Dòng sông quê hương

210 lượt xem
Hồi tôi còn nhỏ cũng thế, nếu không sợ mẹ đau lòng thì tôi đã không đem đổ cả lũ tượng đất lớn nhỏ mà tôi hì hụi nắn được trong góc vườn. Bắt đầu biết nghịch đất sét, tôi đã mày mò nặn con chó, con mèo, nặn hình ông Thọ, cô tiên.
***
Bé Dung người mảnh dẻ, khuôn mặt nhỏ. Đôi mắt to, đen và có cái nhìn mới sáng làm sao.
Mẹ tôi mỗi lần nhìn vẻ sáng ấy cứ thì thầm nói với tôi: "Sao cứ như là ba con đang nhìn?"
- Mẹ cho em ăn uống đầy đủ lắm mà sao em cứ gầy.
"Khi con còn nhỏ mẹ đâu có chăm kỹ như thế này phải không?" Có lần tôi hỏi khi thấy mẹ buộc khăn vào cổ em, rồi chọn gắp từng miếng thức ăn bỏ vào cái chén kiểu trước mặt. Mẹ bảo: "Em khác, con khác". Mắt mẹ thoảng vẻ buồn.
Các bạn rượu của cha tôi xoa đầu tôi mà bảo: "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh", con của một họa sĩ thì tương lai rõ là một nhà điêu khắc rồi, không sai... Rất có thể điều tiên đoán ấy sẽ thành sự thật và tôi sẽ trở thành con kế nghiệp của cha tôi nếu một hôm tôi không khờ dại nặn ra pho tượng đất sét ấy.
Thấy nó, mẹ tôi choáng váng, nghẹn không nói được. "Huân, con làm gì thế này?" Bức tượng của tôi chỉ dài chừng ba tấc, đây là hình ảnh một người đàn bà không mặc quần áo. Năm đó tôi mười hai tuổi, với cục đất sét tôi thể hiện sự tò mò giới tính của tôi, và không quên dùng một nhúm tóc rối nhét vào giữa hai bắp vế pho tượng.
Mẹ tôi đập bể tan tành cái tượng ma quỷ đó. Tôi uất ức, vì đó chỉ là kết quả sự chiêm ngưỡng hồn nhiên khi một lần tôi tình cờ thấy mấy cô hàng xóm đi tắm ngoài bến nước. Mẹ tôi khóc không thành tiếng. Người cho đào hết bộng đất sét sau vườn đem đổ đi, thay vào bằng đất bùn lấy ở bờ sông sau mùa lũ. Bộng đất ấy dài bốn mét, sâu đến hai mét tư, khi vét xong để lại một lỗ trống toang hoác nơi góc vườn.
Người ta lấp đầy nó bằng đất thịt lấy ở triền sông. Ba tôi bảo: "Việc gì phải thế". Mẹ tôi chỉ nói: "Đất này trồng cây, trồng hoa tốt hơn". Từ lâu rồi mẹ tôi vẫn thường đối phó với ba tôi bằng cách dịu dàng lảng tránh như thế. Giữa ba mẹ tôi không bao giờ to tiếng, bởi người nhường nhịn lúc nào cũng là mẹ. Mẹ mảnh khảnh, nhỏ nhẹ, tối ngày cố xếp đặt căn nhà, khu vườn thật chỉn chu, ngăn nắp.
Ba tôi thì cao lớn, nóng nảy, ra vào trong cái trật tự của mẹ như một con ngựa chiến bị buộc trong chuồng. Từ ngày ấy, mẹ luôn đóng cửa phòng vẽ của ba tôi, nó đã trở thành một thế giới riêng đầy bí ẩn. Ngoài giờ ăn, ngủ, hầu hết thời gian ba tôi giam mình trong đó. Rồi ít lâu sau, người ngủ luôn ở đấy, hầu như không quay về phòng nữa.
Cuộc sống gia đình vẫn lặng thầm trôi đi trong êm ấm, và với tôi thế giới bên trong căn phòng vẽ vẫn là một thế giới bí ẩn đầy kích thích khiến tôi luôn tưởng tượng mà không dám đặt chân đến bao giờ.
Mẹ tôi một đời khổ hạnh, âm thầm, nhẫn nhục chỉ để được danh chính ngôn thuận đứng ở đầu quan tài cha tôi khi đưa người đến mộ. Tôi gói những cái cọ vẽ bỏ xuống huyệt cho cha tôi. Ở đằng xa, người đàn bà ôm đứa bé đứng co ro, khép nép, cái nón che nghiêng nửa mặt. Nhiều người ném về phía ấy những cái nhìn khinh rẻ, những cái nguýt, cái háy đầy vẻ lạnh nhạt.
Cô ta xin một chiếc khăn tang. Bà thím tôi trề môi: "Khăn tang gì mà khăn tang, ý nó muốn chia gia tài đó". Nhiều người rỉ tai mẹ tôi: "Đừng cho. Phải thử máu xem có chắc không cái đã". Mẹ tôi chỉ khóc, che mặt không dám nhìn. "Hỏi thằng Huân, nó là con trai, quyền huynh thế phụ" "Đừng cho, bây giờ mà cho, sau phiền phức lắm" - Tiếng người thì thào bên tai tôi. Tôi đau thắt, lòng ngổn ngang, cảm giác như có ai xô ập mình đến bên góc tường.
Người đàn bà ấy bồng đứa bé đến trước mặt tôi. Bất giác tôi đưa hai tay đón đứa bé vào lòng. "Mày điên sao Huân, đã nhắc cho mà biết...". Người nọ, người kia xì xào, có câu đầy mỉa mai: "Thằng này có căn tu, không chừng là Bồ Tát chắc. Mẹ đẻ ra mà không binh, đi nghe lời người dưng". Tôi không nói, ôm em vào lòng. Không cần phải thử máu, tôi thấy nơi khuôn mặt của đứa trẻ là ánh mắt dữ dội của cha tôi, những sợi tóc và đôi môi hoang dã của cha tôi...
Tôi đã không thành nhà điêu khắc mà trở thành một kỹ sư nông lâm, như mong ước của mẹ tôi. Mẹ chỉ muốn tôi sống một đời yên bình, không phải bước lên con đường nghệ thuật đầy sóng gió và bất trắc.
Tôi cũng thích nghề của tôi vì tôi yêu cỏ cây, yêu cái mầu xanh thẳm sâu từ đất hiện ra rồi vươn cao theo mưa nắng. Thuở đầu đời tôi cũng muốn đi thật xa, nhưng mẹ tôi rơm rớm nước mắt, thế là tôi ở lại... Mẹ ước ao sau này các con tôi lớn lên bên cạnh người, như cành lá từ cội mọc ra rồi lại rụng về cội, ấm cúng thân thương. Mẹ sợ tôi phải sống như ba tôi, người ở đây mà hồn bay xa đến tận nơi nào.
Tôi cười. Em bảo tôi: "Để cho cá con bú thật nhiều, cho nó mau lớn". Tôi nhìn một lát, gật đầu rồi cất bức tranh vào hộc bàn. "Xem chừng mẹ thấy thì chết". Em Dung nhìn tôi: "Sao thế, khi nhỏ em không bú mẹ sao?".
Tôi không trả lời, chỉ nhìn vào mắt em. Mắt em tôi có hàng mi dài và cong đen mướt như mắt di-gan. Tôi biết, mẹ tôi đã phí bao nhiêu công phu để dập tắt cái căn cơ hoang dã trong đôi mắt này. Nhưng vô ích. Tôi biết, rồi một ngày em sẽ ra đi...
Từ lúc yêu cây cỏ và đất đai, tôi cũng đã hiểu dòng sông và con đập. Tôi biết nếu không có con đập thì mỗi mùa mưa cả vùng đồng bằng phía nam sẽ trở thành vực xoáy tàn khốc, nhưng nếu con nước không tràn qua thì hoặc là vùng đất ấy sẽ khô thành hoang mạc, hoặc là con đập sẽ vỡ tan tành trong cuồng nộ của dòng sông mùa lũ.
Vì thế mà hằng năm con đập vẫn chịu đựng vết đau sạt lở. Nó chịu đau để được cùng tồn tại với sông...
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo