Gần chiều

58 lượt xem

Sáng chủ nhật đầu tiên của mùa hè mười tám năm trước, tôi đến nhà em chơi. Em chỉ cho tôi một hàng tám viên sỏi trên thành cửa sổ. Những viên sỏi khác nhau về kích cỡ, hình dáng và màu sắc.

Em nhìn tôi chờ đợi.

Tôi thủa còn lâu mới đến hai mươi ngẩn ngơ không đáp được.

Em cúi xuống đo khoảng cách giữa những viên sỏi. Những khoảng cách không giống nhau.

Tôi nghịch ngợm đẩy hai viên sỏi xa nhau nhất lại gần.

Em cười khanh khách và lắc đầu. Em lấy từ trong túi áo viên sỏi thứ chín rồi đặt lên thành cửa sổ. Em bảo sau mỗi lần có một chuyện gì đó, em lại đặt một viên sỏi lên thành cửa sổ để ghi nhớ. Nghịch thôi.

Những lần tôi đến chơi sau đó, chín viên sỏi đã biến mất. Thành cửa sổ sạch bóng. Lòng tôi vô cớ thắt lại. Em bảo chơi mãi một trò cũng chán, nhất là chơi một mình.

Nhưng tôi chưa bao giờ quên được chín viên sỏi trên thành cửa sổ đó. Chưa bao giờ.

- Lúc đọc đến chương có mấy con mèo trong Người tình Sputnik ấy, anh chợt nhớ một chuyện cũ. Cũng không hiểu sao lại thế. Hơi buồn cười. – Tôi bỗng buột miệng khi đang ngắm nhìn T., ghi nhớ những đường nét trên khuôn mặt T. Cũng đã hai năm rồi.

T. bảo tôi kể tiếp đi.

Tôi ngần ngừ. Tôi không chắc T. sẽ hiểu, mặc dù T. cũng có em trai kém nhiều tuổi đấy. "Thôi đành". Tuy vậy, tôi không trả lời T. ngay mà mở Người tình Sputnik, lấy ra một dây hình nhân nắm tay nhau, những hình nhân khác hẳn nhau về màu sắc và kích thước. T. nhìn đám hình nhân và lắc đầu hỏi "Là anh?". Tôi gật đầu, xếp đám hình nhân lại như cũ và đặt vào Người tình Sputnik.

Tôi nói chậm từng câu, hi vọng T. bắt được một điều gì đó trong đám bùng nhùng của tôi. Biết đâu.

- Hồi anh học lớp năm, em trai anh học lớp ba. Nhà anh nuôi một con chó ta lông vàng rất khôn, tên là Lu. Khôn như cáo ấy. Anh còn nhớ hôm đó là vào mùa hè, đúng ngày sinh nhật anh. Bạn bè gọi cửa. Con Lu sủa nhặng lên, phi vào cổng rầm rầm. Lúc anh đẩy cửa nhà thì con Lu quay lại, mắt nó long sòng sọc, trán rớm máu và mõm lòng thòng dớt dãi. Nó dường như không nhận ra anh. Anh vội sập cửa ra vào. Anh nói với bạn bè về đi, mai gặp sau. Hai anh em anh nhìn qua cửa sổ. Con Lu lồng lộn một hồi rồi nằm im. Chiều, bố mẹ anh về. Anh đã nói với bố mẹ bán con Lu đi, mặc cho em trai anh nằn nì cả nhà theo dõi thêm đã. Anh hối hận, nhưng bảo nếu quay lại được thì anh có đổi ý không thì chắc là không!

Tôi dừng lại một chút rồi hỏi T.:

- Em thấy buồn cười không?

T. vừa lắc lắc cốc nước lạnh, lanh canh lanh canh, vừa đáp:

- Bình thường!

Tôi chẳng biết nói gì thêm.

- Mà sao đọc đoạn về mèo thì anh lại nhớ đến chuyện con chó?

Tôi hỉnh mũi, thoáng cười. Ngẫm nghĩ một chút, tôi trả lời:

- Anh cũng không rõ lắm!

T. nhìn tôi sắc lạnh, buông ra lời ca thán cũ:

– Anh bao giờ chẳng thế, cứ lấp lửng... Anh không thấy mệt à? Hay anh cho là em không hiểu?

Tôi nhíu mày, không nói gì. Em trai tôi đang yêu một người con gái mà cả tôi và gia đình đều cho là không xứng đáng. Em tôi còn trẻ quá, còn nhiều nhầm lẫn giữa thương hại, cảm xúc nhất thời với tình yêu thực sự. Nó thì biết gì về tình yêu thực sự chứ. Chuyện xưa bỗng cồn lên, nhưng tôi đã biết cách đè xuống, nén xuống, thành một cục một viên bé xíu lăn tọt vào một góc sâu nơi ngực tôi.

T. và tôi đang ngồi sát nhau trên chiếc ghế dài sát cửa sổ, cùng nhìn trời dần muộn. Bên dưới, đường dần thưa tiếng người tiếng xe. Hai tiếng đồng hồ nữa, trời sẽ tối hẳn, đường xá sẽ ồn ã trở lại. Lúc ấy, trong căn phòng này, đóng kín cửa nẻo và kéo cả rèm, nằm im trong bóng tối, nhìn những tia đèn đường hiếm hoi len qua rèm cửa và lắng nghe tiếng phố xá, thế nào cũng thấy ngậm ngùi đau đớn không nói nên lời, mặc dù có thể tìm không ra một lí do chính đáng nào. Hơn nữa, khôi hài thay, cái người nghe là tôi ấy đã không còn trẻ trung gì nữa.

Tôi thò tay nắm lấy bàn tay bé nhỏ của T.

T. nhìn tay tôi - Anh này? – T nhỏ nhẹ quay sang.

Tôi nhìn T. chờ đợi.

- Anh biết tại sao các khớp tay của em thô không? Em vốn được bố mẹ chiều, có phải làm gì đâu.

Năm ngón tay trên bàn tay phải của T. xòe rộng trước mặt tôi, sầm sậm. Tôi mỉm cười:

- Tại em suốt ngày bẻ tay chứ gì! Lách tách suốt!

Tôi duỗi khít khao năm ngón tay trái. Tay phải tôi bóp mạnh bốn ngón sát nhau, ngoại trừ ngón cái. Lách tách, lách tách.

T. cười thành tiếng rồi ngừng ngang. Dường như T. định nói gì rồi lại thôi. Miệng T. từ từ khép lại, làm môi giãn ra nhưng không hề an nhiên. Tôi lặng lẽ nhìn T. Ánh sáng nhạt của vầng trăng tán buông một vẻ mờ ảo lên khuôn mặt thanh tú của T. Vẻ thanh tú mờ ảo ấy khiến tôi sững sờ mà rồi chẳng hiểu sao lại nén một tiếng thở dài ngay sống mũi.

T. dường như cảm nhận được nên đôi môi cong hẳn thành một nụ cười lặng. T. ngoẹo đầu hỏi, vẻ như rất ngây thơ:

- Anh quan tâm đến em thế cơ à?

Tôi biết phải trả lời ngay lập tức:

- Có chứ!

T. xoay cả người lại, mắt sáng rỡ. T. rướn lên hôn chụt vào miệng tôi, lưỡi T. lướt dọc môi tôi, dịu dàng mơn trớn. Nhưng tôi lại cười mím miệng.

T. trợn mắt lên, vin đầu tôi xuống thấp rồi thì thào dữ dội:

- Hôn em đi!

T. cuồng lên, ngấu nghiến...

T. vuốt dọc cơ thể tôi rồi dừng ở ngực tôi, ngón tay T. vẽ thành vòng tròn vô tận trên ngực tôi.

Tôi từ từ mở mắt nhìn T., không nói gì mà chỉ chỉnh lại cái gối dựa để T. được thoải mái hơn.

T. thủ thỉ:

- Hồi bé em hay bị nhốt trong nhà một mình... từ sáng đến tối mịt... Em hay hát một mình, những bài hát vu vơ của em...

Tôi gỡ những sợi tóc mai dính lại của T., hơi băn khoăn một chút. Liệu tôi cứ lặng im hay nên nói một điều gì đó.

- Anh biết không, nhiều lúc em giật mình vì cứ có cảm giác ai đó đang đứng ngoài cửa, nhón chân dòm qua chấn song. Nhưng dù em quay lại nhanh thế nào cũng không bao giờ bắt gặp được... Em sợ lắm, nhưng không kể được với ai. Em đòi mẹ mua cho một con chó to như con chó nhà hàng xóm. Nhưng mẹ em không đồng ý. Hồi đó nhà em còn bé, không có sân, không cây cối gì cả,... Chắc cũng vì thế mà em rất sợ búp bê. Sợ lắm...

Bỗng nhiên ngực tôi xót như bị xát muối. T. vừa dùng móng tay rạch một đường dài làm tôi rướm máu.

Tôi lập tức đẩy T. ra và vào phòng tắm. Tôi không muốn nặng lời. T. vẫn mê mệt những phim với truyện chưởng chích bông rồi ngấm ngầm học theo.

Mười lăm phút sau trở ra, T. đã khoác hờ chiếc áo sơ mi vải thô màu trắng lên người. T. ngồi bó gối, đầu ngẩng cao nhìn trăng. Rèm cửa đã được kéo hết sang hai bên. Căn phòng đầy ánh sáng vàng ệch của đèn đường. Ánh sáng làm ngực T. nổi rõ và đôi chân T. thì óng mượt như được thoa mật ong, loại ong rừng cho mật đậm màu, khác hẳn loại nuôi bằng hoa táo nhợt nhạt. Tôi nhìn sang nhà đối diện, bên ấy cũng để ngỏ cửa. Tôi đến bên T. đưa tay định đóng cái khuy thứ nhất và thứ ba, nhưng bị T. gạt đi.

Tôi hỏi nhẹ:

- Em muốn uống gì không?

T. im lặng. Rất lâu. Tôi bất động nhìn đồng hồ đeo tay. Năm phút. Mười phút. Ba mươi phút.

T. chợt bật cười, thò tay bóp mũi tôi, rồi đi tắm.

- Anh bao giờ cũng làm em đau.

T. không đóng cửa. Tiếng nước nghe rõ mồn một.

T. hỏi vọng ra:

- Anh không yêu em thật nhỉ?

Tôi thoáng nhìn trời. Ngày mới gặp T., tôi đã khẳng định ngay là không. Nhưng giờ thì tôi không nói gì.

Tuy vậy, T. không bỏ cuộc. T. tắt vòi sen và lập lại câu hỏi liên tục sau mỗi mười giây.

Tôi đành nói thực.

- Em biết.

Giọng T. bình thản, hệt như lúc T. hỏi. Tiếng vòi sen lại rào rào.

Tôi bước ra ban công, rút một điếu thuốc.

Còn mấy phút nữa là trời tối hẳn. Tôi ở đây đã hai năm và bốn tháng, gần như ngày nào cũng nhìn chiều sập xuống rồi trời tối hẳn, thăm thẳm.

Khi tôi vừa châm điếu thứ hai thì T. ngồi xuống chiếc ghế mây còn lại. Hai chiếc ghế được đặt tựa tường, song song với nhau. Tôi biết T. không thích thuốc lá nên dụi điếu thuốc hầu như còn nguyên vào gạt tàn.

Chúng tôi chẳng nói gì, chỉ yên lặng ngắm mây trời xám chuyển dần thành xanh đen, rồi chẳng thấy gì nữa.

- Anh biết tại sao em ghét thuốc lá không?

Tôi quay sang nhìn T. chằm chằm. T. không nhìn tôi mà nhìn bầu trời đen thẫm. Phải năm phút sau, T. mới nhìn tôi, mắt xa xôi và kì bí như sao trời cuối thu.

T. chậm rãi búi tóc và kể:

- Bố em nghiện nặng thuốc lá. Ông thường hút một mình cạnh cây thiết mộc lan cao vống. Cây thiết mộc lan đó sau này bị chặt chỉ đến đầu gối em, tại vì cây mãi không ra hoa. Đấy là cái nhà thứ hai của gia đình em, không phải cái nhà hồi em bị nhốt anh ạ. Cái nhà này thì to hơn, ba tầng.

Tôi chờ T. kể tiếp.

- Mẹ em bảo bố mày chỉ thích nói chuyện với cái cây thiết mộc lan đó thôi.

T. nở một nụ cười kì dị.

- Hồi đó em vẫn còn nhỏ nên thích lắm, còn đi hỏi bố làm sao để nói chuyện được với cây.

Tôi định gãi cằm nhưng tay giơ lên được nửa chừng thì dừng lại.

T. bật cười, cầm lấy cổ tay tôi mà nâng lên. T. nói:

- Có cần em giúp không? Mà anh lại để râu à?

Tôi cười phì:

- Em đáng yêu phết!

T. đáp, sau khi lườm một phát rõ dài:

- Anh khéo miệng lắm!... Nhưng anh có yêu em đâu!

- Chúng ta như thế này chẳng tốt sao?

T. cài khuy cổ, nhấm nhẳng: - Không!

Tôi hỏi T. lạnh à nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Một lúc sau, tôi chợt hỏi:

- Lúc em kể chuyện ban nãy, em có nhớ được bố và mẹ em rõ ràng không?

T. ngạc nhiên nhìn tôi:

- Có chứ ạ. Sao anh lại hỏi thế?

Tôi bối rối nhìn T., thấy xa xăm như thể cả hai bị ngăn cách bởi một làn nước. Tôi đáp:

- Không có gì. Chắc tại anh nhiều khi chỉ nhớ được chuyện cũ mà không phải người cũ... phải ngồi một lúc mới nhớ mang máng mường tượng được mặt người. Mà có khi những gì tưởng là nhớ được, tưởng là chính xác,... thực ra không phải... méo mó hết.

T. định nói gì đó thì đã lặng im vì tôi đã cúi xuống, nhặt lên một sợi tóc của T. Sợi tóc dài và bóng mướt.

Giọng T. sâu hút:

- Mà sao anh lại thích Murakami? Em thấy nhiều chỗ lan man, không sắc, không thực sự dồn nén.

Tôi chạm vào bao thuốc lá rồi bừng tỉnh nên gõ gõ ngón trỏ trên vỏ bao.

- Lúc nào nghĩ chín, anh sẽ trả lời em.

Tôi nhìn bầu trời phía trước mặt mình. Mặt trăng yếu ớt không trọn vừa nhô ra đã lẩn đi đâu mất.

- Anh sẽ cố, nhưng không hứa trước được.

Tôi nói thêm:

- Không phải cứ biết hết là tốt đâu! – Tôi thấy hơi lửng lơ nên nhấn mạnh – Nguy hiểm lắm... nếu đi đến tận cùng.

Tôi không hiểu sao lại nói như thế nhưng tôi cảm giác rõ ràng mình phải nói vậy, như một cách tôn trọng T.

Tôi quay sang nhìn T.

T. xổ búi tóc đã búi chặt. Trời có gió. Tôi cơ hồ nghe được tiếng tóc T., mặc kệ dưới kia xe cộ mỗi lúc một nhiều.

T. chống tay lên thành ghế và đứng dậy.

- Em về đây.

Tôi phản xạ nhanh hơn bình thường, thậm chí tay tôi chút nữa đã đưa ra tóm lấy T.

- Em ở thêm chút nữa!

T. nhếch miệng cười, nheo mắt nhìn rồi cúi xuống hôn vào chóp mũi tôi, tóc T. thơm ngát:

- Không được, cưng ơi!

Tôi cười hắc hắc. Tôi từng rất ghét kiểu gọi này, nhưng mãi rồi cũng quen.

Khi ra đến cửa, T. ngoái đầu lại nói:

- Lúc nãy em định nhổ cho anh hai cái tóc sâu, ở chỗ mà anh bảo thấy mà không sao nhổ được ấy. Nhưng rồi lại thôi!

Tôi rượm lên tiếng thì T. đã nói tiếp:

- Em không nhớ nhà em hồi trước thế nào, lúc em bị nhốt ở nhà ấy. Em chỉ biết là có việc ấy và biết mình đã sợ thôi. Nhưng bố mẹ em thì em nhớ rõ chứ.

T. khép cửa và đi mất.

Tôi ngẩn người. Rồi tôi thấy mình thật may mắn.

Tôi không hút điếu thuốc thứ ba; đóng cửa vào nhà. Ngần ngừ một lúc, tôi để mặc rèm cửa ra ban công lẫn cửa sổ, mặc dù gió hút vào phòng khá lạnh.

Trên bàn, một mẩu giấy bị chặn dưới DVD Ella Fitzgerald Live in 57' and 63'. Chữ T. nắn nót: Anh cất cái bàn chải cũ trong bathroom đi! Ai mà chịu được, anh dã man vừa thôi chứ!

"Em là người thứ bao nhiêu nói với tôi câu này?"

Tôi duỗi dài người trên giường, chong chong nhìn trần nhà. Xem ra sắp tới tôi có một khoảng tự do dài. Hơn nữa, từ bây giờ cho đến tận tháng năm, nghĩa là tận bốn tháng cơ đấy, tôi chẳng có nhiều việc cần kíp cần bận tâm.

Tôi đọc lại Giấc ngủ của Murakami Haruki, dù gì tôi cũng muốn trả lời, theo cách nào đấy, câu hỏi của T.

Năm 2009, T. xin được một học bổng intership nên T. Quyết rời Pháp sang Canada, bất chấp sự ngăn cản của cả bố mẹ lẫn em trai. Gia đình T. ở Việt Nam, kinh tế lại không khá giả nên không thể sang tận Pháp ngăn cản T. được. Thời gian ấy, T. không nghe điện thoại và kiểm tra hộp thư điện tử.

T. muốn chạy trốn một căn phòng ở Paris, nơi có cửa mở ra một ban công kiểu cũ, được trang trí cầu kì. T. hay nhìn vào lưng một người từ phía sau. Mặt trời viền vàng rực cơ thể người đó. Khuôn mặt T. co rúm lại đau đớn; hai tiếng "người đó" sao xa xôi đến thế; xa đến mức T. vươn tay thế nào cũng chỉ có thể chạm được cái bóng trên sàn phòng của người đó. Đến bây giờ, T. có lúc còn lấy nhầm cỡ quần áo của người ở Paris khi chọn quà tặng bạn trai da trắng của T. T. giải thích là muốn mua một bộ tương tự cho em trai. T. nói mà vẫn nhìn sâu vào đôi mắt xanh lơ của bạn trai. T. tin là người con trai da trắng cao lớn trước mặt chẳng hiểu được đâu, cũng như T. gần như chỉ thấy mỗi một màu xanh ngơ ngác, chỉ thế thôi. Nếu người yêu hiện tại của T. là người châu Á, da vàng mắt đen, thì T. đã không dám nhìn vào mắt người đó.

Ngày xưa, mỗi lần đến căn phòng ở Paris, T. hay xuống buýt sớm hẳn một bến, rồi đi bộ, vừa đi vừa nhìn trời. Trời thường màu xám, thi thoảng mới rạng lên chút màu sáng hiếm hoi và giả dối. Trời không rộng mà bị cắt thành dải hẹp gấp khúc bởi dãy nhà xám cao ngút mắt hai bên đường. Có lần T. đá vào bậc lên xuống, bật cả móng chân, cho dù T. có đi giầy. Lần ấy, T. được chăm sóc, được bôi thuốc, được nấu ăn cho. Nhưng T. vẫn chẳng thể chạm vào người đó, như T. muốn, dù hằng đêm hai cơ thể vẫn vặn vào nhau, đầm đìa nhễ nhại. T. bao lần muốn bật khóc khi úp mặt vào vùng nồng rậm rạp leo ngoeo cứng.

Đám cưới sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Cô em mới sang, còn rất vểnh vì là một du học sinh, suýt xoa: "Ối giời ôi! Sao chồng sắp cưới của chị đẹp trai chế! Cứ như tài tử điện ảnh ấy!". T. bảo em cứ nấu ăn cho giỏi vào là có chồng da trắng mắt xanh đẹp tuyệt vời ngay. Cô em mặt đỏ ửng lên kêu: "Chị cứ trêu em!". T. cười không đáp. T. biết thừa là con bé đã quen mùi đàn ông từ trong nước rồi.

Hôm nhận lời cầu hôn, bạn trai đã say ngủ sau khi làm tình, T. quấn áo vào phòng tắm ngồi bó gối và khóc. T. khóc mỗi lúc một to, không sao ngăn được. T. biết tại sao mình khóc mà cũng như chẳng biết gì. T. sợ. Không biết bao lâu sau, bạn trai T. lo lắng mở cửa rồi vội vã ôm T. vào lòng. T. gục đầu áp mặt lên vòm ngực ram ráp lông và nói bằng tiếng Việt mà không biết "Em xin lỗi. Tự dưng em không biết phải làm gì cả!". Nhưng đám cưới thì T. nhất định đồng ý, không nghĩ ngợi thêm gì nữa.

Một đêm, T. dốc một nhúm cà phê french roast hiệu Tim Hortons vào miệng. Cà phê làm mồm miệng T. thắt lại, lưỡi đắng nghét. T. hát "Ô hô! Kìa những cánh chim vụt bay, về trời... Ô hô! Kìa những cánh chim vụt bay, về trời... Í a ì a i a ì a, í a i a i a ì a!...Ì a í a ì a í à ì a í a...a...". Nhưng không ai nghe được tiếng T. hát, chỉ riêng T. nghe được thôi. "Ô hô! Kìa những cánh chim vụt bay, về trời... Ô hô! Kìa những cánh chim vụt bay, về trời..." Sáng hôm sau, T. nhìn người mình sắp cưới đang say ngủ. Người đó ngủ thật không bình yên. Dường như thế. T. nhìn mãi, nhìn mãi... rồi luồn tay vào quần người đó. "Baby, please play with me now!"

Trước đám cưới, T. định đốt bản dịch tiếng Việt của "The Great Gatsby" – Đại gia Gatsby và Nỗi Lòng của Natsume Soseki – quà tặng sinh nhật của người đó. Nhưng cuối cùng, T. đưa cho cô em mới sang: "Truyện kinh điển em ạ. Cố mà đọc... Đừng bao giờ lao vào những người như Tiên Sinh hoặc Gatsby!"

- Hold me now! Please hold me tight!

T. áp má vào cánh tay nhám những sợi lông vàng xoăn ngắn tũn. T. mở miệng cắn cánh tay ấy. T. khóc. Khóc to, tiếng ồng ộc như thể cổ họng bị rách.

Tôi giật mình tỉnh dậy. 4h47p sáng. Nửa đầu cứng và đau buốt. Chiếc đồng hồ treo tường đập vào mắt như mặt người trắng ởn. Tôi vặn sáng chiếc đèn ngủ. Nhiệt độ bên ngoài chắc chỉ bốn hoặc năm độ dưới không.

Tôi vào phòng tắm rửa mặt. Tôi vặn vòi nước lạnh. Nước cắt da cắt thịt. Mắt quầng sâu, ấn tay vào lủng bủng như đọng nước. Da mặt và cả cơ thể tôi không còn được như trước nữa, không còn đàn hồi, không còn sáng, không còn mang vẻ trẻ trung chút nào nữa. Trán cũng hằn hai nếp nhăn mờ. Tôi chợt nhớ một nhân vật nam ba mươi nhăm tuổi của Murakami. Tôi bây giờ đã quá hiểu cảm giác muốn khóc của anh ta, mặc dù theo nghĩa nào đấy tôi từ lâu không cười không khóc thực thụ được nữa.

Tôi đã xa nhà gần mười lăm năm và đã đổi chỗ ở, chỗ làm việc chừng mười lần. Thời gian đầu thì háo hức vì những cái mới, cái khác nhưng giờ thì không thấy gì mới mẻ nữa, mà hoàn toàn không phải vì tôi cho rằng tôi đã biết hết hoặc đã trải nghiệm hết. Nếu tôi là anh nhân vật trong truyện ngắn của Murakami thì sao nhỉ? Vừa khóc vừa cười? Hoặc lấy tay véo mặt mình rồi đếm xem da giãn về vị trí cũ mất tất cả mấy giây?

Tôi bất giác ấn vào chiếc gương. Chiếc gương còn là cửa tủ đựng đồ dùng vệ sinh cá nhân liền bật mở. Khuôn mặt trong gương của tôi biến mất. Tôi bần thần một thoáng rồi mở hẳn cửa để lộ ra đống kem đánh răng, nước xúc miệng, đống đồ cạo râu và mấy cái cốc nhựa. Một chiếc bàn chải cũ cắm trong một cốc nhựa xanh đậm sát chiếc cốc nhựa cùng màu tôi thường dùng. Tôi bất giác thở dài, đóng cửa tủ lại. Em từng nói sợ nhất tiếng thở dài kiểu này. "Nó làm em kiệt sức, như rút hết nhựa sống trong người ra í. Chẳng muốn làm gì nữa. Chỉ còn muốn chết!" Em nói rồi nghiêng đầu cười như thiếu nữ mười sáu. Từ đó tôi vo viên hết những lần thở dài, trong quãng thời gian còn có em.

Mùa đông năm 2004, tôi gặp lại em ở Tokyo, sau bốn năm gián đoạn. Em vẫn thách thức và khắt khe như cũ. Nếu có ai dùng từ thô tục, dù chỉ vui thôi, em sẽ hạn chế nói chuyện. Nhưng các từ chỉ chuyện chăn gối hoặc các bộ phận tế nhị lại không nằm trong vùng cấm đoán của em. Em thường phát âm tròn vành rõ chữ vì em cho rằng chúng chỉ là các từ thôi, bình đẳng như mọi từ khác. Mặc dù đang ở Nhật, tôi thường xuyên nhận được các cú điện thoại đầy ẩn ý kiểu như "Come to me" hoặc "Play with me now!". Tôi thường không biết trả lời ra sao cho hay ho hoặc thú vị. Tôi gần như bao giờ cũng thấy một nỗi thất vọng sâu kín nơi em. Hơn nữa, đối tượng của nỗi thất vọng ấy không phải là tôi. Tôi từng hỏi sao em không để nỗi buồn ấy bung hết ra một lần, có khi nhẹ lòng hơn. Em lắc đầu rằng "Không được anh ơi! Nếu chỉ thế mà xong thì mọi chuyện đã ổn từ lâu rồi chứ!". Em gục đầu lên ngực tôi, khúc khích cười và cho tay thọc vào quần tôi, nhưng không cho hẳn vào quần trong. Phần đàn ông của tôi dựng đứng. Nhưng lúc ấy, tôi thực muốn đẩy em ra. Tôi chỉ muốn thế mà không làm nổi. Tôi riết lấy em mà tưởng như riết lấy không khí hoặc một thực thể rỗng, cái phần lõi đã không còn ấy thì lại ở chốn nào xa lắm, tôi chẳng thể đến được.

Tôi quay lại giường. Còn sớm quá mà công việc thì hòm hòm cả. Tôi bèn kéo ngăn tủ. Ba bốn quyển truyện của Banana Yoshimoto xộc lệch ngay trên cùng. Tôi còn nhớ khi thấychúng, em ảm đạm hẳn. Nửa đêm hôm đó, em kể cho tôi nghe về cậu em trai chơi vĩ cầm nổi tiếng từ tấm bé. Cậu em trai của em giờ đã nổi điên, sau một thời gian dài trầm cảm. Nó luôn lấy tay đập đầu. Bố mẹ em già sọm đi, như những người lạ. Em chẳng làm gì được.

"Anh biết không? Nếu không có chuyện đó, em đã chẳng già như bây giờ?"

Tôi nhìn sâu vào mắt em. Mắt em long lanh. Khi tôi đưa tay vuốt tóc em, em cụp mắt xuống. Mãi mười phút sau, em mới nói: "Em từng muốn thuê người... cho em trai xong luôn!"

Rồi mm nhìn tôi, nhòe nhoẹt. Em nói cảm ơn.

Bây giờ, nhiều năm đã qua đi, tôi mới lờ mờ hiểu được lời cảm ơn năm ấy.

Hè 2005, tôi có về nước hai tháng, mang giúp em một lá thư với chút bánh trái Nhật Bản đẹp như vẽ. Tôi còn nhớ nhà em có giàn thiên lý lá không xanh. Bố mẹ em gọn gàng giản dị nhưng không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Cậu em em đi đi lại lại lập lờ như một cái bóng. Tôi cố nán lại đến hơn hai tiếng, kể cho hai bác nghe về cuộc sống của em và xa gần về tình yêu của tôi với em. Bác gái nhìn tôi dịu dàng, nếp nhăn hơi khóe mắt hằn sâu. Bác trai không nói gì, nhìn lặng vào lồng chim chỉ có một con sáo đá đang lách chách nhảy nhót. Cậu em trai của em đúng lúc đó rú lên cười. Nó nhìn tôi giễu cợt. Tôi xấu hổ và tức giận ghê gớm. Tôi vội rời nhà em, bất kể cái áy náy rõ rệt trong mắt bác gái. Tôi thương em vô hạn và nếu là em thì tôi sẽ chẳng trở về, sẽ đi đây đi đó mãi. Gia đình bố mẹ em trai như thế thì làm sao mà chịu được.

Giờ nghĩ lại tôi mới biết mình nông cạn. Tôi đưa mắt nhìn căn phòng hoang hoải của mình. Bên ngoài trăng cuối đông mỏng tang.

Hiện tại, em đang ở Chicago. Em bảo em chọn Chicago vì thời tiết nơi đó luôn biến động, lại đông người; mặc dù, đến lúc này thì nơi nào cũng như nhau. Tôi rất muốn gọi cho em nhưng lại ngại nếu bạn trai em đang ở cùng em. Mới tảng sáng ở Chicago. Hè này, chắc tôi sẽ tới thăm em. Cũng có thể sớm hơn chút, vào St. Patrick's Day, để đi cùng em dọc con sông Chicago xanh biếc.

Tôi lật những sách mà không đọc nổi chữ nào. "Em không còn là Midori và Naoko của anh nữa." Khi nhận được bức thư đó (chúng tôi vẫn thích viết tay hơn là gửi và nhận email), tôi đã mỉm cười và trả lời đại ý rằng: em là con gái, lại nữ tính thì ít chịu ông Murakami bằng bà Banana là đương nhiên; em không hẳn thích Midori hay Naoko cũng phải thôi.

Thực ra, mùa hè vừa rồi, tôi có theo chân nhóm bạn Hồi giáo đến Chicago. Tôi không tiện tách riêng. Mà có khi trong thâm tâm, tôi cũng không muốn gặp em vội vàng gấp gáp. Chẳng để làm gì cả. Lúc nhìn chiều xuống trên hồ Michigan, tôi chợt quay ra hỏi bạn tôi rằng: cậu biết mấy người đang dùng tay vục nước kia là có ý gì không? Bạn tôi nhìn mặt hồ lấp loáng, rộng như biển và đoán rằng họ nghịch thôi; trời đẹp, hồ đẹp thế cơ mà. Tôi bảo không, họ đang bắt lấy quá khứ đấy, bắt lấy những ảo ảnh chẳng bao giờ trở lại nữa, bắt lấy quá khứ của người khác, chứ của họ thì chịu chắc. Bạn tôi lắc đầu cho rằng tôi lậm The Great Gatsby quá, còn nó chẳng phải là Nick Carraway để nghe tôi than thở. Bạn tôi ngừng một chút rồi nói thêm dù sao cái hình dung của tôi cũng hay hay. Tôi đáp là tôi nghịch, tôi bịa theo một ý cũ mèm về trăng dưới nước thôi, chẳng Gatsby gì đâu. Lúc đó, nhìn sông, nhìn những người vục nước đùa nghịch, tôi nhớ em. Em bé bỏng đến không thể nào cầm giữ nổi, lấp lánh tuột đi mất.

Tôi gấp sách lại, để lên bàn cạnh giường ngủ. Đồng hồ vẫn trắng ởn mặc dù đèn đã vặn sáng hết cỡ. Nỗi nhớ, tình cảm dành cho em đã quá lâu năm nên giờ mang một vẻ kì quái khác hẳn với những người mới bắt đầu một tình yêu. Đôi lúc nặng nề như bầu trời mùa đông sắp sa xuống, đôi lúc lại vời vợi cao xa vi vút gió; nghĩa là bị đẩy hết về biên, về cực điểm, không bao giờ dừng nổi đâu đó ở giữa. Bạn biết đấy, bình thường, thậm chí đôi lúc phải tầm thường, thì mới an ổn được; hình như tôi đọc ở đâu đó ý này.

Tôi rút lá thư cũ ra đọc lại. Lá thư em gửi tôi ngay sau lần đầu trở về Hà Nội. Em bảo em chết lặng khi nhận ra cà phê ở quán cũ hóa ra không ngon như em hình dung, không hề giống với kí ức của em. Tối đó em khóc. Hóa ra những gì em tưởng là thật, tưởng là biết đều ảo, đều là tự huyễn hoặc mình. Em quyết định không thăm lại những hàng quán cũ, những nơi chốn cũ nữa. Em kể tiếp rằng ngày cuối cùng ở nhà, chính bố mẹ em nói em hãy ra đi, bao giờ vững mạnh thì về, không cần về thăm nhà nhiều làm gì. Em thật lòng mong bố mẹ nói khác cơ. Em biết bố mẹ muốn tốt cho em, nhưng nghe vậy thì không chịu được. Em đùa rằng đã hát "Em ơi Hà Nội phố" không kém Thanh Lam là mấy, cũng như cào vào lòng người rồi. Nhưng cái Hà Nội trong bài hát ấy là ảo, như em vừa nói ban nãy, Hà Nội chẳng toàn vẹn nữa. Và em cũng thế thôi! Tôi tưởng ra khi viết câu cuối ấy, em đã cười, một nụ cười có thể có vẻ ngoài viên mãn như vầng trăng mờ ngoài kia. Sau đó, tôi cố ngăn hình dung em biến dần thành một con mèo, mặc dù hình dung đó thật sự gây cười.

Tôi còn nhớ em đã không liên lạc với tôi một thời gian dài ngay sau lá thư này. Có lẽ tại lá thư trả lời của tôi. Tôi đau đớn biết bao tuy đó không phải là lần đầu.

Hè năm ngoái, em và bạn trai đuổi theo Niels Lan Doky – một nghệ sỹ Jazz lừng lẫy có bố người Việt, mẹ người Đan Mạch - từ Chicago đến tận Tây Ban Nha. "Sau đó, bọn em cạn tiền anh ạ". Câu cuối của bức thư đó như sau, tôi nhớ như in: "Em viết thế này có hại gì cho anh không?". Tôi đã định trả lời là hoàn toàn không rồi lại thôi. Tôi đã thú thực – như chúng tôi hứa với nhau – rằng có một chút, nhưng anh đâu còn trẻ con nữa. Lạ một điều, tôi chưa bao giờ băn khoăn tự hỏi về bạn trai của em. Tôi cũng không biết nữa.

Tôi với tay lấy remote. Noctune số 1 xi giáng thứ, Op. 9 của Chopin chạy miết; số 2 dịu nhẹ quá, tôi không chịu nổi.

Hồi mới đi lại với T., tôi đã kể với T. về em và hỏi T. có thể cho phép tôi kể một vài điều với em được không. Sau một thoáng ngẩn người, T. vừa xỏ tay áo vừa bảo tôi không sao đâu. Tôi biết là tôi sai, tôi ích kỉ, thậm chí là ác nữa, nhưng tôi không đừng được. Một lần tôi bảo T. là về sau có khi tôi cũng kể về T. T. nhìn tôi rồi lắc đầu đáp: "Cũng thế thôi anh". Năm ngoái, tôi nghe loáng thoáng qua bạn bè rằng T. và chồng đang lục đục. Tôi mong T. được hạnh phúc. Tôi cũng tin T. sẽ hạnh phúc bởi vì T. là người nhân hậu và cũng tinh tế nữa. Nếu T. không được hạnh phúc thì bất công quá. Chỉ cần thời gian và T. gặp được đúng người đúng lúc.

"Đúng người và đúng lúc! Thật không dễ dàng gì! Nhưng T. chắc là được!"

Bên ngoài tuyết rơi như mưa mặc dù so với năm ngoái thì mùa đông năm nay dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi tự giễu với tưởng tượng bản thân như Gordon-Levitt trong một phim dark comedy đang nhìn xuống từ một vị trí cứ mỗi lúc một cao, thành phố không còn thấy rõ mặt người, chỉ còn li ti những chấm đen di động và lô nhô những mái nhà càng lúc càng giống nhau; chẳng ai biết người trong xe hoặc trong nhà ra sao. Người xem bỗng dưng thành Thượng Đế hoặc hồn ma cũng được, cô quạnh đến phát rồ lên được. Nhưng khôi hài chỗ nào thì tôi chịu, không tài nào nghĩ ra được, nhưng chắc chắn có tính hài hước đâu đó. Mà có khi thế đã đủ buồn cười rồi.

Bình thường, tôi ra khỏi nhà lúc sáu giờ bốn mươi nhăm, chạy độ nửa tiếng thì về nhà tự pha cà phê mà uống; sau đó, đến tám giờ mười lăm, tôi ra khỏi nhà, đi làm. Bây giờ vẫn sớm quá, vẫn kịp đọc một truyện ngắn của Raymond Carver. Tôi nói thành lời rành rọt: "Không sao! Đây là phòng của tôi mà!". Và bật cười.

Một chiều mùa xuân 2012, Thúy vào mạng trong lúc Andre, chồng Thúy, vừa huýt sáo vừa nấu ăn. Bên ngoài, áng trời đỏ rực và sông thì lấp loáng. Bờ sông lố nhố người và tiếng huyên náo vọng vào tận phòng vợ chồng Thúy. Đang có cuộc đua thuyền của giữa các trường cấp ba trong thành phố thì phải? Trời còn lạnh mà hầu hết mọi người lại mặc phong phanh, kể cả đám trẻ con bốn năm tuổi.

Thúy bất giác hít sâu và xoa xoa cái bụng nhô cao.

Thúy hay thì thầm với Andre rằng "Vợ là The Fat Girl của chồng!". Andre cảm động lắm, Andre đáp lại bằng cái ôm xiết và thứ tiếng Việt lơ lớ "Chồng yêu vợ nắm!".

Thúy mỉm cười và mở hộp thư. Có một email từ người cũ.

"Người đó có boyfriend là một cậu da trắng em ạ. Anh cũng dần kiểm soát được mình. Chuyện gì cũng qua đi thôi.

Chúc em hạnh phúc!

Và xin lỗi vì đã làm phiền em nữa!

PS. Lần đầu tiên anh có cảm giác muốn viết một thứ gì đó như tiểu thuyết. Em thấy hài không?"

Thúy hơi cáu. "Da trắng thì sao chứ? Chẳng lẽ anh cũng như bao người khác? Anh không ngờ... cũng tự ti thế! Nỗi tự ti điển hình của đàn ông châu Á!"- Thúy nhìn lại bức thư điện tử mà không đọc được chữ nào. Mẹ hồi xưa cứ khóc mãi rằng lỡ có chuyện gì thì thằng nào dám lấy mày nữa, chỉ lấy Tây được thôi. Lúc đó Thúy không hiểu mẹ đang nói gì, cũng không tưởng đến chuyện rộng với hẹp đó chứ nói gì đến những ẩn ý với ám chỉ xa xôi. Thế mà giờ mẹ vui lắm, đi đâu cũng khoe con gái may mắn, hai vợ chồng sắp đón thằng cu con kháu khỉnh, con lai kháu khỉnh bầu bĩnh phải biết. Bỗng dưng, Thúy nhớ đến một câu của Socrates "An honest man is always a child." Thúy liền thấy nhẹ lòng hơn; phúc đức tại mẫu, Thúy phải tránh những ý nghĩ không thiện. "Chắc phải bảo anh hãy về nhà. Anh xa nhà đã lâu quá, gần hai chục năm chứ ít gì".

Cuối cùng, Thúy thấy chẳng trả lời thì hơn. Không nên thêm nợ. Hơn nữa, bác sỹ chỉ cho phép Thúy dùng máy tính không quá mười lăm phút mỗi ngày. Thúy bấm nút báo thư rác.Thúy thoát ra ngoài hộp thư, tắt máy hoàn toàn.

"Vợ là The Fat Girl của chồng! Vợ là The Fat Girl của chồng! Vợ là The Fat Girl của chồng!..."

Thúy bất chợt muốn khóc, úp mặt vào ngực chồng mà khóc. Nhưng cuối cùng, Thúy chỉ hôn ngực Andre dịu dàng hết mức, nồng nàn hết mức. Rồi Thúy hôn lên cổ, lên môi Andre, cũng dịu dàng và nồng nàn như thế.

Thúy nhìn sâu vào mắt Andre, nhìn mãi. Cô quên hết những thứ khác, tất tần tật.

Cũng chiều đó, một người đi chậm dọc đường Michigan. Gió thốc từ hồ lồng lộng. Bên cô không ai cả, không da trắng hay da vàng. Từ lâu lắm cô đã không có ai. Không có ai bên cô dài hơn một tháng.

Không có ai cả. Không có ai hết.

Cô dừng lại bên một chiếc ghế đá. Ghế lạnh buốt. Cô ngồi không khép chân - kiểu ngồi chưa người quen nào cô từng tưởng tượng nổi.

"Lạnh quá!"

Cô nhặt một viên sỏi và ném xuống mặt hồ rộng như biển. Viên sỏi mất tăm mất dạng gần như tức khắc, mà cũng có ai ngoài cô thấy đâu. Sóng ì oạp. Cô thù ghét sỏi. Cô lại ao ước mình bé nhỏ như sỏi trong vòng tay ai. Giá như ai đó gạt phăng những viên sỏi của cô.

"Lạnh quá!" - Cô tự đặt tay lên vai mình. "Vươn tay chới với. Người đàn bà đợi. Cây khô bứt tiếng gọi. Lá hừng hực đỏ. Trước nhà em mà, cây nữ tu..." Cô ngửa mặt nhìn trời.

Khuất trong mây, một chiếc Boeing 767 đang bay.

Trời nhòe...

 

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k