Những giấc mơ của tôi
Cheww | Chat Online | |
26/07 14:14:02 | |
Chuyện trong giấc mơ khi ngủ của bạn | Truyện Sưu tầm | Truyện cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Đám sợi rối (Truyện cổ Grimm)
- * Ngày đi lính (Truyện ngắn)
- * Thơ (Truyện ngắn)
- * Đối đầu và Tình yêu: Kid và Conan (Truyện trinh thám)
Minh họa: Nguyễn Tường
Sự thực thì đó có phải là một giấc mơ không? Hay đó cũng là một cuộc sống, khác với cuộc sống hàng ngày mà ta vẫn tồn tại? Và nếu thiếu nó, liệu cuộc sống thực của ta có trở nên tẻ nhạt trong cái tiến trình tẻ nhạt mà guồng máy chung đã vận hành: Sáng, trưa, chiều, tối? Còn có nó thì sao?
Rõ ràng là cuộc sống của tôi thời gian này dường như lúc nào cũng đầy rẫy những ngạc nhiên. Có thể nói là lạ lùng. Lạ lùng nhất bởi những điều tôi chẳng bao giờ mảy may nghĩ tới mà sao vẫn nằm mơ thấy? Chẳng hạn như hôm qua tôi mơ thấy người yêu tôi ăn đất! Tôi thấy anh cầm một quả bóng bằng đất và cứ thế gặm ăn một cách ngon lành. Rồi trong nháy mắt, tôi thấy cả biển người ở sân vận động nhất loạt đứng lên la ó dữ dội khi thấy anh trồng cây chuối bắt bóng bằng chân.
Anh tung một cú sút vô-lê khi quả bóng bay từ trên khán đài xuống khung thành anh đang trấn giữ. Quả bóng lượn một đường cong giữa sân bên trái, chéo sang góc gôn bên phải, như một mũi tên, làm cho thủ môn bay luôn mất cả hai bàn tay và xà ngang của gôn đối phương gãy gục! Không hiểu sao đến khi tôi nhìn thấy người ngã gục mất hai bàn tay ấy chính là người yêu của tôi! Và tôi ôm chầm lấy anh trong khi anh nhăn nhó cười bảo tôi rằng, người ta đã bí mật báo cho anh biết, nếu chấp nhận yêu cầu của “ông chủ” thả cho đối phương chí ít một quả, anh sẽ được “bồi dưỡng lớn “ . Nếu không thì sẽ liệu mà nhận sự trừng phạt! Anh bảo anh không làm gì trái với lương tâm được và anh chấp nhận những thách thức dọa nạt...
Ngày mới yêu nhau, chẳng bao giờ chúng tôi phải lo lắng. Lúc nào tôi cũng thấy một tương lai, một tiền đồ thật sán lạn. Anh ấy học xong khóa năng khiếu đặc biệt của thành phố là được điều ra sân cỏ, ngay lập tức bàn tay anh được các nhà chuyên môn quan tâm. Cứ tưởng mọi sự sẽ đơn giản là kiên nhẫn tập tành, nâng cao nghiệp vụ, đồng thời tiếp tục theo học tại trường Đại học Thể dục - Thể thao và chăm lo rèn luyện thể lực để đạt được phong độ cao nhất. Rõ ràng là qua các lần tập huấn, anh được ra sân với thần thái khác hẳn. Tôi vẫn nuôi một niềm tự hào rằng, có tôi đang ngồi trên khán đài cổ vũ, anh sẽ vững tin hơn và đã nhiều lần anh làm tôi bật khóc vì tài năng cứu bóng nhạy bén của mình. Không ai có thể hình dung được cái hạnh phúc lớn lao mà một cô bé mới hai mươi mốt tuổi, mới yêu lần đầu như tôi khi chứng kiến hàng vạn người “ồ” lên vì tài năng của người yêu mình.
Thậm chí, tôi còn nghe có tiếng gào đến cháy họng tên anh của những người hâm mộ quá cuồng nhiệt. Vâng, tôi sung sướng quá và tôi không cầm được nước mắt. Sau mỗi trận đấu thành công, chúng tôi được sánh vai nhau ra phố đâu chừng nửa tiếng. Khỏi nói, tôi hãnh diện về anh ấy đến chừng nào, khi thấy người ta trầm trồ chỉ nhau rằng, đó là anh. Rồi báo chí, mới đầu còn gọi anh là tài năng có nhiều triển vọng, sau trận đấu quốc tế trên sân bạn, anh đã có dịp trổ tài năng cản phá ít nhất ba bàn thua trông thấy và đặc biệt là quả phát bóng chính xác của anh, tạo cho tiền đạo cắm đơn độc trên phần sân đối phương, làm nên một chiến công chớp nhoáng, khiến trên sân hàng vạn người sững sờ, hàng chục triệu khán giả truyền hình chắc chắn cũng sững sờ theo.
Người ta không tiếc lời khen ngợi anh là thiên tài, là “quái nhân”, là “bàn tay vượn”, là “bàn tay vàng của Việt Nam”... Tôi càng tự hào về anh, càng tự hứa sẽ học tập cho thật tốt để có thể cùng anh sánh vai trên đường đời.
Tôi là sinh viên năm thứ sáu Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện. Chúng tôi quen nhau nhờ có cuộc giao lưu giữa hai trường và anh đã làm cho tôi ngạc nhiên về tài ứng xử khi chúng tôi tới tấp hỏi anh những câu hỏi hóc búa theo kiểu học trò. Chính nhờ có cuộc giao lưu ấy mà tôi rũ bỏ được quan niệm rằng, các nhà thể thao chỉ có cơ bắp, còn anh thì rũ bỏ được mặc cảm rằng, bọn con gái hát xướng chúng tôi chỉ biết có đàn nhạc, ngoài ra chẳng hiểu biết gì về cuộc sống bên ngoài.
Tôi nhớ lần đầu đi chơi với anh, tôi cứ nghĩ anh thì để ý gì tới Beethoven với lại W. A. Mozart. Càng chẳng thể nào hình dung anh rất mê tiểu thuyết và sách văn học cổ điển. Và qua câu chuyện trao đổi, tôi ngạc nhiên hơn khi biết anh có bộ sưu tập các đĩa Beethoven complete piano sonatas do các nghệ sĩ lừng danh của nhiều nước khác nhau chơi. Tới nhà anh, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, bố anh là một nhà giáo ưu tú của trường cấp Ba, một ngôi trường nổi tiếng của Thủ đô, còn mẹ anh là một thi sĩ. Anh là niềm hy vọng thiêng liêng của bố mẹ vì họ chỉ có mình anh. Bố mẹ anh rất muốn cho anh đi theo con đường của một trong hai người. Việc anh đam mê bóng đá và trở thành thủ môn hoàn toàn ngoài dự tính của gia đình. Nhưng vì “các cụ” là trí thức nên không hề ngăn cản (theo anh thì đó là điều may mắn nhất đời anh). Gặp được anh, tôi lại cảm thấy đời tôi coi như cũng gặp may hơn nhiều bạn bè khác.
Bố anh là một nhà giáo có quan niệm phóng túng. Nhưng ông rất có ý thức tạo cho anh một môi trường văn hóa theo quan niệm của ông. Và anh đã không phụ lòng. Theo bố anh, văn hóa là nền tảng cho mọi tài năng phát triển, vì vậy càng có nhiều vốn văn hóa, thì tài năng của con người càng được phát huy. Sau này việc tôi và anh làm bạn với nhau, được hai bên bố mẹ chấp nhận, mỗi lần về nhà anh chơi, được bố mẹ anh tiếp như tiếp bạn, tôi thoải mái vô cùng. Nhiều hôm tôi hát cho các cụ nghe và nghe mẹ anh đọc những bài thơ niêm luật cực đoan của bà.
Bà bảo, bà và ông là hai thái cực ngược nhau. Ông là nhà giáo nhưng lại có quan niệm sống rất phóng túng. Còn bà là nhà thơ mà lúc nào cũng phải tự gò mình vào niêm luật. Không biết có phải vì tôi quá yêu anh mà đâm thiếu khách quan trong mọi nhận định về anh. Tôi cho rằng anh là kết quả tinh hoa của đức phóng túng của bố và sự khắt khe niêm luật cực đoan của mẹ. Đi với anh bao giờ tôi cũng thấy mình nhỏ bé và luôn được anh che chở, mặc dù nhiều lúc anh phải nhắc tôi là, chúng tôi cùng một tuổi với nhau. Thậm chí, nếu tính tháng thì tôi còn hơn anh tới ba tháng mười hai ngày. Lịch thi đấu đợt này dày đặc khiến tôi lo ngại cho việc học của anh. Anh bảo, thời gian thi đấu là do Ban tổ chức quy định, còn thời gian học cá nhân là do cá nhân mình phải tự thu xếp. Anh sẽ thu xếp được. Hơn thế, bố mẹ anh đã luôn ở bên anh với tất cả các điều kiện mà ông bà lo được...
Anh bảo tôi không nên tiết lộ điều đe dọa của bọn xấu để ông bà đỡ lo. Tôi cảm thấy không thể nào yên trước mỗi trận đấu sắp diễn ra. Nhiều lần tôi đã toan khuyên anh hay là cáo ốm hoặc cáo lý do gì để từ chối. Nhưng lại thấy anh vẫn bình thản, và nhất là lời lẽ anh qua những cú điện thoại gọi về sau mỗi trận “lưới anh không bị thủng” đầy hồ hởi khiến tôi yên tâm phần nào. Nhưng tôi vẫn phải âm thầm chịu đựng, không dám nói ra với bất kỳ ai điều mình đang nghĩ.
Sự đe doạ của bọn xấu cứ lớn dần lên trong đầu tôi, nó ám ảnh tôi suốt cả những lúc tỉnh táo. Ở trong phòng một mình là nỗi kinh hoàng đối với tôi. Cứ tưởng tôi lo anh thua, bố mẹ anh thấy tôi bồn chồn liền giải thích cho tôi hay rằng, cái sự thành bại trong thể thao, trong thi đấu là chuyện bình thường. Tôi chưa hề gặp ai có tâm hồn trong sáng vô tư và trong sạch như bố anh. Ông luôn luôn nghĩ tới điều tốt đẹp và cao thượng. Cả mẹ anh nữa. Bà lúc nào cũng run rẩy trước mọi điều đang diễn ra với một niềm tin hướng đến trong lành. Hình như ông bà không bao giờ nghĩ điều gì xấu, thành thử cũng không bao giờ hình dung được kẻ xấu đang rình rập đe doạ người con trai duy nhất của mình.
Và tôi, chỉ còn một hai tháng nữa là Tết, nên tôi cứ canh cánh lo. Một hai tuần nay, anh đi thi đấu ở nước ngoài, hầu như trên tất cả các báo đều có in ảnh anh với những lời lẽ đầy ngưỡng mộ của giới chuyên môn và khán giả càng khiến tôi cảm thấy bất an. Người ta gọi anh là ngôi sao. Bố mẹ anh hân hoan ngồi trước màn hình chờ đón anh. Mặc dù luôn nhận được điện thoại của anh động viên nhưng tôi không tài nào thoát khỏi những giấc chiêm bao hãi hùng về cái chết, về những tai nạn bất thường đến với chúng tôi! Tôi không dám kể với anh về những giấc mơ, cũng giống như anh giấu bố mẹ anh về sự đe dọa của bọn cá độ, bọn côn đồ. Chúng đe sẽ chặt đứt hai bàn tay anh nếu anh không làm theo lời chúng yêu cầu. Xem các trận đấu đang ở giai đoạn chót, nhiều lúc tôi cứ run bắn người lên khi thấy anh bắt gọn quả bóng hoặc cản phá được những đường đi bóng hiểm hóc của tiền đạo đối phương.
Nhưng sân cỏ cứ thỉnh thoảng lại vẫn “ồ” lên vì cú bay người ngoạn mục với những lời lẽ ca tụng đầy hào hứng của bình luận viên. Tiếng la hét cổ vũ như muốn vỡ toang trong lồng ngực của cả cầu trường. Có lẽ chỉ có mình tôi là vã mồ hôi hột vì sau mỗi trận đấu, chả hiểu anh có ra xe an toàn không? Anh về tới khách sạn là gọi điện ngay cho tôi, dù vậy tôi vẫn không tài nào thoát khỏi những cơn ác mộng mà có lẽ sức tưởng tượng của con người cũng chỉ tưởng tượng được tới mức ấy.
Ngày mai là trận bán kết cuối cùng. Tôi tin anh sẽ giữ sạch lưới. Và bọn côn đồ có làm gì người yêu của tôi không? Tôi chỉ mong mọi sự thật sẽ trái hẳn lại các giấc chiêm bao của mình. Vì trong các giấc mơ ấy tôi tuyền mơ thấy anh bị hại. Cái Hòa, đứa bạn gái thân nhất của tôi bảo, mơ thấy điềm dữ ắt sẽ gặp điều lành. Cầu cho mọi chuyện được đúng như thế. Và tôi cũng tin nó nói, chờ anh mang chiến thắng trở về.
Thế rồi sự thật đã đến trước giờ trận bán kết cuối cùng chừng mười lăm phút. Anh bị đau bụng. Đúng hơn, anh bị đau quặn thắt ở hố chậu phải. Bác sĩ phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Tôi nhận được cú điện thoại của anh trước khi anh lên bàn mổ. Tôi không thể không nói với bố mẹ anh về sự thật này và tôi đã được ông bà mua vé máy bay cho tôi bay sang nước chủ nhà cùng với anh.
Sự thật là khi tôi giật mình tỉnh giấc nhận ra mình đang nằm mơ và trận bán kết chiều mai mới bắt đầu. Tôi ngồi ngơ ngẩn trên giường không hiểu bây giờ ở bên ấy anh và đồng đội của anh đang làm gì? Tôi không dám ngủ tiếp. Trong đầu tôi có bao nhiêu giấc chiêm bao? Hàng ngàn hàng vạn! Những giấc ngủ chập chờn là miếng mồi béo bở cho các giấc chiêm bao đầy ám ảnh, những cơn ác mộng hư hư thực thực hãi hùng. Tôi vã nước đá vào mặt, giật mình nhận ra anh đang đứng sau lưng với cánh tay băng bó đầy máu và tôi đã hét lên!
Không phải tôi hét lên mà là tiếng còi khai cuộc. Tôi thấy anh vẫy vẫy tay về phía tôi trên màn hình trước khung thành, có ý nhắc bố mẹ và tôi ở nhà yên tâm. Tôi giật mình nhận ra tôi đang đứng trước cổng nhà anh và trận đấu đã kết thúc một đều sau hai hiệp phụ. Mẹ anh mặt tái nhợt chạy ra mở cổng cho tôi và chúng tôi cùng vô phòng khách ngồi trước vô tuyến mơ những giấc mơ của mình.
Trận chung kết đang chờ chúng tôi vào tuần tới, nếu anh thắng thủ môn đối phương ở loạt đá luân lưu… Và kẻ dấu mặt đe dọa anh đứng ở phía nào của trận đấu chung kết sắp tới đây? Tôi mơ thấy tôi cùng anh bay lơ lửng trên không cùng trái bóng lao xuống đầu bọn trùm cá độ vô nhân và nổ tung như một quả bom tấn! Anh cười thật hiền sau cú bắt quả bóng xoáy ngoạn mục của cú đá mười một mét cuối cùng trận chung kết. Cả cầu trường lặng phắc mấy giây rồi chợt ồ lên vui sướng trong tiếng hò reo tưởng như không bao giờ ngớt!
Tôi ôm chầm lấy mẹ vui sướng cùng bà trào nước mắt trước cái nhìn ấm áp của bố đầy hạnh phúc.
Truyện mới nhất:
- Đi đêm (Truyện ma - Truyện kinh dị)
- Rùa Và Thỏ (Truyện ngụ ngôn)
- Yêu Anh Nhiều Đến Như Vậy Sao, Cô Gái Nhỏ Đáng Yêu? (Truyện ngôn tình)
- BẠN ĐẦU TIÊN (Truyện ngắn)
- Ánh Trăng và bánh quy Nàng Tiên Biển (Truyện tổng hợp)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 4 : HÓA RA CHỈ LÀ NHÓC TRẺ TRÂU ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 3 : CÔNG LƯỢC CON TRAI HOÀNG ĐẾ TRƯỚC VẬY ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 2 ) (Truyện xuyên không)
- MÃN CẤP TRÀ XANH XUYÊN KHÔNG THÀNH TIỂU ĐÁNG THƯƠNG ( CHƯƠNG 1 : LÂM PHI LỘC CẢM THẤY CÁI HẬU CUNG NÀY CŨNG THÚ VỊ RA PHẾT ) (Truyện xuyên không)
- Thiếu nữ bên chiếc đàn tranh (Truyện tiểu thuyết)
- Xem tất cả truyện >>
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!