Mẹ phải làm gương cho con

142 lượt xem
Đó là một ngày khó quên nhất trong đời bà.
***
Buổi sáng tinh mơ đi lĩnh tiền trợ cấp khó khăn ấy, tiết trời cực kỳ trong lành, cả nhà vừa tờ mờ đã thức dậy, ăn cơm sáng xong, bà và con trai thay bộ quần áo tốt nhất, trong tiếng dặn dò "Trên đường cẩn thận" của chồng, ra khỏi cửa nhà, đi đến Cục Dân chính.
Trong phòng họp của Cục Dân chính đã ngồi kín người, có những cư dân như bà đi lĩnh trợ cấp khó khăn, có cả rất nhiều phóng viên báo chí đến phản ánh việc này.
Bà và mấy chục người đứng thành một hàng, nhận tiền trợ cấp khó khăn từ trong tay lãnh đạo, những ống kính to to nhỏ nhỏ nhằm thẳng về phía họ, ánh đèn láp nhấp nhoáng hết đợt nọ đến đợt kia.
Bà nhìn gương mặt bé nhỏ của con, trong lòng thấy chua chát khó nói ra: Tuy nói mình mỗi tuần đã bớt ra ít tiền mua ít thịt cải thiện bữa ăn cho con, nhưng con đang tuổi ăn tuổi lớn, một ít thịt đó với con mà nói có thấm tháp vào đâu?
Bà dắt con vào chợ, vừa đi vừa tính toán sử dụng hợp lý số tiền 300 đồng trong tay. Đứng trước quầy thịt, bà chỉ vào miếng thịt rẻ nhất, nói với chủ quầy: "Mua một cân này!".
Con trai không chịu: "Mẹ ơi! Ít quá!".
Bà cắn răng nói: "Vậy thì mua một cân rưỡi!" Sau đó, bà cúi thấp đầu dỗ dành con trai: "Lát nữa mẹ lại mua thêm khoai tây, ninh với thịt thành một xoong, cho thêm hành hoa vào, sẽ thơm ngon lắm đấy!".
Xách thịt trên đường về nhà, con trai vẫn không vừa lòng: "Mẹ! Mẹ mua thêm ít nữa đi, nấu một xoong to, cả nhà ăn một bữa kha khá!".
Bà cười: "Tháng này tiêu hết sạch tiền, tháng sau không ăn cơm nữa ư?".
Con trai ngửng cao đầu nói: "Tháng sau chẳng vẫn phát tiền cho chúng ta hay sao? Tháng này tiêu hết, tháng sau mẹ lại đi lĩnh mà!".
Câu nói đó của con trai làm cho bà cảm thấy sốc chưa từng có, phảng phất như có một sợi dây thắt chặt trái tim bà, chặt đến mức không thể nói thành lời.
Bà không ngờ con trai lại nghĩ như vậy - Chỉ vì có khó khăn này nọ, là có thể không cần lao động, không cần phấn đấu, là có thể an tâm đắc ý dựa vào sự giúp đỡ của người khác! Lẽ nào, sau này con trai sẽ phải cậy nhờ vào bảo hiểm thấp, dựa vào tiền trợ cấp khó khăn mà sống suốt đời ư?
Buổi tối hôm ấy, nhìn những đồng tiền mới tinh nằm trên bàn, bà suốt đêm không chợp mắt được, câu mà con trai nói ban ngày cứ vang vọng bên tai bà hết lần này đến lần khác.
Bà nói với mình: Tôi biết lao động, cũng có thể lao động, đã từng giành được những danh hiệu vinh dự có liên quan với lao động, lẽ nào bây giờ què một chân thì có thể không lao động ư? Tôi còn có hai cánh tay lành lặn khỏe mạnh, cần phải dựa vào bàn tay của mình mà nuôi sống cả gia đình, nuôi sống con trai! Tôi không thể để cho con trai sau này dựa vào lĩnh tiền trợ cấp mà sống...
Một tuần lễ sau, tại một góc chợ, bà dựng lên một chõng bán bánh chẻo và vằn thắn. Bánh chẻo và vằn thắn của bà vỏ mỏng, nhân nhiều, hơn nữa tuyệt đối tươi mới và bảo đảm vệ sinh.
Một năm sau, bà mở một quán ăn sáng, nhưng trong quán chỉ có thể để ba cái bàn vuông nhỏ. Hàng ngày cứ hai giờ sáng bà đã thức dậy, những người vội đi làm ca sáng bốn mùa trong năm đều có thể kịp ăn uống ở cái quán ăn sáng của bà.
Ba năm sau, bà đã có một cái quán xếp được bảy cái bàn ăn.
Và sau đó, quán ăn của bà mở trên đại lộ phồn hoa, mặt tiền đường hoàng, có thể nhận đặt những bữa tiệc lớn đủ kiểu...
Hiện nay, những dịp lễ tết, bà có thể cùng những thành viên Ban đại diện dân phố đi thăm hỏi những hộ bảo hiểm thấp, tặng tiền tặng gạo tặng dầu... cho họ. Ngoài những lời an ủi và động viên chăm sóc, so với người khác, bà còn hay hỏi thêm một câu: "Trong quán của tôi có chỗ làm việc, anh chị có muốn đến làm không?".
Đương nhiên, con trai bà đã lớn lên thành một chàng trai, khỏe mạnh cường tráng, giống như những đứa bé khác cùng lứa tuổi. Có điều không giống chúng là, bắt đầu từ lên học phổ thông trung học, mỗi dịp lễ tết hay nghỉ hè, cậu đều làm việc ở trong quán của mẹ, cùng làm những việc như những nhân viên trong quán, cũng nhận lương như họ.
Con trai luôn luôn nhớ đến chuyện xảy ra khi lên mười tuổi, không phải là cậu ta có trí nhớ tốt, mà là do mẹ hay nhắc lại những chuyện ngày ấy, nhắc lại câu nói mà cậu đã từng nói. Mỗi khi nói hết sự kiện ấy, mẹ thường hay nói thêm một câu:
- Mẹ không muốn con sau này lớn lên lại trở thành một người sống dựa vào người khác, cho nên, con trai ơi, mẹ nhất định phải trở thành tấm gương của con!
Con trai nói:
- Kỳ thực, con ghi nhớ rõ ràng nhất là một sự kiện khác cơ. Ngày đầu tiên mẹ đi bán bánh chẻo và vằn thắn, rất khuya mới trở về, mẹ vừa bước chân vào trong nhà, đến tay cũng chưa kịp rửa, đã đi thẳng đến trước mặt con, đem một tờ năm đồng , một tờ hai đồng và bốn đồng tiền kẽm một hào xếp hàng ngang, chỉnh tề trên mặt cái bàn trước mặt con, nhìn con chăm chăm, nói: "Con trai ơi! Hôm nay mẹ kiếm được tiền rồi, đây là những đồng tiền mẹ kiếm được bằng lao động, không phải do người ta phát cho chúng ta...".
Nói đến đây, chàng trai trẻ cao một mét tám, khóe mắt đo đỏ.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×