Thánh Mẫu Cao Tiên

93 lượt xem

Ngày xưa, vào thời Vĩnh Trị nhà Lê, năm 1675, vua Lê Hi Tôn phải chống nhau với Mạc Kính Vụ, cháu Mạc Đăng Dung, kẻ võ tướng xuất thân thuyền chài đã chiếm đoạt ngôi vua trong một thời.

Bị quan quân nhà Lê đánh đuổi, con cháu Mạc Đăng Dung lui về miền thượng du, chiếm cứ bốn châu ở vùng Cao Bằng, truyền kế mấy đời trong 85 năm. Mạc Kính Vụ là kẻ nối dõi cuối cùng của nhà Mạc, xây thành đắp lũy ở hạt Vũ Thúy, tỉnh lỵ Cao Bằng ngày nay, để chống lại nhà Lê. Vua Lê Hi Tôn cầu viện Tổng Đốc Quảng Tây là Lai Thập Lợi phái một đạo quân từ Tàu đánh sang Cao Bằng, còn một mặt cử Đinh Văn Tả thống xuất một đạo quân từ Trung Châu kéo lên tấn công Mạc Kính Vụ. Bị vây đánh cả hai mặt Mạc Kính Vụ phải chạy lánh sang Trung Hoa để Cao Bằng lọt vào tay nhà Lê.

Khi thành trì nhà Mạc rơi vào tay đối phương, công chúa Mạc Cao Tiên ngồi lên xe voi chạy thoát. Voi chở công chúa đi về phía sông Bằng Giang, dấn mình xuống giòng nước chảy xiết để vượt qua sông, nhằm hôm nước lũ đổ về, sóng nước cuồn cuộn lôi cuốn cả voi theo, công chúa bị giòng nước mạnh kéo đi. Xác công chúa chìm đắm trôi dạt đến Vực Sô ở ngay dưới chân thành Cao Bằng. Quân sĩ không khỏi để ý thấy một đàn chim hàng mấy nghìn con sà cánh bay liền nhau bên trên xác người con gái nổi ở mặt nước, quanh quẩn che nắng cho nàng suốt cả một ngày, đến lúc mặt trời nghiêng bóng mới đi.

Một người con trai trông thấy trên mặt nước xác một thiếu nữ vận sắc phục sang trọng, tính lại gần để vớt lên, thì xác kẻ bạc mạng như tị hiềm nỗi trai gái gần kề, bèn trôi xa khỏi bờ, rồi tấp đến chân một người đàn bà vừa bước xuống bến sông. Các quan được tin vị công chúa nhà Mạc đã bỏ mình một cách linh hiển như vậy, liền ra lệnh tống táng nàng theo nghi lễ trọng thể và chôn ở trên thành cao. Dân chúng ở trong vùng được công chúa hiển linh ban ơn, ban phước mới dựng một ngôi đền dưới gốc cây đa ở Vực Sô, thờ nàng như một vị thần. Sau đó đền dời vào giữa tỉnh Cao Bằng, ở hạt Cam Mỹ.

Để tỏ lòng thành kính đối với công chúa, mỗi vị quan đến trị nhậm nơi đây đều tự tay trồng lấy một cây đa ở trước cửa đền. Ngày nay còn nhiều cây đa to lớn trước đền, có ngọn cao đến bốn, năm mươi thước, rễ trùm lấp cả bia. Đến triều Nguyễn, vua Thành Thái phong nàng Cao Tiên là Thánh Mẫu Bảo Quốc. Người ta kể lại rằng Thánh Mẫu rất thiêng, ai qua lại trước cửa đền mà không giở nón hay xuống ngựa thì lập tức bị một sức vô hình quật ngã, phải hương đèn cúng lạy mới được yên.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×