LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Hà Thần - Chương 2: Thuỷ quái dưới cầu

81 lượt xem

Lại nói về trước Giải phóng, vào một mùa xuân năm Dân quốc, thầy cả dẫn dắt đội mò xác gặp sự cố bỏ mình, Quách sư phụ là người sinh ra và lớn lên tại bản địa, quen thuộc con người, càng quen thuộc thổ nhưỡng, vậy nên phải gánh hết trách nhiệm to lớn của đội mò xác lên vai. Lúc ấy cả đội gom lại cũng không được mấy người, toàn bộ đều phải cậy nhờ vào công việc không có chút thơm tho này mà kiếm miếng cơm ăn. Mọi người còn chưa được tính là cảnh sát chính thức, so với các loại công việc mang tính chất thời vụ bấy giờ thì cũng chẳng khác là bao, mỗi tháng kiếm không được mấy đồng, tiền thu vào thậm chí còn không bằng mấy tên chân thối chuyên tuần tra trên phố, vậy nên bình thường đều phải tìm việc khác kiếm thêm thu nhập để chu cấp cho gia đình. Mà câu chuyện ‘Thủy quái dưới cầu’ của chúng ta xảy ra vào mùa hè năm sau nữa.

Sự việc xảy ra ở ngay đập cầu phụ cận. Đập cầu ngày xưa là nhằm nói đến một loại đập nước ở gần ngã ba sông, bên cạnh đập là một cây cầu lớn bắc qua, được xây vào những năm cuối thời nhà Thanh, có thể cho người và xe qua lại. Trên thực tế thì đập là đập, mà cầu thì chính là cầu, đập nước lớn và cầu lớn là hai cái khác nhau, chẳng qua lại nằm rất sát, cho nên mọi người vẫn quen miệng gộp chung lại thành ‘đập cầu’.

Khi đó thời tiết nóng nực cứ như trong lò lửa, đập cầu trên sông cả ngày ngựa xe như nước, người đến người đi, làm ăn mua bán vô cùng tấp nập. Thành Thiên Tân đích thị là một cái tụ bảo bồn, nuôi người nghèo nhưng cũng dưỡng người giàu, mà người giàu càng nhiều thì trộm cắp càng nhiều hơn. Thời bấy giờ thường thường gộp chung ăn trộm và đạo tặc lại làm một, trong xã hội cũ không hề phân biệt rạch ròi hai thứ này với nhau. Trộm tức là nói tới loại hành động chuyên móc túi người qua đường, thuận tay lấy một vài thứ trong cửa hàng mà không trả tiền cũng là trộm, mà đạo tặc thì còn chia ra thành nhiều loại phức tạp hơn. Có loại phi tặc lợi hại chẳng khác chi khỉ vượn, trèo tường vượt nóc dễ như bỡn, đột nhập trăm nhà viếng thăm ngàn căn hộ, bẻ cửa cạy khóa đánh cắp tài vật. Lại còn có thứ thổ tặc chuyên nhập địa mà đào mồ tróc mả, kiếm lời trên thân người chết. Một loại khác chính là thủy tặc, chỉ nghe qua là đủ biết không thể nào rời khỏi nước.

Phía Tây có một tên thủy tặc, người không tên họ, chỉ có một cái nhũ danh gọi là Ngư Tứ nhi, kẻ này không phải là một đạo tặc giỏi giang gì cho lắm, theo như chuyện thành Thiên Tân kể lại mà nói thì còn không bằng một bãi phân chim. Thế nhưng cũng có câu: ‘Phân chim mà thành tinh, lão ưng cũng phải tức chết’, Ngư Tứ nhi chính là như vậy, bản lãnh không lớn nhưng lòng tham không nhỏ, hắn không có tài nghệ nào, chỉ biết dệt ‘lưới tuyệt hậu’.

Trước tiên ta hãy nói qua một chút xem lưới tuyệt hậu là thứ gì?

Thông thường khi đánh bắt cá trên sông, người ta đều phải giăng ra một tấm lưới, lưới đánh bắt có vòng trúc làm chài, quăng xuống sông một lát sau đó kéo lên vậy là có thể vớt được tôm cá dưới sông. Đôi khi có thể bắt được cá, nhưng cũng có khi không có gì, kéo lên chỉ toàn là bùn sình rong rêu rác rưởi dưới đáy cũng là chuyện bình thường. Còn thứ lưới tuyệt hậu mà Ngư Tứ nhi tạo ra, sông rộng bao nhiêu thì lưới rộng bấy nhiêu, ngăn ở giữa sông xong lại dùng cây trúc đóng cọc, lưới cá quấn quanh gậy trúc đến mấy tầng, dùng lưới tạo thành một cái mê cung vây tứ phía, chỉ chừa lại một lỗ hổng ở bên ngoài. Cá từ thượng lưu bơi xuống, đến trước lưới thì bị cản lại nên chỉ còn cách bơi vào trong lỗ hổng được tạo sẵn kia, nhưng bơi vào trong thì lại bị tầng tầng lớp lớp lưới cứ như là mê hồn trận bao vây chặt chẽ, làm cách nào cũng không thoát ra được, hơn nữa mắt lưới này rất nhỏ, cá nhỏ đến đâu cũng chui không lọt, vì vậy mới có tên gọi là “lưới tuyệt hậu”. Chiêu này thực sự rất độc, cá dưới sông con này nối tiếp con kia, không đến thì thôi, hễ cứ bơi lại đây thì sẽ bị cái lưới tuyệt hậu này bắt lại.

Ngư Tứ nhi mỗi đêm lén lút đặt lưới, trời còn chưa sáng liền thu lưới lại, sáng sớm bày hàng ra bán, rao cá buổi đêm vừa đánh được, đủ loại cá tôm lớn nhỏ có hết, bỏ cả vào trong một cái thùng gỗ. Nhà nước cấm không cho dùng lưới tuyệt hậu để đánh bắt cá, trên sông thường xuyên có thuyền qua lại, vướng phải lưới thì rất dễ gặp chuyện không may, Ngư Tứ nhi cũng sợ bị người ta bắt được nên thường xuyên chuyển chỗ lưới cá. Vào một đêm mây mờ trăng khuất, hắn đợi tối trời liền đến dưới đập cầu đặt lưới, xong xuôi đâu đó thì cũng đã là nửa đêm, liền một mình ngồi cạnh cầu hút thuốc lá.

Lúc này có một người kéo xe, mới vừa đưa khách xong nên quay xe trở lại, vừa khéo cũng đi ngang qua cầu. Người kéo xe này biết Ngư Tứ nhi, hai người là láng giềng lâu năm nên cũng có lòng nói với hắn: “Dưới đập cầu nước sâu, ban đêm thường xuyên có người nhìn thấy thủy quái dưới chân cầu, hai mắt của nó cứ như là hai ngọn đèn trên đường vậy. Nghe nói mấy năm trước có một cô gái trầm mình xuống sông, tới nay còn chưa tìm thấy xác, ngày thường mọi người cũng không dám bơi ngang qua khúc này, ông cẩn thận một chút.”

Ngư Tứ nhi phun nước bọt: “Mẹ ngươi, chớ có hù ông Tứ này, Tứ gia đây lưới cá nhiều năm như vậy, còn chưa từng thấy cái sông này có cái giống gì khác lạ, nếu đánh trúng cái xác con gái gì đó thật, Tứ gia cũng ôm luôn về làm vợ trong nhà, ít ra cũng có thể “vui vẻ” một chút chứ sao.”

Người kéo xe kia mượn chuyện tiến tới xin Ngư Tứ nhi một điếu thuốc, hai người ở trên cầu, anh một câu tôi một câu, chuyện trò qua lại.

Ngư Tứ nhi hỏi: “Hôm nay ông làm cái khỉ gió gì mà trễ như vậy mới về? Không sợ vợ ông ở nhà “ăn vụng” hay sao?”

Trên mặt người kéo xe lộ ra vẻ đắc ý: “Hôm nay kéo tốt, được khá nhiều tiền, tuy nhiên đường cũng hơi xa nên lúc này mới xong việc.”

Ngư Tứ nhi không tin: “Lấy cái gì mà ra nhiều tiền? Cái xe kéo rách nát của ông mà cũng làm ra tiền được sao?”

Người kéo xe mắng lại: “Tiên sư thằng trâu bò, cứ làm như ông kiếm được nhiều tiền lắm vậy, lo mà đánh cá của ông đi.”

Nói chuyện một hồi, Ngư Tứ nhi cũng cảm thấy muốn về nhà chợp mắt, quá nửa đêm lại tới đây thu lưới. Nhưng lúc này lại nghe mặt sông có động, hệt như có người đang lắc lư mấy cây trúc chống lưới vậy. Hai người liền nghi hoặc, đứng dậy nhìn về phía dưới cầu. Mặt sông dưới cầu tối đen một mảng y như mực, chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trúc cắm dưới sông không ngừng đung đưa, Ngư Tứ nhi mừng quýnh, đúng là tóm được cá lớn rồi, chỉ vùng vẫy thôi mà cũng khiến cả lưới phải rung chuyển, giống này nhất định không thể nhỏ.

Những năm đầu của thời Dân quốc từng có người bắt được một con ba ba lớn hơn cả cái cối xay ở ngay ngã ba sông, Ngư Tứ nhi thầm nghĩ: “Có thể là ba ba lớn dưới sông, nghe nói trên đầu ba ba có mụn thịt, đem giã lấy nước rồi dùng để rửa mắt sẽ khiến mắt sáng ra, người mù dùng nó liền có thể nhìn thấy đường. Đã đến lúc Tứ gia đổi đời, ngày hôm nay phát tài con mẹ nó rồi!”

Nghĩ tới đây, hắn vội vàng kêu người kéo xe đến phụ một tay. Hai người ở trên cầu kéo lưới, lúc này trời đã tối mịt, kéo hết lưới cá lên trên cầu lớn rồi mà vẫn không thấy rõ trong đó đang bọc lấy cái gì, chỉ biết thứ đó to kềnh một cục, nhìn hình dáng thì không phải cá lớn mà cũng chẳng là ba ba gì sất, lại dường như có cả tay lẫn chân, bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc như cá chết, không thể nào ngửi nổi.

Người kéo xe gan bé, đến lúc này cũng có chút sợ, nói với Ngư Tứ nhi: “Anh Tứ, anh làm gì thì cứ làm đi nha, vợ em còn đang ở nhà đợi cửa chờ em về, trời không còn sớm, em xin phép đi trước một bước…”

Miệng thì nói, người đã quay đầu muốn bỏ chạy.

Ngư Tứ nhi tặc đảm bao thiên, vung tay tóm lấy người kéo xe, lại thấy trước tay xe kéo có treo một chiếc đèn bão, hắn thuận tay vơ luôn rồi nói: “Đi là đi đâu? Mượn cái đèn bão của ông, tôi phải nhìn một cái xem thử vớt trúng cái gì dưới sông mới được.”

Người kéo xe vốn không muốn cho mượn nhưng lại không nhanh tay bằng Ngư Tứ nhi, thế là chẳng còn cách nào khác bèn phải đi cùng hắn. Hai người mò tới gần, dùng đèn bão soi lên tấm lưới cuốn lấy thứ kia, nhưng ngặt nỗi lưới cá bọc quá kín, không mở ra thì căn bản chẳng thể thấy gì bên trong được. Ngư Tứ nhi cũng không dám mở lưới ra hết, chỉ vạch ra một chút rồi nhìn vào, vừa thấy, hắn liền sợ hãi kêu lên thất thanh: “Ối cha mẹ ơi, là xác một đứa trẻ!”

Ngư Tứ nhi giăng lưới tuyệt hậu ở ngã ba sông, đêm hôm khuya khoắt đánh lên được xác của một đứa bé. Đứa bé này không lớn, cả người đen thui, thoạt nhìn giống y chang một con khỉ lông dài. Nhưng người kéo xe kia thì sợ hãi không ngớt, đây còn không phải là khỉ nước dưới sông Hải Hà hay sao?

Nghe nói dưới Hải Hà có khỉ nước, giống quái vật này khi trưởng thành mang hình hài như một đứa trẻ, cả người toàn là lông, sau mông còn có một cái đuôi, thi thoảng lại lên bờ, rất sợ ánh sáng và những thứ phát sáng, khi ở trong nước thì rất khỏe, nắm được cổ chân người liền lôi đi không hề lơi tay, khiến nhiều người giỏi bơi lội cũng phải chết đuối.

Đọc đến đây chớ nói không có lửa thì làm sao có khói. Tôi là tôi vẫn không tin, vẫn cảm thấy Hải Hà không thể nào có khỉ nước được. Nếu quả như có cái giống này thật, vậy thì lịch sử sinh vật ắt phải viết lại rồi. Tôi còn nghe người thầy làm cảnh sát đường thủy của mình thuật lại một chút, mới biết được chuyện này không phải là bịa ra cho có, Hải Hà quả thật có khỉ, nhưng không hề giống trong tin đồn một chút nào. Lại nói tới câu cửa miệng: “Không có lửa thì làm sao có khói”, suy xét lại từ đầu, căn nguyên rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì?

Cũng phải nói tới trước thời Giải phóng, quả thực có người phát hiện được một thi thể quái vật ở Hải Hà. Cái thi thể ấy mang hình dáng tương tự như một đứa trẻ, có tay có chân, toàn thân mọc đầy lông mao, phía sau mông có một cái đuôi dài, nhìn vào biết ngay chính là một con khỉ. Ai ai cũng rõ, dưới sông chẳng thể nào có khỉ được, dân chúng nghe nhầm đồn bậy, đều gọi quái vật kia là khỉ nước, còn bảo là do trẻ nít chết đuối dưới sông biến thành. Một đồn mười, mười đồn một trăm, câu chuyện về khỉ nước càng lúc càng trở nên quái dị, thậm chí còn có tờ báo đăng lên một tấm ảnh chụp, đúng là khiến cho người ta không muốn tin cũng không xong.

Thực tế cái thi thể vớt lên được ở Hải Hà kia là khỉ quả không sai. Nhưng nó vẻn vẹn chỉ là một con khỉ hết sức bình thường mà thôi, chứ chả phải là cái giống khỉ nước phải gió gì cả. Trước đó có một gánh xiếc lưu động biểu diễn dọc đường nơi đây, có dắt theo mấy con khỉ diễn trò kiếm ăn, nhưng một con trong số ấy không biết ăn nhầm cái gì mà đi đời nhà ma rồi. Đoàn trưởng gánh xiếc bấy giờ mới bảo đem xác nó ra bãi tha ma cho chó ăn, tất nhiên là không ai dựng mộ bia cho một con khỉ đã chết được, mà vị nghệ nhân được sai đi vứt xác khỉ kia cũng thật là thất đức, vì muốn nhẹ việc mà ném thẳng xác con khỉ xuống sông. Hai ngày sau, xác con khỉ dưới sông Hải Hà được vớt lên, những người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên quá độ, chẳng hiểu rốt cuộc cái giống này trôi từ đâu tới, mà cũng chính vì thế nên mới phát sinh ra vô số lời đồn đãi. Sau này cho dù nhà nước giải thích ra sao thì ra, trình độ dân trí còn kém, người người vẫn cứ tin rằng dưới sông Hải Hà có khỉ nước ẩn hiện.

Người kéo xe vừa nhắc, Ngư Tứ nhi cũng liền nhớ ngay tới tin đồn về khỉ nước, hai thằng sợ tới mức ngay cả đèn bão cũng quăng, giữa đêm khuya mịt mờ mà chạy thẳng một đường về nhà. Chạy được nửa đường thì đụng phải đội cảnh sát đi tuần đêm, còn bị nghi là trộm cắp nên bắt mất. Nếu không phải hạng người làm chuyện xấu lúc nửa đêm, vậy tối mờ tối mịt thế này rồi còn chạy đi đâu? Cảnh sát tuần tra trước tiên lôi hai tên này ra đánh một trận, sau lại ép hỏi cả hai gây án ở chỗ nào? Ngư Tứ nhi kêu cha gọi mẹ, mở mồm xin tha rối rít, lại đem chuyện mình giăng lưới ở ngã ba sông đánh trúng khỉ nước thuật lại một lần, người kéo xe có thể làm chứng.

Cảnh sát hỏi qua tình huống xong, liền lôi hai người trở lại cầu làm rõ, khi ấy thì trời cũng đã tờ mờ sáng rồi. Nhờ trời sáng nên mới nhìn ra được thứ nằm trong lưới cá, đúng không phải khỉ nước, mà quả thực chính là xác của một đứa bé, chẳng qua trên người nó dính không ít rong rêu bùn lầy. Ngư Tứ nhi mới đầu không có nhìn nhầm, tất cả chỉ tại tên kéo xe ở bên cạnh gào to mới khiến cho đầu óc hắn mụ mị, vả lại lúc đêm đen không nhìn thấy rõ, liền lầm tưởng rằng vớt phải quái vật khỉ nước thật, suýt chút nữa thì gan mật cũng bị dọa đến nát bét.

Đợi đến hừng sáng, mọi người mới thấy rõ đứa trẻ chết sình này, đoán chừng là do bị rong rêu dưới đáy sông quấn chặt nên mới không nổi lên được. Thi thể đã lâu nên chuyển sang màu xanh như rong tảo, mặt mũi khó lòng phân biệt, vẻn vẹn chỉ có mỗi hình dáng là còn nhìn ra được đôi chút, trên dưới bốc lên mùi hôi tanh khó ngửi, cũng không hiểu vì sao còn chưa rữa nát. Cảnh sát nhận định không phải do Ngư Tứ nhi và người kéo xe sát hại nên chỉ lấy khẩu cung qua loa, lập hồ sơ vụ án, hạch thêm ít tiền, thấy không còn xơ múi được gì mới thả hai người đi. Xác chết trôi trên sông Hải Hà quá nhiều, vô số người chết trôi mà không có ai tới nhận thân, trong đó có không ít xác trẻ em, phần bị sinh non, phần thì do cha mẹ nó sinh ra nhưng nuôi không được. Những chuyện như thế từ bấy tới giờ vẫn là dân bất lực, quan không màng truy xét, phía dưới không người nào báo án, bên trên càng mừng rỡ mà giả vờ hồ đồ. Tử thi là vớt lên từ dưới sông nên cứ theo như luật cũ, giao hết cho đội tuần sông xử lý. Chính quyền phái người đến tìm Quách sư phụ ở đội tuần sông, bảo ông ta quấn chiếu cho thi thể đứa nhỏ, cột dây hai đầu rồi mang ra nghĩa trang lo liệu. Thế nhưng việc vừa tới tay liền nóng hổi, chính vì xảy ra quái sự rồi!

Theo như phong tục địa phương thì chết đuối không được nhập đất, chết vì nước thuộc về dạng chết yểu chứ không phải chết già nên nhất định phải hỏa thiêu thành tro, gom hết vào trong lọ rồi mới có thể hạ táng. Mà cũng không được hỏa táng liền ngay, theo như quy củ thì phải đặt ở nghĩa trang mấy ngày, lỡ như có người nhà đến báo án nhận xác thì còn có đường mà xác minh thân phận của người đã chết. Chẳng qua mùa hè khí trời oi ả khiến tử thi càng bốc mùi nồng nặc, không ai chịu nổi, thế là thứ quy tắc này liền trở nên vô dụng.

Nghĩa trang cũng tương tự như nhà tang lễ bây giờ, nghĩa trang mà đội tuần sông sử dụng gọi là nghĩa trang miếu Hà Long, chỗ này ở ngoài cửa Tây, vị trí tương đối vắng vẻ. Trong miếu có một bức tượng Long Vương gia nặn bằng đất, khoác áo vảy kim tuyến, thân người đầu rồng, dân gian vẫn hay gọi là ông Long Ngũ, là Quảng Tế Long Vương chuyên cai quản sông nước Trường Giang và Hoàng Hà. Quảng Tế Long Vương xếp hạng thứ năm trong các Long Vương, chính vì thế người ta mới xưng là ông Long Ngũ. Tại quải Nguyệt Phong trên Bàn Sơn ở huyện Kế có ngôi Vân Tráo tự, chính là chủ miếu của Quảng Tế Long Vương do hoàng đế sắc phong, nhang khói cực thịnh, truyền thuyết vô số. Long Vương là vị thần phù hộ cho dân gian mưa thuận gió hòa, mà ngôi miếu Long vương ngoài cửa Tây này còn có một câu chuyện về Hạn bạt vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Quách sư phụ từng nghe thầy mình kể lại, ngay từ mấy trăm năm trước, thời còn chưa có thành Thiên Tân, nơi đây đã từng xảy ra một trận đại hạn hiếm thấy. Nông dân kiếm cơm từ đất, sợ là sợ trời già không ban mưa, năm đó hạn hán khó lường, chín chín tám mươi mốt ngày không có một giọt mưa buông xuống, đất đai cũng nứt nẻ ra rồi, hoa màu khô héo, hạn đến mức cây cối bốc ra khói, sỏi đá phun ra lửa. Các thôn trang xung quanh sầu lo hết cách, không thể làm gì khác hơn là mời thầy phong thủy về xem. Thầy phong thủy chỉ cần nghe nói, không cần đến tận nơi quan sát mà cũng biết ngay là do cương thi trong một ngôi mộ biến thành Hạn Bạt, vừa mới chạy tới thực địa quan sát, nhìn xuống liền không khỏi sợ hãi, nơi này yêu khí quá nặng, quả nhiên trước nay chưa từng thấy qua, có thể không đơn giản chỉ là Hạn Bạt như vậy, cương thi đã biến thành thi ma, không một ai hàng phục được nữa rồi!

Thôn dân vì tìm đường sống, đành phải dựng lên một ngôi miếu tế bái Hạn ma đại tiên, còn chuẩn bị cả đồng nam đồng nữ để tế sống. Đồng nam đồng nữ là do rút thăm mà ra, con nhà ai bốc trúng thì xem như là xui xẻo. Trong thôn có một bà lão quanh năm ăn chay niệm Phật, cháu gái bà bất hạnh bị chọn làm vật tế sống, bà lão tuy không đành do cháu còn quá nhỏ, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi, vì vậy một mình ở trong phòng bái Phật cầu thần, khóc đến mù cả mắt. Đến đêm, bỗng nhiên lại mơ thấy một người tự xưng là ông Ngũ tìm tới tận cửa nhà, khuyên bọn họ không nên dùng đồng nam đồng nữ tế bái Hạn ma đại tiên, ngày mai sẽ có một trận giông tố sấm sét, đó cũng chính là lúc ông ta tới bắt thi ma. Nhưng vẫn biết một tay vỗ khó nên kêu, vậy nên có hai chuyện muốn cậy nhờ. Thứ nhất là mượn tiếng chiêng tiếng trống của mọi người mà tăng phần uy thế, thứ hai là, không thể giết Hạn ma kia được…, bởi vì máu trên người con thi ma này có thể truyền dịch bệnh, một khi giết thi ma sẽ khiến người và vật trong vòng trăm dặm không đường sống sót, chỉ có thể dùng dây thừng ở giếng nước đầu thôn nhằm trói gô nó lại. Sợi dây thừng kia vắt qua ròng rọc kéo gàu múc nước, không biết đã dùng bao nhiêu năm, bao nhiêu đời rồi mà chẳng hề sứt mẻ tí nào, đã thế lại còn tinh tươm hệt như mới, có thể thấy đây chẳng phải vật phàm. Việc họ cần làm là phải tháo dây thừng ra trước, để ông Ngũ cầm dây trói thi ma. Nói xong, người tự xưng là ông Ngũ liền biến mất, không còn thấy tăm hơi.

Bà lão tỉnh giấc, đem chuyện này kể lại cho thôn dân, mọi người bán tín bán nghi, chần chừ luôn mãi, cuối cùng cũng quyết định làm theo lời bà lão nói. Vừa mới qua ngày hôm sau, một tiếng sấm nổ rền rĩ bỗng đột ngột vang lên mà không có một chút dấu hiệu báo trước nào, phòng ốc chấn động, rung lên bần bật, kế đó là cuồng phong gào thét, mưa to tầm tã. Những thôn dân gan to mật lớn thò đầu nhìn lén ra bên ngoài, thấy một con rồng trắng dài hơn chục trượng đang ẩn hiện bên trong tầng mây đen phủ kín cả bầu trời, thân rồng quấn lấy một con quái vật đầu sừng, toàn thân mọc kín một tầng lông đỏ, ngay cả cặp mắt cũng đỏ lòe lòe hệt như hai ngọn đèn lồng. Thôn dân vội vàng khua chiêng gõ trống reo hò trợ uy, đất trời xám xịt, phải qua hơn một canh giờ sau, Hạn ma đại tiên mới bị dây thừng trói chặt, lại bị một tia sét đánh văng thẳng vào cái giếng khô đầu thôn. Nhưng sau đó đất trời rung chuyển, giếng cạn sụp xuống, bị lấp bằng, bọn họ đến giờ mới nhận ra ông Ngũ không phải người thường mà chính là Quảng Tế Long Vương gia hiển linh! Kể từ đó lập miếu Long Vương ngay trên miệng giếng sập, thay nhau thắp nhang cúng bái, hương hỏa không dứt.

Miếu Hà Long có nguồn gốc từ đây, thuộc về loại truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đến thời Dân quốc thì hương khói liền tắt, tượng ông Long Ngũ tuy vẫn còn tồn tại nhưng những kiến trúc liên quan đều mất sạch, chỉ còn một gian điện thờ lớn là sót lại, chung quanh mọc lên vô số nhà dân. Tới năm 1923, nơi đây trở thành nghĩa trang, đội tuần sông vớt được xác chết trôi thì phần lớn đều đem tới để, thầy dạy của Quách sư phụ có biết chút ít đạo thuật nên thường xuyên thay người nhà nạn nhân lo việc tang lễ, còn biết xem mồ soi mả, các loại âm trạch dương trạch, ngoài ra cũng là một tay làm đồ vàng mã vô cùng giỏi. Bình thường thầy trò hai người đều ở lại ngôi miếu nát, gian điện trước ngăn ra thành hai phòng nhỏ làm cửa hàng vàng mã, hậu điện xem như nghĩa trang, sau khi thầy cả già rồi qua đời thì nơi đây cũng chỉ còn lại một mình Quách nhị gia. Thu nhập từ việc vớt xác và trông coi thi thể người chết không được nhiều cho lắm, cho nên ngoại trừ những lúc đến đội tuần sông làm việc vặt, ông ta đều trở lại nghĩa trang miếu Hà Long làm vàng mã, tay nghề của Quách sư phụ vô cùng tốt, người giấy ngựa giấy do ông ta làm ra trông cứ như là thật vậy.

Ngày đó ở ngã ba cửa sông vớt được thi hài một đứa bé, Quách sư phụ vẫn làm như thường lệ, đem thi hài mang về nghĩa trang, khi tối trời thì liền xảy ra chuyện.

Câu chuyện mà chúng ta đang kể đến, không thể nói cho chính xác là vào ngày nào tháng nào năm nào nữa rồi, đại khái chỉ biết là vào khoảng hai mươi tám tháng sáu âm lịch. Dân gian thường nói hai mươi tám tháng sáu âm lịch, lão Lý cụt đuôi về nhà khóc giỗ mẹ. Tương truyền trước kia có một người đàn bà họ Lý sinh ra một con rắn đen nhỏ, sau đó đóng cửa cắt mất đuôi rắn. Mà con rắn đen này vốn là rồng đen dưới sông Hắc Long đầu thai, cũng chính là lão Lý cụt đuôi mà mọi người vẫn nhắc, sau khi người đàn bà này mất thì rồng đen cũng đi biệt tăm, mỗi năm đến ngày hai mươi tám tháng sáu âm lịch, lão Lý cụt đuôi mới về khóc thăm mộ mẹ một lần. Mấy bữa trước đúng là mưa dầm không ngớt, nhưng hôm đó không mưa mà sắc trời chỉ âm u nặng trĩu, sau khi về tới nghĩa trang thì cũng đã đến lúc lên đèn.

Vài ngày nay nghĩa trang không có người chết, Quách sư phụ dùng xe đẩy xác đứa bé vào phòng trong, gian phòng này cũng chính là nửa phần sau của đại điện thuộc miếu Hà Long thuở ấy. Thi thể được đặt lên giường đá, chiếu manh không mở ra mà trước tiên thắp đèn rồi đốt thêm hai nén nhang ở cạnh đầu. Theo thuyết pháp mê tín dị đoan, quỷ đói ngửi mùi nhang có thể đỡ xót ruột, cho người chết nén nhang cũng tức là cho hồn dùng bữa, ông ta thương cho đứa trẻ chết yểu, lúc thắp nhang còn cố ý đốt thêm một nén.

Bận bịu lo chuyện người chết xong thì cũng tới lúc người sống dùng cơm rồi. Mọi người vẫn gọi Quách sư phụ là Quách Nhị gia, người ở thành Thiên Tân đặc biệt coi trọng hai chữ Nhị gia, gặp ai không quen biết thì vẫn cứ gọi là Nhị gia hoặc Nhị ca, còn những người vốn quen biết thì dựa vào ngôi thứ trong nhà mà xưng hô cho tương xứng, từ anh cả Nhị gia, kế đến là Tam gia, Tứ gia rồi sau nữa.

Quách sư phụ không phải Nhị gia mà chỉ là con thứ trong nhà, anh cả nhà ông ta đang ở trong phòng này đây. Nói như vậy có thể khiến cho người ta cảm thấy sợ, như trên đã nói Quách sư phụ chỉ ở nghĩa trang có một mình, vậy từ đâu bỗng lòi ra thêm một người anh? Còn sống hay là đã chết?

Thực ra anh cả của Quách sư phụ chỉ là một con búp bê đất sét nhỏ xíu. Cái gọi là búp bê anh cả này, theo như phong tục của xã hội cũ, vợ chồng sau khi kết hôn một thời gian đã lâu mà vẫn chưa có con thì có thể đến miếu Mẹ tổ cầu tự. Trên bàn thờ Thiên Hậu nương nương có rất nhiều búp bê con nít, toàn bộ đều đã được nung kỹ, tướng mạo không giống nhau, có lanh lợi hoạt bát, có ngây thơ đáng yêu, vợ chồng cầu con đưa đủ tiền nhang đèn, chọn xong búp bê rồi thì buộc dây đỏ lên trên mang về nhà nuôi như con của mình. Sau này nếu như có thể sinh con, vậy búp bê con nít sẽ làm con cả, đứa mới sinh thì là con thứ, phải gọi búp bê là anh. Rồi thì cách vài năm phải tắm rửa cho búp bê con nít một lần, sau đó còn phải mời nghệ nhân về thay quần áo cho nó, dung mạo cũng phải thay đổi dần cho hợp tuổi tác, thậm chí còn phải cưới vợ cho anh cả búp bê, tức là rước thêm một em búp bê con nít thuộc nữ giới vào nhà, đặt cùng một chỗ, ghép thành một cặp. Tại vì con cái trong nhà có hai đứa, nếu như anh cả còn chưa cưới, em thứ lại thành thân trước thì không hợp với quy củ cho lắm.

Như thời buổi ngày nay không mấy ai tin, nhưng đặt vào xã hội ngày đó thì lại có rất nhiều, mặt khác, cũng vì năm này nối tháng nọ, anh cả búp bê do thường xuyên tiếp xúc với khói lửa nhân gian nên khó tránh khỏi làm dấy lên một số chuyện lâm ly kỳ quái. Lớp người già khi đó vẫn thích kể về những chuyện đại loại như con búp bê anh cả mà tôi nuôi ở nhà đấy, nửa đêm nó bật sống dậy ăn vụng cơm …

Quách sư phụ cũng có một vị đại ca búp bê như thế, cha mẹ ở nhà mất sớm, từ nhỏ đã xem người anh búp bê này như anh ruột, mỗi lần về nhà đều chào anh em mới về, khi ăn cơm cũng không quên đặt cho anh hai một đôi đũa, ban ngày gặp chuyện gì không thoải mái hoặc khó xử, không phân biệt chuyện tốt hay là xấu, cứ về nhà lại tỉ tê cùng với anh mình. Hôm nay cũng như thường lệ, cơm nước với anh trai búp bê xong thì sắc trời đã tối mịt, trời đêm oi bức không mưa, ông ta dọn bát đũa xong thì quay người nhìn lại, đột nhiên phát hiện ông anh búp bê ở trên bàn đã biến mất.

Quách sư phụ lúc ấy tuổi trẻ gan lớn, bản tính nhân nghĩa chính trực, trời sinh một bầu nhiệt huyết, không làm việc trái với lương tâm nên không sợ quỷ tìm đến cửa, nếu không thì sao lại dám một mình trông coi nghĩa trang? Lại nói bữa này đúng là gặp quái sự, anh trai búp bê được đặt trên bàn cơm, dùng xong cơm nước thì thu dọn bát đũa, vừa tính quay qua loay hoay với mấy món vàng mã tiếp, ấy thế mà ngoắt cái trên bàn đã trống không. Tuy ngày nào Quách sư phụ cũng nói chuyện với anh cả búp bê, nhưng chẳng qua cũng chỉ để giải khuây mà thôi, không lẽ chỉ có thế mà búp bê con nít này cũng thành tinh được sao?

Ông ta nghĩ đi nghĩ lại, anh trai búp bê đúng là vẫn được để ở trên bàn, không thể cứ nói mất là mất liền được. Nhìn ra thì cửa phòng vẫn đóng kín, dẫu mọc cánh cũng chẳng thể nào bay ra ngoài, vậy nên mới bắt đầu lần mò tìm khắp phòng. Nhưng lật tung các thứ mà mãi chả thấy bóng dáng đâu, không ngờ trong lúc vô tình ngẩng đầu lên, bỗng phát giác búp bê con nít đang nằm sấp trên nóc tủ, mặt hướng xuống dưới, không nhúc nhích.

Quách sư phụ thầm bực trong lòng, trước giờ chưa từng xảy ra chuyện kỳ quái như này, dù cho búp bê có thành tinh tác quái thật, nhưng khi không trèo lên nóc tủ thì làm được cái cóc khô gì? Ông ta tự trấn an bản thân, cho rằng không phải nhớ lầm thì cũng là do hoa mắt, nhưng tuy ngoài mặt nói vậy, còn trong lòng thì chột dạ, ắt hẳn là phải có duyên cớ chi đây.

Nhất thời nghĩ mãi không ra, lại đặt anh trai búp bê lên chỗ cao nhất trong phòng, không thèm động chạm gì nữa rồi tự nhủ: “Anh muốn làm gì trên đó thì làm.” Xong thắp đèn, ra ngoài dò xét chung quanh nghĩa trang. Khí trời vừa bí vừa nóng, mùi xác thối trong nghĩa trang về đêm càng lúc càng nặng, nặng đến mức bịt mũi rồi vẫn không chịu nổi.

Ông ta lại nghĩ đến chuyện không thể đợi đến sáng, khí trời quá oi, nên thiêu hủy thi hài đứa bé này ngay trong đêm. Thế nhưng tử thi được quấn chiếu vẫn ướt nhẹp, nước chảy ròng ròng, có muốn đốt cũng chẳng tài nào cháy. Nghĩa trang có “Luyện nhân hạp”, tức là một hộp đồng có hình người, trước đây là đồ trong miếu, đưa tử thi vào hộp rồi bắt đầu thiêu, tuy rằng không thể hoàn toàn đốt ra tro, nhưng chỉ cần hóa thành than là có thể cho vào bình đựng tro cốt được rồi. Chẳng qua cái thứ ấy không thể nào thiêu xác ướt, cho nên phải đốt một chậu than, hong khô thi thể trước cái đã. Quách sư phụ chuẩn bị chậu than xong xuôi, mới vừa quẹt lên một que diêm, từ ngoài cửa bỗng thổi tới một cơn gió lạnh, que diêm trong tay liền phụt tắt, lại quẹt thêm que nữa, nhưng làm sao cũng chẳng cháy.

Diêm một que nối tiếp một que, nhưng không que nào cháy nổi, hình như cái hộp diêm này đã bị ẩm mất rồi, trên tay thì ôi thôi nhóp nhép toàn là nước, ngoài trời âm u không mưa, ấy thế mà lại cảm thấy ẩm thấp lạ kỳ, trên vách tường xuất hiện từng vệt từng mảng thấm, đưa mắt hướng lên trên, dường như cả bức tường cũng có thể trào nước ra bất cứ lúc nào. Ngay sau đó, âm phong bỗng nổi lên tứ phía, luồng gió không thổi về một hướng nhất định mà một chốc thổi về tây, một hồi thổi về nam, cứ như là đang lượn vòng xung quanh nghĩa trang miếu Hà Long vậy.

Quách sư phụ sởn hết cả tóc gáy, da gà trên người nổi lên từng đợt, cái lạnh như ngấm từ trong ngấm ra, chuyện nhóm lò than cũng không màng nghĩ đến, thầm nhủ: “Không lẽ gặp ma rồi?”

Thầy cả năm đó có để lại một bức tranh Quan đế, chính là bức “Quan công đọc kinh Xuân thu”, vẽ Quan công đầu đội mũ khôi màu tía, mình khoác chiến bào, một tay cầm kinh Xuân thu, một tay vuốt năm chòm râu dài, mắt ánh thần quang, đúng thực là uy phong lẫm liệt. Mà bên cạnh Quan công còn thắp một ngọn nến, trái phải hai bên là Quan Bình đang cầm đại ấn và Chu Thương nâng Thanh Long Yểm Nguyệt đao đứng hầu, sau lưng Quan công còn có con ngựa Xích Thố, bốn vó sinh phong, nóng lòng chờ bôn tẩu. Bức họa sống động y như thật, lột tả Quan công này vẫn được treo trong nghĩa trang, đối diện với cửa lớn ra vào. Nghe nói Quan công có thể trấn trạch trừ tà, miếu Hà Long được tu sửa thành nghĩa trang đã lâu, nhưng vẫn chưa từng phát sinh ra chuyện ma quỷ quấy phá bao giờ.

Quách sư phụ ngẩng đầu thấy bức tranh Quan công vẫn còn treo chỉn chu giữa phòng, nghĩ bụng: “Đúng lý mà nói, mình chưa từng làm ra chuyện gì trái với lương tâm, cô hồn dã quỷ không nên tìm tới mình mới phải. Hơn nữa còn có tranh Quan công treo trên tường để trừ tà, dù có là ma quỷ cũng chẳng dám tiến vào đây. Thấy sự lạ mà không lấy làm lạ, sự lạ đến đâu cũng chào thua!” Có mê tín hay không thì để sau hẵng nói, chỉ biết ý nghĩ này vừa xuất hiện trong đầu, ý chí liền trở nên kiên định ít nhiều, cũng không dám nghĩ ngợi gì nữa mà ngồi xuống dưới ánh đèn làm người nộm, vừa hát một hai câu dân ca để khỏa lấp.

Từ lúc lên đèn cho tới canh năm trời sáng, ngồi trong nghĩa trang miếu Hà Long một đêm, nghe được gà gáy ở phương xa rồi, tảng đá lớn trong lòng Quách sư phụ mới được gỡ xuống. Lại nhìn vết nước thấm ước chừng phải cao hơn đầu người vẫn còn in rõ trên tường, chăn đệm trong nhà toàn bộ đều ướt nhẹp, cả bức tranh trên tường cũng mờ nhòe hẳn đi, đúng là tiếc thay cho một bức họa Quan công này.

Đến giờ ông ta mới chợt hiểu ra, anh trai búp bê trốn trên nóc tủ là bởi vì sợ bị ướt, nhưng mà trời không mưa không dột, làm sao trong nhà lại ướt hết trơn như vậy? Chẳng lẽ đêm qua có ma da dưới sông tìm tới cửa, muốn vào trong phòng nhưng do sợ tranh Quan công nên không dám? Mà vấn đề là ma ở đâu ra?

Đầu óc Quách sư phụ xoay chuyển mau lẹ, ngồi trong phòng bắt đầu suy ngẫm về chuyện này, nhưng càng nghĩ càng thấy không hợp lý, cảm thấy quá nửa là có liên quan tới cái xác của đứa bé kia. Trời sáng rồi cũng không màng cơm nước mà vội vã ra ngoài, vào thành tìm mấy người của đội tuần sông đến hỗ trợ lặn xuống chân cầu lớn ở ngã ba sông. Ông ta cho rằng dưới sông còn có thứ gì đó, nói ra chẳng có ai tin, nhưng người trong đội mò xác toàn bộ đều nghe theo lời Quách sư phụ. Mấy người chia ra vịn vào một cây sào dài mà lặn xuống dưới sông dò tìm, lần mò một thước rồi lại một thước sâu, nếu dưới đáy sông có vật gì lạ, chỉ cần dùng tay cảm nhận là cũng có thể biết được. Từ lúc trời vừa rạng sáng cho đến giữa trưa, phát hiện ra thêm xác của một cô gái ở dưới đáy, nhưng bất kể là ai cũng không vớt lên được, người chết cứ như là mọc rễ dưới sông luôn rồi vậy.

Hiện tại đã là ban ngày, xung quanh đầy rẫy những người rãnh rỗi tò mò tới xem náo nhiệt, dân chúng vừa thấy vớt được xác cô gái dưới đáy sông lên liền tranh nhau sang vây xem, người một câu tôi một lời, bàn tán xôn xao. Trước kia thường xuyên vớt được xác dưới sông Hải Hà, nhưng xác nam vẫn chiếm phần lớn, vì đa phần đều là người đi bơi bị chết đuối, mà đàn bà con gái thì rất ít khi xuống sông bơi lội. Trong xã hội cũ, phụ nữ bơi sông thì thật đúng là chả ra cái thể thống gì, chính vì thế xác chết nữ dưới sông Hải Hà mới không nhiều lắm. Nhưng không nhiều không có nghĩa là không hề có, một khi dưới sông có xác chết nữ nhân thì thường thường là do giết người vứt xác hoặc là nhảy sông tự vẫn. Những chuyện như vậy lan truyền đặc biệt nhanh, chả mấy chốc mà người ta đã bu lại chật kín cả bên bờ, người có vóc dáng nhỏ bé ở phía sau nhìn không thấy thì gấp đến độ cố nhón nhảy thật cao, thậm chí lại còn có kẻ leo lên cả nóc nhà để quan sát. Các cô cậu thành Thiên Tân ngày đó thích nhất là ra đường gặp chỗ náo nhiệt, dù trong nhà có việc gấp đến đâu thì cũng phải xem cho đã rồi mới thèm về nhà.

Đội tuần sông có mấy người xuống nước, trên cầu còn có người dùng dây thừng cột móc thả xuống kéo, tốn sức hơn nửa ngày, cuối cùng mới có thể khiến xác chết nữ này nổi lên trên mặt nước. Tất cả mọi người, trong đó có cả Quách sư phụ đều cảm thấy kỳ quái, vì sao thi thể dưới sông lại nặng đến như thế?

Đội tuần sông vớt thi hài của cô gái này lên rồi cẩn thận quan sát một lượt, khắp thi thể bị rong rêu mọc dài bao phủ, bóc mãi không ra, toàn bộ như dính liền làm một với cái xác. Một màu xanh thẫm của rong rêu phủ kín một thân da thịt cứng như sắt ở bên dưới, tử thi khô cứng, mặt mũi khó lòng phân biệt, chỉ biết nhìn qua cực kỳ đáng sợ. Càng ghê rợn hơn là, người con gái này còn bị trói gô, dây chão gân bò thắt nút chết, lại do ngâm nước quá lâu nên càng xiết chặt, có muốn cắt cũng cắt không xong, trên lưng cô ta còn cột theo một khối sắt lớn có hình thù quái dị nên mới chìm sâu ở dưới đáy không thể nổi lên trên. Đội tuần sông buộc phải khiêng cả khối sắt lên cùng.

Đám người vây xem tận mắt chứng kiến quá trình vớt xác, phàm là người thấy được bộ dáng của cô gái này, không ai là không sợ. Hình dáng kia căn bản nhìn không giống như người chết, mà quả thực là một quái vật toàn thân phủ lông xanh, chuyện này lại càng rền vang, nhà nhà thắp hương dán bùa cầu an. Những hộ buôn bán giàu có hay làm việc thiện trong thành đều góp tiền mời sư tăng về lập đàn tụng kinh ngay ở đầu cầu. Theo những lời mê tín ngày trước, oan hồn chết đuối thường muốn tìm người thế thân. Ví dụ như có một người chết đuối bỏ mình, hồn chết oan thường bất tán, không đến được Âm phủ nên trở thành ma da, bị vây khốn ngay tại chỗ chết đuối. Ban ngày bị ánh nắng mặt trời chiếu vào, ma da dưới đáy sông có muốn nhúc nhích cũng không được, trời mưa thì cảm giác như vạn tiễn xuyên thân, gió nổi lên thì như bị dao găm cắt thịt, tình cảnh cực kỳ thê thảm. Hễ có ai tới sát mép sông, ma da sẽ lôi tuột người đó xuống, cho dù người bị ma da kéo có biết bơi thì cũng bị tóm chặt cổ chân mà lôi thẳng, giãy dụa cũng không thoát mà ngộp nước đến chết. Ma da làm như vậy là để tìm người thế chỗ, khi đó nó mới có thể đi đầu thai, để lại kẻ mới chết ở lại đáy sông chịu tội thay.

Quan niệm mê tín dị đoan trong xã hội ngày trước ăn vào lòng người rất sâu, cho rằng ma da mỗi năm đều tìm người thế thân nên thường đem chuyện người chết đuối dưới sông mà quy hết vào lý do ấy cả, vậy nên mới nói chỗ nào có người chết đuối là chỗ đó có ma da, nhưng xác trôi sông thì khác. Bởi vì không biết người chết trôi là chết ở chỗ nào, cho nên mới phải mời sư tăng về niệm chú vãng sinh, siêu độ cho linh hồn này, nếu không mai sau dưới chân cầu sẽ còn có người phải toi mạng. Mãi cho tới sau Giải phóng thì những tục lệ như thế mới không còn nữa.

Quách sư phụ thân là cảnh sát sông Ngũ Hà, thấy tình hình ngày đó thì trong lòng liền biết ngay là hung án giết người, hơn nữa còn là vụ một lần hai mạng. Hai mẹ con nhà kia bị giết hại, dìm xác xuống đáy sâu đã từ mấy năm trước, mãi đến khi có thủy tặc giăng lưới tuyệt hậu mới vô tình vớt được thi thể của đứa trẻ. Nửa đêm hôm qua cả phòng đẫm nước, nói không chừng là do ma da tìm tới cửa đòi con. Chẳng qua loại sự việc do thứ âm hồn bất tán này gây ra không có gì có thể làm chứng, cũng không biết có phải là do sư thầy niệm chú vãng sinh siêu độ cho vong hồn có tác dụng hay không, dù sao ngã ba cửa sông cũng không còn thấy ma quỷ xuất hiện. Hai xác chết một lớn một nhỏ này cấp trên cũng không màng giải quyết, trở thành một vụ án treo.

Vào những năm trước Giải phóng, tại mấy con sông ở thành Thiên Tân, cộng thêm cả những cống rãnh chứa nước bẩn chảy xuôi, mỗi năm phải có hai, ba trăm người chết đuối là ít. Đại đa số người chết là do ngộp nước, mười phần chỉ có một là hung án giết người, mà trong số các vụ án này, có thể phá giải được lại không quá một phần ba. Thực ra mà nói, tỷ lệ như vậy cũng không tính là quá thấp.

Vụ án dìm xác xuống ngã ba cửa sông làm toàn thành chấn động, người nào có thể giải được vụ này nhất định sẽ thăng quan phát tài. Nhưng những kẻ có kinh nghiệm đều biết đây là một hung án không cách nào phá được, chủ yếu đều là do hai thi thể nằm dưới sông không ít năm, tuy thân thể không rữa nát, cũng không bị cá rỉa thịt, nhưng xác dưới đáy sông thì đã biến thành cương thi. Theo lý thì không thể nào giải thích nổi, nhưng theo như thuyết pháp mê tín dị đoan thì có lẽ là do người chết quá oan, hơn nữa quần áo, giầy dép của người chết cũng đã bị bùn nước ngâm mục nát hết cả rồi, nhìn không ra xuất xứ thân phận, với lại cũng chẳng có ai tới nhận thân. Trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc này, mạng người như cỏ rác, người sống còn chưa kể hết, án mạng chưa phá giải được lại càng nhiều như sao trên trời, chính vì thế quan trên cũng chẳng thèm ngó ngàng gì cả, cứ chuẩn án xong rồi để đó.

Cảnh sát sông thường không tham gia phá án, cũng không cần phải suy nghĩ nhiều, nhưng vụ án treo này với Quách sư phụ mà nói thì cũng chẳng khác chi khối sắt cột trên xác hai mẹ con kia, luôn đè nặng ở trong lòng, trước sau không thể nào bỏ xuống được. Ông ta âm thầm không nói với một ai một lời mà tự mình tới dưới cầu đốt giấy tiền vàng bạc, sau này rốt cuộc cũng phá được án, dẫn tới một đoạn “thôn Ác Cẩu truy nã Liên Hóa Thanh”. Đến khi ấy còn có chuyện còn quái lạ hơn, các bạn cứ ghi nhớ chuyện này trước đã, rồi sau này chúng ta lại bàn tiếp.

Trước tiên hãy nói về lúc phát hiện xác cô gái ở ngã ba cửa sông, đám đông vây quanh nghe ngóng đều nói Quách sư phụ thực như thần, làm sao có thể biết trước dưới sông còn có xác cô gái này được? Dĩ nhiên là phải có bản lĩnh quan phong vọng khí rồi, quả nhiên là Hà thần nha! Thầy cả đời nhà Thanh đảm đương đội tuần sông vẫn được bàn dân bách tính tặng cho cái tước hiệu là “Hà thần”, mọi người dựa vào đó mà rỉ tai nhau, cũng xưng Quách sư phụ là “Hà thần” như vậy. Quần chúng mỗi lần nhắc đến là lại hô “Hà thần Quách Đắc Hữu”, từ miệng nhân dân sang tới truyền thanh báo chí, cái tên này được lan truyền vô cùng mau lẹ.

Quách sư phụ nghe người ta gọi mình là Hà thần, ngay lập tức toàn thân toát mồ hôi lạnh, nhớ tới những lời thầy cả lúc trước vẫn luôn miệng dặn dò: “Mai này nếu có ai gọi anh là Hà thần thì anh chớ có nên nhận, bằng không nhất định gặp phải họa chết người!”

Song vì sao không thể gọi là Hà thần thì thầy cả lại không hề nhắc tới, ông ta nhớ đến câu nói ấy, liền lần lượt bảo lại với những người thân quen, cũng không dám xưng thành như thế.

Về phần búp bê con nít thì vẫn giữ lại trong nhà như trước. Năm 1949, sau Giải phóng, cả nước bắt tay vào bài trừ mê tín dị đoan, kết quả phần lớn những thứ này đều bị tiêu hủy. Anh cả búp bê của Quách sư phụ khi ấy vô duyên vô cớ bỗng biến đi đâu mất, lần này mất đi rồi liền không thể nào tìm lại được, chẳng qua Quách sư phụ cũng không hề lo lắng chút nào. Ông ta cho rằng vị anh trai búp bê nhà mình đúng là có linh tính, đã trốn ra ngoài tị nạn mất rồi!

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư