LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Người mẹ điên

92 lượt xem

 Chiều tàn, mặt trời mệt mỏi vén những tia nắng thu vào trong mây, gió nhè nhẹ thổi những hơi nóng nồng cùng với những hạt cát tinh nghịch mang vị mặn của đại dương như phả vào mặt những ngư dân sống ở vùng làng chài nghèo nàn.

...Dọc trên một đoạn bờ biển đông người, có một người đàn bà chạc ngoài 61 tuổi đầu tóc rũ rượi xù xòa, bộ quần áo bà ba tím rách nát dính cứng những tảng bùn đen hôi thối nằm thoi thóp, co rúm lại trên bãi cát trắng xóa. Người đàn bà dường như đau lắm, tấm da nhăn nheo đen sậm lộ ra sau mảnh áo rách toác, rớm máu vì một vài vết thâm như vết đánh đập tàn bạo, khóe miệng the thé ú ớ với ánh mắt sợ hãi không nên lời. Hai giọt nước mắt lẫn bùn cát của biển mặn ứa ra chảy tràn xuống đôi xương gò má hốc hác. Người ta ném cho mụ những cái nhìn vô cảm đến khinh bỉ, đôi ba câu chửi rủa đến thị miệt.

Từ xa, tôi với đôi chân đất toác máu bởi những vỏ sò chạy nhanh lại ôm bu. Một tay tôi phủi bùn cát rồi vuốt lại mái tóc đã cháy phần nửa của bu, một tay xua đuổi những đứa trẻ ranh đang ném đá...

Người đàn bà đó chính là bu chồng của tôi. Bu chẳng có tên, có tuổi, hình ảnh của bà hiện lên mờ nhạt trong đầu óc những người trong vùng làng chài ven biển là một người đàn bà điên đầu tóc rối bời quấn quanh cổ, thường lang thang đi lục thùng rác bới thức ăn.

1-10-2006

Tôi và anh Định cưới nhau, tôi 20 tuổi còn anh 23. Thanh xuân của chúng tôi đều lấm bùn cát, lấm cái vị mặn mòi của biển " ăn sóng mà nói gió", lấm cả cái nghèo bếch bác như chính cuộc đời của chúng tôi vậy. Tôi thương anh cực kì, thương cả cái đầu óc luôn quyết tâm, gan góc mà cam chịu tìm kiếm sự giàu sang, thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn đeo bám của anh.

Anh thiệt thòi hơn tôi nhiều, ít ra tôi còn bu còn thầy. Còn anh, thầy mất từ khi anh lên ba vì căn bệnh lao khốn nạn, rồi cũng năm ấy, đứa em trai sau anh đi theo thầy về cõi vĩnh hằng bởi chết đuối. Bu chồng tôi từ đau đớn tột cùng mà hóa điên dại, sống với một cuộc đời bao quanh với những đối nghịch mà tạo hóa mang đến, suốt ngày chỉ cười ú ớ, người ta bảo gì làm nấy, dăm ba bữa lại đi lang thang.

Lấy về sống chung với nhau được một tháng, chồng tôi đi theo mấy người đàn ông trung niên trong làng đánh cá xa nhà, mỗi tháng về nhà hai lần cũng có khi hai tháng mới về một lần. Còn tôi ở nhà ngày đi cào nghêu kiếm bát cháo, ngày đi lượm đồng nát kiếm đôi đồng nuôi bu. Những ngày ở nhà, tôi chỉ cho bu cách cầm chổi quét nhà, cách vo gạo nấu cơm, rồi thái rau lợn. Mỗi việc tôi đều làm đi làm lại 3, 4 lần thật chậm rãi cho bu nhớ, bu thấy tôi chỉ bu vui lắm. Cứ mỗi lẫn làm xong tôi đều hỏi to:

- Bu hiểu chưa?

Bu cười tươi, gật gật cái đầu nhiều lần thật mạnh như muốn nói rằng mình đã hiểu rõ. Dần dà, khi tôi đi làm về, tôi thấy nhà đã khá sạch, những con lợn chẳng kêu đói như mọi khi nữa.

Có một lần tôi nhờ bu ra chợ mua một cân cá cơm về kho khế, tôi đem cho bu tờ mười nghìn rồi dặn rõ:

- Bu ra bu bảo người ta: "Mua 1 cân cá cơm, 5 nghìn nửa cân thì lấy" nha bu!

Bu gật đầu lia lịa, chạy phăng một mạch ra chợ. Tôi lúc ấy tranh thủ đi vặt khế chua, vo gạo. Một lát sau thấy chị Năm nhà bên kia ới vọng sang:

- Trời đất ơi, vơ con Diếp, mày ra chợ mà kéo bu chồng mày về đi.

Tôi hoảng hốt cắp vội cái nón rách chạy ra chợ. Té ra, chợ hết cá cơm, còn mỗi cá bống. Còn bu tôi một mực phải mua cho được cá cơm sợ về tôi mắng, bà nằm vạ giữa chợ, hai chân giãy nảy lên kêu:

- Cá cơm........cá cơm..

Tôi bất lực nhìn bu mà thương, mà xót.

Chồng tôi về được hai ngày, tháng ấy anh bảo cá đánh được nhiều lắm, anh đưa cho tôi hơn một nửa số tiền anh kiếm. Bữa cơm của hai bu con chúng tôi sau đấy đã có thêm miếng cá, miếng thịt rồi tiếng cười đã dần vang lên trong ngôi nhà nghèo được che phủ bởi tấm bạt sờn rách, tưởng như một cơn bão đến sẽ cuốn đi sạch sành sanh. Nhưng chúng tôi luôn vui vẻ bởi chúng tôi luôn thương nhau mà sống. Khoảng thời gian đó dường như là những chuỗi ngày hạnh phúc nhất trong cả cuộc đời của tôi, khoảng thời gian tôi cảm thấy mình có một gia đình, thật ấm áp dù thiếu thốn. Khi tôi đi làm về luôn luôn có một căn bếp nghi ngút khói với ngọn lửa hồng như thế, luôn luôn có một người bu một tay xách xô cám một tay vẫy vẫy cùng nụ cười ú ớ như thế. Đêm về tôi hay ngủ với bu. Bu hay mơ lung tung, có hôm bu còn nói mớ:

- Con ơi.. con ơi...?!

Đôi tay gầy với những ngón tay nhăn nhúm của bu cấu xé lồng ngực, những giọt nước mắt của bu cứ thế ướt đẫm cả gối. Tôi ngủ với bu nhiều đêm tôi phải vừa dỗ vừa ôm bu. Lúc đó tôi thương bu lắm. Cuộc đời của bu cứ như những cái đinh đâm sâu vào trí óc, để lại những vết thương chẳng thể lành lặn mà theo thời gian nó cứ lớn dần, lớn dần.

23-9-2007

Sau gần một năm lặn lội nắng gió ngoài biển khơi thì chồng tôi về nhà hẳn. Khoảng thời gian này cá chẳng đánh được bao nhiêu, tôi cũng đi làm ít đi nên cái đói cái nghèo lại bủa vây gia đình tôi, bủa vây cả một xóm làng chài nghèo kiết xác. Ngày trước, chồng tôi đi làm, tháng về lại gửi tôi dăm ba đồng bạc bảo mua thêm miếng thịt khúc cá. Nhưng giờ đến gạo cũng chẳng còn đủ tiền mà mua, huống gì là nghĩ đến thịt cá. Từ khi chồng về hẳn nhà, anh chẳng còn như ngày xưa nữa, anh chẳng còn là người đàn ông có cái chí thoát khỏi cái nghèo cái khó nữa, suốt ngày chỉ nằm võng ngủ rồi hút thuốc lào nghi ngút. Và như một con đường có quy trình, cờ bạc rượu chè giống như một con ác quỷ nhân cơ hội ấy mà cướp chồng tôi đi.

Anh hoàn toàn thay đổi thành một con người khác, anh đi uống rượu, đánh bài bạc ăn tiền với mấy cái lũ bặm trợn, xăm xỉa trong xóm. Vài ba ngày anh lại lết về, bao giờ cũng thế, trong tình trạng say lướt khướt, nồng nặc mùi rượu. Có hôm, tôi chả biết lúc uống rượu ai xúi anh cái gì, mà khi về, anh như một con quỷ dữ, mặt đỏ hầng hậc, xềnh xệch kéo ngược đầu tôi mà đánh, mà vả, mà gắt:

- Mẹ kiếp! Cái thứ con đĩ ngu ngốc, nghèo nàn, mày chết đi, mày cút đi.

Vừa gắt, anh vừa kéo lay tôi đập đầu vào tường. Lúc đó, bu ở trong nhà liền chạy ra ôm tôi, che tôi khỏi những cái vả của anh. Tôi ngột ngạt quá! Anh đánh tôi nhưng tôi chẳng đau. Nhưng lòng tôi đau như hàng trăm hàng ngàn con dao sắc nhọn cứa vào vậy. Tôi suy nghĩ đến việc bỏ mà đi, bỏ cái khổ này mà đi đi thôi. Nhưng tôi còn bu, chẳng máu thịt ruột rà, nhưng cái tình thương của tôi đã ăn sâu vào máu rồi. Tôi thương bu lắm nên tôi vẫn kiên cường bám trụ ở nhà. Đêm đó, chồng chốt trong cửa đuổi tôi với bu ra ngoài. Hai bu con tôi ôm nhau nằm giữa sân, co ro, lạnh ngắt.

Chồng tôi cứ thế mà sa đọa, tiền trong nhà chẳng được bao nhiêu anh cuỗm đi đánh bạc hết. Để rồi nhà tôi vay nặng lãi lên đến gần hai triệu. Cứ vài hôm lại có một đám giang hồ kéo nhau cầm dao cầm kiếm đến nhà tôi đòi nợ. Chẳng có tiền, tôi đè lòng bán chỉ vàng mà bu đẻ tôi cho khi cưới, bán hết con lợn con chó gom góp lại cũng đủ trả nợ nhưng trong nhà lại chẳng còn gì nữa.

3-4-2008

Hôm ấy, sáng ra chẳng thấy bu đâu, tôi cứ nghĩ như chuyện thường ngày bu lại lang thang đâu đó nên chẳng kiếm. Nhưng ba ngày sau, chẳng thấy bu về, tôi mới hốt hoảng đi tìm khắp nơi.

Bu nằm thoi thóp trên bãi cát. Khi tôi lại, bu xòe bàn tay nắm chặt tờ một trăm nghìn ra rồi dúi vào tay tôi mà rên:

- M...M...ua g...gạo........

Rồi bu tắt thở.

Hóa ra bu đi ăn trộm tiền người ta để tôi có tiền mua gạo để rồi bị người ta đánh đập thậm tệ như này. Hóa ra bu tôi thương tôi đến thế. Hóa ra bu không điên, bu vẫn biết thương tôi đấy chứ, bu thương tôi lắm, bu thương tôi lắm,.....

Lại một lần nữa, giọt nước mắt cứ của tôi cứ chảy, lòng tôi đổ máu. Nhìn lên trời cao, tôi thấy bu, bu nở nụ cười với tôi và tôi biết rằng bu vẫn luôn theo dõi tôi từng ngày. 

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư