LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Người cưa bom

166 lượt xem

Lạ càng thêm đáng sợ, bọn trẻ trong làng truyền tai nhau về sự rùng rợn ở nhà thằng Hòa. Có lần bọn nó còn góp tiền thật lớn rồi treo giải xem ai dám đến nhà thằng Hòa lấy ra một đồ vật thì được nhận số tiền đó. Tiền to, nhưng cả đám hô hào, đi được đến chân đồi cỏ bọn nó liền chạy mất dép. Nghe ra mới biết thằng Toàn to con nhất đám hô lớn "tao vừa thấy bóng ma cụt chân bây ơi" nên bọn nhỏ hơn sợ quá đến xém tè ra cả quần. Bởi vậy, chúng co chân co cẳng chạy toán loạn là chuyện đương nhiên.

Chuyện này khiến chúng sợ hãi đến mức khi nghe người lớn nhắc đến thì giống như đang nghe chuyện ma nửa đêm. Người lớn bàn chuyện thì đám nhỏ cũng không được ngồi gần. Chúng núp sau cánh cửa nghe chữ được chữ mất do đám súc vật nằm sau vườn nhà không ngừng phát ra những âm thanh ồn ào. Gà thì "cục cục" khi nằm chung một cái chuồng chật chội, vịt xiêm kêu "quạc quạc" vì chưa muốn ngủ do quá tham ăn mấy con mối cánh đậu dưới cái hố nước sũng bùn do trận mưa cách đây mấy ngày để lại. Còn mấy con bò, tôi thật sự không thích cái âm thanh ken két nhai đi nhai lại đồ ăn ợ ra từ bụng chúng một tí nào. Thầy giáo dạy sinh bảo điều chúng làm rất tốt cho dạ dày, nhưng tôi thì thấy thật kinh khủng. Mấy con heo là ồn ào nhất, vừa tham ăn vừa tục uống, suốt ngày "ục ục" như thể chúng sắp chết đói đến nơi rồi. Quay lại chuyện người lớn kể, nghe chừng con Lan em gái tôi vừa nghe được hai từ "cụt chân", chắc chúng nghĩ hóa ra thằng Toàn thấy không sai, cái bóng ma cụt chân là có thật. Mới nghĩ đến đây, tóc gáy của đám nhỏ dựng hết lên, sóng lưng lạnh buốt, tôi thấy cả đám rùng mình rồi hét lên inh ỏi giống mấy con gà bị giật mình ngoài cái chuồng kia.

Người lớn biết bọn trẻ nghe lỏm không lo học bài, nạt cho một trận, cả đám về vị trí cũ im nhóc. Một mẫu giấy nhỏ truyền tay nhau, bọn trẻ lại lên lịch gì đó. Không cần đọc tôi cũng đoán được chúng lại bày nhau chơi gì đó ngoài đồi cỏ. Bọn này cả tin lắm, phải thứ gì chúng thấy tận mắt thì mới cho là thật còn những chuyện tôi kể chúng gạt phăng. Tôi chỉ biết lắc đầu mặc kệ. Bài vở của tôi nhiều gấp mấy tụi nhỏ, không rỗi hơi lo chuyện cho tụi nó.

Hóa ra tụi nó hẹn nhau chơi trò du kích, điểm tập kết địch là nhà thằng Hòa. Bọn nó còn dùng cả bóng nước để làm bom phá địch, cả súng chuối với một ít mắt mèo phòng thân. Hoành tráng thế đấy, bọn nó sợ ngôi nhà thằng Hòa đến mức làm càng quá.

***

- Thằng Toàn đâu, mày cầm súng với hai quả bom tiến lên phía trước đi chứ. Mày to con nhất. – Cái Lan nói trong một chút sợ hãi.

- Mày đầu sỏ trò này mà, sao mày không đi trước, đứng đó mà mạnh mồm. – Thằng Toàn biết tỏng con em gái tôi chỉ được cái mạnh miệng chứ gan bé tí tẹo nên nó lấn lướt.

- Thôi thằng Toàn con trai nên dẫn đầu đi. Con gái ra trận dễ thua lắm. – Nguyên đám còn lại lao nhao nói xen vào.

Thằng Toàn thua thế, nó ngẫm trông mình cầm đầu cũng oai hùng nên tạo tư thế như tấm hình Thánh Gióng cầm gươm chỉ về phía trước hô lớn "tiến lên" như trong sách truyện của lớp hai. Cả đám chạy nhanh đến dưới chân đồi thì giảm tốc độ, đứa sau va vào đứa trước la oai oái. Gần đến điểm tập kết, đứa nào cũng có chút hoảng sợ, mấy đứa con gái run như cầy sấy. Nhìn nguyên đám người ngợm không ra gì, chúng hái cành tre với cành liễu nhét khắp người, giống kiểu hóa trang của bộ đội ngày xưa. Chỉ có bọn chúng dở người như thế, ngày xưa bộ đội đi đường rừng, dùng lá cây rừng cải trang tránh Mỹ thả điôxin. Còn bọn nó lượn lờ trên đồi cỏ, cỏ cao có hơn hai ngấn mà chúng hóa trang như vậy trông thật lố bịch. Cũng không thể trách bọn chúng được, bọn nó còn nhỏ mà. Ít ra thấy chúng thông thạo những chi tiết nhỏ như vậy mới biết chúng cũng am học lịch sử, cũng yêu thích bộ đội nhiều như thế nào.

Bọn nhỏ trườn trên mặt cỏ, trườn được khoảng hai trăm mét đứa nào cũng mệt lã, ngồi thở hổn hễn như mấy con nhái con hay nhảy đêm ngoài đồng. Tụi nó tụm nhau bàn nhỏ "di chuyển thêm trăm mét nữa tụi mày thấy tao ném quả bom vào nóc nhà ma thì cùng nhau nằm xuống dơ súng lên". Cả bọn gật đầu răm rắp.

"Bùm."

Quả bom nước của tụi nó vỡ tan, nước bùng lên cao rồi rơi xuống mái nhà lá lộp độp, chuyển màu lá cả một mảng lớn. Cả bọn nằm rạp xuống, "pặc pặc" tiếng súng chuối vang lên, tất cả trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Căn nhà im phăng phắc. Tụi nó thấy an toàn, nhà không có ai nên cùng nhau xông lên, ném thêm ba hay bốn quả bom vào nhà nữa. Càng không thấy động tĩnh, cả bọn thêm phần hứng thú, chúng hùa nhau cười ha ha rất lớn như kiểu chiến thắng đã về tay ta.

- Tụi bay thấy chưa, nhờ tao dẫn đầu nên mới thắng đấy. – Thằng Toàn vỗ ngực nói lớn.

- Thôi đi, tất cả là nhờ kế hoạch hoàn mĩ của tao nhá. – Nhỏ Lan em tôi cũng giành giật công lao.

- Ờ, thì công của cả hai mày. Nhưng mà chiến thằng này có được là do công sức của cả tập thể, không đúng sao? – Nhỏ bạn con bé Lan lên tiếng.

Thế là cả đám lao nhao, nhốn nháo để chia chác cái chiến tích mà chúng cho là vẻ vang của chính mình. Bất thình lình có tiếng động từ sau đổ dồn đến.

- Tất cả dơ tay lên!

Kèm theo câu nói vô cùng dứt khoát và hùng dũng đó là những tiếng lộp độp rất to nghe như tiếng một cái kiếng bị ném hòn đá vào trọng tâm vỡ toang một cách sắc bén. Cả bọn giật mình quay đầu lại nhìn thì hoảng sợ quỳ rạp xuống đất. Có 3 đứa con gái trong nhóm đã bắt đầu khóc.

Hóa ra, người xuất hiện từ phía sau là một ông cụ tóc bạc phơ lưa thưa chỉ mấy mươi cọng cùng một cây súng đeo trước ngực và một ống sắt rất to có cái cán dài độ 2 gang tay đang cầm bên tay phải. Gương mặt ông không rõ hình hài của những đường nét căn bản một gương mặt thường có. Đường chân mày nhẵn bóng kéo một vệt da nhăn nheo xuống hai gò má. Nơi đáng lý ra là sóng mũi lại bằng phẳng chỉ nhô lên một chút thịt giống vết sẹo lồi. Đó thật sự là một gương mặt dị hợm. Và hơn hết, ông cụ ấy không có một cái chân.

- Đứa nào tè đi, mẹ tao nói bóng ma rất sợ nước tiểu của con nít. Tụi bay nhanh làm theo đi. – Thằng Toàn vừa nói vừa run rẩy đến nấc cụt.

- Thằng Tèo tè ra quần rồi kìa, có tác dụng tí nào đâu. Nó vẫn lù lù ở đó mà. – Một đứa ngồi cạnh thằng Tèo lên tiếng.

Bọn con gái chỉ biết nhắm tịt mắt và khóc. Tôi thắc mắc là thằng Toàn có thể nghĩ ra được chuyện tè để đuổi ma nhưng sao lại không làm ngay để tránh xa cái người chúng coi là bóng ma ấy mà lại dụ những đứa khác. Có lẽ vì nó biết, sau vụ này đứa nào nhát gan sẽ bị trêu chọc đến chết mất. Nó lớn tuổi nhất đám nên vì thế gan nó cũng to hơn và cũng khôn lanh hơn một chút.

Lúc này ông cụ phá lên cười, ông cười rất to, ông càng cười, âm thanh sắc bén ban nãy bọn chúng được nghe càng hiện lên rõ ràng hơn. Bọn con trai đã bắt đầu tỉnh táo lại, có lẽ chúng đã mơ hồ nhận ra được điều gì đó. Đám con gái thì cứ ngu muội ôm mặt khóc to hơn.

Ông cụ lắc mạnh cây sắt cầm trong tay, âm thanh như tiếng súng nổ phát ra, cả đám lại được phen giật mình. Và giờ chúng đã hiểu những âm thanh ghê gớm ấy xuất hiện từ đâu. Hóa ra là những mảnh vỡ nào đó nhét trong cái ống sắt của ông cụ.

Bấy giờ ông cụ quắc quắc một đứa trẻ trong nhà để nó tiến lại chỗ ông. Đứa bé không khác ông cụ là mấy, gương mặt không một hình hài rõ ràng, trên mái đầu chỉ có đúng một chổm tóc nhỏ. Nó khác ông ở chỗ nó còn nguyên vẹn hai cái chân và nó vẫn có thể chạy được. Đó chính là thằng Hòa. Kéo đứa nhỏ ướt nhèm nhẹp lại gần, ông cụ chỉ tay vào đám trẻ trước mặt, dõng dạc nói:

- Mấy đứa đứng dậy hết đi, ta là người, không phải là ma. Tất cả đứng dậy, nghiêm chỉnh, xếp thành một hàng ngang. Nhanh! – Giọng điệu không gay gắt, không nóng nảy, đó là một giọng nói vô cùng kiên quyết, dứt khoát, trầm bổng.

Cả đám nhỏ răm rắp làm theo, tụi nó đã bắt đầu nín khóc. Nhưng mấy đứa con gái vẫn còn sợ sệt, có lẽ là vì vẻ ngoài quá xấu xí của ông cụ và thằng Hòa.

- Mấy đứa mau xin lỗi thằng bé đi. Vì mấy trò đùa vô bổ của các cháu mà thằng Hòa đã bị ướt như một con chuột.

- Bọn....bọn cháu xin lỗi ạ. Bọn cháu tưởng đây là nhà hoang, không có người ở ạ. – Cả đám lí nhí tranh nhau lắp bắp.

- Các cháu cũng không còn quá nhỏ nữa, ngày xưa, bằng tuổi các cháu bọn ta đã ra đồng làm rất nhiều việc, bọn ta còn học cả cách chiến đấu với rất nhiều kẻ thù. – Ông cụ lúc này đã nhẹ giọng hơn, nói chậm rãi và từ tốn hơn.

- Dạ, bọn cháu xin lỗi. Vì hôm trước bọn cháu tình cờ thấy một thứ gì đó ở chỗ này và bọn cháu rất tò mò. – Thằng Toàn đứng ra phân trần.

- Các cháu có thể hỏi cha mẹ, người lớn sẽ giải đáp rõ ràng. Nếu hôm nay ta không về kịp các cháu định quăng thứ gì vào ngôi nhà nát đó nữa. Thằng bé đã đủ bất hạnh rồi. Các cháu không thấy sao? – Lần này trong giọng nói của ông cụ hiện lên một chút tức giận. Nhưng rõ ràng không phải giận tụi nhỏ mà là trách cứ số phận ông trời đã gieo lên đầu thằng Hòa.

- Cháu thay mặt mọi người xin lỗi Hòa và xin lỗi ông ạ. – Cái Lan em tôi giờ mới dám lên tiếng. Bọn nó đã không còn sợ nữa mà thay vào đó là cảm giác hối lỗi.

- Ta biết rồi. Nhưng mà mấy đứa từ nay làm gì cũng cần suy nghĩ cho kĩ, những việc tưởng chừng nhỏ của mấy đứa cũng có thể làm hại người khác đấy. Đã rõ chưa? – Ông cụ nói.

- Bọn cháu cảm ơn ạ. Nhưng ông ơi, cháu có thể hỏi một câu nữa không ạ? – Cái Lan mạnh dạn nói.

- Mấy đứa muốn hỏi gì?

- Cháu muốn hỏi vì sao ông không vào làng ở với mọi người và vì sao mặt của ông lại biến thành như vậy?

- Chuyện rất dài, mấy đứa muốn nghe thì mai quay lại đây, ta kể. Lần đầu tiên thằng Hòa có bạn ghé chơi, thằng bé sẽ rất vui. Còn bây giờ mặt trời gần xuống núi rồi, mấy đứa mau về đi không người nhà lại lo. – Ông cụ nói.

- Dạ, vậy mai nhé ông. Một lần nữa bọn cháu xin lỗi ạ. Chào ông.

Nói rồi cả đám cùng nhau đi về. Không còn những nỗi niềm tò mò, không còn những lo sợ mơ hồ do chính bọn chúng tự suy diễn ra. Cả đám thở phào nhẹ nhõm như vừa nghiệm ra cho mình một chân lý mới trong cuộc đời.

Ngày hôm sau, không hẹn mà tụi nó đều mang theo đồ ăn. Thằng Toàn cầm theo hai quả ổi, cái Lan xin mẹ tôi một quả xoài to trên cây ngoài vườn. Cu Tèo mang theo một bịch bim bim màu vàng và mấy đứa kia thì có rất nhiều kẹo.

Cả đám đã thảo luận hơn một tiếng đồng hồ về hình hài của thằng Toàn và của ông cụ vào tối hôm qua. Chúng đã bắt đầu hiểu ra vẻ ngoài không phải là tất cả, mới nhìn sẽ sợ nhưng nhìn nhiều sẽ thành quen. Chúng quyết định rủ thằng Hòa đi chơi cùng để chuộc lại lỗi lầm ngày hôm qua. Chúng nó cùng nhau chạy đến ngôi nhà lá sau đồi một cách hào hứng nhưng cũng không quên rùng mình khi lướt qua bãi tha ma.

Ở đó, chúng chăm chú nghe một ông cụ có thân hình và gương mặt kì lạ kể những câu chuyện đã từng là ký ức và nỗi đau của chính cụ cũng như thằng Hòa trong quá khứ.

***

Chúng đã biết, những điều tôi từng tóm tắt cho chúng hoàn toàn là sự thật chứ không phải tôi chỉ bịa ra để giúp chung an tâm và không còn tò mò nữa. Giờ đây có lẽ thằng Hòa đã bớt cô đơn, ông cụ đã bớt một phần lo lắng cho số phận của thằng bé bất hạnh tên Hòa kia. Và có lẽ, không gì tốt đẹp bằng những đứa trẻ trong làng giờ đã có thêm những bài học quý giá trong cuộc đời của mình.

Chuyện kể rằng: "Chị nói cho mấy đứa biết, trong căn nhà sau đồi có hai ông cháu sống ở đó. Thằng bé tên là Hòa, còn ông cụ là bộ đội, là thương binh và sống bằng nghề bán vỏ bom. Ông cụ và thằng Hòa đều có vẻ ngoài rất khó nhìn. Ông cụ bị cụt một chân. Đó là một tai nạn trong lần ông cưa bom ở gần bãi tha ma. Thằng Hòa khi đó mới lên ba, nó là trẻ mồ côi, không ai chăm sóc. Nó được ông cụ lụm về nuôi dưỡng nên ông cụ phải mang nó theo mỗi khi đi làm. Và ngay khi quả bom bất ngờ nổ tung. Người ta còn tưởng hai ông cháu gần như mất mạng. Vậy mà họ vẫn sống đến giờ, chỉ là sống bằng một hình hài vô cùng đáng sợ.

Ông luôn mang theo một khẩu súng AK đã cũ rờn và không còn băng đạn cùng một cái ống sắt to ông tự hàn xì từ những quả bom cưa được. Đó là những đồ vật dùng để đe dọa những gì tổn hại đến thằng Hòa và cũng là một cách để xoa dịu những nỗi ám ảnh chiến tranh vần còn đọng lại nơi tâm trí ông. Ông cụ vẫn không đổi nghề. Và ông vẫn tiếp tục cưa bom để nuôi lớn thằng Hòa. Điều quan trọng là, thực ra ông không làm nghề đó vì mục đích kiếm tiền, mà ông làm điều đó để giúp mảnh đất chứa nhiều bom mìn của quê mình trở nên sạch sẽ. Ông không muốn có thêm bất kì đứa trẻ nào phải mang theo bên mình một số phận đau lòng như thằng Hòa nữa. Ông có một căn nhà tình thương ở trong làng, là căn nhà gần nhà thằng Tèo. Nhưng ông cụ thích ở gần bãi tha ma, nơi các đồng đội của ông đã ngã xuống trong bom đạn của giặc Mĩ. Ông ở đó để hằng đêm có thể bầu bạn, chuyện trò và thắp cho đồng đội của mình những nén hương tưởng nhớ. Cho đến khi ông về với đất mẹ, ông sẽ mãi được người làng gọi bằng cái tên đầy thương tiếc và sự kính trọng - Người cưa bom."

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư