LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bóng người kị sĩ

158 lượt xem

 Tôi có một tình cảm đặc biệt với mảnh đất quê ngoại... những đồi và đồi những núi và núi, bên kia con đường đê là con sông hồng uốn lượn lối chảy quanh co, xa xa bên kia sông là bãi bồi xanh màu lá khoai lang và rau bí, xa hơn nữa là bóng núi sừng sững bốn mùa một màu xám ngắt.

Dì tôi bán hàng cho hợp tác xã, một cửa hàng chuyên về giống cây trồng, phân lân, phân đạm và thuốc trừ sâu... Vào dịp hè năm tôi học lớp 2, tôi về quê ngoại, tối tối sau khi cơm nước xong đâu đấy dì thường rủ tôi ra ngoài cửa hàng ngủ.

- Ra ngủ với dì cho đỡ sợ, mai dì cho cái kẹo dừa!

- Không phải những ngày trước dì vẫn ngủ một mình đấy thôi.

- Thì không có ai chả ngủ một mình.

Tối ngủ tự nhiên dì hỏi tôi:

- Mẹ H có hay kể chuyện ngủ mơ gặp bác Huệ không?

- Không có ạ!

Dì bắt đầu kể cho tôi nghe:

- Dì có một giấc mơ lặp đi lặp lại, bác về bác cưỡi trên lưng con ngựa màu trắng, bác mặc áo màu lam, một tay tuy cụt nhưng nhìn bác oai phong lắm, giống như kị sĩ áo lam ấy...

Dì kể gì đó rất nhiều, trong cái đầu non nớt của một đứa trẻ miền sơn cước... lan man chấp vá ... xen giữa hình ảnh người kị sĩ áo lam ... tôi lại đang cùng mấy đứa nhỏ trong thôn sách túi bóng nước đi hun dế trên bãi... tôi thấy những cây tầm bóp lúc lỉu quả tím... bà tôi đang trẩy bí... những quả bí ngô to như cái rành chờ cậu út ra gánh về... tôi hái quả đùm đũm đỏ như màu cờ đưa cho ai đó... Giấc mơ của tôi quá nhiều tình tiết, quá nhiều sự kiện thành ra buổi sáng tỉnh dậy tôi không nhớ gì cả.

*****

Bên mâm cơm giữa sân, ông cụ Khan đưa tay vặn cho cái bấc đèn dầu thấp xuống, ánh đèn đỏ nhảy múa dưới ánh trăng vàng, soi rõ bát cà pháo muối, đĩa rau muống luộc đầy như ụ rơm giờ chỉ còn mấy cọng, và hai bát nước canh rau đã vơi.

- Cái thằng T không được cái nước gì, vặn cái đèn phừng phừng lên cháy đen lên hết bóng rồi! – bà Khan càu nhàu nói.

Đứa cháu gái đưa đũa hẩy hẩy trong bát dưa cà pháo, giọng hồ hởi vang lên:

- A có quả màu vàng!

- Dốt lắm cơ! Quả màu vàng là quả già toàn hạt thôi...

Con bé không nghe lời, gắp vội quả cà muối vào bát, cắn cái rộp, khiến hạt cà bắn tóe loe khắp mâm.

Bà Khan đưa đôi đũa lên lùa một miếng cơm vào miệng, nghe thấy đứa con trai út nói với đứa cháu gái, mắt bà dưng dưng, bà đặt bát cơm xuống, đưa tay lên quệt vội nước mắt... vẫn khung cảnh này, vẫn cái đèn dầu này đặt ở giữa mâm...

- Quả nào màu vàng thì đưa cho anh! Ăn quả màu vàng mới giòn. – Nói rồi anh gắp quả màu trắng đưa cho thằng em út, rồi quay sang nhìn ông bà Khan ngập ngừng cười nói:

- Bố bầm ạ! Ngày mai con đưa bạn gái về nhà!

- Ấy da, anh lẽ ra phải đưa về từ lâu rồi mới phải.

- Thế con bé là con cái nhà ai?

- Cô ấy không phải người cùng làng bầm ạ! Cô ấy ở làng bên.

- Làng bên là làng nào?

- Chính Công ạ!

- Thế là bầm sắp có con dâu rồi nhé!

*****

Cho đến năm 1990 quê ngoại tôi vẫn chưa có điện, nhà nhà vẫn dùng đèn dầu, nhà nào sang thì có cái đèn măng-xông của Nga, ánh sáng của hai thứ đèn này một đỏ ghạch một vàng trắng, khiến tôi tưởng tượng đến nữ hoàng và người nông dân trong một câu chuyện cổ tích nào đó mà tôi nghĩ mãi không ra tên. Tôi ước điện sẽ về đến nơi đây, giống như dưới phố huyện nhà tôi, lúc đó sẽ không còn nữ hoàng và nông dân nữa, tất cả đều một màu ánh sáng vàng rực, thứ ánh sáng của tất cả mọi người, ai cũng giống ai, nhà nào cũng giống nhà nào...

Cậu út tôi đốt một nắm đóm rồi nhảy vào buồng bà tôi múa may quay cuồng... trời tối, chẳng thể nhìn thấy bóng của cậu tôi, chỉ thấy ánh lửa đỏ lập lòe quay vòng vòng như bay như lượn ngoài cửa màn, tôi hét toáng lên, bà tôi đe nẹt:

- Mày lớn đầu rồi còn bày trò trêu cháu, đêm nó mê ngủ tao khắc bảo tội mày!

Rồi bà quay sang dỗ dành đứa cháu gái:

- Đưa lưng ra đây bà xoa cho nào! Cậu Thủy mày chứ ai, cậu trêu đấy không sợ!

- Mai mốt đi bộ đội rồi mà tính tình như trẻ ranh. Mày đúng là phải đi cho nó trưởng thành con ạ! Đất nước đã hòa bình rồi, sẽ không như thằng anh nó...

Tôi nằm cho bà xoa lưng, trời tối quá tôi không thể nhìn thấy bà khóc, vậy mà ở bên ngoài màn cậu út tôi lại biết rất rõ:

- Bầm mà cứ khóc như vậy, con sao yên tâm đi bộ đội! Hay con ở nhà chờ lấy vợ xong rồi đi!

- Việc quân đang cần người, mày lại nói ở nhà đợi lấy vợ xong mới đi thì còn đâu phép nước.

Bầu không khí chìm trong tĩnh lặng, một lúc lâu tôi mơ mơ màng màng chìm vào giấc ngủ, hương đêm thoang thoảng, một mùi hương quen thuộc phảng phất trong không khí, có phải là hương bưởi không nhỉ? Trong giấc ngủ mơ mơ màng màng tôi hỏi mà như đang tự trả lời, nhà bà đúng là có một cây bưởi khá to ở dưới cổng, tôi ngủ cùng bà bao lâu nay sao chưa từng thấy hương bưởi có thể bay vào tận trong buồng như thế này, cứ như là đọc được câu hỏi từ trong tiềm thức của tôi, nên cậu tôi lên tiếng:

- Con để bông hoa bưởi này trên đầu giường bầm cho thơm!

- Tối rồi không đi ngủ còn leo trèo.

- Con nhặt dưới gốc cây đấy!

*****

- Nhà ta có giấy gọi thằng cả đi nhập ngũ! Vào tận mặt trận phía Nam!

- Đó là ở đâu? – bà Khan tò mò hỏi.

- Bà cứ tưởng tượng nhà ta ở đầu Tổ Quốc, thằng cả sẽ đi về phía cuối của Tổ Quốc. – Vừa nói ông Khan vừa dùng đóm châm hút thuốc lào vạch xuống nền đất một đường kẻ rồi giải thích cho bà Khan.

- Rất xa đúng không?!

- Ừm!

*****

- Em giã tay thế này thì mệt lắm! Để anh bảo em cách làm của bầm!

Nói rồi anh trèo lên trên một thân gỗ nằm dọc dưới cái cối đá, anh nhanh chóng di chuyển về phía cuối, một chân đặt trên thân gỗ tròn, một chân dậm phía cuối, giống như đang chơi trò bập bênh nhịp nhàng lên xuống, tiếng chày gỗ nện xuống cối đá nghe vui tai lạ. Cô gái ôm cái chày đứng bên nhìn cười tủm tỉm lên tiếng:

- Vậy để em đứng trên chày giã, còn anh đứng dưới dùng cái chày này giã, chúng ta cùng giã bánh sẽ nhanh hơn.

- Giã chày đôi thì cả em cũng phải ra ôm chày cùng anh chứ! Em đứng trên chày dậm chân giã như vậy đâu gọi là chày đôi. – Anh cười hì hì nhày xuống, rồi chạy vào trong bếp lấy ra một cái chày gỗ tương tự cái của cô. Hai người cười cười nói nói, anh nhịp chày trước chị nhịp chày sau chẳng mấy chốc cơm nếp đã quánh dẻo lại thành bánh dày. Cô gái thoáng thấy bà Khan bê giá đậu tới, vội dừng chày đi tới đỡ giá đậu:

- Để con đổ cho ạ!

