LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Phận phù du - Chương 2: Những phận người trôi như lục bình

113 lượt xem

Chị tôi kể ở đây có những phận người sống trên ghe và thác đi cũng ở đó. Điển hình là ông Năm Tam theo kéo rèm cho rạp hát rồi khi cái rạp hát ấy giải thể, ông cùng người vợ- bà đào hát ngày ấy bỏ lên ghe sinh sống vì không có một cục đất chọi chim. Ông Năm có ba người con, hai người con gái lấy chồng ở đâu mất, không thấy bao giờ xuất hiện, còn thằng con trai, vì nghèo, vì tủi, vì yêu mà không được đáp trả, một đêm say sỉn nó gieo mình xuống sông tự vẫn, mà ông phát hiện kịp, vớt nó lên, nhưng từ đó về sau nó sống không khác gì đã chết, chỉ ngồi thừ lừ ở đầu ghe, nhìn sông nhìn nước, nhìn người yêu lấy chồng rước dâu, cùng chồng lên bờ xây nhà mà sống. Nhiều khi đi ngang nhà người cũ, thấy mấy đứa nhỏ chạy ra chơi, nó bắt ông tấp ghe vô cho bằng được, xòe tay cho mấy đứa nhỏ khi thì kẹo bánh, khi thì trái cây, còn có khi chỉ vuốt đầu rồi khóc hu hu như đứa trẻ. Từ đó, ông Năm không bao giờ đi ngang chỗ ấy nữa.

Chị Sáu kể ông Năm là tay đàn ca tài tử có tiếng ở cái miệt này, tôi hỏi sao ông ấy không dùng nó làm mưu sinh, chị loay hoay cái nồi cá kho trong bếp, nói vọng ra:

- Vợ ổng thích cải lương, từ ngày bả chết, ổng không hát nữa, không hát cho một ai nghe nữa.

- Ủa, vậy bà đó mất rồi hả chị?

- Ừ cưng, mất rồi. Từ đó, ổng không nói không cười, không hát hò hay chơi cờ nữa.

Tôi nhìn đau đáu ra bờ sông trước nhà, mà thấy chua chát cho phận người nghèo hèn đến tận cùng, mà chắc, càng trong cái khó, cái nghèo, thì tình nghĩa con người ngày càng to lớn, về già mà, khi mà cái gia đình là nơi nương náu duy nhất, thì người bạn đời bỏ đi, còn lại gì trên đời này có ý nghĩa nữa? Tôi nghĩ, nếu không vì thằng con trai ấy, chắc ông cũng chẳng có thiết tha tồn tại.

Tôi gặp ông Năm trên sông, khi ghe chúng tôi cập sát rặng bần, tôi và anh Bảy câu cá. Cái xứ này, đồ ăn không đi đâu xa, thả mẻ lưới, câu vài ba con cá phi, ra hái rau vườn đâm dĩa nước mắm, thành bữa cơm nóng hổi ngay. Ông Năm hỏi anh Bảy:

- Câu được khá chứ, mậy?

- Dạ bác Năm, được gần năm, sáu con phi mập ú.

- Ủa, con nhỏ này là ai? Sao tao chưa thấy cà?

- À, nó là con của chú Tám, ở Sài Gòn về chơi mấy hôm.

- Thằng Tám mà hồi xưa nội bây dí quánh chạy có cờ đó hả?

- Dạ.

Tôi không tham gia vào cuộc nói chuyện, vì bận nhìn thằng con trai mà ông chăm bẵm như đứa con nhỏ mới lọt lòng. Nó ngồi thừ lừ ở đó, nhìn ra sông, cái nhìn vời vợi xa đến ngút ngàn. Ông vừa nói chuyện vừa đưa cơm vào miệng nó, rồi lâu lâu đút thêm muỗng nước như trẻ con tập ăn dặm. Tôi thở dài, cái tiếng thở dài ấy não ruột, cái nghèo cái hèn đẩy con người từ thanh niên trai tráng thành một người chỉ ngồi đó mà ngóng, mà trông. Tôi tự hỏi : " Ủa, còn gì đâu mà trông chờ nữa! Người ta đã có chồng, có con đuề huề, còn nhớ còn nghĩ gì anh nữa mà anh còn ở đây mong mỏi?!" Ông Năm đưa tay lau mặt cho nó rồi nhìn anh tôi buồn sườn sượt:

- Lúc nó còn tỉnh, nó nhậu rượu vô là nó nói : " Chồng Thắm có cơ có ngơi, có nhà có đất, tui lấy gì mà so với người ta hả tía, Thắm lấy tui, hổng lẽ cứ lênh bênh trên ghe quài, con Thắm được đi học đàng hoàng, cưới tui chắc con tụi tui như cha nó, sống đời sông nước này, chắc chết. Tui phải mừng cho Thắm, phải hông tía?".

Ông lại nhìn thằng con, rồi nhìn ra sông lớn, chua chát trả lời:

- Từ ngày má nó thác, tui thương bả quá cậu Bảy à. Tui chôn bả ở miệt An Bình, tối đó mưa dữ lắm, tui gói bả trong cái bạt che rồi tấp vô bờ, đào cái lỗ trên đất người ta mà đặt bả xuống, không nhang khói không cúng kiếng gì, cả gần chục năm chưa quay lại chỗ đó. Tui có lỗi, chôn bậy trên đất nhà người ta, cũng có lỗi, hồi xưa trẻ người con dạ, chú Bảy à, tui không nên dắt bả theo...

Ông hớp ly rượu vào miệng, rồi cũng thở dài. Chúng tôi im lặng nghe tiếng mấy con cá quẩy trong đục. Khuôn mặt già nua của ông tàn dần theo cái hoàng hôn khuất bóng, mùi rượu nồng thoảng vào không khí đến ngộp thở, anh tôi xin phép về nhà chờ cơm. Chúng tôi chèo được một lúc, anh Bảy đưa tay giở cái đục cá ra, thả hết mấy con phi béo mập xuống sông, nhìn nó quẫy đuôi bơi mất. Anh chép miệng:

- Thôi, cái gì của sông nước, để nó về với sông nước.

Chúng tôi xuôi màu rám mỡ gà của ánh mặt trời cuối cùng chiếu trên sông, cái chất loang loáng kia khiến tôi cảm thấy sông nước này, nó rộng ngút ngàn, nó xa vạn dặm, nó chứa bao nhiêu người lênh bênh, không học hành, không nhà cửa, sống nương theo lên xuống của dòng nước, những phận người như kiếp bèo trôi...

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư