LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Dù 19 hay 25...

65 lượt xem

Lần đầu tôi gặp anh, cô bé mười chín trong tôi ngay lập thức say nắng anh. Lúc ấy, tôi chỉ là một tân sinh viên nhỏ bé, không có gì nổi bật giữa hàng trăm cô gái xinh đẹp ở trường mỗi ngày. Còn anh, chiếc áo sơ mi trắng anh mặc ngày hôm ấy lem một vết mực xanh ở túi áo bên trái lồng ngực, tôi lén nhìn mãi thôi, cứ ngỡ, sẽ được nhìn thấy trái tim anh ở đó.

Và tôi cũng nhìn thấy trái tim anh, trái tim đã đành cho một cô gái khác.

Chị ấy bằng tuổi anh, học cùng lớp, nổi bật và năng động trong các hoạt động của trường.

Nhớ rõ là một ngày nắng nhàn nhạt, trường tôi tổ chức buổi lễ tri ân ngày nhà giáo vào tháng mười một. Chị ấy xuất hiện trên sân khấu, tôi thú thật, không phải ganh ghét hay hiềm khích gì chị, nhưng chất giọng chị không được tốt, xung quanh xì xào lời phê bình. Tôi cố tìm anh, anh ngồi gọn ở chiếc ghế gỗ đơn gần khán đài nhất, la hét và cổ vũ nhiệt tình đến mức, thậm chí tôi chỉ nghe thấy tiếng anh lấn át giọng hát của chị. Bài hát kết thúc, cũng là lúc chương trình cũng khép màn, tôi cố ngồi lại, bản thân trông đợi điều gì cũng không rõ, chỉ thấy đau đến mức lồng ngực bị bóp nghẹt khi thấy anh đón lấy cánh tay chị, quệt vết mồ hôi trên trán của chị. Cái tôi chờ đợi là một bạt tay tỉnh ngộ cho mình, cũng xứng đáng mà!

Bẵng một thời gian không gặp anh, tôi cố vùi mình vào các hoạt động ngoại khóa, ra sức học thêm những bộ môn năng khiếu. Nếu như anh hay đi cổng chính, thì tôi luồn cổng sau để về, nếu như anh thích ngồi ở góc sân trường nào mỗi giờ giải lao, tôi đi đường vòng xuống căn tin, xa hơn cả đoạn đường dài. Tôi tự hỏi mình, anh còn không hề biết tôi là ai, tại sao tôi phải làm những hành động ngu xuẩn như vậy?

Thế nhưng, người tính không bằng trời tính.

Tôi được bầu vào ban chấp hành của Đoàn trường, còn anh làm Bí thư đoàn ở đó. Ngay lúc tôi lơ mơ đặt chân lên văn phòng Khoa, anh đang ngồi ở đó, vu vơ bấm vài hợp âm, miệng lẩm nhẩm lời bài hát nào đó không nghe rõ, mặt tôi đã đỏ bừng, chói rọi hơn ánh nắng ngoài kia.

- Chào em.

- Dạ...chào anh...

- Em là?

- Em là bí thư lớp A.M, hôm nay em lên lấy công văn cho lớp.

- Đây – Anh với tay lấy tập hồ sơ trên bàn, đưa cho tôi, miệng mỉm cười – Em tên gì?

- Em tên...Mi.

- Anh là Kiên.

"Anh là Kiên" - câu nói đó, nụ cười đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi suốt khoảng thời gian sau này.

Chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn, những lần họp ban chấp hành, những sự kiện, những khi vô tình chạm nhau ở hành lang, những lần cùng vô tình ngồi ở góc thư viện, anh ở đầu bàn bên kia, tôi ngồi góc này, nhìn thấy nhau, anh mỉm cười, nụ cười mơ hồ dưới nắng, tôi chớp mắt, cái chớp mắt như lưu giữ anh vào tim mình, từ lúc đó cho đến mãi sau này.

Chuyện của tôi, một bước chân có thể với tới anh, một cử chỉ đưa tay nhẹ có thể chạm vào anh, nhưng khó như nối bầu trời với mặt đất lại vậy. Mặc dù, ta có thể nhìn thấy phía chân trời rất gần với mặt đất, nhưng cái nhìn đó hữu hạn lắm, còn chúng ta chẳng thể đủ sức để đi đến phía cuối cùng để chạm tay vào.

- Đây là Ngọc, bạn gái anh.

- Em...chào chị.

Bâng quơ nuốt một ngụm Soda bạc hà vào họng, tôi thấy đắng toét và lạnh buốt đến tận tâm can. Tôi đứng vội dậy, cầm ly rời khỏi quán, bên ngoài trời bắt đầu trở lạnh, mưa phùn ướt đôi vai áo nỉ của tôi, ẩm lạnh, khó chịu vô cùng!

Anh ra trường, chúng tôi mất liên lạc hẳn. Thời ấy, cái điện thoại chúng tôi dùng chỉ có ba chức năng chính: Nghe, gọi, nhắn tin. Tôi không có lý do gì nhắn tin cho anh, càng không có lý do gì để bấm một cuộc đàm thoại với anh. Một năm sau đó, tôi cũng tốt nghiệp, chúng tôi lạc nhau hoàn toàn từ lúc tôi bỏ lại tất cả để du học.

Tôi còn nhớ, trước khi du học, tôi bắt chuyến xe dài từ quận nhất sang Bình Tân, chuyến xe bus mà ngày đó tôi lén theo sau lưng anh, tạt ngang con hẻm nhà anh, đứng lặng ngắm nhìn hàng bông giấy trước cổng nhà rung rinh sắc trắng, đỏ pha lẫn với nhau. Đến phút cuối cùng, tôi thì thầm như nói với hàng hoa giấy, nhờ nó chuyển lời: " Thôi, em đi đây."

Ba năm ở Mỹ, như một giấc mơ kì diệu.

Tôi bắt đầu cuộc sống độc lập, vừa học vừa làm, mỗi tối thả mình xuống giường sau giờ tan làm tại một tiệm thức ăn nhanh với mùi dầu mỡ bám quanh người đã là một giờ sáng. Cuộc sống cứ tiếp diễn theo cái vòng lẩn quẩn ấy, tôi dường như gác anh lại ở đâu đó trong trí nhớ, để một lúc nào đó loay hoay đề máy xe thì cơn mưa ở đâu ào ạt rơi xuống, tiếng rào rào, những giọt mưa chảy dài trên kính, tôi co ro trên ghế lái, cởi dây an toàn, gục mặt xuống vô lăng khóc ngon lành. " Anh là Kiên" " Anh là Kiên" " Anh là Kiên", câu nói ngay lúc đầu tiên anh biết đến sự hiện diện của tôi cứ ám ảnh trí óc tôi mãi.

Tôi tự hỏi bản thân, liệu anh còn ở Sài Gòn, liệu hàng rào bông giấy vẫn còn khoe sắc thắm?

Ngày mà tôi vươn người đón lấy vòng hoa cổ từ tay hiệu trưởng, đưa cao tấm bằng thạc sĩ, là ngày mà các công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam gửi mail tới tấp mời hợp tác làm việc. Tôi bâng quơ đọc mail, chọn đi chọn lại những công ty thuận tiện cho mình. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao, tôi viết một mail trả lời việc chấp thuận làm việc với một công ty ở tận quận Bình Tân. Trong đầu, cứ tái diễn lại hình ảnh cổng hàng rào hoa giấy rung rinh trong gió.

Phật nói, kiếp trước ngoảnh nhìn nhau năm trăm lần, mới có duyên gặp gỡ thoáng qua.

Vậy, kiếp trước, hoặc anh, hoặc tôi, đã ngoảnh nhìn nhau tỷ lần, kiếp này dù có xa cách hay tránh mặt, cuối cùng cũng phải gặp nhau, ở khoảnh khắc nào đó, đâu đó ở Sài Gòn này.

Tôi ngồi vào ghế cố vấn giám đốc, còn anh, chỉ là một nhân viên văn phòng bán sức trẻ và thanh xuân của mình mười một tiếng mỗi ngày tại công ty.

Năm năm trước, chúng tôi gặp nhau cũng ở Sài Gòn này, một người đi trước, một kẻ theo sau như cái bóng.

Năm năm sau, chúng tôi gặp lại, như hai đường thẳng song song...

Ngay từ phút đầu nhìn thấy nhau, anh ngỡ người, miệng mấp máy muốn gọi tên tôi, nhưng chắc đã quên, chỉ biết là khuôn mặt này rất quen. Âu vậy cũng là phước phần của tôi, còn nhớ tôi từng hiện diện trong đời anh đã rất vui rồi. Tôi cúi đầu chào, mỉm cười đi lướt qua, đôi vai chúng tôi dường như một giây nào đó đã chạm vào nhau.

- Em là Mi? – Anh cúi nhìn vào khuôn mặt tôi khi tôi đang ngồi ở căn tin dưới công ty – Mi lớp A.M khóa 33 phải không?

- Là em.

- Nhớ anh không?

Tôi dừng tay, tôi tự hỏi mình " nhớ anh không?" suốt mấy năm trời đằng đẵng, trái tim tôi không có chỗ cho một ai chen vào, cũng vì lí do này.

- Anh là Kiên. Em nhớ mà!

- Anh nghe nói em du học ở Mỹ về được tuyển thẳng vô làm cố vấn. Ngưỡng mộ ghê, sau này chiếu cố anh nhé!

- Mấy năm qua, anh thế nào?

Câu hỏi chợt bật khỏi môi, tôi cố nuốt khan mẩu bánh mì xuống cổ họng, nghẹn lại, vội vã mở chai nước uống ừng ực. Giữa chúng tôi đột nhiên tồn tại một khoảng lặng, khoảng lặng để bộc lộ nội tâm không rõ ràng. Thân thiết cũng không phải, xa lạ cũng không, chúng tôi là hai con đường song song, tôi luôn nhìn thấy anh, anh luôn nhìn thấy tôi, nhưng chẳng thể hiểu cả hai đang suy nghĩ hay xảy ra chuyện gì.

- Anh ra trường, thất nghiệp vài năm, rồi mới xin vào đây được gần năm rồi.

- À dạ...

- Thôi, em ăn trưa đi. Anh không phiền em nữa, Mi nhé!

Tôi nhìn theo cái dáng cao ráo của anh, so với lúc mới gặp anh, ngoại hình không khác gì mấy, nhưng thứ ẩn chứa bên trong chắc đã thay đổi rất rất rất nhiều. Tôi thấy được phía sau dáng lưng của anh, là những bước chân chông chênh mà xã hội đã vùi dập đau đớn đến dường nào.

Hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn thích anh như hồi mười chín, nhưng không còn nhiệt thành đến mức muốn có được trái tim anh nữa. Tình cảm vẫn êm ả, vẫn thấy thương, vẫn muốn nhìn thấy mỗi ngày, nhưng không còn chút sức lực để thổ lộ thứ cảm tình chôn giấu bảy năm qua.

Tôi hiểu được một điều sau bảy năm đằng đẵng, đôi lúc từ chối một lời yêu để làm một người san sớt những buồn vui trong đời, còn tuyệt vời hơn là nắm lấy bàn tay nhau để rồi một lúc phải chia xa.

Mật độ thân thiết của chúng tôi tăng cao, cùng nhau ăn trưa, cuối tuần ngồi cùng nhau ở một quán cà phê, kể nhau nghe chuyện những năm quá khứ tươi đẹp. Anh cười khổ mỗi khi nhắc đến Ngọc, những ngày tháng thanh xuân anh đã dành hết cho một cô gái sẵn sàng buông tay anh để kết hôn với người đàn ông sự nghiệp đường hoàng thay vì cộng khổ với anh những ngày tháng thất nghiệp. Tôi ngước nhìn những bóng đèn treo trên cao của quán, vu vơ vài câu nói không suy nghĩ:

- Anh còn yêu chị ấy chứ?

Anh lại cười thay câu trả lời, ly cà phê anh quậy đến sủi bọt vẫn chưa dừng muỗng.

Ở độ tuổi này, chúng tôi nói về yêu đương như một loại gia vị, chứ không phải một thức ăn chính. Tôi chia sẻ với anh những năm tháng ở Mỹ của mình, thanh xuân của chúng tôi ngưng đọng dưới ánh vàng vọt của đèn đường, chúng tôi vừa đi bộ, vừa nghe những âm thanh cuộc sống về đêm, mùi hoa lạ phảng phất vào cánh mũi một hương thơm vô cùng dễ chịu.

Cuối năm, công ty chúng tôi tổ chức tất niên, mọi người trong phòng dân sự và ban quản trị quây quần với nhau tại một nhà hàng, xung quanh bàn tiệc lớn. Tôi và một số người nữa được chọn sang nước ngoài tu nghiệp học lên Tiến sĩ. Tiếng khui bia rộn rã, cứ men vào là độ cuồng nhiệt tăng lên, tôi quên mất bản thân không thể uống được quá nhiều. Tôi ngả người tựa vào ghế, thấy trời đất quay cuồng, đến bàn tay không thể bấm được số taxi, cũng không có chiếc taxi nào vào tầm giờ này ngoài nhà hàng nữa. Một cánh tay vịn lấy bờ vai tôi, tôi mơ màng nghe được bên tai tiếng nói kì diệu vô cùng:

- Về thôi, anh đưa em về.

May quá, ra vẫn còn có anh.

Tôi dựa mặt mình vào lưng anh, ngồi sau xe, vịn hờ vạt áo anh. Giây phút này tôi đã chờ đợi bảy năm, bảy năm chỉ mong muốn được gần anh như thế này, nghe được nhịp tim anh, nghe rõ từng hơi thở của anh. Lạ lùng, trong mỗi giấc mơ tôi thường mơ, đều có anh, cũng được gần anh thế này, nhưng không hiểu sao lại thấy đau lòng đến ngạt thở. Bây giờ, cũng đau lòng đến ngạt thở.

Chiếc xe dừng lại ở cổng nhà tôi, tôi lao đảo xuống xe, anh dìu tôi đến cửa, toan định bấm chuông nhưng bị tôi cản lại. Trong men, tôi lại nói những thứ ngớ ngẩn:

- Nhà anh vẫn trồng hoa giấy chứ?

- Vẫn còn. Vào nhà đi, lạnh rồi.

- Em thích hoa giấy ở cổng nhà anh lắm. Cũng như thích anh lắm.

Hai tiếng chuông cửa anh bấm đột ngột dừng lại, anh đăm đăm nhìn tôi, thật lâu, còn tôi mơ hồ không thấy rõ khuôn mặt anh vì hơi men choáng cả tâm trí, tôi lảo đảo bước qua cổng nhà, nhưng còn đủ lý trí để nghe anh nói, thật lớn, rõ ràng:

- Anh biết.

Khi tỉnh dậy, tôi nhận được một tin nhắn từ anh. Dài, càng đọc càng thấy đỏ bừng hai má.

"Anh đọc được lá thư vô danh trong hộp thư của đoàn trường. Em biết không? Anh có biệt tài nhận danh chữ viết vô cùng giỏi, liếc sơ qua là biết chữ của em, câu chuyện về chiếc áo sơ mi trắng cùng vết mực ở túi áo trái. Anh chợt nhận ra mình có chiếc áo lem mực như thế. Chuyện của anh và Ngọc kết thúc không lâu sau khi tốt nghiệp, khi anh đang trốn mình trên căn gác xép, gặm nhấm những cô đơn và tổn thương của mình, thì em xuất hiện, đứng dưới hàng rào và cố nói gì đó với những bông hoa giấy.Em biết không, thời gian đó chẳng ai muốn qua lại với anh cả, nhưng em đã đến tận cổng nhà anh, như cứu lại anh, cho anh biết đứng dậy sau chuỗi ngày ngụp lặn trong thất bại. Anh cố tìm em, nhưng vô ích, có người bạn cũ nói em đã sang nước ngoài và mất liên lạc. Ngay khi gặp lại em ở công ty, anh không tin trái đất tròn như thế, đi một vòng lớn, cuối cùng gặp lại em, ngay trước mắt, mỗi ngày đều có thể gặp em. À, nhân tiện, em muốn sang nhà anh thăm hoa giấy chứ? Anh đang chờ ở cổng nhà em."

Tôi mở vội cửa, lao ra ban công nhìn xuống, một chàng trai đang kiên nhẫn ngồi trước cổng nhà tôi sáng sớm tinh mơ, hai tay xoa vào nhau như chờ đợi điều gì hệ trọng, ở trong giỏ xe anh, vương lại vài cánh hoa giấy mỏng manh, sắc đỏ và trắng pha lẫn vào nhau.

Tôi nhận ra, dù mười chín, hay hai mươi lăm, tình cảm của tôi vẫn chỉ đơn giản là những cánh hoa giấy rung rinh trong tâm trí.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư