Con trai người gác cổng - Phần 1

304 lượt xem
Con trai người gác cổng - Phần 1,Con trai người gác cổng,Đọc truyện Con trai người gác cổng - Phần 1,Truyện cổ Andersen,Truyện cổ Andersen hay đặc sắc,Truyện Andersen chọn lọc

"Thật bõ công để kể về câu chuyện con trai người gác cổng!" - đó là lời kết của Andersen cho câu chuyện này, một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu như tất cả những câu chuyện mà chúng ta vẫn thường đọc, nhưng hãy đọc thật kỹ, chẳng có phép mầu nào đưa một chú bé con trai người gác cổng trở thành cố vấn của nhà vua, và lấy cô tiểu thư xinh đẹp. Đó là câu chuyện của sự nỗ lực không ngừng và khôn ngoan.

Quan Đại tướng ở trên gác, người gác cổng ở dưới nhà hầm. Hai gia đình sống rất xa cách nhau, trước hết là tầng dưới nhà ngăn biệt họ, sau nữa là do sự khác nhau về đẳng cấp. Nhưng họ cùng sống dưới một mái, cả hai tầng nhà cùng trông ra một phố và nhìn ra một sân.

Trong sân có một bãi cỏ, ở giữa có một cây dạ hợp ra hoa vì lúc ấy đang mùa dạ hợp nở. Thỉnh thoảng chị vú em ăn vận đỏm dáng quá mức đến bên gốc cây, tay ẵm đứa con gái quan Đại tướng, cô bé Êmily, ăn vận còn đỏm dáng gấp mấy lần chị vú kia. Trước mặt cô, cậu con trai người gác cổng, chân đất, đang nhảy múa. Chú có đôi mắt to, đen và bộ tóc hung hung đỏ. Cô bé mỉm cười và giơ đôi bàn tay xinh xinh về phía chú. Khi quan Đại tướng đứng trên cửa sổ nhìn thấy cảnh tượng ấy ngài gật đầu mà rằng: "Thật là tuyệt!"

Đại tướng phu nhân, trẻ đến nỗi người ta có thể tưởng lầm là con gái của đức ông chồng, không bao giờ thèm nhìn qua cửa sổ xuống sân. Bà đã ra lệnh rằng thằng cu, con cái nhà ở dưới hầm, rất có thể được chơi đùa trước mặt cô chiêu để mua vui cho cô, nhưng không được động vào cô bé. Chị vú em rất trung thành với mệnh lệnh của bà chủ. Nắng soi vào nhà những người ở dưới hầm, cũng soi vào nhà những kẻ ở trên gác. Hoa dạ hợp theo từng mùa nở rồi lại rụng. Năm sau cũng lại thế. Chú bé con người gác cổng bụ bẫm, cái đầu đáng yêu với đôi má hồng giống như một bông hoa huệ to đang nở. Cô con gái quan Đại tướng thì thanh tao và xinh xắn, da trắng hồng như hoa dạ hợp. Cô rất ít khi đến dưới gốc cây. Cô thường đi xe ngựa ra ngoài hóng mát với mẹ. Khi đi và khi về bao giờ cô cũng gật đầu với con trai người gác cổng tên là Gioóc: Ừ, mà cô lại còn lấy tay ra hiệu gửi cho chú những cái hôn, cho đến khi mẹ cô bảo rằng bây giờ lớn rồi, làm như thế không còn hợp nữa.

Một buổi sáng, Gioóc phải mang cho quan Đại tướng báo chí, thư từ gửi đến nhà từ lúc sớm. Khi leo lên cầu thang, đi ngang qua trước cái ngăn chứa cát chú nghe thấy bên trong phát ra tiếng chiêm chiếp. Chú tưởng đấy là tiếng kêu của một con gà bị lạc vào đấy. Nhưng hoá ra là con gái quan Đại tướng, cô Êmily mặc toàn hàng sa mỏng và đăng ten.

Cô thì thầm: - Đừng nói gì với ba má nhé, không thì ba má lại giận đấy!

Gioóc hỏi: - Nhưng cái gì thế mới được chứ?

Cô trả lời: - Cháy cả rồi, bốc lửa tất cả rồi!

Gioóc nhảy phắt lên thang và vào nhà quan Đại tướng. Chú mở cửa buồng cô bé. Những bức rèm đã gần thành tro, còn những cây suốt bằng sắt thì đỏ rực. Gioóc trèo lên một cái ghế, giật tất cả những thứ đang cháy và kêu cứu. Không có chú thì cả căn nhà đã làm mồi cho thần lửa.

Quan Đại tướng và phu nhân đem cô bé Êmily ra tra hỏi ngọn ngành. Cô nói:

- Con đã đánh một cái diêm, có mỗi một cái thôi. Nó bùng lên và cái rèm cửa cũng bùng lên nốt. Con nhổ nước bọt, cố hết sức nhổ để dập tắt. Khi hết nước bọt, con chạy đi trốn, sợ ba má giận.

Đại tướng phu nhân nói:

- Nhổ! Con nói cái gì thế? Có bao giờ con thấy ba má nói tiếng ấy không? Chắc con lại học được của cái bọn dưới nhà hẳn?

Dẫu sao Gioóc cũng được một hào tiền thưởng công. Chú không đi mua bánh ngọt mà bỏ vào ống tiền để dành. Chẳng bao lâu sau chú đã có đủ tiền mua một hộp bút chì màu để tô tranh vẽ của chú cho rực rỡ, vì Gioóc hay vẽ lắm. Nom những ngón tay nhỏ nhắn của chú sai khiến cái bút chì thì thật là tuyệt khéo. Chú đem tặng những bức tranh màu đầu tiên cho Êmily. Quan Đại tướng khen: "Thật là tuyệt!" Ngay Đại tướng phu nhân cũng phải đồng ý là mọi người đều nhận ra rất rõ những cái mà chú bé muốn diễn tả. "Thằng bé có thiên tài đấy!" Đó là những lời mà bà gác cổng nghe thấy và chạy xuống hầm kể lại.

Quan Đại tướng và phu nhân đều là những người quyền quý. Các ngài đã cho sơn lại hai bên xe ngựa mỗi bên một tấm gia huy của riêng mình. Phu nhân còn cho thêu lên từng chiếc áo quần hai hình chiếc gia huy đó, một chiếc vào mặt phải, một chiếc vào mặt trái, thêu vào những túi đựng đồ đi du lịch và cả những chiếc mũ trùm đầu đi ngủ. Gia huy nhà phu nhân là do cụ thân sinh mua rất đắt, mất vô khối là tiền mặt, trả bằng đồng Đơniê đếm mỏi cả tay. Khi mới sinh ra cả cụ thân sinh lẫn phu nhân đều chẳng phải là dòng dõi quyền quý, phu nhân đã ra đời trước tấm gia huy bảy năm. Hầu hết mọi người đều nhớ việc ấy, nhưng phu nhân thì không mảy may nhớ đến.

Gia huy của quan Đại tướng thì cổ kính và rắc rối. Đeo cái loại gia huy ấy phải đứng ưỡn người ra, xương kêu răng rắc. Không biết có thêm những chiếc khác nữa thì làm thế nào? Bởi thế cho nên người ta nghe thấy xương Đại tướng phu nhân kêu lên răng rắc mỗi khi bà thẳng đừ trong bộ áo diện nhất, leo lên xe để vào triều dự hội khiêu vũ.

Quan Đại tướng đã già, tóc đã bạc. Nhưng khi cưỡi ngựa thì trông ngài cũng còn ra vẻ lắm. Ngài biết thế lắm nên ngày nào ngài cũng đi ngựa. Một chú lính hầu đi theo cách ngài một quãng rõ đúng kiểu cách. Khi ngài tiến vào phòng khách, người ta tưởng ngài vẫn còn chót vót trên lưng con ngựa cao lớn của ngài. Còn mề đay thì ngài có nhiều vô kể, chằng chịt nặng trĩu cả người. Nhưng cái đó thực ra không phải lỗi tại ngài. Ngài vào quân đội từ ngày còn trẻ măng. Ngài vẫn thường dự những buổi hành quân tập trận nhỏ mà quân đội vẫn tiến hành vào mùa thu trong thời bình. Về vấn đề ấy ngài thường kể một giai thoại, và ngài cũng chỉ biết có một chuyện ấy thôi.

Một hôm, một hạ sĩ quan dưới quyền ngài cắt đứt đường rút lui của một ông hoàng và bắt được Đức ông cùng với cả đoàn tuỳ tùng làm tù binh. Ông hoàng và đoàn theo hầu, với tư cách là tù binh, phải đi ngang qua thành phố, theo sau vị tướng thắng trận. Đó là một sự kiện đáng ghi nhớ mà quan Đại tướng năm nào cũng kể đi kể lại. Ngài kể lại một cách trung thành những lời mà ngài đã nói khi trao trả lại cho ông hoàng thanh kiếm: "Chỉ có một hạ sĩ quan mới bắt được Đức ngài làm tù binh. Tôi thì chẳng bao giờ có thể làm thế được." Ông hoàng đã trả lời ngài: "Ông thật là người có một không hai."

Quan Đại tướng chưa hề ra trận bao giờ. Có lần nổ ra chiến tranh thì ngài lại được cử làm sứ thần sang ba triều đình. Ngài nói tiếng Pháp rất thạo, đến nỗi gần quên cả tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa ngài khiêu vũ tuyệt thạo. Bởi thế cho nên mề đay mọc trên ngực ngài như cỏ dại mọc trên đồng. Lính gác bồng súng chào ngài. Một trong những cô gái trẻ đẹp nhất Đan Mạch cũng kính phục ngài và trở thành Đại tướng phu nhân. Họ sinh được một cô gái tuyệt mỹ. Cô bé xinh đẹp đến nỗi người ta bảo là con giời cho. Đó là cô Êmily của chúng ta. Thoạt đầu con trai bác gác cổng nhảy múa ngoài sân trước mặt cô để mua vui cho cô, rồi về sau lại cho cô những tấm tranh tự tay chú vẽ và tô màu. Cô bé Êmily xem tranh, lấy làm vui thích tợn, nhưng rồi xé luôn. Thế nhưng cô vẫn ngoan làm sao!

Đại tướng phu nhân bảo:

- Cánh hồng của ta ơi, con sinh ra là để sánh vai với một ông hoàng.

Ông hoàng chẳng phải ở đâu xa, ở ngay trước cửa ấy. Nhưng chẳng ai biết tý gì cả. Người ta chẳng bao giờ nhìn xa quá ngưỡng cửa. Một hôm bác gác cổng gái nói với chồng rằng:

- Hôm kia con giai chúng mình đã chia nhau với tiểu thư cái bánh ngọt của nó, bánh chẳng có nhân thịt mà cũng chẳng có pho mát. Nhưng cô bé thì lại cho là rất ngon, cứ như ba tê ấy. Nếu Đại tướng hoặc phu nhân mà trông thấy bữa ăn của trẻ em ấy thì lại lắm chuyện. Nhưng các ngài chẳng biết tí gì cả.

Gioóc đã chia sẻ tấm bánh của mình cho cô bé Êmily. Chú cũng sẵn lòng chia sẻ trái tim cho cô nếu điều đó làm cho cô vui thích. Chú là đứa trẻ rất tốt, thông minh, lanh lợi. Chú thường theo học lớp vẽ buổi tối. Cô bé Êmily cũng đi học, cô nói tiếng Pháp với vú em và đã bắt đầu học nhạc.

Bác gác cổng gái nói với chồng:

- Thế là thằng Gioóc sắp sửa phải chịu lễ ban thánh thể vào ngày lễ phục sinh này rồi.

Ông lão nói:

- Tốt hơn hết là cho nó đi học việc. Phải chọn cho nó một nghề nghiệp chắc chắn. Như thế thì nhà này sẽ vắng nó.

Bà lão trả lời:

- Bao giờ mà nó chả ngủ ở nhà. Có ông chủ nào lại cho thợ học việc ngủ trong nhà bao giờ. Chúng mình vẫn phải may mặc cho nó. Thế thì thà giữ nó ở nhà còn hơn. Chúng ta cũng có thể bòn đủ nuôi miệng nó. Vài củ khoai, thế là nó hài lòng rồi. Nó đi học vẽ không mất tiền. Thầy giáo nó chả bảo: "Cứ để cho nó theo đuổi", rồi sau này nó sẽ làm cho chúng ta sung sướng hay sao?

Quần áo mặc ngày lễ ban thánh thể đã may xong. Mẹ Gioóc tự tay khâu lấy. Bác thợ may hàng xóm, vốn là một người khéo tay, đã cắt hộ. Bác gác cổng gái bảo:

- Nếu ông ta có thể có một cửa hàng lớn với đủ thợ và người học việc ở một phố lớn thì ông ta sẽ trở thành thợ may của nhà vua.

Quần áo đã may xong và Gioóc cũng đã sẵn sàng. Đến ngày đại lễ, chú được ông bố đỡ đầu là một người làm công già ở cửa hiệu buôn sắt tặng cho một chiếc đồng hồ quả quýt to bằng bạc, cũ kỹ và đã qua tay nhiều người. Nó vẫn chạy nhanh, nhưng như thế còn hơn là chạy chậm. Đó là một món quà rất quý.

Cô tiểu thư bé nhỏ mà Gioóc vẫn tặng tranh gửi cho chú một tập thánh thi bọc da. Trên đầu quyển sách có ghi tên Gioóc và Êmily với những chữ: "Người bảo hộ thân ái của anh." Câu đó do Đại tướng phu nhân đọc cho cô bé viết từng chữ. Quan Đại tướng đã xem và bảo: "Thật là tuyệt!"

Bác gác cổng nói: - Thật là một biểu hiện của những con người dòng dõi quyền quý.

Gioóc phải mặc quần áo đẹp, cầm quyển thánh thi lên gác để trình diện và tạ ơn.

Đại tướng phu nhân quấn đầy khăn san và áo choàng, ngồi trên ghế xô pha. Ngài đang bị một con nhức đầu ghê gớm, thường hay mắc vào những lúc buồn phiền. Ngài cố giữ vẻ không dịu dàng lắm với Gioóc, chúc chú mọi sự may mắn, và nhất là không bao giờ mắc chứng nhức đầu.

Quan Đại tướng đang đi dạo trong bộ áo ngủ, đầu trùm chiếc mũ có ngù lớn. Ngài đi một đôi ủng da có sọc đỏ. Chìm đắm trong sự suy nghĩ hoặc trong hồi ức của mình, ngài đi đi lại lại liền ba lần khắp gian phòng, rồi dừng lại bảo: "Thế là thằng bé Gioóc được nhận vào hàng ngũ con chiên! Hãy trở nên một người lương thiện và phải tôn trọng nhà nước. Làm đúng lời răn ấy thì mày sẽ khá và lúc về già mày có thể tự nhủ rằng chính quan Đại tướng đã dạy mày như thế.

0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×