm quá nên mụ sinh ra tính cáu gắt khác thường.
Tâm ái là nhân vật đồng cô ở chợ, ngày nào gã cũng chở một Thùng sắt tây loại to đựng Ngô luộc ra bán, cũng khá đắt hàng nhưng muốn kiếm thêm nên gã nhập cả Ngô sống về bán. Vừa nghêu ngao hát vừa bê nốt cái bao tải Ngô từ trên xe thồ xuống, Tâm nghe tiếng quát của mụ Nhẫn, vốn sẵn tính đanh đá và chua ngoa, gã hất luôn bao tải ngô xuống đất rồi cầm một cái ngô to nhất trên tay và chỉ vào mặt mụ Nhẫn:
- Này con lùn kia, mày bảo ai ám quẻ, tao để tạm hàng ở đây thì làm sao, việc gì mà mày cứ rống mồm lên thế. Mà tao nói cho mày biết, bún của mày hết thời rồi, liệu mà kiếm hàng khác mà bán đi, bây giờ bún của mày bán cho ma nó ăn à...loại thất đức...ai đời đi tẩm hóa chất vào bún cho người ta ăn bao giờ...
Lúc này những người bán hàng đã tập trung xem thằng bán Ngô và mụ bán Bún chửi nhau, nhiều tiếng cười vang lên vì nghe giọng chửi eo éo và chua ngoa của thằng Tâm ái. Mụ Nhẫn thấy vậy cầm cái cân nhỏ làm hung khí rồi lao vào thằng Tâm dọa:
- Này thằng mặt xấu như mặt ngựa kia, mày bảo ai tẩm hóa chất vào bún, mày xúc phạm nghề nghiệp của mẹ thì mẹ không để mày yên đâu, mẹ mày nhịn nhiều rồi...
Thằng Tâm cũng không vừa, gã nhặt thêm mấy cái Ngô ném vào người mụ Nhẫn rồi cong môi, giọng nói đầy thách thức:
- Thích chiến thì nhẩy vào đây, con này chiều tất. Cả nước này biết mày tẩm hóa chất vào bún chứ chả riêng tao, ăn vào ung thư rồi phi bố nó lên bàn thờ ngồi như chơi, quân khốn nạn, vô đạo đức ! Sống phải có lương tâm của con người đối với con người chứ...
Thấy cả hai đang khẩu chiến đã chuyển sang động thủ, mấy người bán hàng vội chạy sang kéo ra khuyên can. Bà Thất đang vành mồm con gà ra nhét bánh đúc vào cho nó tăng cân để bà kiếm thêm lời, thấy cảnh đánh nhau bà ném vội con gà vào cái bu rồi hét lên:
- Thôi ngay đi ! mới sáng mồng một mà đánh chửi nhau thế thì còn buôn bán mẹ gì nữa, cùng cảnh bán hàng với nhau thì phải biết đoàn kết chứ, mỗi người nhịn một câu đi...
Thằng Tâm ái đang giơ cái Ngô định tương về mụ Nhẫn, nghe bà Thất nói vậy gã hạ tay xuống rồi vừa nói vừa thở:
- Em cũng nhịn con lùn này nhiều lắm rồi, một điều nhịn là chín điều nhục, nhưng hôm nay mồng một chị mày tha cho cho đấy...
Cái chợ cóc này hình thành đã nhiều năm, mới đầu chỉ là vài ba hàng quán bán vài mớ rau, bìa đậu phục vụ nhu cầu ăn uống của những người dân quanh đây. Nhưng chỉ một thời gian sau đã có đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống của mọi người. Những người kinh doanh nhỏ lẻ thoải mái bày sản phẩm của mình ra rồi căng lều bạt, ô dù để bán hàng.
Thấy mọi người can ngăn, mụ Nhẫn quay lại cầm mớ lá dong dùng để gói bún ném xuống đất, mồm vẫn chửi:
- Cái loại dở đực dở cái, định vu oan giáng họa cho tao à, tao bán bún còn sang hơn cái loại bán Ngô như mày, ghen tức với tao à, cống rãnh mà đòi sánh với đại dương...
Nghe mụ Nhẫn chửi đổng, mặc cho mấy người giữ chặt hai tay, thằng Tâm ái giẫy dụa co cả hai chân như kiểu muốn xông phi vào người mụ Nhẫn, hắn gào rú lên khi bị mụ kia coi mình là cống rãnh:
- Con lùn bán bún tẩm hóa chất kia, mày khinh bà mày à, bà mày mà là cống rãnh thì loại mày là cái mương thối. Cái loại kênh mương mà đòi tương đương với bể nước, bà mày nói cho mà biết đây này: sông có thể cạn núi có thể mòn chứ cái loại lùn như mày thì không bao giờ có thể cao lên được...
Rồi hắn tiếp tục chu chéo cái giọng ngoa ngoắt thường ngày:
- Ối làng nước ơi, đừng có ai ăn bún của con lùn này, nó toàn đổ hóa chất gì đó vào, báo đài người ta đăng ầm ĩ lên kia kìa, ăn vào là giẫy đành đạch đấy...có sống thì cũng thành tật thôi...
Mấy người đi chợ sớm cũng bu lại xem cuộc chửi nhau, thấy nói đến bún tẩm hóa chất mấy bà nội trợ cũng nhìn nhau gật gù, xì xào bàn tán...Thằng Tâm ái thì đắc chí lắm, còn mụ Nhẫn thì vội vàng giải thích:
- Các bác đừng có nghe nó, bún quê em làm toàn hàng đảm bảo, bọn tỉnh khác nó đổ hóa chất gì đó vào chứ không phải ngoài mình đâu. Các bác cứ xem thì biết, bún của em vừa thơm vừa dẻo, quê em làm toàn từ gạo ngon đó...
Thằng Tâm ái nhảy vội sang, chỉ tay vào thúng bún của mụ Nhẫn và bĩu môi:
- Hàng đảm bảo ...Đảm bảo cái đít chảo!, các bác xem đây này, bún gì mà trắng nõn như đùi hót-gơn thế kia, không tẩy bằng hóa chất mà trắng được như mắt ma thế này à, loại mày không có lương tâm của con người đối với con người...
Mọi người có vẻ thiên về lời giải thích của thằng Tâm ái hơn, mấy bà nội trợ xì xào bảo nhau:
- Lão chồng tôi thì chỉ thích ăn phở, tôi thì lại thích ăn bún, thôi tốt nhất là không ăn nữa cho nó lành, ăn xong đi đoàn tụ với các cụ thì bỏ mẹ...chết thì thiệt thân, chồng nó lại đi với gái...
Nói xong mấy bà nội trợ bỏ đi, mụ Nhẫn tức lắm nhưng không làm gì được, sợ tiếp tục chửi nhau thì nó lại gào mồm lên vụ bún tẩm hóa chất như vậy thì mất hết khách. Mụ đành ngồi im cay cú tiếp tục sửa soạn hàng. Mụ nghiến răng nói khe khẽ với thằng Tâm ái:
- Mày nhớ mặt mẹ mày đấy !
Tâm ái mặt vênh lên đắc chí, hắn lại nghêu ngao hát như để chọc tức mụ Nhẫn.
Bà Thất can thằng Tâm xong quay về chỗ của mình, tiếp tục vành mồm gà ra nhồi bánh đúc. Ông Đức đã ra đến chợ cũng tất bật vào chỗ ngồi của mình, sửa soạn hàng bày ra bán, nhìn xung quanh ông biết ngay là vừa có vụ ẩu đả, ông quay sang hỏi bà Thất:
- Lại vừa có vụ gì với thím Tâm à, trông ngô vứt lung tung thế kia là tôi biết ngay...
Bà Thất tay đang nhầy nhụa bánh đúc:
- Vâng, lại chửi nhau cãi vụ bún tẩm hóa chất...chẳng ai nhường ai, may là tôi sang can kịp nếu không thì đánh nhau to...
Mấy hôm nay bà nghe đài báo nói về bún tẩm hóa chất gây ung thư bà cũng bức xúc lắm, bà tiếp tục:
- Quân ác nhân ông nhỉ, giờ toàn người với người hại nhau thôi...làm những việc trái lương tâm như vậy mà chúng nó không cắn rứt mới lạ chứ...
Ông Đức đang cầm cái chai nhựa to phun nước lên đống rau, nghe bà Thất nói vậy ông dừng tay, chép miệng tỏ thái độ buồn rầu:
- Tại sao bọn nó ác thế không biết! ăn các thứ đó vào cứ bảo sao suốt ngày thấy ung thư...từ hôm nghe đài báo nói nhà tôi chả dám ăn bún nữa, cứ ăn cơm cho chắc dạ. Người với người mà đối xử với nhau tàn nhẫn quá!
Thấy mọi chuyện đã yên ắng hơn, ai cũng tập trung vào sửa soạn hàng của mình, thằng Tâm ái đã dọn xong đống Ngô, hắn mở vung cái thùng Ngô luộc làm khói bay nghi ngút, thơm lừng một góc chợ. Mục đích của hắn là mở vung ra để những người dọn hàng sớm chưa kịp ăn sáng ở nhà thì biết sang mua Ngô của hắn. Chưa cần nói đến khách đi chợ mua thực phẩm mà ngay cả những người bán hàng xung quanh cũng là khách thường xuyên của hắn, Ngô luộc của Tâm rất sạch sẽ, cái ngô vừa mẩy, vừa chắc hạt, ăn rất bùi và thơm. Từng hạt ngô ngọt và đều tăm tắp nhau. Vừa rẻ vừa ngon nên ai cũng thích. Ngày nào Tâm ái cũng bán được khoảng 200 bắp ngô luộc.
Bán được mấy túi Ngô cho khách, hắn moi cái gương nhỏ trong túi ra soi rồi tủm tỉm cười một mình. Chợt nhìn thấy bà Thất đang bận nhồi gà, hắn gọi với sang:
- Mồng một có khác hôm nay mang nhiều gà thế, để con em này sang giúp chị một tay nhé...Tay con này mà nhồi gà thì đảm bảo hôm nay bà chị bán hết hàng cho mà xem.
Đang bận mà có người giúp, bà Thất phấn khởi ra mặt:
- Em gái sang giúp chị mày một tay cho nhanh, sáng bảnh mắt ra rồi kìa người ta ào ào ra chợ bây giờ...
Vốn thân với bà Thất hắn vừa đi vừa ngoáy mông sang tay cầm theo 2 cái ngô luộc thơm ngon mời:
- Em mời bác Thất với bác Đức ăn cái ngô, chắc sáng chưa kịp ăn gì phải không, hai bác nghỉ tay ăn luôn cho nóng.
Ông Đức dậy từ sáng làm rau nên chưa kịp ăn gì, ông ríu rít cảm ơn rồi ngồi gặm ngô. Tâm ái là người nhiều chuyện nhất cái chợ cóc này nhưng được cái tốt tính và nhiệt tình, có sao nói vậy nên cũng được lòng những người bán hàng xung quanh...
Vừa ngồi xuống giúp bà Thất nhồi gà, tíu tít tâm sự chuyện làm đẹp, bà Thất vốn biết tính đồng bóng ưa nịnh của gã nên khen:
- Sáng tao ăn gói xôi rồi thôi để bác Đức ăn nốt. Sao dạo này da mặt đẹp thế, có dùng kem dưỡng da không đấy?
Tâm tủm tỉm cười ỏn ẻn:
- Dạ không ạ, tự nhiên đó chị ơi...em mà dùng kem dưỡng da thì còn đẹp nữa...Tết này em nhận gói bánh chưng thêm chị ạ, gom đủ tiền em sang Thái Lan tìm lại chính mình...lúc đó bọn đàn ông chết hết với em...Ai chứ con Nhẫn lùn kia thì xách dép cho em không xong...còn mấy thằng xe ôm đầu chợ em khinh luôn!
Bà Thất động viên:
- Ừ cố gắng nhé, lúc đó thành Hóc-gơn rồi thì đừng quên bà chị bán gà này đấy...
Đang ăn ngô, nghe hai người nói chuyện làm đẹp, ông Đức nhìn hai qủa dưa chuột lúc sáng ông dùng để gắp con chuột chết dưới cống, ông xen vào nói:
- Tâm này, tao tặng mày 2 quả dưa chuột này về cắt ra rồi đêm ngủ đắp vào mặt cho đẹp da này...Tao thấy trên phim họ hay đắp mặt bằng cái này lắm.
Bà Thất gật gù:
- Ừ đúng rồi đó, ông Đức này tâm lý ra phết, mày mang cái này về rồi đắp mặt cho da mịn thêm ...
Tâm xúc động cầm 2 quả dưa chuột đút luôn vào túi, ỏn ẻn cảm ơn rồi tiếp tục nhồi gà giúp bà Thất.
Đang say sưa chuyện làm đẹp thì hắn nghe thấy con bán Đậu phụ đang xì xụp khấn vái:
- Con nam mô a di đà phật, hôm nay mồng 1 đầu tháng, gia chủ con là Nguyễn Thị Ngọt có chút hương hoa dâng lên thần linh thổ địa ngự tại chợ cóc này, con cầu mong các ngài phù hộ cho con buôn may bán đắt, đầu tháng đắt hàng cuối tháng giàu to. Con cầu mong thần linh thổ địa làm cho bọn dân phòng có mắt cũng như mù...nhìn thấy con ngồi lù lù ở đây mà coi như không thấy...không tịch thu được hàng họ của con...
Nghe ngứa tai, thằng Tâm ái lại xen vào, cố tình khấn to cho mọi người nghe thấy:
- Con cũng Nam và mô! cầu cho cái bọn bán đậu phụ trộn thạch cao hại người sớm bị đi tù...cầu cho mỗi bát cơm chúng nó ăn tự nhiên biến thành bát thạch cao cho cả lò nhà nó ăn lòi họng ra, cho chúng nó thấm thía nỗi khổ của người dân.
Con Ngọt đang cầm cái khay nhỏ đựng đồ lễ gồm 3 quả lê Trung Quốc và ít tiền vàng mã, nghe thấy gã kia chửi đểu mình, ả định úp luôn khay lễ lên đầu thằng Tâm nhưng tiếc của, ả đặt cái khay xuống đất rồi trợn mắt chửi:
- Mày hết xỏ xiên bà bán bún rồi bây giờ mày quay sang chửi tao à, tao động chạm gì đến bát cơm quả trứng nhà mày, về mà lo bán Ngô rồi kiếm tiền sang Thái Lan đi con, bán cả đời mày cũng không đủ tiền phẫu thuật phần trên đâu chứ đừng nói cái củ khoai hà ở dưới của mày...
Câu chửi của cái Ngọt đậu phụ chạm đúng vào nỗi đau thầm kín, đúng hơn là ước mơ sang đất Thái của Tâm, gã đứng phắt dậy khiến tay bà Thất gà đang túm vạt quần của gã để can, lại vô tình kéo tụt cái quần chun của gã xuống đến gần đầu gối. Vừa kéo quần lên vừa lao về phía cái Ngọt:
- Mày dám sỉ nhục bà mày à, cái loại cho thạch cao vào đậu phụ hại người kia, mày không có lương tâm của con người đối với con người...Quả này mày xong phim với bà...
Nói xong hắn quay lại cầm cái chậu bánh đúc của bà Thất gà hất luôn vào người cái Ngọt đậu phụ. Mặt mũi, quần áo của Ngọt dính bê bết cái chất nhầy nhầy của bánh đúc, ả hét ầm ĩ lên, mọi người lại phải chạy vào kéo Tâm ái ra. Mới sáng mồng một mà cái chợ cóc đã hai có hai phen đánh chửi nhau. Bà Thất và ông Đức kéo Tâm về chỗ bán khoai của gã, hai người hết lời khuyên can.
Mụ Nhẫn bán bún chạy ra tỏ vẻ đồng cảm với cái Ngọt đậu phụ:
- Thôi dây vào loại đấy làm gì, chửi nhau mà động vào giới tính của nó là chết đấy, thôi về thay quần áo đi tao trông hàng cho, mồng một thế này thì buôn bán gì nữa.
Cái Ngọt vừa mếu máo vừa chửi:
- Thằng chó kia mày cứ nhớ đấy, hôm nay đầu tháng bà mày nhịn để còn làm ăn, ngày mai bà mày cho mày chết...cái loại đã xấu như mặt ngựa lại còn bày đặt bị ái...
Nói xong Ngọt lên xe đạp phóng đi. Thằng Tâm đứng dậy chửi với theo:
- Bà mày xấu còn hơn cái loại mày, loại cứt chó si đa mà tưởng mình là sô cô la của Mỹ! Sáng ra đã lộn cả mề với con bún tẩm hóa chất và con đậu phụ trộn thạch cao này rồi...
Đến giờ đi chợ, người mua kẻ bán đã khá đông đúc, ai cũng lo chào mời bán hàng nên cũng quên đi cái chuyện ầm ĩ vừa rồi. Từ khi đài báo đưa tin về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm nên khu chợ cóc này cũng giảm đi lượng khách đáng kể.
- Mua gà không em ơi, vào đây chị bán mở hàng cho, chị thích nhất em mở hàng đó. Gớm người đâu mà vừa xinh vừa khéo thế kia, cứ mở hàng lần nào là chị bán không kịp nghỉ tay lần đó, vào đây em...
Nghe bà Thất mời mua gà, bà nội trợ ngó nghiêng dùng ngón tay chỉ trỏ:
- Gà hôm nay thế nào chị, mồng một em mua về thắp hương nên chọn cho em con nào ngon nhé, mấy lần trước ăn thịt bở bùng bục không được ngon lắm chị ạ!
Bà Thất đon đả vừa chọn gà vừa giải thích:
- Bây giờ toàn thế em ơi, gà chị là đảm bảo nhất chợ này luôn đấy! Mấy con bán gà đầu chợ kia kinh lắm, chúng nó toàn cho gà ăn cái thuốc gì của Trung Quốc đấy, thịt siêu nạc luôn...nhưng ăn cái đấy có ngày chết, làm việc độc ác như vậy chị không làm. Gà nhà nuôi chuồng nên nó có được chạy tập thể dục như gà thả đồi đâu nên thịt hơi bở cũng phải...
Bà nội trợ có vẻ xuôi trước lời giải thích đó:
- Vâng, vậy thì em yên tâm rồi, bây giờ ăn cái gì cũng kinh, sợ nó cho hóa chất vào chị ạ...có tiền mà có sướng đâu, chỉ có việc đi ra chợ suy nghĩ xem ăn cái gì cho an toàn mà đau hết cả đầu...Tết này chị để cho em 3 con gà ngon nhé, em đặt trước từ bây giờ...
Bà Thất hớn hở:
- Mua hàng chị thì yên tâm đi em nhé, chị làm sẵn về chỉ việc luộc thôi...
Nói rồi bà Thất chợt vẫy tay ra hiệu rồi nhỏ giọng lại:
- Này chỗ thân quen chị bảo nhé, tết nhất đến nơi rồi, đừng có mua măng của con mụ cuối chợ nhé, nhìn đẹp và ngon thế thôi chứ toàn ngâm thuốc đấy, để mấy năm không hỏng.
Bà nội trợ hốt hoảng:
- Thôi chết, vậy mà từ trước em toàn mua của con mụ đó đấy, thấy măng nó nhìn đẹp và ngon lắm mà...
Đang ngồi lẩm bẩm hát một mình, thấy bà Thất và bà khách đang thì thầm nhỏ to với nhau, bản tính buôn chuyện trỗi dậy, Tâm uốn éo đi sang hóng hớt và bất chợt xen vào khiến hai người giật mình:
- Ngon gì cái của đấy, 60 nghìn 1 cân thuốc chống thối của Trung Quốc nó ngâm được vài tạ măng, bán đầy ngoài kia kìa...ăn vào rồi hát bài Lạy mẹ con đi...
Bà nội trợ hốt hoảng:
- Thế thì chết à, tết thì nhà ai chả có nồi măng, bọn nó độc ác như như thế thì biết ăn cái gì bây giờ...
Tâm ái vuốt mái tóc rồi bắt đầu giảng giải bằng cái giọng nheo nhéo:
- Thế thì mới phải có kinh nghiệm, bây giờ mấy ai có lương tâm của con người với con người đâu. Này nhé, măng xịn của nó là có màu vàng nâu nhạt và có thể bẻ gãy được, còn cái loại mà măng nhìn vừa đẹp vừa bóng lộn lên ý, toàn hóa chất đấy...túm lại là cứ đẹp và màu khác thường là không mua. Khác gì mấy đứa con gái bây giờ đâu, nhìn thì hoành tráng đẹp đẽ mà trên người toàn bơm vá mông má vào đó.
Hắn nhìn xuống người mình rồi tiếp:
- Cứ như mình, chưa dao kéo gì mà đã ngon sẵn thế này rồi...dao kéo vào thì đẹp không tì vết luôn !
Nói xong hắn lại ngoáy mông đi về chỗ trước ánh mắt ngạc nhiên của bà Thất và bà nội trợ kia khi thấy hắn hiểu biết và có kiến thức quá.
Đến khoảng 11h trưa là chợ cóc đã vắng hẳn, lác đác vài đứa sinh viên đi chợ mua thức ăn về nấu cơm, biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng vì không có điều kiện và tiện gần chợ nên chúng vẫn phải mua để ăn, quan trọng hơn là thực phẩm ở đây cũng rẻ nữa.
Thấy đã vãn khách, thằng Tâm lại lấy gương ra soi, chải lại mái tóc đã bết vì mồ hôi dầu của gã, rồi kiếm chuyện nói với mọi người:
- Này các bác này, chị em chúng mình kể ra cũng chẳng khác gì giới "Xô-Đít" là mấy đâu...cũng như các nghệ sĩ nổi tiếng đấy chứ đùa à...
Cái Ngọt bán đậu ngứa tai, tranh thủ xỏ xiên:
- Đúng là cái thằng bán ngô, ngọng lại còn thích thể hiện, tiếng tây nó gọi là "Xô-Bít". Bít chứ Đít cái khỉ gì, thằng dốt!
Tâm ái cười đểu, lắc đầu ngán ngẩm:
- Trình độ của con bán đậu phụ, bán nhiều nên óc mày toàn bã đậu rồi. Mình ngồi bán hàng thế này, khách người ta đi qua đi lại chổng hết đít vào mặt mình, thế chẳng gọi là "Xô-Đít" thì là gì, em nói phải không các bác...
Ông Đức nghe vậy thì bật cười:
- Có lý đấy, nhưng giống thế chó nào được, chúng nó toàn người nổi tiếng, mình thì buôn thúng bán mẹt thế này thì giống cái gì...may ra là giống mỗi cái của nợ đó thôi.
Bà Thất cũng ngạc nhiên khi nghe Tâm ái nói vậy:
- Sao mày lại bảo thế, tao thấy giống cái mẹ gì đâu...mà như ông Đức này nói thì đúng là chỉ giống mỗi cái ba vạn chín nghìn đó thôi...À mà tôi cũng chả hiểu cái đó của nghệ sĩ thì có khác cái của mình không mọi người nhể, chắc là cũng na ná thế cả...
Thằng Tâm ái õng ẹo đứng dậy giải thích trước cái nhìn tò mò của mọi người:
- Thế em hỏi các bác nhé, các bác thấy thỉnh thoảng giới "Xô-Bít" nó làm vài quả Xì-căng-đan để nổi tiếng thì cũng giống như bọn mình thôi. Đấy! chẳng phải vụ Xì-căng-đan của con Nhẫn lùn tẩm hóa chất vào bún này mà chả nổi à, giờ nó Hot khác gì người nổi tiếng đâu, cả chợ này phải xôn xao vì nó đấy thôi. Trước khi chưa có vụ tẩm hóa chất thì chỉm nghỉm có ai biết nó đâu, giờ ai đi chợ cũng phải liếc xem nó có ngồi ở đây không, thế mới kinh chứ...Nhưng tiếc là nổi tiếng xong chẳng kiếm ăn được cái gì, cứ ngồi một góc nghe thiên hạ chửi, đói thối cả mồm ra...
Mọi người nghe sự so sánh của Tâm ái cũng có vẻ hợp lý, công nhận là vụ tẩm hóa chất của con Nhẫn lùn này nổi tiếng thật, không những nổi tiếng ở chợ cóc mà báo chí, truyền hình cũng đăng bài ầm ầm. Và nó còn giống hơn ở chỗ cùng là nổi tiếng nhưng tai tiếng lại nhiều hơn, ai cũng biết và ai cũng chửi.
Riêng mụ Nhẫn lùn biết mình bị đá xoáy, mụ nói:
- Ừ mày nói đúng, vụ của tao Hot thật đấy, giờ tao thấm thía rồi, còn mày thì vụ Xì-căng-đan nào cũng có mặt mày tham gia, ăn theo để nổi tiếng, để cả chợ này biết mà mua Ngô của mày...lúc nào cũng thấy mặt mày hết. Hèn gì ngày nào cũng bán hết cả thùng ngô to thế kia...
Ai nghe thấy cũng phải bật cười vì không ngờ rằng cái chợ cóc bé nhỏ này lại được ví von với giới Showbiz hoành tráng, mà sự so sánh nghe có vẻ cũng có những cái tương đồng.
Tâm ái cười mỉa mai:
- Đúng là tôi bán ngô đắt hàng thật, nhưng phải nói là tôi có đạo đức nghề nghiệp, chính chuyên nhất chợ, hay có thể nói tôi là thanh niên nghiêm túc của cái chợ cóc này! Hàng tôi bán dân giã truyền thống nên người ta thích, tôi việc gì phải ăn theo ai để nổi tiếng, cả chợ cóc này ai chả biết tôi. Ngô của tôi thì ngon nổi tiếng rồi!
Ông Đức gật gù cũng thêm vài câu cho vui vì hôm nay trời nóng nên ông bán được nhiều rau:
- Trước vụ bún tẩm hóa chất thì có vụ lòng lợn thối Trung Quốc của con Lộc móm, sau vụ Xì-căng-đan đấy chẳng hiểu giờ dạt vòm ra bán hàng nơi đâu rồi. Ăn ở không có cái tình người gì cả, toàn tẩm hóa chất vào lòng thối rồi bán cho mọi người ăn, quá độc ác...
Tâm ái hưởng ứng ngay:
- Chúng nó làm gì có lương tâm của con người đối với con người, sống thế thì chết ai người ta khóc được...toàn bọn vô nhân đạo !
Thật ra cả chợ cóc này ai cũng có phốt cả, từ mụ bán Miến nhuộm phẩm cho có màu vàng, con bán hoa quả Trung Quốc ngâm hóa chất, măng ngâm thuốc tẩy, ...Còn bà Thất gà tuy không tẩm hóa chất độc hại như các hàng khác nhưng bà nhồi bánh đúc và bơm nước vào gà cho tăng trọng lượng để kiếm thêm lời, nếu con gà nặng 1 cân thịt, thì sau khi nhồi bánh đúc và bơm nước vào cũng tăng thêm 4 lạng. Còn ông Đức thì rửa rau bằng nước cống nếu mua về ăn sống thì có thể ngộ độc, nhưng cũng may là người ta mua về toàn nấu chín nên sau khi ăn chỉ bị đi ỉa. Cả chợ chỉ còn có mỗi Tâm là đàng hoàng nhất, gã tuy chua ngoa, lắm mồm nhưng Ngô luộc của gã không bị vấn đề gì cả, không bán điêu lại xởi lởi với khách. Cả chợ cũng nể Tâm ái một phần cũng vì thế...
Bà Thất suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đúng là chợ mình có mỗi thằng Tâm này là thanh niên nghiêm túc, không có phốt nào. Đúng là tấm gương sáng về đạo đức kinh doanh, những người khác cũng nên học tập.
Tâm bỗng nhiên được ca ngợi, gã nhìn những người bán hàng xung quanh cũng thấy những ánh mắt của họ đang tập trung nhìn về phía hắn, gã nhẹ nhàng:
- Tính của em là làm gì cũng phải có lương tâm của con người đối với con người, tháng nào em cũng ăn chay cho tâm mình được thanh tịnh, cái nghề bán hàng nó bạc lắm các bác ạ, mình vì ham đồng tiền trước mắt mà làm những việc không có lương tâm của con người đối với con người thì bất nhân quá...
Tất cả há hốc mồm nhìn Tâm, vốn quen cái giọng chua ngoa đanh đá của gã mà thế nào hôm nay lại được nghe giáo huấn bằng những lời lẽ rất dịu dàng, chân thành. Tự nhiên ai cũng cảm thấy mình cũng có một chút tội lỗi đang nhen nhóm lên trong lòng mà không ai dám nói ra...
Tâm quay về cái Thùng sắt đựng ngô luộc đã bán hết, gã trút nước ngô ra cái ca nhựa to rồi cầm theo cái cốc, đi từng hàng một mời mọi người:
- Hôm nay mồng một đầu tháng, có gì không phải thì mong mọi người bỏ quá cho, cũng vì hiểu lầm không đáng có, giới "Xô-Đít" bọn mình thì tránh thế nào khỏi sự ồn ào, các nghệ sĩ chúng nó còn lên mạng chửi nhau ầm ầm kia kìa, phải không các bác. Thôi xí xóa hết cho nhau đi. Em mời mọi người uống cốc nước ngô cho mát ruột rồi em về sớm, hết hàng rồi. Tết năm nay nhà em nhận gói Bánh Chưng thuê, các bác nào có nhu cầu thì đặt em gói cho, đảm bảo ngon sạch và rẻ...
Trước hành động đẹp của Tâm, ai cũng xúc động. Uống xong cốc nước ngô của Tâm, mụ Nhẫn bán bún và cái Ngọt bán đậu phụ cũng cảm thấy áy náy vì những việc làm không đàng hoàng của mình.
Nhìn theo dáng người ẻo lả của gã đang cong mông lên đạp xe về mà ai cũng cảm thấy quý mến.
- Thằng Tâm đâu rồi các bác ơi - Gã đồng nát hối hả phanh cái xe đạp dừng lại chỗ bán hàng của Tâm
Bà Thất trả lời:
- Nó hết hàng sớm nên về rồi, có việc gì đấy?
Gã đồng nát thở dài nhìn bà Thất:
- Thằng tám vía này hôm nay hết hàng sớm thế nhỉ, mai em về quê rồi, nhờ bác gửi túi Pin này cho nó, bác nhắn là cộng cả tháng trước là hơn 100 hòn rồi đấy, mấy hôm nữa em qua thanh toán sau...
Bà Thất cầm túi pin tiểu loại con thỏ ngạc nhiên:
- Nó mua đống pin cũ này à, rõ dở hơi, pin hết rồi vứt đi mua về làm gì?
Ông Đức cũng ngạc nhiên không kém:
- Mua cái của nợ này làm quái gì, có dùng được đâu...
Gã đồng nát thanh minh:
- Ơ, vứt thế đếch nào được, mua về để luộc ngô chứ làm gì, cho cục pin này vào thì ngô luộc mới nhanh chín mà lại ngon, đỡ mất thời gian, lại đỡ tốn tiền củi. Tết năm nay nhà nó nhận luộc bánh chưng nữa, chỗ pin này sợ không đủ ý chứ...Thôi chào các bác em đi đây...
Cả chợ cóc được thêm một phen xôn xao, giờ mới phát hiện ra thằng có lương tâm của con người với con người lại âm thầm làm cái việc ác nhân như thế. Vậy mà hai năm nay những người bán hàng xung quanh toàn ăn ngô luộc của gã mà ai cũng khen là ngon bổ rẻ./.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư