Tình người
Lê Nhi | Chat Online | |
31/08/2019 15:53:20 | |
Truyện ngắn | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Trong nắng trưa (Truyện ngắn)
- * Mùa thương nhớ (Truyện ngắn)
- * TƯƠNG PHÙNG - Chương 9: Sự thật phía sau tai nạn (Truyện ngôn tình)
- * TƯƠNG PHÙNG - Chương 8: Mẹ (Truyện ngôn tình)
Ở thị xã Đồng Xoài này, ai cũng biết gia đình ông Hà bề thế, đất đai vô cùng tận. Thời mới giải phóng Sài Gòn năm bảy lăm, Đồng Xoài chỉ là nơi hoang dã, rừng rú, đất rộng người thưa. Ba ông Hà khai thác được khoảng ba héc ta trồng cây ăn trái, lúa, khoai... Lúc đó, ông Hà là một chàng thanh niên chưa vợ, phụ cha làm lụng ruộng vườn để sinh sống và nuôi cả đàn em năm đứa đi học. Ông chỉ mới học hết lớp 9, Đồng Xoài không có trường cấp ba nên bỏ dở việc học rồi xin vô cơ quan. Ông được đi học lớp này, đến lớp khác, cuối cùng cũng có tấm bằng đại học tại chức và làm đến chức phó giám đốc ngân hàng. Ba ông Hà đất đai nhiều nhưng các con chỉ ăn học, lại thêm phần mẹ của ông bệnh nhiều trận "thập tử nhất sinh", không có người làm nên đã bán dần đất để nuôi con ăn học,và chữa bệnh cho mẹ ông. Sau này, chỉ còn hai mươi mét ngang đất, dài trăm mét. Bốn cô em gái lần lượt đi lấy chồng xa, mẹ của ông cũng qua đời, ông Hà cưới vợ về, cùng phụng dưỡng cha già.
Ông Hà chỉ có một người em trai út duy nhất đi nghĩa vụ qua Campuchia. Nhận được báo tử cả nhà buồn rầu bao năm. Đến năm tái lập tỉnh Bình Phước, ba ông Hà mất ở tuổi tám mươi, so ra bây giờ là quá thọ. Vậy là bao nhiều đất đai, nhà cửa ông Hà sở hữu. Sau nhiều năm làm ăn tích lũy, ông đã xây được một biệt thự ngang mười mét, xung quanh xây tường cao.
Đồng Xoài từ một thị trấn bé nhỏ giờ đã trở thành tỉnh lị, đất đai bỗng lên giá đến chóng mặt, phát sốt. Nhiều người phất lên nhờ mua bán đất. Bao nhà nghèo xác xơ nhờ được bồi thường đất, cuộc sống đột nhiên thay đổi. Những khu đất hoang vu giờ là khu tái định cư sạch, đẹp. Các con đường đất đỏ mưa lầy,nắng bụi nay thành đường nhựa rộng rãi phẳng lì. Đồng Xoài cứ như một cô gái dậy thì gầy guộc, đen nhẽm bỗng trắng trẻo, đõn đà, phổng phao. Ai đi xa Đồng Xoài vài năm mới về, khó nhận ra. Ừ mà đúng như vậy. Chú Út- em ông Hà bỗng lù lù trở về. Đứng trước ngôi biệt thự, chú Út chưa dám bấm chuông. Sau phút giây phân vân, ngần ngại, xen lẫn niềm vui khó tả chú đưa tay nhấn. Một người phụ nữ trạc hơn năm mươi tuổi trông có vẻ sang trọng, quý phái bước ra mở cửa.
- Dạ... chị cho hỏi đây có phải nhà của anh Hà không ạ? Chú Út rụt rè hỏi.
- Vâng... chú là ai, hỏi anh Hà có việc gì? Tôi là vợ của ảnh đây.
- Trời! Chị Hai hả? Em là Út Tân nè.
- Chú Út còn sống à? sao nhà lại nhận giấy báo tử? vậy bao năm qua chú đi đâu không về? Vợ ông Hà ngạc nhiên hỏi liên tục.
- Dạ chuyện dài lắm rồi em kể sau vậy.
- Thôi chú vô nhà đi! Vợ ông Hà nói với vẻ vừa mừng, vừa lo.
Cuộc sống của gia đình ông Hà đang yên bình, bỗng như có sự xáo trộn bởi sự hiện diện đột ngột của chú Út. Ông Hà vui không thể tả nhưng tình hình có vẻ căng như dây đàn, ngay sau một tuần chú Út đưa vợ về. Cha mất rồi, ông là anh hai, phải lo cuộc sống cho em chứ. Mà ngó bộ vợ ông Hà còn lo lắng ra mặt, phải cắt bớt mấy mét đất cho chú ấy sao? Giá đất bây giờ cũng hơn tỉ trên mét chứ ít đâu. Rõ đời, tình thâm là tình thâm nhưng đồng tiền luôn che khuất làm mờ lí trí con người biết nói sao? Vậy không lẽ để vợ chồng chú ấy ở chung? Đắn đo mãi, ông Hà nói:
- Em nè, có lẽ mình phải cắt bớt năm mét đất cho chú Út...
- Cái gì? Chưa nghe hết câu, vợ ông Hà đã phản ứng ngay:
- Ông nghĩ sao vậy? Mỗi bên nhà mình chỉ còn năm mét đất, sau này để cho thằng Thắng và con Thủy. Đất ở khu này hơn cả tỉ một mét, tôi không thể nào đồng ý. Ông Hà nghe vợ phản ứng đâm nghĩ ngợi, có vẻ xót xa:
- Em nói sao hay vậy? Đáng lý ra mảnh đất này phải chia đôi, phần chú Út cũng như mình. Nay, anh chỉ cắt cho chú ấy có năm mét em không đồng ý là thế nào?
- Vậy ông chia cho chú ấy mười mét luôn cho công bằng, hỏi tôi làm gì? Vợ ông Hà lẫy ra mặt. Tình hình gay rồi đây. Ông Hà đành xoa dịu:
- Làm việc gì vợ chồng cũng phải đồng thuận chứ, anh mà quyết cần hỏi ý em không? Vợ ông Hà vẫn chưa hết giận:
- Thôi tùy ông! Kẻo mai này, đổ thừa chị dâu độc tài nhưng ông muốn cắt bớt chỗ nào cũng được, phần đất mặt tiền, nhất định tôi không đồng ý.
Xem ra vợ ông Hà thể hiện quan điểm quá rõ, song vẫn còn một lối mở. Ông Hà có vẻ chua xót, ngậm ngùi: "Thật là lòng dạ đàn bà! Chỉ biết nghĩ đến mình, đến con mình khóc, con ai khát sữa mặc". Em trai mình bao năm xa nhà, đi nghĩa vụ bên Campuchia, biết bao gian khổ, sống chết không hẹn ngày về. Bao bà mẹ khóc hết nước mắt khi con ra đi và cũng không còn nước mắt để khóc khi nhận giấy báo tử con mình. Những năm tháng đó đã qua rồi, song không ai không nhớ về điều này. Mình không thể quên được cái ngày nhận giấy báo tử, ba mình ngất luôn. Dẫu biết chiến tranh, người ra đi chẳng hẹn ngày về mà sao vẫn chua xót quá. Nhà có hai con trai vậy là từ nay, bổn phận của mình đối với ba nhiều hơn. Ba càng tiều tụy xanh xao, bỏ ăn...buồn nhớ thương con. Ba đã đột ngột ra đi trong cơn tai biến không kịp trăng trối điều gì. Ngày hôm đó mưa bão cả ngày như trút hết nỗi sầu nhớ thương chú Út của ba. Nay chú Út trở về, nơi chín suối chắc ba vui lắm, linh hồn ba phần nào được an ủi. Mình phải có trách nhiệm với chú ấy chứ. Chú ấy đã hi sinh tuổi xuân của mình ở chiến trường và hậu quả của chiến tranh trên đất bạn Campuchia. Nhưng ngặt nỗi vợ con thế này...
Sau nhiều đêm trằn trọc suy tư, cân đong, đo đếm, ông Hà quyết định cắt một phần đất cuối vườn cho chú Út với diện tích vừa xây ngôi nhà nhỏ. Xem ra gia sản của ông hai ngàn mét vuông, cắt nhiêu đó cũng là... Chú Út không phàn nàn câu nào mà còn rất vui là đằng khác. Với chú như vậy là quá đủ. Vì chú đã từng chết đi, sống lại thì vật chất có nghĩa lí gì.
Chú út học xong cấp ba, đang chờ kết quả thi vào đại học. Chú có giấy tạm hoãn nghĩa vụ quân sự thế mà thấy Thắng bạn cùng lớp trúng tuyển nghĩa vụ chú tình nguyện đi luôn. Cả xóm đến liên hoan chia tay vui vẻ. Chỉ có Út thắm ở xóm trên buồn lắm nhưng cố gượng cười, lén tặng chú Út chiếc khăn tay sợ mấy đứa bạn thấy. Cả nhà và bạn bè đều có mặt đông đủ trong buổi lễ giao quân. Chú được tuyển quân về thao trường của đơn vị bộ binh đóng quân ở Đồng Nai. Sau sáu tháng quân trường, từ một cậu học trò mới hết cấp ba còn non nớt đã trở thành một quân nhân trông mặn mà rám nắng thao trường, chú được về phép thăm nhà trước khi đi K( từ trước đây dùng chỉ đi Campuchia). Nhưng những ngày ở nhà chú không hề nói nửa câu, chú sợ mọi người lo lắng và cũng không muốn ai đưa tiễn mình. Điều tệ hơn chú sợ những giọt nước mắt chia tay sẽ làm yếu lòng chí khí nam nhi. Chú trở về đơn vị được hai hôm là theo đoàn quân sang K.
Lần đầu tiên chú Út được đón cái tết cỗ truyền của Campuchia. Chú được biết rượu thốt nốt với hương vị thơm lừng nó không gắt, nồng cay như rượu gạo. Tận mắt xem điệu múa Apsara của vương quốc Campuchia, một điệu múa chú vô cùng thích nên chú đã vẽ hình cô gái Apsara trong quyển sổ nhạc chép tay mà chú tặng út Thắm trước khi nhập ngũ. Và cũng lần đầu tiên chú biết thế nào là tục lệ té nước. Mặc dù tết thật vui nhưng chiều đó chú Út không dám bước chân ra đường đến chúc tết nhà dân vì cả ba bộ quần áo lính đã ướt sạch. Nhớ hồi sáng chú vừa bước ra khỏi đơn vị đã bị hai cô gái Campuchia té nước ướt sủng. Chú không hiểu sao người Campuchia lại có một nghi lễ chúc tết thân tình bằng màng té nước độc đáo, họ quan niệm ai ướt nhiều là may mắn, hạnh phúc...
Chiến dịch Tây Nam mùa khô năm 1985 kết thúc thắng lợi đã qua đi, nhân dân Campuchia vui mừng hồi sinh vì thoát khỏi sự diệt chủng tàn bạo của bọn Khme Đỏ. Song quân tình nguyện Việt Nam chưa thể rút quân hoàn toàn về nước, bởi phe đối lập được sự hỗ trợ đắc lực của Trung Quốc và Mỹ vẫn nương náu âm thầm chống phá nhà nước Campuchia. Trong một trận phục kích của bọn tàn quân Khme Đỏ vào một đêm tháng tám năm 1987, đơn vị bộ binh của chú Út tác chiến kịp thời, truy nã bọn chúng. Chú Út bị trúng đạn vào đầu, chú ngã xuống, cố lết, cố lết... rồi thì tối sầm...Trận phục kích diễn ra ác liệt chóng vánh, khi bọn địch càn rút đi, cả chiến trường tan hoang, Vài đồng đội đã hy sinh. Đơn vị tìm mãi không thấy xác chú.
Khi chú Út tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường trong căn phòng của bệnh viện. Một cô gái ngồi bên cạnh, có nước da ngăm, tóc xoăn, đặc biệt đôi mắt tròn to và sáng, vui mừng thốt lên:
- Bộ đội tỉnh rồi.
- Cô là ai vậy? Sao tôi lại ở đây? Chú Út ngạc nhiên hỏi.
- Anh không nhớ những gì đã xảy ra à? Cô gái dò xét
- Tôi chỉ thấy đầu mình ê ẩm và trống rỗng.
Cô gái lấy khăn thấm mồ hôi trên trán chú Út rồi từ từ kể: Ba tôi lên rừng hái cây thuốc thì thấy anh nằm ở bìa rừng, sau đó đưa vào bệnh viện. Nhờ bác sĩ cứu chữa, hơn hai tuần rồi, anh mới tỉnh dậy. Thì ra là vậy nhưng xem bộ chú Út không nhớ được gì cả.
Chú Út xuất viện, gia đình cô gái đưa về nhà chăm sóc. Một năm qua đi, chú cũng không nhớ được mình là ai, chiến đấu ở đơn vị nào? Sau nhiều năm, chú và cô gái nên duyên chồng vợ. Gia đình cô gái này sinh sống ở Campuchia từ năm bảy mươi. Ba mẹ cô hiền lành, mẹ làm nghề buôn bán nhỏ, còn ba là thầy thuốc. Ở phum này ai cũng quí mến ông không chỉ vì sự hiền từ, mà còn vì tay nghề bốc thuốc chữa bệnh giỏi. Cô là con một, ở nhà phụ mẹ buôn bán. Nhà đơn chiếc nay có chàng rể cuộc sống thêm vui vẻ.
Buổi tối, họ thường quây quần bên mâm cơm dưới ánh đèn chan hòa, vừa xem chương trình thời sự. Tối nay, có một tin tức nói về vụ tai nạn giao thông ở Đồng Xoài, Bình Phước. Cái từ "Đồng Xoài" chú Út nghe như có vẻ rất quen. Chú cứ bần thần cố nhớ ra điều gì. Khi mất trí nhớ thì vẫn còn một điểm nào đó trong tiềm thức làm cho người ta nhớ lại. Chú Út cũng không ngoại trừ. Sau bao nhiêu đêm trằn trọc, không ngủ được nhưng chú Út vẫn chưa nhớ ra. Cuối cùng, chú dần nhớ: "Đồng Xoài" rất thân quen. Cái từ ấy quá ấn tượng in đậm vào ký ức chú như rễ cây bám chặt vào lòng đất. Quá khứ như cuộn phim quay ngược...
Đồng Xoài mùa xuân Mậu thân. Mình được sinh mới hơn tháng, phải cùng gia đình chạy giặc. Mẹ kể lại rằng: Hai mẹ con may mắn thoát chết, khi mẹ bế mình không kịp chạy vào nhà thờ ẩn nấp cùng mọi người mà chỉ kịp xuống giao thông hào kế bên. Sau tiếng bom nổ, một quả bom rơi ngay cạnh nhà thờ. Nhà thờ sập, mọi người đã bị chôn vùi...Mình lớn lên gắn bó với mảnh đất Đồng Xoài với biết bao kỷ niệm ấu thơ. Nhớ lắm con suối Đồng Tiền mùa mưa nước trong xanh và dâng cao, mỗi lần đi tắt qua suối đến lớp học ở trường Đôn Luân, bọn con trai phải cởi quần dài bỏ vào cặp bơi qua. Bọn con gái không dám qua, chỉ chờ khi mùa nắng nước suối cạn bớt. Rồi nhớ nữa là bọn con trai hay leo hái trái cây xoài to, cao ơi là cao ở gần ngã tư. Trái ngon nhưng chua khủng khiếp, vậy mà bỏ vào cặp lên lớp ăn, bọn con gái đứa nào cũng chảy nước miếng xin cho bằng được. Nhớ sao cho hết được nhỉ? Gia đình mình trải qua nhiều trận: Mậu thân năm sáu tám, rồi Mùa hè đỏ lửa năm bảy hai:, chiến dịch Hồ Chí Minh năm bảy lăm,với biết bao thăng trầm khói lửa chiến tranh. Ai bỏ làng, ai di cư mặc ai, chứ ba má mình mặc dù đông con nhưng nhất định bám đất, bám làng không đi. Sống chết với mảnh đất Đồng Xoài khói lửa này. Hơn mười năm qua, sống trên đất bạn bởi không nhớ mình là ai, gia đình thế nào, quê ở đâu? Giờ thì không thể rồi, mình phải trở về Đồng Xoài gặp lại người thân và làm sao bù đắp cho gia đình. Điều quan trọng hơn, mình phải làm gì đó góp phần xây dựng quê hương Đồng Xoài thân yêu.
Đất đai rộng mênh mông, bây giờ chỉ hơn tám mươi mét vuông, vừa sân vừa nhà không có cửa hậu, không trồng được một cái cây nào để lấy bóng mát. Ước gì trồng được cây khế nhỉ Chú Út chợt nghĩ rồi cười thầm. Chú đành lợp hết mái tôn để che khoảng sân. Vậy là cũng đủ, chú hài lòng với ngôi nhà bé nhỏ của mình. So ra bây giờ, chú vẫn còn hơn anh trai, mấy ngàn mét vuông đất và cái biệt thự lớn nhất khu phố này phải bán đi trả nợ cho thằng con "trời đánh" đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá. Biết bao nhiêu công lao mồ hôi, nước mắt của ông, cha khai thác gầy dựng để lại chỉ trong phút chốc đã tan thành mây khói...
Chiều nay, cả khu phố lại xầm xì náo nức: Chao ôi! Chú Út, em ông Hà, phen này "trúng số". Nhà chú Út đã có cửa hậu rồi. Không, không phải cửa hậu mà chính xác là cửa tiền. Bởi vì bức tường sau nhà chú Út đập ra để giải phóng thành mặt tiền, do con đường bàn cờ được mở chạy ngay sau lưng nhà chú Út. Góc đất chót vườn tám mét ngang bây giờ bỗng thành tám mét mặt tiền thì không gọi là "trúng số" sao, mà đất khu này cả tỉ trên mét chứ chả bở.
Nghe mọi người trong khu phố nói rằng: chú Út sẽ ngăn đôi ngôi nhà mình thành hai căn, mỗi căn ngang bốn mét, chiều dài tính cả sân mười hai mét. Chú Út dành cho vợ chồng ông Hà ở một căn, vợ chồng chú một căn. Với chú Út như vậy là quá đủ. Rồi đây, chú mở môt quầy nước nho nhỏ trước nhà để vợ chú bán, còn chú tham gia công tác bên hội cựu chiến binh của phường. Không biết vợ chồng ông Hà nghĩ sao?
Truyện mới nhất:
- Cận vệ của bóng tối (Chương 2) (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Xuyên Thành Hắc Liên Hoa Hoàng Đế Chi Sư (giới thiệu) (Truyện Đam mỹ)
- Định Mệnh Sắp Đặt (chap 1) (Truyện ngôn tình)
- Cảm Xúc Chưa Lời (Truyện ngôn tình)
- Ba Con Đường, Một Trái Tim (chap2) (Truyện ngôn tình)
- Cận vệ của bóng tối (Truyện tổng hợp)
- Sổ Tay Ngự Thú Của Nữ Phụ Trong Mạt Thế (giới thiệu) (Truyện xuyên không)
- Bị Năm Người Anh Đọc Trộm Tiếng Lòng, Hình Tượng Tôi Sụp Đổ (chap 1) (Truyện xuyên không)
- Trà xanh max level xuyên vào tiểu thuyết kinh dị (4/4) (Truyện xuyên không)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!