LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Chị Lĩnh

110 lượt xem
Nước mắt chị chảy quanh khóe mắt. Chị khóc. Tôi ân hận vì đã làm chị khóc. Mắt tôi cay cay, tôi đứng dậy đi ra ngoài. Tôi nhìn lên trời, trời cao quá, trời sao mà ác nghiệt vậy.
***
Hồi tôi mới ra trường hăng hái lắm. Xách cái ba lô con cóc ngày còn đi lính, kỉ vật sót lại sau tám năm vật lộn khắp các tỉnh miền đông Nam Bộ và Căm-Bốt, lên đường vào mặt trận mới. Nó vẫn trung thành với tôi: Vật lộn với nghề dạy học miền núi Nghệ An. Hai bộ đồ cũ, đôi dép trắng rởm mới mua, gia tài chỉ có thế nhưng tự tin lắm. Loay xoay mãi mới kiếm được ít tiền mua sắm bộ kim tiêm, thuốc kí ninh, kem đánh răng, bàn chải mới, khăn mặt mới; một cây thuốc cò mềm, hai cái máy lửa. Chuẩn bị cho nơi núi rừng chưa một lần đến. Nghe nói sốt rét ghê lắm, nghĩ ngợi vu vơ, không khéo đi Căm- Bốt không dính sốt về quê dính cũng nên. Vậy nên quyết tâm không để mắc loại kí sinh này. Mua gấp một cái màn mới, không có chăn và gối đâu. Sắp xếp vào ba lô vừa vặn, không cồng kềnh. Vừa xếp vừa buồn buồn, chắc những thứ mình mang theo này mấy thằng bạn đi tây về nó thấy, chắc nó lạ lắm. Không khéo nó lại nói: "Cậu cất những thứ gì thế? sao không vứt đi cho sạch?" Chúng nó xếp đồ bên tây về làm gì có thứ như mình đâu. Nói thế thôi, chứ của tôi là tôi quí, vì tôi chỉ có thế này thôi. Tự động viên mình vui vẻ lên đường.
Ngôi trường chỉ có một dãy nhà xây lợp pô- rô, một kí túc tre nứa lụp xụp. xung quanh chẳng có gì. Giữa sân, còn sót lại mấy gốc lim cổ thụ. Trông hoang vắng quá. Tôi và cậu giáo viên cùng khóa, được các cô giáo cũ ở đây xếp cho một góc cuối kí túc, vào phòng, nói là phòng, chứ thực chất là vào lán, chẳng có giường, chẳng có bàn, chẳng có gì cả. Hai anh em đi tìm vật liệu làm gường, loanh quanh khắp trường, tìm được mấy cánh cửa hỏng, ghép lại để ngủ.Thế là hết lo về chỗ nằm.... Mọi khó khăn rồi cũng quen, rồi cũng vượt qua.
Một năm sau, Tôi được phân vào dạy ở điểm lẻ xa nhất, khó khăn nhất, đi bộ khoảng mười lăm ki-lô-mét. Điểm trường này, có một cô giáo dưới xuôi lên, cắm bản ở đây được nhiều năm rồi. Cũng nghe nhiều người nói, nhà trường ưu tiên cho chị ra, nhưng chị không đồng ý. Dạy cùng trường với chị đã một năm, nhưng tôi không biết nhiều về chị. Chỉ biết: Chị tên Lĩnh, Lê Thị Kim Lĩnh, giáo viên dạy lớp 3. Quê chị ở mãi huyện Thanh Chương. Ở đó, lại thuộc về miền Tây nam Nghệ An.
Dáng chị gầy, nước da không khỏe, Tóc chị dài nhưng không dày. Duy chỉ có đôi mắt chị sáng, đẹp, nét mặt luôn trầm tư. Lâu lâu, mới thấy chị mỉm cười. Tôi được chị giới thiệu lên ở chung với gia đình ông trưởng bản.Tìm hiểu ra, tôi mới hiểu. Ở đâu thì không biết. Chứ vào đây, giáo viên được dân nuôi, có kí túc nhỏ cho các cô giáo, riêng thầy giáo ở nhà trưởng bản, sinh sống như một thành viên. Một buổi lên lớp, buổi còn lại soạn bài, hay lên rừng hái măng, hái nấm, hay xuống khe kiếm cái ăn là tùy.
Chị Lĩnh đã có tuổi, nếu như không nói là đã quá lứa. Chị đã bước qua cái thời con gái. So với người khác thì chắc đã có con học cấp hai, cấp ba rồi.
Hôm tôi vào, chị ra đón, chị nói:
- Chị mới vào đây hôm qua. Nghe nói có thêm giáo viên vào, nhưng chị không nghĩ là em.
Tôi cười:
- Thế chị nghĩ là thầy nào?
Chị cười nói:
- Chị nghĩ là các cô vào với chị thôi.
Tôi đã hiểu chị nói gì rồi, chị muốn có bạn cùng giới để chia sẻ, tâm sự trong cuộc sống hằng ngày. Đó là cái chị cần. Còn với vài thằng đàn ông như tôi, ngộc nghệch, lôi thôi, lếch thếch chưa vợ con gì, chắc chắn chẳng giúp gì được cho chị.
Tôi động viên chị:
- Hiệu trưởng nói với em, sẽ điều thêm hai giáo sinh mới ra trường vào cho chị.
Chị mừng lắm:
- Hai đứa ấy quê ở đâu?
Tôi cười:
- Em cũng chưa biết.
Qua ánh mắt của chị, tôi hiểu chị muốn tìm hiểu để biết có đồng hương không. Biết vậy, tôi đừng nói với chị thì hay rồi. Để tạo cho chị vui tôi nói:
- Chị có nước không? em đi bộ phải xuống khe uống hai lần rồi.
Chị thông cảm là đã quên mất, chị lôi tôi vào kí túc. Có đủ đồ dùng thông thường, nhưng tất cả đều làm tạm bợ, Hai cái giường tạm, hai cái bàn cũng tạm luôn, tất cả đều được chôn chân. Tôi lướt qua một lần nơi ở của chị, tất cả đơn giản. Nhưng phía trên gần mái nhà, phía đầu giường của chị, có một cái ban thờ nhỏ gọn, nhưng được thợ làm cầu kì lắm. Bào trơn, đóng bén, trang trí viền ba phía, được đánh vec-ni, màu cánh gián trang trọng. Trên bàn thờ có một bức chân dung một người đàn ông đang rất trẻ, trẻ hơn tôi nhiều. Anh ấy mặc bộ quân phục, tôi nhận định anh là lính 78,79. Tôi rất phân vân về điều này. Vẫn nghe nói là chị chưa có chồng, không hiểu người trong bức chân dung kia là ai nhỉ? Để chị được tự nhiên, nên tôi không vội hỏi. Tôi cố ý nhìn kĩ về phía đó, mong được sự giới thiệu của chị. Nhưng tất cả đều vô nghĩa. Trên ban thờ, bát hương mới chỉ được thắp năm cây, chắc hôm qua vào, chị mới sửa sang lại và thắp.
Thời gian thấm thoắt cũng trôi qua, hai giáo viên mới rồi cũng vào. Nhưng lại trúng phải hai tiểu thư nên chị Lĩnh cũng ít tâm sự. Ngoài ra, còn chênh lệch về tuổi tác nên chị thường đi nghỉ sớm, để các cô tiếp bạn bè của họ. Riêng tôi, có một khoảng trời riêng. Mùa đông, cuốn chăn co ro soạn bài. Những đêm trăng sáng, cùng lũ học trò đi dạo trong bản cho đỡ buồn. Thỉnh thoảng, tôi lại xuống chơi với chị Lĩnh. Hôm nào tôi xuống kí túc, chị vui lắm. Hai chị em ngồi trên giường nói chuyện ở quê, ở trường sư phạm...
Rồi chị cũng kể cho tôi nghe về bức chân dung mà chị luôn trân trọng.
Hồi chị và anh cùng chung một xóm, cùng học một lớp từ vỡ lòng đến cấp 3. Khi đang học giở lớp 12 thì chiến tranh biên giới xẩy ra, chiến trường lan rộng, khốc liệt khắp các tỉnh biên giới. Lệnh tổng động viên thanh niên ra chiến trường. Anh khi đó là lớp trưởng, là người năng nổ, với bản chất là người dẫn đầu nên anh quyết định viết đơn tình nguyện, lên đường nhập ngũ. Rồi anh đi thật. Ngày chia tay, anh cầm tay chị nói:
- Ngày mai mình đi. Mình nhờ Lĩnh ở nhà trông bố mẹ cho mình với. Mình lo chú Nam chưa biết gì; khi mẹ ốm đau, hay trái trời trở gió. Mẹ mình yếu lắm.
Bàn tay anh càng nắm chặt thêm, mà hình như chặt lắm. Nhưng chị không thể rút. Rồi không hiểu sao chị lại nói:
- Dạ, em sẽ làm! Anh hãy tin ở em.
Rồi chẳng hiểu sao, chị lại muốn đứng sát về phía anh. Chị thấy khoảng cách giữa anh và chị sao xa quá. Anh từ từ kéo chị vào lòng. Anh nói giọng hơi run:
- Em hãy đợi ngày anh trở về nhé!
Rồi không hiểu sao chị đồng ý ngay, mà không một chút phân vân, suy tính. Chắc chị đã yêu anh ấy lâu lắm rồi. Ngày anh sắp đi, chị vẫn thầm mong anh nói cái gì đó với chị. Chị không giám thổ lộ với anh, vì chị là con gái. Nhưng nếu không có đêm hẹn đó, chắc chị chết mất. Bởi vì, khi biết tin anh viết đơn gửi lên ban giám hiệu nhà trường, mấy đêm chị không ngủ được. Chị thường xuyên trở người, nằm cạnh mẹ. Mẹ chị tinh lắm. Cụ nói:
- Thằng Bắc nó sắp đi lính, nên con không ngủ được phải không?
Chị đấm vào lưng mẹ:
- Mẹ hay thật? Con với thằng Bắc có cái gì đâu mà không ngủ được! Nó đi kệ nó chứ, việc gì mình.
Mẹ chị an ủi, động viên chị suốt đêm, Cụ phân tích nhiều điều lắm. Nhưng chị chẳng nhớ cái gì hết.
Chưa bao giờ anh tán tỉnh chị, chưa bao giờ anh ngỏ lời với chị cả. Anh chỉ quan tâm chị khi ở trường thôi. Còn về nhà, ít khi anh sang nhà chị chơi lắm. Chỉ khi có việc đồng áng, anh mới sang để bàn với mẹ chị. Bố chị mất từ hồi hai chị em chị đang nhỏ, nên anh thường giúp đỡ. Lâu lâu, hết củi đun, chị và anh cùng mấy đứa em lại đánh trâu kéo xe vào rừng, cũng vui lắm. Có hôm lấy thêm rau rừng cho lợn, lại gặp được những khoảng chuối rừng ra bắp. Nhiều hôm, lấy cả măng dang nữa. Về đến nhà, anh đều chia đôi. Thỉnh thoảng anh nói đùa:
- Số công điểm bằng nhau, cộng với nhân khẩu bằng nhau, nên chia như nhau.
Có lúc anh nói:
- Hôm nay, thừa một bắp chuối, nhưng cu Sơn phát hiện nhiều nhất: Thưởng cho bắp này luôn.
Tôi đăm chiêu, lắng nghe chị kể; không lẽ kỉ niệm của chị cũng là kỉ niệm của tôi. Nó có cái gì đó giống nhau. Cái thời đó, người dân nông thôn miền núi có rất nhiêu điểm sinh hoạt giống nhau. Tôi thật sự đồng cảm và tôn trọng kỉ niệm của chị. Chị nói tiếp:
- Thật ra, gia đình anh cũng vất vả lắm. Anh có hai anh em trai. Sau khi anh nhập ngũ được mấy tháng chú ấy gặp tai nạn không cứu được, đã qua đời. Gần một năm sau, bố mẹ anh ấy khi được tin anh hi sinh đau khổ lắm. Tiếc thương quá, rồi thời gian sau cũng lần lượt đổ bệnh và mất. Chị ân hận vô cùng, vì không ở cạnh để chăm sóc các cụ được, mới để ra nông nỗi ấy. Chị không thể làm gì hơn, mà chỉ biết tự trách mình. Chị đã hứa mà không làm em ạ.
Thế rồi, anh mãi mãi không về, nhưng chị vẫn đợi, chị đợi đến tận bây giờ và rồi vẫn đang đợi. Chị đã hứa rằng: Anh cứ yên tâm ra đi, em hứa suốt đời này sẽ đợi anh, không bao giờ em sai hứa đâu.
Tôi gắt lên:
- Chị không sai, em biết! nhưng có khi nào chị nghĩ cho chị không? Chị nghĩ cho mẹ chị không?
Nước mắt chị chảy quanh khóe mắt. Chị khóc. Tôi ân hận vì đã làm chị khóc. Mắt tôi cay cay, tôi đứng dậy đi ra ngoài. Tôi nhìn lên trời, trời cao quá, trời sao mà ác nghiệt vậy.
Không ai hương khói cho anh, không có bàn thờ cho anh, nên chị đã dừng lại ở tuổi 20 để thờ cúng anh. Tội nghiệp chị.
Tôi lấy lại bình tĩnh vào thắp 3 nén hương cho anh. Tôi thì thầm.
- Anh Bắc ơi! Anh không về mà phán xét vợ anh. Sao anh lại để chị tôi như thế mà đi mãi không chịu về?
Trời cuối thu, mây bay lả tả về phía tây. Mây bay thấp lắm, mây bay vô định. Còn chị Lĩnh của tôi vẫn cố định. Tôi bước chân theo ngược dòng con suối đi bất định. Mỗi người một số phận thật sao?
Qùy Châu - 28/8/2016
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư