Câu chuyện chưa có hồi kết

110 lượt xem

Cô cũng chỉ là đứa con gái ngoại tỉnh, gia đình ba đời làm nông, khi có giấy báo tin con gái đỗ đại học, bố mẹ và cả gia đình vui như mở hội, trước ngày nhập trường mổ cả con lợn nuôi định dành đến tết để làm tiệc đãi anh em họ hàng. Cả họ đâu có ai học cao, cô đỗ đại học được về thủ đô học là "oách" lắm. Bố mẹ cũng được "nở mày nở mặt", giờ đi đâu ra khỏi cổng là có người hỏi thăm chuyện cô con gái đỗ đại học.

Vì nhà có mỗi cô là học cao nhất, ngay từ năm cuối cô đã tập xác định là tốt nghiệp rồi sẽ ở lại HN tìm việc, chứ về quê biết xin việc ở đâu, làm trong bộ phận nào, tỉnh lẻ thì bé, năm nào cũng có hàng đống người tốt nghiệp đại học cao đẳng muốn về quê cống hiến, co thân cô thế cô, làm gì có chỗ để cô chen chân. Thôi ở lại HN xin vào mấy cái công ty truyền thông làm rồi có gì tính tiếp, thứ nhất cũng là để lấy kinh nghiệm làm việc, sau là chờ cơ hội biết đâu lại tìm được một công việc đúng với chuyên môn của mình.

Làm hẳn 10 bộ hồ sơ, nộp tứ lung tung vài công ty truyền thông, công ty nào cũng hẹn lịch đến phỏng vấn, và công ty nào cũng nói cần người có kinh nghiệm. "Điên mất, mới ra trường thì làm quái gì đã có kinh nghiệm, mấy lão tuyển dụng không đọc hồ sơ của người ta hay sao? Nhìn cái giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời thôi là đủ hiểu lính mới " - cô lầm bầm cầm tập hồ sơ ra bến xe buýt để bắt xe về phòng trọ.

Cuối cùng cô cũng được đi làm, làm thu ngân ở siêu thị BigC, cử nhân khoa Sử bằng giỏi hẳn hoi mà làm thu ngân đúng là lệch pha trái nghành nhưng vẫn còn hơn là không có công ăn việc làm, cứ nằm dài ở nhà, thoáng cái đã hết tháng, chủ trọ đến đồi tiền nhà biết trốn đi đâu.

Vẫn kiên trì nộp hồ sơ online qua mạng, rồi cũng có ngày một công ty truyền thông tư nhân gọi đi phỏng vấn. Lần này đã lọt vào vòng được giám đốc phỏng vấn. Vậy là sang tuần đi làm, thử việc hai tháng, lương khởi điểm là 4.5 triệu đồng một tháng, sẽ được tăng lương và đóng bảo hiểm lao động nếu làm tốt.

Cô ra chợ Sinh Viên tìm mua hai cái váy công sở. Cô không xinh, nhưng được cái chân dài, cao 1m62 so với bạn bè cùng trang lứa cũng là đáng ngưỡng mộ rồi.

Tối nay sếp mời đi uống cà phê, "chẳng biết có nên đi không?". Vừa mới được vào làm chưa biết thế nào. Chắc biết cô đang đắn đo giữa đi và ở nên sếp lại nhắn tin nói rõ là đi trao đổi vài vấn đề về công việc. Với lí do chính đáng như vậy làm sao cô có thể từ chối.

"Không biết mặc gì đi gặp sếp nữa?" - nhìn cái tủ quần áo, nói là tủ cho oai chứ đây chỉ là cái tủ vải hàng Trung Quốc trốn thuế đổ bộ vào Việt Nam qua đường biên giới, giá cả cũng chỉ hơn trăm ngàn một chiếc, gần như sinh viên đứa con gái nào chả mua, bới qua bới lại cũng chỉ loanh quanh có vài bộ, cô ngán ngẩm, lại lôi cái váy công sở mới mua ra mặc, tô nhẹ chút son cho khí thế cô mới tự tin ra ngoài gặp sếp.