- Hai đứa mau ra ngoài đi. Để đó bầm trộn đậu vào bánh.

- Bá cứ để con nhào cho ạ! Con thanh niên sức dài vai rộng làm ù cái là xong ngay ấy ạ!

- Con dâu đã nói thế mà bầm còn giành làm gì.

- Kháng chiến chống Mĩ trường kỳ, con đi vì nước bầm chỉ mong con sớm hoàn thành nhiệm vụ, đừng để cái Ch nó chờ đợi lâu, con gái cũng như bông hoa bưởi có thì ... - Bà Khan nói chưa hết lời đã nấc nghẹn, khiến cô gái đứng bên cạnh cũng không cầm được hai hàng nước mắt. Anh con trai dang rộng đôi tay ôm cả hai người phụ nữ vào lòng thủ thỉ:

- Bờ cõi yên bình, giặc thôi chống phá là con trở về liền.

Bà Khan xoay người nắm lấy bàn tay cô gái nhỏ:

- Thằng Huệ đi bộ đội, con cứ xem đây như nhà mình, con như con gái của bầm, bất cứ khi nào con tới bố bầm và các em đều chào đón con!

Cô gái xúc động ôm trầm lấy bà, miệng mỉm cười mà đôi mắt nhòe lệ...

- Bầm mà khóc thế nào con dâu cũng khóc theo. Con hứa với bầm, nhất định con sẽ bình an trở về cưới vợ sinh con cho bố bầm tha hồ bế cháu.

*****

Hiệp định Pa-ri năm 1973 kết thúc chiến tranh ở miền Nam, tin hòa bình nhanh chóng lan truyền, những thanh niên tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam náo nức trong niềm vui sẽ được trở về quê nhà gặp lại người thân yêu, nhưng người thanh niên miền sơn cước ấy vĩnh viễn ở lại nơi chiến trường miền Nam cùng đồng đội. Lúc ấy quê ngoại tôi đang là giữa mùa thu, những quả hồng tròn lúc lỉu trên cây từ xanh đã chuyển sang màu đỏ ối, mẹ tôi kể lại rằng ... bữa cơm tối hôm ấy bà ngoại vừa bưng bát cơm lên thì trượt tay khiến bát cơm đổ úp xuống sân. Bà ngoại tôi chỉ biết lầm bẩm tự mắng chính mình vì cái bệnh run tay mới đeo bám. Chẳng ai biết được tin tức gì cả, bà ngoại tôi càng không biết đến hiệp định Pa-ri, mỗi bữa ăn chỉ nhắc mẩm "chắc giờ này nó còn đang hành quân". Tin miền Nam hòa bình chưa tới, thì đến đầu xuân năm 1974 có người khách lạ tới thăm nhà ông bà ngoại, họ mang theo giấy báo tử... tin tức về người con trai tên Huệ của ông bà...

*****

Cuộc đời là vậy, có những điều giản dị lại trở thành vĩnh cửu, cũng giống như tình yêu của chị đối với anh, hẹn hò một lời mà trở thành khắc cốt ghi tâm. Ngày anh đưa chị về nhà, chị gọi bố bầm anh là bác là bá, giờ anh mãi mãi rời xa chị, nhưng cho dù không có anh bên cạnh chị cũng không ngần ngại gọi bố bầm anh như bố bầm đẻ của mình.

Hoa bưởi vẫn trắng như thủa ban đầu mà nó xuất hiện trên cõi trần thế, chị bất giác không ngăn được hai hàng nước mắt khi nhìn những cánh hoa rụng đầy dưới gốc cây.

Anh ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, có những lúc ngoảnh mặt hướng về phương Nam xa xôi chỉ cầu anh được là cát bụi nơi quê nhà mà niềm mong mỏi vẫn xa vời vợi...

Đêm tháng 8 chải chiếu hoa ra sân nằm cạnh bầm, trời cao hun hút, sao bủa khắp trời, nghe bầm vừa xoa lưng vừa kể chuyện cho đứa cháu gái... chuyện anh leo đồi gánh sắn về nhà cho bầm sớm mai đi chợ... chợt có tiếng ngựa hí vang rền đâu đây... chị ngoảnh mặt nhìn xuống phía cổng, ở gần gốc cây bưởi kia dường như có bóng người... người kỵ sĩ mặc áo lam ngồi trên lưng con ngựa màu trắng, đầu anh đội mũ có gắn ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, một bên tay áo của anh thõng xuống... anh nhìn chị đăm đăm, mỉm miệng cười rồi thúc ngựa quay đi thẳng...

Chị vùng dậy vừa nói vừa quờ quạng tìm đôi dép:

- Để con xuống cổng hái mấy bông bưởi vào ướp chè cho thơm!

- Không cần cầu kỳ thế con! Hôm nay con cũng mệt rồi, sáng lên đồi hái chè, chiều lại sao chè, đã mệt rồi, đi ngủ cho sớm.

- Con về thấy chè lên ngon mơn mởn muốn làm cho bố ít chè uống, rồi cho chú T mang đi.

- Sợ bầm lấn cấn lại quên, trước khi em nó đi, con nhắc em nó thắp hương khấn anh để anh nó phù hộ độ trì cho nó chân cứng đá mềm.

- Vâng, con sẽ nhắc em bầm ạ!

- Sớm mai mấy giờ bố con nhà nó vào?

- Anh ấy có bảo con là 5h bố con anh ấy dậy đi, đến sớm còn giúp bố bầm làm cơm.

- Ngày kia thằng T đi lính, mấy chị em con H con L bảo mai lên chợ huyện mua ít đồ dùng cho thằng em trai, mai lại vất vả cho con rồi.

- Bầm cứ nói vậy con lại tủi thân, con như con gái bầm, chồng con cũng như con trai bầm, hai đứa con của con như con H đều là cháu bầm cả, nhà có công việc sao con có thể không lo toan.

Nói rồi chị đứng lên đi xuống phía cổng, bà cụ nhìn theo bóng lưng người con gái, trăng hạ tuần chênh chếch soi bóng nhỏ mảnh mai, mảnh trăng như lưỡi liềm mùa gặt, lại nhớ, con trai bà gặt lúa chẳng thua kém gì các cô các chị đảm đang trong làng, nó gặt rồi gánh cả phần lúa gặt của bầm của em gái về sân nhà... nghĩ sao bà hướng tầm mắt nhìn về một góc sân, nơi đó còn dựng cái cây đập lúa, bà dường như trông thấy thằng cả hè mấy đứa em bê cái khúc gỗ xà cừ ra dựng thẳng đứng ở giữa sân rồi thi nhau đập lúa, chẳng mấy chốc thóc vàng đã ụ lên một đống to, ông Khan mang cái bờ cào ra gạt ụ lúa trải đều ra sân phơi...

*****

"Nguyễn Văn Huệ..." – Một người đồng đội hét gọi tên anh. Rồi anh loáng thoáng nghe thấy rất nhiều âm thanh hỗn độn... đầu óc quay cuồng... Nửa cánh tay của anh văng ra xa, anh ngã nhào xuống mặt đất, cả bầu trời chao đảo, nghiêng quay, bầu trời xanh thăm thẳm chợt dựng lên thành bức tường xanh trong, anh nằm ngay bên dưới chân tường , từng làn khói xanh bay lượn, anh thấy mình đang gánh lúa ra sân hợp tác xã, những cô gái gánh lúa ngoài sân nhìn anh cười bẽn lẽn, một bác quẩy quang gánh trên vai ngang qua anh cười nói không chút e ngại:

- Về làm rể nhà bác Huệ nhé! Gớm gánh gì mà gấp đôi người ta thế kia thì cô nào chả ưng!

Anh cười, cả bầu trời chao đảo lại nghiêng sang trái, anh thấy bầm vận áo nâu sòng với quần lụa màu đen, giờ này bầm đang làm gì nhỉ? Bầm cuốn tóc gọn gàng rồi nhanh chóng đội chiếc khăn nhung màu đen mà anh đã mua cho bầm trước khi vào Nam.

- Bầm đội khăn con mua cho bầm đẹp quá! Chắc quê mình đang là buổi sáng...

Anh mê man lẩm bẩm, anh định đưa cánh tay trái lên nắm lấy bàn tay ấm áp của bầm, cánh tay giật giật, máu chảy loang đầy mặt đất, thấm vào chân tường màu xanh, khói đỏ vương vất... bức tường chao đảo lật xuống, thoáng chốc bầu trời lộn xuống đất, mặt đất thành bầu trời, anh xoay người úp mặt xuống bầu trời, màu xanh trong biến thành màn đêm đen lạnh giá. Cảm nhận cuối cùng của anh với cuộc sống là mùi thuốc súng khét lẹt trong không khí.

Hàng loạt tiếng súng nối tiếp nhau đì đoàng vang lên, tiếng đạn dội lúc to lúc nhỏ, đợt trước sắp dứt, đợt sau vang lên, bất ngờ lại một tiếng "đoàng... đoàng" vang lên, âm thanh rất gần, gần đến nỗi xé rách cả màng nhĩ người chết, bóng người thanh niên mặc quân phục xanh lại ngã xuống, sát bên xác của người đồng đội mình, hai thi thể bị một lực mạnh hất xuống... rơi tùm xuống con suối gần đó, những hạt nước trong suốt như pha lê bắn lên cao, chỉ có nước chảy bên dưới suối đỏ như chưa bao giờ đỏ như thế.

*****

- Em gói bánh chưng cũng đẹp nhỉ?

- Bánh chưng tày dễ gói mà. Em chỉ không gói được bánh chưng vuông thôi.

- Chắc gói hình vuông lại nặn thành hình tròn mập ú chứ gì? – anh nói rồi cười hăng hắc, khiến cô bạn gái đỏ mặt tía tai.

- Đừng có trêu già nữa, trêu cháu suốt ngày còn chưa đủ. Hai đứa ra ngoài chơi với chúng bạn để bầm xếp bánh vào nồi.

- Bầm cứ để con làm nốt ạ!

- Đúng đúng! Một bài văn trọn vẹn phải có mở bài và kết thúc! – Anh thanh niên lém lỉnh nói.

- Bầm cứ để đấy cho con dâu làm từ A đến Z. – Nói rồi vừa ôm vừa kéo bà cụ đi ra khỏi nhà bếp.

- Cái thằng quỷ! Mai mốt là chiến sĩ rồi đấy... - Nói đến đây bà chợt dừng lại, thờ dài... - Con đóng quân xa như vậy chắc rất lâu mới về... Ôi dào! Già rồi đâm dớ dẩn, con nó chưa đi đã lo ngày về cho nó...

Cậu út bỗng trầm lặng, mắt nhìn xa xăm,

- Bầm cũng biết là vì sao con xin tòng quân vào nơi ấy ma, con muốn tìm mộ anh...

- Cái thằng chẳng biết mất xác ở đâu nữa...

Tôi thấy bà tôi khóc, bà không phải là người đa sầu đa cảm hay chạnh lòng dễ rơi nước mắt, thường những cái gì liên quan đến bác Huệ tôi bà đều trở nên yếu đuối.

Tôi bước tới cái tủ chè, bên trên có đặt bàn thờ bác cả, ở giữa là bát hương, hai bên có treo hai bức tranh cuộn khổ dọc Hưng Đạo Vương, bên trong bát hương là một khung ảnh nhưng lại không có ảnh, chỉ có tờ giấy báo tử, tôi loáng thoáng đọc: "Liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ, sinh năm 1954, cấp bậc Hạ sĩ...

Khi bà tôi mất, cậu tôi đã ra ngoài bắc, vẫn chưa có tin tức gì về phần mộ của bác tôi. Cậu tôi có thuê người chuyên vẽ tranh truyền thần khắc họa chân dung bác tôi rồi đặt trên bàn thờ, lần đầu tiên tôi thấy ông tôi khóc, ông nói với tôi rằng ông không bao giờ khóc chỉ là hôm nay khóc thay bà ngoại.

Tháng tám mùa thu, tôi cùng bá Ch mang chiếu hoa ra sân trải, trăng lưỡi liềm chênh chếch đung đưa trên ngọn tre già, vẫn biết là trăng đang cố tình muốn bớt đi ánh sáng của mình nhưng tôi vẫn nhận ra những vết chân chim hằn trên đuôi mắt của bác Ch, người ta vẫn bảo rằng thời gian giống như kẻ tàng hình, đến và đi không để lại dấu vết, nhưng kẻ tàng hình này thực sự đã quá kiêu căng đến mức để lộ sơ hở của chính mình rồi.

Ngày mai giỗ bác cả tôi lặng lẽ bước xuống dưới cổng hái một đĩa hoa bưởi, không hẳn là một đĩa, mà là hai đĩa, vì cho cả bà tôi nữa... Từ xa xa, tôi thấy thấp thoáng một bóng mờ đang tiến về phía mình... người kị sĩ áo lam, đầu đội mũ có ngôi sao vàng năm cánh cưỡi trên lưng con ngựa bạch ... Tôi còn thấy bom rơi đạn nổ, chiến trường ngổn ngang xác người và khói thuốc súng, một người chiến sĩ rất giống hình bác Huệ trong bức tranh truyền thần mà cậu tôi mới mang về... rồi một trái bom bất ngờ rơi xuống, cánh tay trái bị văng ra xa, tôi thấy viên đạn bay ngang qua mắt tôi, rồi từ từ găm lên ngực người chiến sĩ trẻ, tôi sợ hãi muốn lao về phía trước hòng gạt viên đạn kia ra khỏi quỹ đạo của nó, nhưng chân tôi cứ đơ lại như khúc gỗ... Mắt tôi nhòa đi trong làn nước, tôi thấy dòng suối màu đỏ, bên kia bờ suối người chiến sĩ áo lam ngồi trên lưng ngựa trắng... Hình như có ai đó đang gọi tên tôi...

- Dậy đi chợ với bá nào! Không phải cháu thích đi chợ quê sao! Không dậy là bá đi một mình đấy.

- Vâng! Cháu dậy rồi đây ạ!

*****

Mỗi lần vào nghĩa trang liệt sĩ thăm người anh trai đã hi sinh trong cuộc chiến chống Mĩ cứu nước năm 1973. Anh không quên đặt thêm một bó hồng trắng lên ngôi mộ bên cạnh mộ anh trai mình. Người trông giữ nghĩa trang nói "không biết thân nhân liệt sĩ này là ai? Chưa từng có ai đến hỏi". Anh thắp hương cho anh trai, thắp hương cho những người đồng đội của anh trai, từ bao năm nay anh vẫn mang tâm niệm hứa với người liệt sĩ nằm sâu dưới tầng đất lạnh kia nhất định sẽ tìm kiếm người thân của anh. Vào năm 2010 có người khách lạ mặc quân phục màu lam hỏi thăm đến nhà ông ngoại, người khách quân nhân ấy báo tin về mộ phần của liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ nằm gần bên mộ người thân của họ. Cậu tôi tức tốc mua vé tàu vào nam. Mộ bác tôi nằm tại nghĩa trang liệt sĩ Phù Đổng, Pleiku, Gia Lai. Ban đầu ông ngoại tôi kiên quyết muốn đưa bác tôi ra ngoài Bắc, về với mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn, vốn dĩ ông ngoại tôi nghĩ sinh ra ở đâu thì về làm cát bụi ở đó. Nhưng hầu hết con cháu đều động viên ra sức thuyết phục mong muốn để bác cả ở lại bên các đồng đội. Người khách quân nhân nọ cũng tha thiết động viên cuối cùng ông ngoại tôi quyết định không đưa bác cả về quê nữa.

Kể từ đó tôi không còn gặp bóng người kị sĩ áo lam, mỗi lần về quê tôi khéo léo dò hỏi các bá các dì, và cả cậu, không thấy ai nhắc đến người kị sĩ áo lam cưỡi ngựa bạch. Dưới cổng giờ đã được đổ bê tông, cây bưởi năm xưa đã không còn, nhưng trong vườn nhà có trồng thêm hai cây bưởi. Có lần tôi cố tình đợi trời tối rồi ra vườn hái hoa bưởi, là tôi muốn gặp lại người kị sĩ áo lam cưỡi ngựa trắng... nhưng chỉ có bóng tối và màn đêm bao phủ, mắt tôi căng ra nghe ngóng trong gió... lẽ nào người kị sĩ áo lam ấy đã cưỡi ngựa trắng bay vào thế giới cổ tích rồi... Trẻ con vốn dĩ rất mau nước mắt, nhưng lại không hiểu ý nghĩa của những giọt nước mắt, lớn lên một chút, thường khóc khi tủi thân, khi cái tôi của mình bị tổn thương hoặc không được chú ý, sau này trưởng thành, cuộc sống bon chen khiến nước mắt không có cơ hội để bộc lộ. Bác tôi 19 tuổi xông pha nơi tiền tuyến, lòng nhiệt tình bấy giờ là câu khẩu hiệu "tiến lên! Anh em ta tiến lên". Tôi 19 tuổi vẫn loay hoay tự hỏi "mình cũng có lòng nhiệt huyết của thanh niên, chỉ là không biết nhiệt huyết vì cái gì?!". 

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư