Tiếng đàn núi

73 lượt xem

Trên chuyến xe về quê, các bạn trêu nửa đùa nửa thật với Bàn Minh: " - Đến nhà bác bọn em không biết tiếng dân tộc bác phải làm phiên dịch viên cho bọn em đấy nha!"

- Tất nhiên rồi, không phải tao thì còn ai nữa.

Bàn Minh trả lời xong mấy bạn lại trêu thêm vài câu tục bằng tiếng dân tộc mà họ học được ở đâu đó nhưng chẳng rõ ngữ nghĩa ra sao rồi lại cười ầm lên, thấy nét mặt Bàn Minh nghiêm nghị cố tình bỏ ngoài tai như không nghe được gì chúng lại im đi.

Chặng đường từ Thái Nguyên về Cao Bằng hơn hai trăm cây số và phải đi qua thị xã Bắc Kạn, đoạn gần đến thị xã Bắc Kạn có ba khách người Mông hai nam một nữ đang chờ xe, khi anh phụ xe hỏi mấy người về đâu thì một trong hai người nam chỉ trả lời một câu cộc lốc là " Bảo Lạc". Anh phụ xe bảo không có xe về thẳng Bảo Lạc phải đi về thị xã Cao Bằng rồi mới có xe về huyện và anh mời ba người lên xe họ cứ ngơ ngác chần chừ có vẻ là không tin tưởng anh phụ xe hay không hiểu tiếng Phổ Thông thì phải, họ cứ rụt rè nói với nhau thì thào bằng tiếng H'Mông.

Bàn Minh chàng sinh viên được các bạn ở trường gọi vui với cái biệt danh " thằng con núi ", vì điều kiện xa trường lớp nên Minh đi học rất muộn, vì thế tuổi Minh hơn các bạn cùng khóa khá nhiều, những ai chơi thân thường gọi mình bằng bác lúc đầu Minh thấy hơi khó nghe nhưng rồi cũng dần quen. Thấy mấy cô chú người H'Mông chần chừ mấy bạn lại trêu Minh: " Con núi đâu? Đến lượt bác ra tay rồi đấy!"

Minh nghe có vẻ cũng hợp lý vì vào các kì nghỉ hè trước khi được đi học Đại học Minh đã từng đi khá nhiều nơi trong các xã lân cận để đóng mộc thuê kiếm tiền nên được tiếp xúc va chạm với một số thứ tiếng dân tộc khác và cũng bập bẹ được khá nhiều trong đó có tiếng H'Mông. Đúng lúc đó Minh lại đang ngồi gần cửa xe nên không ngần ngại nói vài câu với ba người khách: "- Tì lầu à, tri mùa xê mồ thẳng Bạu Lặc ơ. Ư mồ xê há trà Thị xạ mẹ mồ Bạu Lặc hơ..." ( Anh trai à, không có xe đi thẳng Bảo Lạc đâu, mình đi đi xe này đến thị xã mới đi Bảo Lạc cơ...). Nghe được câu nói của Minh ba người khách vui vẻ lên xe, mọi người trên xe cười ầm lên làm Minh hơi ngài ngại. Vinh béo một trong những người bạn của Minh quê Quảng Ninh nói:

- Bác là người Dao mà nói sao họ hiểu vậy?

- Ừ thì tao biết bập bẹ tý tiếng của họ thôi.

- Kinh. "Khâm phụt" bác rồi đấy, đúng là con núi có khác.

Mấy thằng lại cười vui, câu khâm phụt là cố tình nói lệch để gây hài mà mấy thằng bắt chước theo kiểu của nghệ sĩ hài Hoài Linh trong phim hài. Đường đi không xa lắm nhưng nhiều đèo dốc khó hơn so với vùng đồng , xe vừa đi qua thị xã Bắc Kạn đi qua được vài cua lên chưa hết Đèo Giàng đã có người kêu: "Thôi thôi cứ nhiều con cua núi bò lổm ngổm thế này vừa đi vừa bắt chắc cũng đủ mệt rồi về đến nhà bác chắc chả còn ai đủ sức để cần bác làm phiên dịch viên nữa đâu". Bàn Minh chỉ gật gù cho qua chuyện rồi mãi chiều cũng về đến thị trấn. Quê của Minh đường cấp phối chỉ đến trung tâm xã nên những người có xe máy trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chưa nói đến từng xóm nhỏ, lúc đường mới đến xã người dân ở bản của Minh hí hửng bàn bạc góp vốn mua một chiếc xe máy khiêng lên bản và góp công sửa đường để chở đồ đi lại phục vụ các đám cưới, đám tang ... trong bản. Chuyện lạ có thật khiến nhiều người cũng phải buồn cười, mới đầu vì lần đầu được nhìn thấy xe nên cứ gặp ai đi chiếc xe chung đó ở đâu thì con trâu Mộng nhà Minh đón húc ở đó, vài lần phải có người bỏ xe chạy lấy người. Xăng dầu có thể đi mua vận chuyển về bản sử dụng được nhưng khi xe hỏng hóc không thể khiêng đi sửa được nên đành phải bó tay.

Bốn người xuống xe khách ở thị trấn rồi gọi xe ôm, các ông xe ôm ai cũng ngán ngẩm đường về xã đấy khó không muốn đi nhưng Minh năn nỉ họ phải đành, mới về đến xã Minh đã nhận được tin không vui là đứa em con gái của dì ruột đã mất tích vài tháng, mọi người đoán là bị lừa đem bán sang Trung Quốc và đã báo Công an nhưng mãi chẳng có tin tức gì. Từ trung tâm xã Minh dẫn các bạn đi bộ về xóm xa năm đến sáu cây số đường mòn, đi được đoạn mệt mọi người lại vặt lá cây ngồi nghỉ giải lao tán gẫu. Vinh béo hỏi:

- Thế cái em gái con dì của bác bị mất tích ấy được bao nhiêu tuổi rồi vậy?

- Khoảng 15 - 16 gì đó, nó học dở cấp 2 bị bố mẹ ép lấy chồng nó không chịu chắc là bỏ nhà đi đâu đó thôi.

- Thế quê bác toàn lấy vợ lấy chồng sớm thế à?

- Ừ thì quê tao lớp già hầu như thất học còn bọn trẻ bây giờ do nhà xa trường nên cũng thường đi học muộn, thời gian lên nương rẫy nhiều hơn là lên lớp nên cũng thường chỉ dừng lại ở cấp 1, 2 rồi lập gia đình làm ăn không thì cũng đi kiếm việc làm thuê linh tinh đầy đứa hư hỏng rồi lấy những ông chồng nghiện ngập đang tuổi ế ngoài thị trấn, thị xã, cũng đầy đứa bị lừa sang Trung Quốc bán. Đa số bọn cùng tuổi tao ở quê này đều con cái hết rồi, chúng nó còn nói với tao là mày đi học nhiều thế không biết chán à. Tao mà đi học xa như mày thì tao bỏ từ lâu rồi, học mãi cũng chẳng đến lượt mình làm quan đâu. Nghe chúng nó nói tao cũng chỉ ừ à cho qua chuyện. Một số người có ý chí hoặc gia đình khấm khá hơn thì học hết cấp hai bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa hoặc chạy tiền cho đi học Trung cấp nghề hoặc Cao đẳng xong cũng ít người về quê mà đa số đi lập nghiệp nơi khác, khi kiếm được chỗ sinh nhai rồi họ "bán quê" cho anh em dọn nhà đi biệt xứ, có người đi làm ăn được khấm khá rồi còn coi khinh anh em ở quê nữa...

Kể mà giọng Bàn Minh dần chùng xuống nét mặt buồn hẳn đi. Vinh hỏi tiếp:

- Thế còn bác sau này định tính sao?

- Cũng chẳng biết nữa, tao còn nhớ hồi học Phổ Thông ở Trường Nội trú tỉnh mỗi khi thầy Hiệu trưởng đọc báo cáo kể về thành tích của trường trong các ngày lễ thầy thường kể đến những cựu học sinh trở thành người công dân có ích cho xã hội, trong đó có một anh người dân tộc Mông tên Tu gì đó đã làm chính xóm bản quê mình giàu lên ấy chứ có phải cứ đi đâu xa mới khấm khá được đâu.

- Ừ, cũng phải mà công nhận quê bác địa hình phức tạp nên dân vất vả hơn quê bọn em nhiều, cũng may là trước kia bác được đi học trường Nội trú nhỉ, nếu không chắc anh em mình cũng chẳng quen nhau thế này.

- Thế mới gọi là thằng "con núi" biết sao được. Cũng may là được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước tao mới được đi học trường Nội trú ấy thôi.

Minh vừa dứt lời thì Đại nát quê Bắc Giang xen vào:

- Tiếc quá nhỉ ước gì bọn em đến sớm hơn thì có cơ hội cua em gái con dì của bác...

Đang mệt cộng với cái bản tính thật thà hiền lành và hơi già dặn Bàn Minh quay sang nhìn Đại với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm, Đại đang ngường ngượng thì Hùng "ếch" quê Thanh Hóa lên tiếng:

- Mày điên mẹ rồi à, ai cũng nghĩ như mày thì có mà loạn, gái quê mày có khối sao mày không về mà vác đi.

- Thì trêu đùa tý thôi, dân kỹ thuật bọn mình ai chả thô bựa, mày mới là thằng khùng...

Đến lượt Minh phải can thiệp:

- Thôi đi các ông ơi, chuẩn bị đi là vừa còn xa đấy, tý leo dốc có mà há mồm.

Đi được đoạn mấy thằng lại hỏi Bàn Minh còn xa không, câu trả lời lần nào cũng "sắp đến rồi", mãi chẳng thấy đến mấy thằng lại hỏi:

- Từ đây đi Trung Quốc gần lắm à bác mà người ta lừa gái đi bán dễ vậy?

- Nói chung cũng gần trăm cây số nhưng tao ít sang cửa khẩu lắm, mấy bà trong bản thi thoảng rảnh rỗi công việc cũng hay rủ nhau sang vùng biên kiếm việc làm thuê ấy mà.

- Thế sang cửa khẩu có gì hay không?

- Đầy hàng đủ thể loại, đa số là hàng cấm nhưng ở đó bán thoải mái.

- Cụ thể là những cái gì vậy?

- Nhiều lắm, dao kiếm, dùi cui điện, thuốc và sách kích dục...gần Tết thì có nhiều pháo nói chung là nhiều...

Lại đến lượt Đại nát lên tiếng:

- Đi tán gái mà làm thế nào cho nó uống được thuốc kích dục thì sướng nhỉ.

Hùng ếch lại ngắt:

- Bó tay chấm cơm. Mày chỉ có thế không khá hơn được à. Mà bác Minh này, pháo ở đó chắc rẻ đấy nhỉ, lúc nào bác kiếm được để phần em với để lúc Tết đốt tý chơi.

- Nguy hiểm lắm mày ơi có thằng em cùng trường mình cũng quê Cao Bằng, nó bỏ quên vài viên trong cốp xe máy từ lúc Tết, vừa rồi xuống Thái đi cắt tóc không đội mũ bảo hiểm bị Công an giao thông kiểm tra phát hiện họ còn quy về tội tàng trữ chất nổ, nó có người quen xin xỏ hộ nhưng về sau vẫn bị phạt vài triệu ấy đùa.

Những câu chuyện của bốn chàng sinh viên mỗi người một quê cứ thế rồi đi qua những lối mòn ngoằn ngoèo vắt qua đèo rồi men theo những đám nương ngô dưới chân núi đi vào thung lũng, mệt rồi họ cũng nói ít dần đi mãi gần tối cũng đến bản, bản của Bàn Minh chỉ có vài nóc nhà chênh vênh thưa thớt. Đại "nát" thốt lên:

- Uí, ít nhà thế thôi à, đi làm ruộng có xa không bác?

- Thế thôi, mỗi nhóm có vài nhà, nhà nào xa hơn thì nghe được tiếng quát trâu bò, xa hơn nữa thì đi chừng hai điếu, ba điếu thuốc tàn mới đến, còn xa hơn nữa thì chỉ nghe được tiếng vọng của gà gáy, vài nhóm thế này gộp lại thì làm một xóm. Ruộng thì nhà có nhà không, nhà nào có cũng chỉ chút ít ruộng bậc thang gần khe suối, có nhà ruộng ở xa phải đi hàng tiếng đồng hồ xa nhà nên thiếu phân bón, chim chóc phá nhiều nên năng suất chẳng ăn thua, chủ yếu ăn ngô thôi mà.

- Khiếp, thế những lúc họp hành gì thì ông trưởng xóm phải đi từng nhà thông báo hay sao?

- Trước đây thì dùng gốc tre đẽo mõ hong trên gác bếp để sẵn khi nào có việc thì mang ra gõ báo hiệu cho mọi người đến họp. Bây giờ các phương tiện thông tin hiện đại hơn thì có thể dùng điện thoại di động nhưng ở đây sóng yếu với lại điều kiện khó khăn cũng ít người dùng. Bọn trẻ thích dùng cứ tuần chạy vài ba lần xuống xã nạp pin lại còn bị bố mẹ mắng suốt ấy chứ.

Đến nhà Bàn Minh đúng như dự định dù mệt lả người Minh vẫn quên hết mệt mỏi để làm phiên dịch viên cho bạn bè và bố mẹ. Sau vài lời giới thiệu làm quen và uống ly nước, Bàn Minh gợi ý cho bố mời các bạn ly rượu. Nâng chén rượu mời ông Sơn nói: "Phun bua ham Mềnh, ham pé xê tài tháo diạo bê lống a. Toóng lang khấu hề, tháo pé nai bê tròng bọ cào ái miền thim lớ..."( Các cháu quý bác, quý Minh mới đến chơi thì tốt rồi. Vùng cao khổ lắm, đến quê bác đây thì đồi núi còn thấp hơn người nữa đó).

Bàn Minh vừa dịch lại câu nói của bố vừa giải thích ý nghĩa cho các bạn biết rồi cùng nâng ly rượu. Sau những giây phút ấy Minh dẫn các bạn ra ngoài dạo chơi ngắm cảnh, trời chiều dần dần buông xuống những con chim rừng đang cất tiếng gọi nhau tìm nơi trú ngụ rồi đâu đó xa xa một số nhà đã ánh lên bếp lửa lập lòe. Ở vùng cao thì tùy từng huyện từng xã cũng có những điểm khác nhau nhưng riêng ở đây thì đa số dân Mông, Dao thường sống ở thung lũng hoặc trên sườn đồi, dưới chân núi vùng sâu vùng xa hơn còn dân Tày Nùng thì sống ở những nơi thuận tiện hơn chút. Nơi này cũng chả phải quê gốc của Bàn Minh, Minh sinh ra ở một xã lân cận, Minh còn nhớ hồi bé nhà mình ở dưới chân núi, bố mẹ thường dậy sớm nấu cháo ngô để nguội rồi nắm lên nương từ sớm, để Minh cùng các em ở nhà với bà nội, bà thường bận việc trong nhà nên chốt cửa lại không cho Minh dẫn các em ra ngoài chơi, mỗi khi bà nhìn thấy các cháu ra khỏi trước cửa nhà chơi bà lại vội chạy ra bế vào nhà chốt cửa lại, có những lần mấy anh chị em không chịu lại khóc ré lên Minh cũng không hiểu sao bà nội làm thế nữa. Mãi sau này dần dần lớn lên Minh mới hiểu bà sợ mấy anh em ngã xuống vực sâu trước cửa nhà. Hồi đó quanh năm ngô không đủ ăn bố Minh phải đi mót từng đồng một để ra chợ mua gạo về nấu cháo pha với củ mài, Minh còn nhớ những bát cháo gạo để nguội mà bố mẹ dành riêng cho mấy anh em sau những bữa ăn chính, khi cháo nguội đông lại mẹ dùng thìa chọc xuống chính giữa bát cháo chia sẻ ra từng phần cho mấy anh em cầm trên tay chấm với muối rang ăn rất ngon. Mãi đến năm lên chín tuổi bố mẹ mới đến xã này mua lại tài sản của một gia đình người Mông di cư đi Đắc Lắc mà những gia đình hồi đó đi vào Lâm Đồng hay Đắc Lắc thì người ở quê đều nói là đi Nam.