Tháng lương đầu tiên sếp dúi thêm cho cô 500 ngàn, kèm theo lời nhắn nhủ kín đáo "em đừng cho ai biết anh thưởng riêng cho em, mà chúng nó lại ganh tị, mấy con cú vọ này là ghê gớm lắm".

Sếp lại mời đi lên bờ hồ uống cà phê, rồi đi đạp vịt. Thú thật là, cô học ở HN mấy năm cũng có cùng bạn bè bắt xe buýt lên bờ hồ chơi ăn kem Tràng Tiền, và mua sách giám giả nhưng chưa từng đi đạp vịt. Không phải vì cô là con người bận rộn mà cô nghĩ đây là thứ trò chơi hơi xa xỉ với một đứa sinh viên như cô, hơn nữa đạp vịt chỉ dành cho con nít hoặc những đôi yêu nhau thích sự lãng mạn...

Vợ sếp đến công ty mua liền mấy túi trái cây cho nhân viên, vợ sếp nhìn trắng trẻo, môi tô son hồng rất đậm, mặc váy đen ôm sát, chắc cũng chỉ trạc tuổi cô. Sau khi cười nói hỏi thăm từng chị em, vợ sếp đi đến bàn làm việc của cô, rủ cô ra quán cà phê gần công ti trao đổi tí việc riêng nào đó. Sự nhạy cảm của người con gái khiến cô lờ mờ đã đoán ra vấn đề... Cũng có gì đâu chứ, sao phải làm quá lên như thế, chỉ là vài lần đi uống cà phê riêng với sếp, có phải là hẹn gặp trong nhà nghỉ đâu mà đã lồng lộn lên như thế.

Lần này cô xin vào làm trực tổng đài điện thoại. Lúc đi sớm lúc đi tối, làm ca làm kíp, tự nhiên thay đổi sinh hoạt, ngày đêm thất thường khiến mặt cô nổi đầy mụn. Cô lại lang thang lên mạng, lần mò vào mấy trang việc làm tìm kiếm công việc, lại phải nhảy việc thôi chứ biết làm sao.

Ngay từ cái ngày đầu tiên đến phỏng vấn, nhìn cặp mắt cú vọ của lão viện trưởng cô đã thấy giấc mơ được làm đúng chuyên nghành học là "không tưởng", thà đừng nộp hồ sơ, thà đừng mơ tưởng có lẽ sẽ tốt hơn.

"Em đã ăn tối chưa?"

Cô không trả lời

"Cái gì cũng có cái giá của nó em ạ."

"Em cần một công việc, còn anh cần em. Huyền ạ."

Giá như cô giống người phương Tây, có cái tư duy "Lý tính". Vì cô biết đa số người Á Đông, đều tin vào số mệnh. Số mệnh của cô không phải là "hồng nhan bạc phận", vì cô không phải là đứa có nhan sắc gì cho cam. Nhưng cô tin cái số mệnh "không ra gì" của mình, tại sao cứ phải vạ vào những người đàn ông có gia đình rồi chứ.

***

Cô đến thăm anh trong bệnh viện. Cô cũng không biết anh bị làm sao phải nhập viện, chỉ nghe tin anh ở viện là vội lao đến thăm anh. Anh trách cô không gọi điện báo trước.

Liệu cô có nên nói với anh về cái que thử thai không nhỉ? Thôi đợi anh khỏi ốm ra viện rồi nói cũng chưa muộn.

Hôm nay chủ nhật, cũng là ngày trực của anh ở đơn vị. Tối anh dắt xe máy ra bảo đưa cô đi lòng vòng chơi hóng gió, cô từ chối và dúi vào tay anh cái que thử thai. Anh điềm nhiên nhứ không hề có biểu hiện bất ngờ, con người anh là vậy, cô thích cái vẻ lầm lì ít nói của anh, nhưng biểu hiện quá bình thản trước vấn đề này của anh khiến cô cảm thấy tức giận, cô gườm gườm nhìn anh đang chăm chú nhìn xuống cái vạch màu hồng. Anh nhẹ nhàng ôm chặt lấy cô và bảo cô lên xe để đi ăn mừng chuyện tốt lành này.

- Anh muốn em thôi việc nghỉ hẳn ở nhà, anh sẽ lo hết mọi sinh hoạt phí cho em. Em cứ yên tâm dưỡng thai chờ ngày sinh nở.

- Ở nhà không làm gì cũng buồn thôi cứ để em đi làm, công việc cũng đâu có nặng nhọc gì, chỉ là ngồi một chỗ nghe nhận điện thoại.

- Ngoan nào! Đừng có cãi anh! Em đang mang thai con của anh đấy, em tưởng nghe nhiều điện thoại là không có hại chắc.

- Anh nghĩ nó là caon trai hay con gái - cô e dè hỏi.

- Chắc chắn là thằng cu rồi! Anh đã tính toán rất chính xác, tính theo bảng sinh con theo ý muốn thì đúng là thằng cu đấy - Anh nói và cười rạng rỡ khiến cô cũng đinh ninh theo cái bảng tính trên mạng kia.

Anh lại bắt đầu hào hứng:

- Nếu con trai thì sẽ theo bố, sau này cho nó vào bộ đội.

- Làm chiến sỹ vất vả lắm.

- Phải được rèn rũa kỷ luật nó mới nên người, mới mạnh mẽ như bố nó. - Anh lại cười khùng khục có vẻ rất tâm đắc.

Vậy là cô chính thức nghỉ việc, chỉ còn cái bộ hồ sơ đăng nằm trong tay ông viện trưởng viện Khoa học phát triển và nghiên cứu TN là đang dở dở ương ương. Nếu vào được đó thì mới gọi là ổn định. Con gái chỉ cần một công việc ổn định để có thời gian chăm lo cho gia đình, đó là ước mơ của biết bao người phụ nữ như cô. Giờ có bầu chuẩn bị làm mẹ cô lại càng thấm thía điều này. Chả trách gia đình cái L (bạn học hồi cấp ba của cô) cứ chạy vạy hết cửa nọ cửa kia để nó được vào cơ quan nhà nước làm việc.

Vừa nhắc đến đã thấy gọi điện, đúng là "thiêng " :

- Lại "tạch" phát nữa rồi mày ơi!

- "Tạch" ở đâu?

- Bà già nhắm xin cho tao vào làm giáo viên dạy Văn trong trường cấp ba huyện trên, huyện miền núi đặc sệt luôn, đã đưa 80 triệu rồi, bảo là khi nào xong xuôi thì đưa nốt số còn lại. Mà sáng nay nó trả lại hồ sơ và 80 triệu.

- Hay người ta chê ít!

- Thì bố mẹ tao cũng nghĩ như thế, nên cũng ướm hỏi xem như thế nào, nếu đòi hơn thì cũng cố gắng lo, nhưng họ bảo vị trí đó có người đặt chỗ rồi. Nghe đâu con trai ông hiệu trưởng sang năm tốt nghiệp...

- Thôi vậy, không giúp được họ cũng nói thẳng và trả lại tiền không thiếu một xu là tốt rồi.

- Ừm, đành chờ đợi tìm cửa khác vậy chứ giờ biết làm sao?

- Đáp xe xuống HN chơi với tao đi!

- Nhưng mày bận đi làm mà rủ tao xuống làm gì!

- Tao cũng nghỉ việc rồi!

- Ừ để tao xem đã.

Nhắc đến mới nhớ, ông anh họ trong Quảng Bình còn cầm 15 triệu gọi điện đòi mãi vẫn chưa chuyển trả cho bố mẹ cô. Hồi trong tết người anh họ này về quê ăn tết, lời qua chuyện lại bố mẹ cô có nhờ anh xin việc giúp cô, anh nói chắc như đinh đóng cột là ở khu vực miền núi chỗ anh công tác đang thiếu giáo viên trầm trọng, từ giáo viên môn chính đến giáo viên môn phụ đều cần người về cống hiến. Bố mẹ và cả cô đều đặt biết bao hi vọng, gom góp cả nhà cả cửa được 20 triệu, rồi vay thêm anh em nội ngoại chục triệu, cả thảy 30 triệu đưa tận tay người anh họ để vào Quảng Bình lo việc cho cô.

Ba tháng trôi qua, sốt ruột quá cô đánh bạo gọi điện hỏi thẳng, người anh họ bảo chờ đợi, lại thêm ba tháng nữa, cô gọi lại cũng bảo chờ thêm ít thời gian nữa, có giấy báo trúng tuyển anh sẽ gửi ra liền. đến tháng thứ 8 cô quyết định gọi hỏi xin lại số tiền 30 triệu, ông anh nói đã nộp cho người ta rồi. Cả bố lẫn mẹ gọi điện liên tục nói khéo xin lại số tiền đã đưa , cuối cùng người cháu họ cũng chuyển trả vào thẻ cô 15 triệu. Giờ chỉ còn hơn tháng nữa là sang năm mới mà đã chuyển hết số tiền còn lại đâu, đòi đi đòi lại vẫn ứ ì ra đó.

Lão viện trưởng lại nhắn tin đến máy cô: "em that la goi dien khong nghe may"

Lần đầu cô đến gặp lão, người đàn ông ngoài ngũ tuần, lớn hơn tuổi bố cô ở trên quê nhà, viện trưởng có khuôn mặt vuông chữ điền, nước da dám nắng, cử chỉ phong độ trong chiếc áo sơ mi cộc tay kẻ sọc xanh đóng thùng với quần tây đen. Vẻ giản dị, ăn nói từ tốn khiến nó hay bất cứ người nào gặp qua cũng có cảm giác tin tưởng. Sau khi xem hồ sơ của cô, vị viện trưởng nhã nhặn nói:

- Ở chỗ anh...

Cách xưng hô vừa thoát ra khỏi miệng rất nhẹ nhàng nhưng lại khiến cô giật mình, vậy mà lúc đầu vào phòng gặp, cô đã chào và gọi viện trưởng là "Chú".

- Ở chỗ anh bạn nào cũng hiền lành ngoan ngoãn chứ không xô bồ bon chen như ở các công ty tư nhân, môi trường làm việc ôn hòa, anh chị em quan tâm lẫn nhau như người một nhà, khi ốm đau hoạn nạn có đoàn thể hỏi thăm giúp đỡ, công việc cũng rất nhẹ nhàng chỉ là ngồi đọc sách và ghi chép.

- Vâng ạ! - Cô đáp

Viện trưởng nhìn cô chăm chú như để cố gắng đọc hết những biểu cảm trên gương mặt cô, ngưng một chút rồi lại tiếp lời:

- Nếu em muốn, anh sẽ sắp xếp cho em một vị trí, ngành học của em mà vào viện anh làm thì quá phù hợp còn gì... Có gì tối về anh nhắn tin cho em nhé! Em đừng gọi điện cho anh, vì anh còn có gia đình, khi nào anh nhắn tin thì em nhắn lại.

Nhì nhằng mãi, hết ngày này qua ngày khác, cũng chẳng thấy công việc "đầu cua tai nheo" như thế nào, thỉnh thoảng cứ nhắn tin qua nhắn tin lại gạ gẫm chuyện quan hệ xác thịt, cô không trả lời lại tin nhắn nào cả. Nhắn chán mà vẫn không thấy người ta bật đèn xanh cho mình, khiến vị viện trưởng cũng nản, lại chuyển sang gọi điện thoại buổi trưa, vị viện trưởng từng khoe chức vụ của lão tương đương với hiệu trưởng một trường đại, mỗi lần gọi điện cho cô lại than phiền vì sự bất hạnh của một người đàn ông đang độ sung mãn, nhưng vợ không đáp ứng được do bị ung thư cổ tử cung.

Lão cố gắng nhồi nhét vào đầu óc cô một số quan điểm sống mà lão cho là rất hiện đại, rất văn minh với lí luận thế này: "em cũng giống như cái ao bèo, bèo mọc che kín mặt ao, anh giống như một hòn đá ném xuống khiến bèo dạt ra, sau đó nó tụ lại như ban đầu, có mất mát gì đâu". Cô quyết định thay một cái sim điện thoại mới. Dù sao cô cũng sắp làm mẹ, cũng không mặn mà lắm với công việc. Không phải anh cũng bảo cô thôi việc ở nhà anh nuôi đó sao.

Bố mẹ đánh điện xuống hỏi thăm cô vì sao lâu không thấy về thăm quê, cô viện đủ lí do để che dấu:

- Con mới ra trường xin mãi mới được một công việc, người mới nên phải chăm chỉ nhiệt tình để chứng tỏ bản thân với cấp trên.

Nào lại là:

- Con phải trực hộ cho chị này chị kia, người mới nên phải lo lấy lòng mọi người, để mọi người không nói xấu sau lưng mình với cấp trên.

Cứ quanh quẩn trong cái phòng trọ, sáng nào cũng đi chợ về nấu ăn bữa trưa và bữa tối, tối đến lại mở cái máy laptop ra cày hết bộ phim truyền hình này đến bộ phim truyền hình kia, hết phim Trung Quốc, phim Hàn, sang phim Thái. Xem hết những bộ phim truyền hình của năm thì cái bụng cũng to ngật ngưỡng.

Có lẽ vì bầu bí nên anh cũng ít đến. có tuần đến được một buổi, có tuần lại không. Thì cũng có khác gì, ngày xưa cũng thế, mỗi tuần chỉ gặp nhau được một lần, họa có hôm nào anh tan làm ghé qua đưa đi ăn thì xuê xoa cộng thêm ngày bên nhau. Anh cũng nói hãy thông cảm cho anh, anh là quân nhân, thời gian eo hẹp, đã là người phụ nữ của anh thì phải mạnh mẽ, giống như thời ông cha chúng ta, chồng đi chiến trường biền biệt, không có lấy chút tin tức, người vợ ở nhà làm hậu phương vững chắc, chăm lo việc đồng áng, quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy con cái cho nên người và chờ đợi.

Anh là người theo "trường phái bảo thủ", yêu những giá trị truyền thống, hơi cố chấp và gia trưởng. Nhưng cô vẫn yêu và có chút "thần tượng". Anh là mẫu người đàn ông theo đúng cái fom tiêu chuẩn mà thời sinh viên cô hằng ôm ấp: già dặn, chững chạc, có chí tiến thủ trong sự nghiệp.

Không sớm không muộn khi bác sĩ báo tin:

- Bé vẫn khỏe mẹ yên tâm, bé nhà mình giống mẹ nhé.

Cô cứ mong là mình nghe nhầm, nhưng tháng sau đi khám thai định kỳ, bác sĩ mới nhưng lời lẽ vẫn cũ "bé giống mẹ". Cô hơi thất vọng nhưng vẫn vui vẻ. Cô cũng không báo về giới tính của con cho anh.

- Thế bác sĩ bảo con trai hay con gái? - Anh hỏi cô.

- Bây giờ người ta cấm không cho tiết lộ giới tính thai nhi, mà em cũng không hỏi, cứ để đẻ ra thì biết mới thú vị.

Anh lặng im không nói gì. Cô biết anh sốt ruột muốn biết giới tính con mình. Anh vốn là con trai độc đinh trong nhà, trên anh có ba người chị gái. Cô thần tượng anh vì anh vốn chỉ là chàng trai ngoại tỉnh nghèo, đã nỗ lực học và vươn lên vị trí nhất định, có thể tự mua xe, mua đất mua nhà mà không một ai trợ giúp. Vợ anh là giáo viên, là một người phụ nữ thủ đô xinh đẹp và điệu đà, nếu như chị sinh được cho anh một thằng cu có lẽ anh và cô đã không có duyên nợ với nhau như bây giờ. Cả hai vợ chồng anh đều là công chức nhà nước không thể sinh thêm đứa con thứ ba, hơn nữa năm tới anh sẽ được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, anh không muốn vi phạm vào bất cứ điều luật nào của Nhà nước.

Người ta đi đến hết con đường này đến con đường khác, nhưng có mấy người quay đầu nhìn lại con đường mà mình đã đi qua. Có thể vì họ nghĩ có quay đầu nhìn lại, thì mình cũng đã đi qua rồi, nếu có điều gì đặc biệt trên đường đi hẳn người ta đã dừng lại.

