Trở về

103 lượt xem
Thời gian qua đi. Cái gì quen? Cái gì lạ? Cái gì xa? Cái gì gần?
Cái gì đã quên? Cái gì còn nhớ?
Ai lặng lẽ đi xa?
Và rồi ai, lại lặng lẽ trở về?
***
Nắng vẫn vàng. Vàng những căn nhà cao tầng mới mọc lên san sát. Vàng những chiếc xe máy, ô tô đắt tiền mà cách đây khoảng chục năm còn chưa xuất hiện. Vàng con đường đã quen vụt trở mình lạ lẫm.
Trời vẫn lạnh. Lạnh căm căm những bàn tay gầy guộc run run chạm vào từng hình ảnh mơ hồ. Lạnh cắt da cắt thịt, cắt cả lòng người.
Nhà. Lạ lắm. Xe. Lạ lắm. Nắng, nơi đâu cũng nắng vậy mà cũng lạ. Người, cùng một dáng hình, cùng một màu da, tiếng nói, cùng khuôn mặt trong trí nhớ đã phủi bụi, chỉ thêm vài dấu vết thời gian, vậy mà sao, vẫn lạ.
Chỉ có lạnh là quen.
Lạnh như những ngày núi ngâm mình trong sương giá, lạnh như những bếp lửa hồng đẫm hơi thở mùa đông, lạnh như giục hoa mơ, hoa mận đừng nở muộn.
Cơn gió lạnh buốt khiến nắng thêm ảm đạm. Chàng trai trẻ tháo găng tay, cởi luôn chiếc khăn len nãy giờ vẫn quàng quanh cổ.
Lạnh, quen quá! Lạnh như vậy, anh mới biết mình không đến nhầm đường.
Lạnh như vậy, anh mới biết, đây là nơi anh được sinh ra, đây là tuổi thơ của anh.
<img alt="tro-ve" data-cke-saved-src="https://www.truyenngan.com.vn/images/Phuongvtm/2014-08/tro-ve.jpg" src="https://www.truyenngan.com.vn/images/Phuongvtm/2014-08/tro-ve.jpg" width:500px"="">
"...Cha chạm vào, loang lổ rêu phong, mơ các con trở về. Về lại mái nhà xưa, về với tiếng cười thuở ấu thơ..."
Không biết nhà ai lại bật bài hát xưa như thế...
Bước chân dừng lại trước góc tường loang lổ rêu phong, mờ mờ dấu than củi năm xưa ai đó nguệch ngoạc viết nên những nét chữ trẻ con.
Dòng chữ đã mờ lắm rồi, nhưng anh vẫn dễ dàng đọc được. Vì, dòng chữ không in trên tường, mà in trong trí nhớ.
Bàn tay run run chạm vào rêu phong loang lổ.
Khóe môi cũng run run.
Một giọt nước lạnh buốt lặng lẽ rơi xuống.
Là ngày đông miền núi quá giá lạnh, hay là khóe môi bất chợt run run vì cố hát theo những lời hát kia.
Căn nhà cũ nhỏ lắm, nhỏ tới mức, chẳng chịu chút ảnh hưởng nào của sự thay đổi ngoài kia. Căn nhà ba gian, một gian khách đặt bàn ghế uống nước, đặt cả bàn thờ gia tiên, một gian buồng trong đặt giường bố mẹ, một gian ngoài là giường ngủ của mấy bà cháu, cũng là góc học tập nhỏ.
Cửa sổ là hai ô vuông sát cạnh nhau, cánh cửa là tấm ván gỗ bố xin lại của nhà họ hàng nào đó. Cửa sổ bình thường luôn mở. Lúc mưa to gió lớn, bố cười bảo con trai ra nâng cánh cửa lên, để bố đứng trong kéo vào, chốt lại. Con trai tự hào cho rằng, à, thì ra bố phải nhờ mình giúp mới làm được. Nhưng, khi con trai nhận ra sức một người có thể dễ dàng kéo cánh cửa kia lên và chốt lại, thì chẳng còn cơ hội để vạch trò lừa bịp năm xưa của bố nữa.
Xung quanh nhà trồng nhiều chuối tiêu, bố bảo "Như vậy mới giống quê mình!".
Con trai không biết quê bố nói đến là quê nào? Chẳng phải từ bé con trai chưa rời khỏi mảnh đất này sao? Chẳng phải đây là quê mình sao? Nhưng, khi con trai đặt dấu chân lên khắp các con đường to lớn hay nhỏ hẹp, in dấu tay của mình lên khắp các vùng quê, khi con trai biết, quê trong lời bố, là cái nơi bố đã sinh ra, là cái nơi bố đã rời đi khi chưa tới 10 tuổi kia, khi con trai giật mình thảng thốt đi tìm vùng quê trong lời kể năm xưa ấy, thì vùng quê của bố, lại chỉ còn lại ở căn nhà cũ này thôi.
Bố thích đánh cờ, thường đánh cờ đến đêm muộn mới về nhà. Con trai không muốn bố đi nhiều như vậy, không muốn bố về khuya như vậy, con trai nói "Sao bố không ở nhà mà cứ đi suốt thế?".
Bố chỉ cười "Bao giờ con trai đánh cờ được với bố, bố sẽ không đi nữa!".
Con trai không thích đánh cờ như bố. Con trai thích bóng đá, thích cầu lông.
Cho đến khi con trai học cờ tướng, có thể đánh cờ ngang tay với nhiều người được coi là cao thủ, thì lại chẳng so cờ được với bố nữa rồi, cũng chẳng thấy bố cầm quyển sách dài loằng ngoằng lẩm bẩm "tướng sĩ tượng xe...".
Chỉ còn bàn cờ gỗ với những quân cờ tróc nước sơn lặng lẽ trong một góc phòng, lặng lẽ làm bạn với con trai.
Hoa mơ nơi góc vườn đã nở rồi. Trắng cả cành cây, chẳng thấy lá xanh non, nhưng mùa xuân sắp về rồi đấy.
Người con trai thở dài lắc đầu, hình như muốn xua đi cái gì đó.
Đã bao nhiêu năm rồi. Nhà đã cũ rồi, chỉ còn mơ hồ nhận ra hình dáng ngôi nhà. Căn nhà cũ nhỏ như vậy, yếu như vậy, làm sao chống lại được sự càn quét của thời gian. Vườn nhà cũng đã sắp thành vườn hoang rồi. Cây cối năm xưa bố trồng giờ đổ nghiêng đổ ngả, cây nào còn trụ vững cũng bị dây leo phủ kín.
Thế mà anh vẫn nhớ, gốc cây nào trông như thế nào, chạm vào góc nhà nào có cảm giác thế nào.
Thế mà, anh vẫn nhớ, hình ảnh những giọt mưa lất phất bay qua cửa sổ, in xuống nền những vệt nước dài, vẫn nhớ cái cảm giác gió lùa vào khe cửa, lạnh tím tái đôi chân trần.
Thế mà, dòng thời gian ác nghiệt ấy, sao không vùi lấp đi trí nhớ của anh? Dòng đời vẫn ngược xuôi, vẫn xô bồ ngoài kia ấy, sao chẳng chịu quét đi những kí ức tuổi thơ còn lại?
Người đàn ông trung niên đứng bên kia hàng rào, nhìn cậu trai trẻ đang trầm ngâm cạnh góc tường cũ, trên khuôn mặt già nua khắc khổ của ông khẽ nở nụ cười. Nụ cười giống như thấu suốt được điều gì. Giống như, ông đọc được suy nghĩ, nhìn được cảm nhận của chàng trai trẻ.
Ông cũng đâu biết cậu trai trẻ đó có cảm thấy như vậy thật không, nhưng vẻ mặt đó, những hành động đó, làm ông như nhìn thấy hình ảnh của chính mình, làm ông nhớ chính mình đã từng có khi nào giống như thế.
Ông đi vào nhà, ôm bàn cờ tướng đã cũ ra, đi sang sân của căn nhà cũ, khoảng sân cỏ dại mọc kín.
- Này chàng trai trẻ, ngồi xuống đánh cùng tôi ván cờ. Ngày xưa bố cậu cũng hay đánh cờ với tôi lắm đấy.
Chàng trai trẻ giật mình, giống như vừa bị dứt ra khỏi dòng hồi ức. Cười cười ngồi xuống phía đối diện.
- Lâu rồi không gặp bác. Bác vẫn khỏe chứ ạ?
Bác già cười cười đặt quân cờ xuống bàn, "cộp" một nhát:
- Ừ, vẫn khỏe.
Mặt trời dần dần ngả về rặng núi nhàn nhạt, mờ mờ ở phía Tây. Nắng nhạt dần.
- Chiếu tướng.
Giọng chàng trai trẻ vang lên, chấm dứt thế cờ dang dở.
Bác già trầm ngâm, đôi mắt già nua nheo lại, vẫn dán chặt bàn cờ.
- Đúng là hậu sinh khả úy.
Sương giá lẳng lặng giăng khắp các ngóc ngách. Chàng trai lẳng lặng giúp bác già thu lại bàn cờ, vừa kịp cất đi những quân cờ đầu tiên. Thì bất chợt, nghe thấy bác già cất tiếng:
- Này chàng trai trẻ, năm xưa bố tôi cũng muốn tôi ngồi lại cùng đánh cờ với ông như thế này.
Chàng trai đưa mắt nhìn bác già chăm chú, như muốn nghe cho hết lời ông muốn nói.
- Bây giờ tôi cũng muốn con trai tôi ngồi lại đánh cờ với tôi.
Chàng trai lên tiếng, giọng nói có chút ngập ngừng:
- Vậy con trai bác... không bao giờ đánh cờ với bác sao?
Bác già khẽ lắc đầu, vừa đưa đôi tay già nua xếp những quân cờ còn lại thành một bàn cờ không hoàn chỉnh, vừa trả lời:
- Chúng nó còn ở phương trời nào xa lắm.
Mặt trời đã khuất bóng, đêm dần buông.
Giữa hai người một già một trẻ, là một ván cờ mới dang dở.
Minh Nguyên
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×