Hồi mới chuyển đến ở lại ngôi nhà cũ rách nát của người ta ngoài đồi có vài đám ruộng bậc thang còn nương đa số ở thung lũng phải gánh phân đi xa hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Thung lũng hồi đó còn khá hoang vu, dân vùng này đồn rằng chỉ vào trong đó làm nương còn thấy ghê sợ vì nghe nói trong thung đã từng có người ở nhưng toàn mắc bệnh tâm thần rồi đi nhảy vực hoặc treo cổ tự tử. Họ đi bói toán thầy bói nói là trong thung có ma bắt người vì có lời nguyền gì đó từ những đời trước khi thực hiện lời nguyền họ chôn 5 bộ cối xay và chôn cả vàng bạc nếu ai vào đó ở sẽ phải đánh đổi bằng mạng người nên không ai dám vào ở. Theo tin đồn ấy có cả những người từ vùng khác cũng đến ăn ngủ tại đây đào bới tìm kiếm khắp thung lũng nhưng chẳng thấy vàng bạc đâu. Một vùng hoang vu như thế mà thi thoảng lại có tiếng gà gáy trên ngọn núi nhưng tuyệt đối ở đây lại không có con gà rừng nào cả, tiếng gà ấy thật sự ai cũng nghe được nhưng nghe kỹ thì không giống tiếng gà lắm. Khi vào làm nương rẫy ông Bàn Sơn bố của Bàn Minh theo dõi thấy lần nào tiếng gáy ấy cũng xuất hiện khi có gió và có những lúc gió càng mạnh thì tiếng gà gáy càng to và quanh năm vẫn chỉ nghe tiếng xuất hiện đúng bên ngọn núi ấy. Rồi một hôm ông đang làm việc mệt ngồi nghỉ bên gốc tre giải lao cuốn điếu thuốc lá tình cờ có cơn gió thoảng qua làm cây tre đung đưa các cành tre cọ vào nhau kêu kèn kẹt, khi gió càng mạnh thì cành tre cọ vào nhau kêu càng to ông nhớ đến chuyện tiếng gà trên núi coi như đã có lời giải đáp và ông cười lên như điên chẳng khác một nhà bác học mới tìm ra phát minh mới. Ông khẳng định chắc rằng tiếng gà trên núi có thể là hai cành cây nào đó bám sát vào nhau khi có gió hai cành cây cọ vào nhau tạo nên tiếng kêu tương tự như cành tre vậy. Từ đó ông mới hoàn toàn bác bỏ lời đồn, vì toàn bộ nương rẫy ở đó nhiều phải đi làm xa nên chuyển nhà vào trong đó ở. Từ ngày nhà Bàn Minh chuyển vào đó ở không thấy vấn đề gì các nhà khác cũng chuyển dần vào ở cùng thế là thành một bản nhỏ nương rẫy gần nhà không phải đi làm xa ai cũng khâm phục ông Bàn Sơn. Thi thoảng tiếng gà trên núi lại xuất hiện khi có gió đôi khi gà nhà cũng gáy đáp lại ông Sơn thường nói vui với bọn trẻ rằng đó là tiếng "đàn núi" vang lên. Sau vài năm chặt phá cây từ sử dụng việc khác cho đến làm củi, đến lúc chặt hết các cây to rồi chẳng thấy tiếng gà trên núi đâu nữa.

Đưa các bạn ra ngoài dạo chơi Bàn Minh như một hướng dẫn viên kể cho các bạn nghe những câu chuyện từ thời thơ ấu cho đến những câu chuyện tưởng chừng như lạ kỳ mà có thật. Đúng là đôi khi con người tự tạo ra địch gây dễ sợ cho mình.

Nhà Minh những ngày này đang có vài anh em ở bên ngoại sang mượn đất trồng đỗ tương, vì nhà xa nên tối ở lại ngủ nhờ. Do thất học, nửa câu tiếng Phổ Thông họ cũng không biết nên thấy Bàn Minh dẫn về vài bạn đến chơi nghe nói là dân xuôi không nói được tiếng bản địa mấy anh em cứ ngần ngại không muốn tiếp xúc vì sợ không nghe được tiếng để trò chuyện sẽ xấu hổ. Ở đây sóng di động rất yếu, nhà nghèo nên bố mẹ ưu tiên cho Bàn Minh được dùng một chiếc di động loại soàng để liên lạc bạn bè còn trong gia đình không ai dùng cả. Tối đến mẹ bảo Minh gọi cho cô ruột trong Đắc Lắc để hỏi thăm nhau, Minh mượn sim trả sau của Hùng "ếch" dò mãi không có sóng Minh nhớ ra hình như mọi lần đặt ở đầu giường lâu lâu có sóng nên đem chiếc di động nằm trên giường đợi khi sóng lên được một, hai vạch thì gọi nhưng cứ bên kia nhấc máy thì bên này lại tự động bị ngắt vì sóng yếu rồi khi cô từ bên kia gọi lại cũng vậy nên đành chịu. Rồi bất ngờ chiếc di động của Vinh "béo" có chuông tin nhắn reo lên trong túi của chiếc áo treo ở cái đinh đóng trên cột nhà, nó chạy lại xem thấy có sóng, biết được cái chỗ chiếc đinh ấy có sóng Bàn Minh cũng chạy lại chọn làm địa điểm gọi cho cô ruột để mẹ nói chuyện, trong những người anh em bên ngoại có cậu Pham hỏi Minh là mày gọi cho mẹ nói chuyện với ai tận đâu thế, Minh nhanh nhảu trả lời cậu là nói với cô trong miền Nam, theo thói quen của mọi người trong vùng Minh cứ bảo Đắc Lắc là miền Nam cho qua chuyện, đỡ phải giải thích thêm. Câu trả lời của Minh làm cho cậu ruột trợn mắt ngạc nhiên bảo "trời ơi điện thoại gì mà gọi được tận miền Nam?" Không hiểu được tiếng bản địa nhưng thấy sự ngạc nhiên đến đờ người ấy của cậu Pham khiến mấy bạn của Minh cũng phải phì cười.

Nhà Minh khá chật chội, nơi ăn chốn ở mọi thứ đều trong tình trạng tạm bợ. Sau bữa cơm tối đạm bạc, biết có khách không đủ chỗ ngủ, để nhường giường cho khách ông Bàn Sơn rải chiếu xuống nền ngủ tạm. Các nhà trong bản đều cách khá xa nhau muốn đi chơi từ nhà này sang nhà nọ cũng phải gần hết điếu thuốc tàn. Và ở đây người ta thường ngủ sớm sau những ngày lao động mệt nhọc nên Bàn Minh cũng chẳng muốn dẫn các bạn đi chơi làm phiền nhà khác, Minh dẫn các bạn lên giường nằm sớm để trò chuyện. Các bạn hỏi mọi khi vẫn ngủ sớm vậy sao. Minh trả lời rằng thường thì mọi người đi làm mệt nên ngủ sớm để hôm sau mới dậy được sớm đi làm, vả lại thức đêm cũng phải tốn dầu hỏa để thắp. Nghe Bàn Minh nói ba người bạn phải suy nghĩ, họ nhớ đến những bóng điện cao áp ở thị thành, nhớ đến những hôm vội vàng đi chơi thậm chí quên cả máy tính, quạt rồi cả bóng điện trong phòng trọ không hề tắt. Đến nhà Minh chứng kiến họ mới biết quý từng tia sáng của ánh điện, biết quý từng đồng tiền mà cha mẹ kiếm từ những giọt mồ hôi nước mắt ở quê.

Ở cái vùng "lên đỉnh đèo đầu người cao hơn ngọn núi, xuống chân dốc nhìn thấy đỉnh núi mũ rơi" này dân chủ yếu tự cung tự cấp, 5 ngày mới có một phiên chợ ở trung tâm xã. Những ngày đưa bạn về quê chơi lại đúng dịp chợ phiên nên Bàn Minh định rủ mấy bạn hôm sau ra chợ xã chơi cho biết chợ phiên ở quê mình. Vinh béo hỏi:

- Thế đi xong đến trưa chiều lại phải ngược dốc về đây hả bác?

- Ừ, chẳng lẽ lại đi trường luôn hả, thấy ngán rồi à hì hì...

Hùng ếch thì bảo:

- Chợ vùng cao thì có gì hay ho, chiếu trên ti vi suốt các ông không thấy à?

- Mày nghĩ thế. Biết đâu ở đây có gái xinh dễ tán hơn thì sao...? - Đến lượt Đại nát nói mấy thằng lại cười ầm lên chọc ghẹo thêm cho hết chỗ nói...

***

Sáng ra, dậy đánh răng rửa mặt, cầm vào bàn chải Vinh béo ngạc nhiên hỏi:

Sao cán bàn chải đen thế bác Minh?

Đang bận chải răng, Minh dùng tay chỉ vào chiếc siêu đun nước để rửa mặt, không cần giải thích ai cũng hiểu chiếc siêu đã cũ kỹ quai siêu đen sì vì đã trải qua bao nhiêu ngọn lửa và khói củi...

*

Buổi chợ phiên khác với những gì mọi người tưởng tượng so với các buổi chợ vùng cao khác như Hùng ếch nói là thấy trên ti vi. Ở đây không có ngựa, có lác đác những phụ nữ người Mông đeo gùi vừa đi vừa quấn những sợi lanh trên tay ngược lại là những đàn ông Dao gánh những gánh dậu to cồng kềnh, nhìn từ xa chỉ thấy hai chân của người gánh như hai chiếc đũa chọc xuống đất đang thay nhau đưa đẩy hai khối vật nặng trịch trên đầu mà đi. Những người gánh dậu ấy là người ở xã trên, họ phải dậy từ lúc trời chưa sáng đi mới kịp thời gian họp chợ. Dậu gánh đến đây bán được bao nhiêu thì bán nếu khi chợ tan mà bán chưa hết họ tiếp tục gánh đi khoảng hai chục cây số nữa ra thị trấn ngủ lại các Đình chợ chờ họp phiên chợ huyện hôm sau.

Phiên chợ xã là hai dãy lán rơm, một dãy bán hàng quần áo giày dép, dãy còn lại là bán mắm muối, rượu và tạp hóa lẫn lộn. Lác đác bên ngoài là những người bán rau rừng, bán ngô, đỗ tương...Lưa thưa có vài ba quán phở, phở ở đây duy nhất là phở thịt ba chỉ mà đông nghịt người. Bàn Minh gặp lại mấy người bạn học cùng hồi cấp một, hai họ tay bắt mặt mừng nói vui gọi Minh là "cán búa" (tức cán bộ) về bản, họ mời nhau vào quán phở ngồi uống rượu suông để hàn huyên, Minh nháy mắt cho mấy ông bạn người xuôi cùng vào ngồi làm quen. Tự nhiên vào quán ngồi uống rượu sex (rượu suông) mấy ông bạn quê xuôi cảm thấy ngần ngại vì nếu ở quê họ mà như thế rất có thể sẽ bị người ngoài chê cười nghĩ là đám thanh niên này nghiện rượu mất. Nhưng ở đây nhìn xung quanh cũng toàn thấy có cả các cụ và thanh niên xúm lại theo từng nhóm để uống rượu suông và hãm rượu bằng nước lã cứ ai gọi chai nào trả tiền chai đó. Vinh béo nhớ lại kiểu bán rượu này giống như kiểu bán hàng ở căng tin của trường Đại học văn hóa Hà Nội mà Vinh đã từng đến đó chơi thấy cứ ai gọi gì phải trả luôn tiền nấy. Vinh để ý những nhóm bên cạnh có một ông cụ vừa nâng chén rượu vừa lau nước mắt nghẹn ngào, Vinh vỗ nhẹ vai Bàn Minh theo dõi ông cụ nói câu tiếng Tày: " Bạc ni mí chừ ni pỉ nọong náo, bạc ni tôm ni nhả sày". Minh dịch lại câu nói cho các bạn biết nghĩa là : Bác chạy không phải là chạy anh em đâu, bác chạy đất chạy cỏ thôi". Minh biết ông ấy cũng nghèo lắm, anh em họ hàng đều rời quê đi vào Lâm Đồng, Đắc Lắc gì đó có lẽ ông cũng chuẩn bị dọn đi cùng anh em nên nói với mọi người như thế.

Trong nhóm bạn học cùng hồi cấp một, hai với Minh thì có Phương (dân tộc Tày) là một trong những người bạn thân nhất. Nhà Phương gần trường nên những hôm lao động buổi chiều biết Bàn Minh nhà xa trường nếu về xong chiều sẽ không kịp quay lại trường lao động nên Phương thường mời bạn về nhà mình ăn cơm rồi chiều lao động luôn. Bố mẹ Phương cũng tốt tính hiền lành và quý Bàn Minh như con, do nhà đông anh em hoàn cảnh khó khăn nên Phương học dở rồi đi làm thuê ở Mỏ Thiếc Tĩnh Túc nhưng thu nhập thấp quá sau đó vào tận Sài Gòn kiếm việc khác vài năm sau trở lại quê lấy vợ và đã có con. Về quê chuyến này ra chợ gặp lại nhau Minh thấy Phương già và gầy đen đi rất nhiều. Mời nhau vài ly rượu suông nhắc lại những kỉ niệm cũ rồi Bàn Minh nói:

- Từ thời mình học với nhau đến giờ quê mình chả có gì thay đổi là bao mày nhỉ?

- Ừ, biết sao được. Đất thì cằn cỗi, dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Mày xem ai có tí tiền thì họ đã đi kiếm mua chỗ khác rồi chuyển đi. Mày thì may mắn được đi học trường Nội trú rồi được đi học cử tuyển chứ như bọn tao nếu học được mãi bố mẹ cũng có đủ điều kiện cung cấp đâu mà cho đi học mãi được.

- Ừ, ngoài hoàn cảnh ra tư tưởng của các cụ lúc nào cũng chỉ nghĩ con gái đi học thì sau này mang cái chữ về nhà chồng mất, con trai đi học cũng chẳng đến lượt con mình làm quan nên chỉ cần cho con học sơ sơ là đủ thế mới chán ...

- Hì, mày học Đại học rồi sau này về xem làm thế nào thay đổi được tư tưởng các cụ thì được thôi.

- Biết thế nhưng liệu một mình tao có làm nên trò trống gì không ...

Nét mặt Bàn Minh lại thoáng buồn, Minh nhìn xa xăm một cách mông lung về phía chân trời xa rồi từ từ quay lại rủ các bạn tiếp tục nâng ly.

Phiên chợ tan, bốn chàng sinh viên mỗi người một quê ấy lại dẫn nhau ngược dốc về nhà "thằng con núi" . Họ đi theo những lối mòn, đi qua những đám nương ngô trên sườn đồi, những khóm ngô càng lên sườn đồi cao thân ngô càng thấp lè tè. Đúng như người miền núi thường nói, ruộng tốt phần trên, rẫy tốt phần dưới. Nghĩa là thường thì ruộng bậc thang những đám ở đầu trên cùng tiếp giáp với đồi núi, khi mưa nước lũ trôi dạt các chất mùn đất, lá cây từ trên đồi xuống ruộng sẽ tốt hơn những đám bên trên, nương rẫy thì ngược lại, lâu năm bị xói mòn dần, phần đất thịt dồn về phía cuối nên càng lên cao đất càng xấu. Ở đây do canh tác lâu năm đất đã bị xói mòn, những cây ngô lá hơi vàng còi cọc, râu ngô đã đen nhưng bắp ngô chỉ to bằng ngón chân cái . Đã có nhiều gia đình trong bản bị mất mùa nhiều năm nên phải di cư đi nơi khác kiếm kế sinh nhai, nhà bác Dùng cũng đang chuẩn bị chuyển cư nhưng chưa bán được nhà đành phải dỡ mang cột, kèo lên xếp trong hang khô dưới chân núi.

Buổi chiều đẹp trời trên sườn đồi của vùng đất nghiêng nghiêng dưới chân núi ấy không khí thật thoáng đãng. Trên nương cờ ngô phơ phất trên nền xanh của lá ngô, ánh lá xanh vàng loáng lên dưới ánh mặt trời rồi trở màu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm vào nhau xào xạc, mỗi khi cơn gió lao xao thổi về.

***

Biết mấy bạn cùng đi chơi nhà Minh đang quay lại trường, Bàn Tăng quê Tuyên Quang nhắn tin hỏi Bàn Minh: -" Đã xuống đến nơi chưa, về quê có quà gì không?"

Bàn Minh nhắn lại: - "Có tý rượu ngô, mày có thưởng thức thì qua đây làm tý!"

Biết được hoàn cảnh của nhau Bàn Tăng "OK" rồi rủ cả Ngân quê Điện Biên nữa ra chợ mua được vài quả trứng gà tàu và con cá rô vài lạng đem sang góp vui cùng. Bố mẹ tích gom có được trên dưới một triệu đồng cho Bàn Minh cầm đi, phải tiêu tiền xe tiền ăn dọc đường, xuống đến phòng trọ còn vài trăm nghìn Bàn Minh vội vàng ra chỗ ký nợ thức ăn thanh toán và kiêm lấy luôn tý cá khô, rau cỏ, còn lại vài đồng sắm dầu gội xà phòng xong đã hết sạch, về phòng đến lúc bắt tay vào nấu nướng mới biết là mình đã hết dầu ăn mà quên không sắm. Bàn Minh chạy ra quán cô Tâm mà mọi lần hay ký nợ mì tôm để kiếm ký lấy chai dầu nhưng cô đã đi vắng đóng cửa, Minh thở dài nghĩ cách quay lại quán thức ăn với ý định tìm rau dưa chua để nấu canh cá còn trứng sẽ luộc chấm súp nhưng rau dưa đã hết, Minh lại thở dài giãi bày tâm sự với chị Hồng bán thức ăn, hiểu được hoàn cảnh chị gợi ý cho Minh lấy tý thịt mỡ để rán cho ra mỡ rồi rán cá, thế là giải quyết được vấn đề. Lúc lên mâm vẫn theo thói quen phong cách ở quê, Ngân thường hất chút rượu ra ngoài trước khi uống chén đầu, nó giải thích với các bạn về ý nghĩa của cử chỉ này là đối với người dân tộc Thái của bạn trước khi ăn uống phải nhớ đến những người đã khuất, hất chút rượu ra ngoài nghĩa là đã dành phần cho những người ở cõi Âm. Mọi người lại rôm rả kể cho nhau nghe về những phong tục tập quán riêng của quê mình...

***

Sau lần về quê ấy những lần sau và lần sau nữa Bàn Minh vẫn thăm dò tin tức đứa em con dì ruột nhưng đều vô vọng, đứa em đã mất tích mãi mãi không trở về, mỗi lần nhắc đến dì chỉ biết khóc trong tuyệt vọng coi như nó đã chết rồi.

Bàn Minh đi học xa, còn lại các em gái ruột đều đã đi lấy chồng, ở nhà còn lại thằng em trai thất học ở cùng bố mẹ. Khó khăn chồng chất lên khó khăn mà gia đình ông Bàn Sơn vẫn cắn răng chịu đựng. Bệnh đau răng không còn xa lạ với ai, thường những ai bị đau thì đi chợ huyện nhổ nếu ai tiếc tiền hay túng quá phải ở nhà chịu đựng. Ông Bàn Sơn cũng không ngoại lệ, mới sau trận mưa rào nhưng trời oi bức cộng với những tiếng muỗi cứ vo ve bên tai khiến người bình thường còn khó ngủ chứ nói gì như người đang đau răng như ông. Ông nằm trên chiếc giường hẹp, chiếc màn rách nhiều chỗ, chỗ rách to kéo dồn dùng vỏ bo buộc lại chỗ rách nhỏ thì kệ đấy, chiếc chiếu cõi cũ lưa thưa muỗi có thể dí vòi từ dưới xuyên qua những khe lớp chiếu rách cắm vào người ông bất cứ lúc nào, ông lăn đi lăn lại thi thoảng lại gãi chân gãi cổ vì muỗi đốt ngứa. Ông cảm nhận như con sâu răng đang cắn lấy từng mảnh xương hàm dưới gốc răng của mình. Bực quá ông dùng chiếc khăn mặt nồng nặc mùi mồ hôi của mình phất đuổi muỗi và lẩm bẩm: "Tổ cha chúng mày, tại chúng mày bé quá nếu chúng mày lớn thì ông bắt được dùng dây thừng chói hết vào cột nhà..."

Bà vợ nằm bên trong ngăn vách phì cười bảo: "Ông điên mất rồi à ..."

Ông Sơn càng thấy bực hơn nhưng nghĩ lại câu nói của mình cũng hơi buồn cười.

Đời ông quanh năm làm lụng vất vả, suốt hơn nửa cuộc đời ông gắn liền với việc lên nương ngửi đất, ngửi cỏ ngắm giun, khom lưng đội mưa nắng, cuộc sống vẫn đói nghèo vậy. Thương đau bệnh tật gắn liền với kham khổ đều dồn đến với ông nên trông ông già trước tuổi cũng là lẽ thường. Thời gian cứ trôi theo màn đêm rồi gà đã gáy canh hai canh ba ông vẫn chưa thể chợp mắt được giây phút nào, ông rên rỉ lăn đi lăn lại làm cho giát giường nứa kêu kèn kẹt, ông nhớ đến cái chum đất nung đặt ngoài chân vách hình như vẫn còn rượu, ông dậy thắp đèn dầu đi múc một bát uống vài ba ngụm rồi múc đầy bát mang đặt để đầu giường với ý định ngậm dần cho tê mồm tê miệng để giảm đau. Vừa buồn ngủ vừa mệt nên được vài ngụm rượu phê phê cộng với ngụm đang ngậm trong mồm tê lợi tê lưỡi nên ông cũng thiếp đi. Ngụm rượu trong mồm nóng dần lên rồi cái đau trở lại làm ông thức tỉnh và nhổ ngụm rượu rồi ngậm lấy ngụm khác, cứ thế ông ngậm từ ngụm này đến ngụm khác mà trời vẫn chưa sáng, đôi khi ông vừa thiếp đi thì miệng hở làm rượu chảy ra ướt cả chiếu mà ông vẫn chưa được giấc nào lành bực quá ông nảy ra ý định xử lý chiếc răng cho khỏi đau nhưng không biết giải quyết bằng cách nào cho hợp lý. Ông nhớ hồi cha ông còn sống có kể đã từng xử lý chiếc răng bị đau bằng cách dùng đầu đũa đục thẳng vào lỗ rỗng của chiếc răng cho vỡ ra từng mảnh vứt đi nhưng chảy máu rất nhiều, nghĩ đến phương pháp của cha có vẻ không ổn nên ông dùng vỏ cây bo buộc thắt chặt chiếc răng đau, đầu dây còn lại buộc vào chiếc đũa sử dụng chiếc đuã theo kiểu đòn bẩy để bẩy nhổ răng nhưng không thành công vì lần thì bị tuột, lần thì gãy đũa ông lại nghĩ cách khác. Ông nghĩ sẽ dùng dùi sắt đốt nóng dí thẳng vào chiếc răng làm chiếc răng nóng lên sẽ làm con sâu răng bị chết, ông đứng dậy chui ra khỏi màn cầm chiếc đèn dầu đi về phía bếp, phần vì thiếu ngủ mệt mỏi hoa mắt phần vì say rượu nên ông loạng choạng vấp vào thanh củi gần bếp và ngã sõng soài chiếc đèn dầu quăng xuống đất tắt ngóm, ông lổm ngổm bò dậy sờ trong túi áo lấy túi thuốc lá kiếm bao diêm quệt cháy soi tìm chiếc đèn, chiếc đèn đã vãi hết dầu ra nền nhưng may chưa bị vỡ. Ông tìm chai dầu hỏa ở bên chân vách đổ vào đèn rồi tiếp tục công việc tìm cách phá chiếc răng sâu. Ông nhóm bếp đốt nóng dùi rồi đi kiếm mảnh gương giắt bên vách để soi nhìn và dí dùi vào răng, khi dí ngọn dùi chưa tới răng thì ông chợt thấy có cái gì đó vừa lạ vừa quen cứ ẩn hiện trong mảnh gương, hình như có cả người mặc áo tang trắng bốp làm ông giật mình. Ông nhìn kỹ mới biết đó là bức tranh của thằng Minh con trai ông treo ở gần đầu giường khiến ông phải tò mò.

Quanh năm bận rộn với công việc, thời gian ông cũng chỉ tính bằng mùa nương rẫy, hai vợ chồng ông một chữ bẻ đôi không biết nên từ khi con trai đi học lên cao Nhà trường biếu lịch Tết hai vợ chồng ông cũng chẳng ngó tới làm gì. Nghe nói con trai đi học có tham gia thi vẽ ước mơ gì đó được giải thưởng, dịp Tết nó về quê có mua tặng ông một đôi giày cao cổ làm quà để cho ông đi rừng cho tiện, ông còn bảo mày đi học thiếu tiền tiêu ăn học còn mua giầy cho tao làm cái gì cho tốn, nói vậy nhưng ông cũng cất đôi giầy cẩn thận để lúc đi đây đi đó còn có cái mà xỏ chân, ông chẳng quan tâm Bàn Minh đã vẽ gì như thế nào mà được giải gì đó, ông chỉ biết tờ giấy đó thằng con phô tô mang từ đâu về treo ở gần đầu giường ông, giờ tình cờ nhờ có mảnh gương nhỏ bé cũ kỹ trên tay soi phản lại mới làm ông để ý và phát hiện trên tờ giấy ấy hình như có người mặc áo tang lại còn treo gần đầu giường ông nữa làm ông phải giật mình, ông nghĩ nếu thằng Minh mà vẽ trang phục tang lễ treo ở đó thật thì ông sẽ xử lý cái thằng bố láo này một trận. Đang băn khoăn ông cúi xuống nhìn chiếc dùi đã từ màu đỏ trở lại màu nâu chì, ông đặt mảnh gương và chiếc dùi xuống cạnh bếp, cầm chiếc đèn dầu lại gần ngắm kỹ bức tranh thì mới nhận ra khung cảnh trong đó chính là quê hương làng bản của ông, ông chỉ nhận ra khung cảnh đồi núi quen thuộc xung quanh còn làng bản thì có những ngôi nhà khác có những con đường khác, hình ảnh người mặc áo trắng mà ông tưởng áo tang thì đang cầm xi lanh và những lọ thuốc Tây trên tay đi bên cửa của ngôi nhà xây, nhìn xuyên qua song cửa sổ thấy bên trong ngôi nhà có những bóng điện và cánh quạt gió treo trên trần, bên cạnh những ngôi nhà ấy có cả cột sắt cao và nhọn hoắt mà ông nghe người ta nói là cột chống sét gì đó như ông đã từng thấy ở thị trấn. Ngoài ra còn có những ngôi nhà xây khác có cột cờ cao, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đang bay phấp phới ở đầu sân, giữa sân có những đứa trẻ mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ xếp hàng ngang hàng dọc chỉnh tề. Có đường cái đi qua giữa bản và có cả ô tô đang chạy, có dây điện kéo từ các cột xi măng xuống mọi nhà, trướccửa mỗi nhà đều có xe đạp, xe máy, có bể nước làm bằng xi măng...

Ông ngắm bức tranh mà ngớ người ra, chiếc răng đang đau tự nhiên như cái đau biến đâu mất. Ông nghĩ chắc thằng Minh muốn làng bản hiện tại thay đổi như trong bức tranh? Đúng là cái thằng đẻ thiếu tháng làm cho mình bất ngờ, hồi mẹ nó mang bầu do ăn uống thiếu thốn nó mới được bẩy tháng mà đã đẻ non cứ tưởng nó sẽ không sống nổi thế mà giờ nó làm những điều mình không thể nghĩ tới. Các em của nó và những người cùng lứa với nó đã làm bố làm mẹ hết rồi, còn nó đã hơn hai chục tuổi mà không chịu lấy vợ ai ai cũng đồn là ế vợ rồi thế mà nó cứ bỏ ngoài tai và quyết tâm đi học mãi. Thảo nào nó bảo vẽ ước mơ gì đó. Cũng may là nó vẽ chứ nó viết thì ông cũng chẳng biết đọc. Ông lẩm bẩm: "Bấy lâu nay ai cũng nghĩ học làm cúng tế còn kiếm được miếng ăn, ngụm uống chứ học chữ nhiều thì cũng chỉ tốn công sức mà cái chữ chẳng ăn được. Thì ra mày lại nghĩ khác, vậy là tao hiểu rồi. Thế thì mày cứ học đến già kệ mày vậy...".

Trong chuồng gà trống lại vỗ cánh gáy canh tiếp theo, trời tờ mờ sáng ngoài rừng chim bắt đầu cất tiếng báo hiệu một ngày mới. Cơn gió nhẹ thoảng bay qua làm ngọn đèn dầu trên tay ông lắt lay rồi tai ông như ù đi và ông nghe như đâu đó "tiếng đàn núi" lại văng vẳng ngân lên như gần như xa.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×