Cô cũng không biết vì sao cô lại quen được anh, đứa bé đã ra đời - một bé gái đáng yêu. Bố mẹ cô biết chuyện, cũng chỉ tặc lưỡi "con dại cái mang". Bà ngoại phải xuống trông nom chăm sóc cho hai mẹ con cô. Anh vẫn chuyển tiền đều vào ngày 10 hàng tháng, mỗi tháng cũng đến thăm mẹ con cô một lần. Cô có cảm giác sau sinh, tình cảm của hai người nhạt nhẽo dần. Đứa trẻ sắp một tuổi rồi, cô lại lang thang lên mạng tìm việc làm, không thể cứ trông chờ vào số tiền anh gửi cho cô, hơn nữa con đã lớn nhiều cái phải chi tiêu hơn, số tiền trợ cấp hàng tháng của anh với mẹ con cô không đủ, cô chắc chắn là không dám mở miệng xin anh đưa thêm tiền rồi.

Lại nhớ lời hứa của vị viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển TN ngày nào, cô cầm chiếc điện thoại lên nháy số. Dù không biết ai, nhưng lão cũng gọi lại cho số lạ.

- A lô! Anh Đ ạ! Em Huyền đây, anh thế nào?

- Huyền à em! Anh vẫn khỏe! E thế nào, đã chồng con gì chưa?

- Em có một cô con gái một tuổi anh ạ!

- Thế ông xã thì sao?

- Bỏ rồi ạ!

- Không hợp nhau thì bỏ là giải thoát cho nhau em ạ! Như thế lại hay! Anh thích phụ nữ đã trải nghiệm rồi... Người chưa trải nghiệm khó nói chuyện lắm em ơi.

- Em đang cần một công việc! Anh có thể giúp em không?

- Anh muốn gặp em. Phải gặp nhau thì mới biết em có thể làm được những gì để anh biết đường còn sắp xếp.

- Vâng.

- Em có ở HN không. Có gì nhắn tin địa chỉ cho anh. Anh phải vào họp rồi.

- Anh vẫn thế, suốt ngày họp hành anh nhỉ? Giá như em được chút bận rộn của anh!

Có tiếng cười khùng khục:

- Hay em làm thư ký cho anh! Có gì tối anh gọi lại cho.

- Máy em cũng hết tiền rồi, không thể nhắn tin được nữa. Có gì anh gọi cho em nhé!

- Được rồi! Tí nữa tan làm anh sẽ nạp thẻ cho cưng.

***

 

Cô gọi điện về nhà gặp đứa em gái, vừa thấy tiếng nó "a lô", cô đã gào lên trong ống nghe:

- Sao mày làm hồ sơ xét tuyển vào đại học không thông báo với chị.

Đứa em gái cãi lại:

- Thì mấy lần gọi muốn nói với chị mà chị cứ kêu bận suốt, bảo sẽ gọi lại cho em mà có thấy gọi lại đâu.

Cô ớ ra, chợt dịu giọng:

- Sao không chọn thi khối A, B, D mà lại chọn khối C chứ. Giờ giới trẻ có mấy ai thi khối C, đã vậy lại chọn khoa Sử làm quái gì. Ra lại không có công ăn việc làm.

- Nhưng em chỉ học được khối C, em cũng muốn thi khối A, nhưng chắc sẽ trượt thôi.

- Giờ học nghành xã hội ra thất nghiệp ầm ầm toàn đi làm trái ngành, không học được không thi được cũng cứ nộp hồ sơ đi thi, đại học cao đẳng không đủ điểm thì vào trung cấp. Hệ trung cấp nó đâu có thi mà chỉ xét học bạ mà. Học gì cũng được, miễn đừng học những nghành xã hội.

Nó nói giọng dứt khoát:

- Em học Sử thì đã sao chỉ cần em thích là được, tương lại em chưa muốn nghĩ đến.

Cô tức giận vì sự bảo thủ của đứa em:

- Đúng là con nít thích mơ mộng hão huyền, lúc vỡ mộng đừng trách chị đây chưa không cảnh báo nhé!

Cô tắt máy quá nhanh nên không nghe được lời hồi đáp của đứa em gái:

- Em sẽ không hão huyền.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×