ĐI QUA HOA CÚC - Chương 04

95 lượt xem
Anh Ðiền trạc hăm lăm, hăm sáu tuổi, người tầm thước, tóc quăn, mặt xương xương. Anh ở mãi Quán Gò, con một người bạn của ông tôi. Trong một lần đi chữa bệnh gần đó, ông tôi ghé thăm bạn cũ và thế là anh Ðiền được gửi gắm theo ông tôi học nghề.

 

Ba hôm trước, anh Ðiền theo ông tôi về nhà. Anh cỡi trên “con ngựa trời” cũ kỹ của ông tôi, mặt mày hí hửng. Ông tôi ngồi đằng sau, tay ôm tráp thuốc, vẻ khoan khoái vì cuối cùng cũng thu được một tên đệ tử ngày ngày đèo ông đi thăm bệnh.

 

Anh Ðiền không đẹp trai nhưng anh có đôi mắt lanh lợi và nụ cười tươi. Ngay lần gặp đầu tiên, đôi mắt đó đã nhìn tôi thân thiện:

 

- Trường học giỏi ghê! Còn nhỏ mà đã vào lớp mười rồi!

 

Nghe khen, tôi phổng mũi làm bộ:

 

- Giỏi gì mà giỏi! Mười sáu tuổi ai chẳng học lớp mười!

 

Anh cười:

 

- Hồi bằng tuổi Trường anh mới học lớp tám.

 

Tôi không biết anh nói thiệt hay nói chơi nhưng dù sao những lời tâng bốc của anh cũng khiến tôi hãnh diện. Tự nhiên tôi cảm thấy mến anh như mến một người thân gần gũi lâu ngày.

 

Anh Ðiền không chỉ khen tôi. Anh còn tìm mọi cách để lấy lòng tôi. Mỗi sáng, pha cà phê cho ông tôi xong, bao giời anh cũng pha thêm cho tôi một ly. Mặc dù chỉ là nước thứ hai, cà phê lạt thết, uống vào tôi vẫn thấy ngon lạ lùng. Ði thăm bệnh với ông tôi về, thỉnh thoảng anh vẫn dúi vào tay tôi trái cam, trái quýt. Nói chung, anh rất mực chiều chuộng tôi. Tôi nhờ gì anh cũng làm, tôi bảo gì anh cũng nghe.

 

Chính vì anh Ðiền đối xử với tôi như vậy nên mỗi khi anh em thằng Chửng mở miệng bài xích anh, bao giờ tôi cũng gân cổ bênh anh chằm chập. Trước mặt chị Ngà và dì Miên, tôi ca ngợi anh hết lời.

 

Biết vậy, anh Ðiền thích lắm. Một hôm anh lân la hỏi chuyện tôi:

 

- Trường nè, chị Ngà về đây lâu chưa vậy?

 

Câu hỏi đột ngột của anh Ðiền khiến tôi đâm chột dạ. Tự nhiên tôi linh cảm có chuyện không lành sắp xảy đến với tôi. Tôi bần thần đáp:

 

- Hơn nửa tháng rồi.

 

Anh Ðiền không nhận ra vẻ khác lạ trên gương mặt tôi. Anh nôn nao hỏi tiếp:

 

- Trường có biết gì về chỉ không vậy?

 

- Biết gì là biết gì?

 

Anh Ðiền chớp chớp mắt:

 

- Chẳng hạn như... chỉ đã có “ai” chưa?

 

Dĩ nhiên tôi biết anh Ðiền muốn hỏi gì. Nhưng tôi vẫn làm bộ ngờ nghệch:

 

- “Ai” là ai? Em không hiểu!

 

Anh Ðiền chẳng lúng túng như tôi tưởng. Anh nhìn tôi mỉm cười:

 

- “Ai” tức là “người yêu” đó!

 

Tôi lắc đầu:

 

- Nếu vậy thì em không biết!

 

Thấy không “điều trá được gì ở tôi, anh Ðiền khẽ huýt sáo miệng và lững thững bỏ đi. Còn tôi ngồi lại, buồn nẫu ruột. Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau, tôi như chìm vào một vũng lầy đặc quánh những hoang mang và lo sợ, cái cảm gíác thấp thỏm tôi chưa từng trải qua bao giờ.

 

Và kể từ cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó, trong mắt tôi anh Ðiền không còn dễ mến như những ngày đầu nữa. Tôi cay đắng nhận ra rằng sở dĩ anh tỏ ra quý tôi không phải vì tôi là một nhân vật đáng quý, cũng không phải vì tôi là đứa cháu cưng của ông tôi mà vì anh muốn kiếm cơ hội dò hỏi tôi về chị Ngà.

 

Ðối với tôi, chị Ngà bao giờ cũng thiêng liêng cao quý như một thiên thần, mặc dù đó là một thiên thần sợ chuột, sâu, gián và vô số những thứ linh tinh khác. Nhưng không vì vậy mà chị Ngà trở nên “trần tục” và dễ xúc phạm. Từ trước đến nay, tôi luôn dành cho chị nỗi yêu mến lẫn lòng thành kính. Tôi nghĩ đến chị như nghĩ đến một dòng sông êm mát và khi thả hồn theo dòng sông không tên đó, không bao giờ tôi cho phép mình tự hỏi rằng chị đã có “ai” chưa, rằng có khi nào chị đã một lần yêu. Ðơn giản là tôi chỉ hình dung về chị như người ta mơ tưởng về một hình bóng. tôi vui thích với điều đó và không dám để những ý nghĩ của mình đi xa hơn. Trừ những khi tôi nhìn thấy chị, những lúc khác chị là giấc mơ.

 

Anh Ðiền đến, thò mái tóc quăn của anh vào giấc mơ tôi. Anh thản nhiên hỏi tôi những câu tôi không dám đặt ra cho chính mình. Anh nghĩ ngợi về chị Ngà một cách “phàm phu tục tử”. Và điều quan trọng nhất, anh vô tình dẫm chân lên trái tim tôi. Thằng Chửng anh nói đúng. Nó đã bảo trông mặt anh Ðiền, nó chẳng ưa chút nào. Chửng anh sáng suốt hơn tôi.

 

Không chỉ dò hỏi tôi, anh Ðiền còn nghĩ ra lắm trò kỳ quái khác.

 

Một buổi sáng, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những đóa hoa cúc vàng cắm bên cửa sổ trước bàn học của chị Ngà.

 

Chị Ngà yêu hoa cúc nhưng trước nay tôi chưa thấy chị hái hoa cắm trước bàn học bao giờ. Chị thích ngồi hàng giờ bên dãy cúc trước sân hơn. Nhưng tôi chẳng thắc mắc lôi thôi. Chẳng thấy chị hỏi han gì, tôi nghĩ đấy là thú tiêu khiển mới mẽ của chị.

 

Liên tiếp nhiều ngày như vậy. Cứ sáng sớm, những đóa cúc vàng lại rung rinh khoe sắc bên cửa sổ.

 

Tới ngày thứ tư, trời còn tinh mơ, tôi bỗng mắc tiểu liền thức dậy chạy ra sau vườn. Khi chuẩn bị quay vào, tôi bỗng phát hiện một bóng người đang đi rón rén ngoài hè. Ngạc nhiên, tôi nép người sau đám dây trầu phủ xòa quanh gốc mít, căng mắt dòm.

 

Dù mặt trời chưa lên và gốc mít chỗ tôi nấp cách hè nhà khá xa, tôi vẫn nhận ngay ra bóng người lén lút kia chính là anh Ðiền. Thoạt đầu, tôi không hiểu sáng sớm anh lần mò ra sau hè làm gì. Tôi tưởng tối hôm qua anh uống nước nhiều nên bây giờ phải chạy đi “trút bầu tâm sự” giống như tôi. Nhưng khi nhìn thấy những đóa cúc vàng đong đưa trên tay anh, tôi bỗng hiểu ngay ra cớ sự.

 

Quả đúng như tôi nghĩ, anh nhón gót tiến về phía cửa sổ. Rồi một tay bám song cửa, anh nhoài người cắm những bông hoa lên thanh gỗ chắn ngang.

 

Trong một thoáng, mắt tôi như mờ đi. Những bông hoa vàng đằng kia bỗng trở nên chập chờn như khuất sau một lớp sương mờ. Hóa ra là thế! Tôi buồn bã nhủ thầm và tưởng như nghe thấy tiếng thở dài nghẹn ngào ngân lên từ đáy lòng. Hóa ra anh Ðiền đã làm tất cả những trò đó. Còn tôi thì như một thằng ngốc, chẳng biết một tí gì. Anh Ðiền chỉ mới về ở nhà ông tôi vài ba ngày đã nghĩ ra cách tỏ tình với chị Ngà bằng những bông hoa. Chiều chiều thấy chị Ngà ngồi ngẩn ngơ hàng giờ ngoài sân bên vàng hoa cúc, anh đã đoán ra ý thích của chị. Tôi cũng rõ những điều đó nhưng tôi chỉ biết cặm cụi xách nước tưới hoa như một thằng chạy việc, chẳng nên tích sự gì.

 

Anh Ðiền giỏi hơn tôi nhiều. Anh biết âm thầm tặng hoa cho chị Ngà và hành động vụng trộm của anh chẳng bị ai phát giác. Ông tôi già cả chẳng biết đã đành, cả dì Miên cũng chẳng đem lòng ngờ vực. Dì cứ tưởng những bông hoa cắm ỡm ờ bên cửa sổ kia là do bàn tay của chị Ngà nên dì chẳng hỏi.

 

Chỉ riêng chị Ngà là biết được những bông hoa kia xuất xứ từ đâu. Nếu không nhìn thấy tận mắt anh Ðiền nhô đầu lên cửa sổ, ắt chị cũng đoán ra. Nhưng chị chẳng nói gì. Chị cũng chẳng tỏ ra nghi hoặc hay khó chịu. Chị thản nhiên đón nhận những bông hoa mọc bất ngờ từ cửa sổ như lẽ ra nó phải thế. Ðấy là sự lạnh lùng hay đấy chính là mối đồng tình lặng lẽ?

 

Những câu hỏi mang theo nỗi xốn xang nghi ngại và cứ xoay vần trong đầu tôi như một cơn lốc. Tôi chợt nhớ đã có lần bắt gặp chị Ngà ngồi bên bàn học ngắm những cánh hoa kia với ánh mắt mơ màng và miệng cười chúm chím. Lúc ấy, hẳn chị đang nghĩ đến mái tóc quăn của anh Ðiền. Còn tôi, chị vốn coi như em, chắc chẳng có lấy một chỗ trú chân trong lòng chị. Chỉ khi nào cần người sai vặt, chị mới nhớ đến tôi.

 

Càng nghĩ ngợi, tôi càng tức điên. Và không kìm được, tôi mím môi bước ra khỏi chỗ nấp. Anh Ðiền lúc này đã biến mất, chỉ để lại trái tim anh phập phồng bên cửa sổ. Răng nghiến chặt, tôi đu người lên giật phắt những bông hoa và hậm hực xé tan thành những mảnh vàng rơi vãi. Nhìn những cánh hoa vô tội đang rơi lả tả kia, chưa hả giận, tôi còn dí chân lên chúng, day qua day lại với vẻ đay nghiến cay độc. Cho đến khi những đóa hoa đầy tình ý của anh Ðiền chỉ còn là mớ bèo nhèo dập nát, tôi mới khoan khoái bỏ vào nhà.

 

*****

 

Suốt ngày hôm đó, tôi sống trong nỗi lo lắng của một tên trộm sợ bị phát giác. Từ sáng đến chiều, ngồi đâu tôi cũng nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên ổ kiến. Mỗi lần anh Ðiền hay chị Ngà lại gần, lòng tôi cứ nơm nớp. Nhưng chẳng ai dò la gì tôi. Chị Ngà nhút nhát không hé môi đã đành, cả anh Ðiền cũng làm ra vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra. Dù vậy, tôi vẫn không dám đặt chân ra hè, không dám mon men lại gần cửa sổ, sợ bị nghi ngờ. Mãi đến chiều tối, khi ra sau vườn xách nước tưới hoa, tôi mới khẽ liếc về phía “hiện trường” nhưn gtôi chẳng thấy gì. Có lẽ khi quét sân, dì Miên đã đùa những cánh hoa tơi tả kia xuống hố rác chỗ gốc bí cuối vườn.

 

Tưởng đã yên thân, nào ngờ ăn cơm tối xong, khi tôi đang đứng lóng ngóng trước cổng rào hoa giấy chờ anh em thằng Chửng qua rủ đi nhổ trộm đậu, anh Ðiền từ trong nhà lững thững đi ra và tiến lại gần tôi. Tôi giật thót, chưa kịp phản ứng gì, đã nghe anh than:

 

- Buồn quá Trường ơi!

 

- Chuyện gì vậy anh? – Tôi rụt rè hỏi, không rõ anh đã biết hành vi của tôi chưa.

 

Anh lại buột miệng thở dài:

 

- Chị Ngà ác quá!

 

Anh trả lời không đâu vào đâu nhưng tôi vẫn đọc được ý nghĩ của anh đằng sau tiếng than vãn kia. Tôi cười thầm trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ ngạc nhiên:

 

- Chị Ngà mà ác? Em thấy chỉ hiền khô mà!

 

- Thì chỉ hiền! – Anh Ðiền chép miệng – Nhưng trong chuyện tình cảm thì chỉ... ác.

 

- Nghĩa là sao? - Tôi trố mắt.

 

Anh Ðiền đưa tay xoa xoa ngực, buồn bã:

 

- Chỉ xé nát trái tim anh.

 

Tôi nhìn những sợi lông đen trên mu bàn tay anh, giả bộ ngây ngô:

 

- Anh chỉ xạo! Nếu vậy, anh đã chết ngoẻo mất rồi.

 

Anh Ðiền nhăn nhó:

 

- Anh không chết. Nhưng anh đau khổ.

 

Nhìn vẻ mặt anh Ðiền, tôi bỗng nhớ đến các kép cải lương diễn tuồng trên ti-vi thỉnh thoảng tôi vẫn xem ở nhà mấy đứa bạn ngoài huyện. Sự liên tưởng đó khiến tôi tự dưng phì cười.

 

Anh Ðiền xịu mặt:

 

- Anh đau khổ mà Trường lại cười.

 

Tôi chớp mắt:

 

- Nhưng anh nói gì em không hiểu. Chị Ngà đã làm gì anh?

 

Trước “thắc mắc” của tôi, anh Ðiền lộ vẻ phân vân. Sau một thoáng đăm chiêu, anh ngần ngừ nói:

 

- Anh kể cho Trường, Trường đừng nói lại với ai nghen!

 

Tôi gật đầu:

 

- Em nói lại làm chi!

 

- Trường thề đi! - Anh Ðiền vẫn chưa tin tôi.

 

- Thề! – Tôi nói.

 

- Thề sao?

 

Tôi liếm môi:

 

- Nếu em kể chuyện này với ai, em sẽ bị chết chìm dưới suối.

 

Mặc dù lúc đó tôi chưa quyết định có sẽ kể lại câu chuyện của anh Ðiền với ai hay không nhưng khi hăm hở thề thốt, tôi tin rằng dầu sau này tôi có cao hứng ba hoa, lời thề độc của tôi cũng chẳng dễ gì ứng nghiệm. Từ nhỏ tôi đã lội nước như rái cá, gần đây lại học thêm những kiểu bơi của chị Ngà, con suối nhỏ xíu dưới chân cầu Cẩm Lễ còn khuya mới nhận chìm tôi nỗi.

 

Anh Ðiền không hiểu những tính toán ranh mãnh của tôi. Nghe tôi thề độc, anh rũ bỏ hết băn khoăn và bắt đầu buồn bã thuật lại câu chuyện mà tôi đã biết tỏng tòng tong. Kể xong, anh thở dài kết luận:

 

- Chị Ngà xé những bông hoa kia có khác nào xé nát trái tim anh!

 

- Không phải chị Ngà làm chuyện đó đâu! - Không hiểu sao tôi bỗng buột miệng.

 

Ðôi mắt anh Ðiền vụt long lanh:

 

- Sao Trường biết?

 

- Biết! – Tôi mím môi.

 

Anh Ðiền lại đặt tay lên ngực, lần này không phải vì đau khổ mà vì hồi hộp:

 

- Không phải chị Ngà thì là ai?

 

- Ông.

 

Tiết lộ của tôi khiến anh Ðiền biến hẳn sắc mặt. Anh kêu lên, thất vọng và sợ hãi:

 

- Ông à! Trường nói thật không?

 

Vẻ hoảng hốt của anh Ðiền khiến tôi hả hê. Tôi khoái chí “đế” thêm:

 

- Chính mắt em trông thấy rõ ràng:

 

Rồi tôi láu lỉnh thuật lại câu chuyện buổi sáng hôm nọ và trước gương mặt tái mét vì lo lắng của anh Ðiền, tôi cố tình thêm mắm dặm muối và thay đổi một số tình tiết để anh Ðiền khỏi nghi ngờ. Trong câu chuyện của tôi, dĩ nhiên tôi chỉ là người tình cờ chứng kiến. Còn người vứt bó hoa cắm trên cửa sổ xuống đất và lấy chân dẫm nát chính là ông tôi.

 

Tôi hù anh Ðiền:

 

- Em còn nghe ông mắng “Thằng Ðiền không lo học nghề thuốc, chỉ giỏi lăng nhăng!”

 

Anh Ðiền lau mồ hôi trán, thấp thỏm:

 

- Ông còn nói gì nữa không?

 

Tôi gãi gáy:

 

- Ông còn nói nhiều lắm nhưng những câu sau em không nghe rõ.

 

- Thế này thì chết mất!

 

Anh Ðiền buông một câu não nuột rồi không nói thêm một tiếng nào, anh thất thểu bỏ vào nhà. Tôi nhìn theo, thấy anh không dám đi qua cửa trước mà len lén vòng quanh ngõ sau. Có lẽ anh sợ những tiếng “cót két” của cánh cửa lim sẽ làm kinh động đến ông tôi.

 

*****

 

Suốt một tuần sau đó, ngày nào anh Ðiền cũng lộ vẻ bồn chồn.

 

Anh không dám nhìn chị Ngà đã đành, mà ngay cả dì Miên anh cũng không dám mở miệng trò chuyện. Trước mặt ông tôi, anh càng khép nép. Lúc nào anh cũng cúi đầu nhìn xuống đất như thể đợi ông tôi đằng hắng một tiếng là lập tức co rúm người lại.

 

Tất nhiên chỉ riêng tôi hiểu được nguyên cớ nỗi hoang mang của anh Ðiền. Dì Miên và ông tôi tuyệt nhiên không để ý đến thái độ khác lạ của anh. Về phía chị Ngà, tôi nghĩ rằng chị tất đã phát hiện ra sự thay đổi bất thường này, nhất là gần mười ngày nay những đóa cúc vàng đã thôi xuất hiện bên cửa sổ phòng chị. Nhưng chị không dò hỏi, cũng không biểu lộ tâm sự ra ngoài mặt. Chỉ thỉnh thoảng tôi bắt gặp chị ngồi cắn bút thẫn thờ nhìn lên khung của sổ như bâng khuâng hoài nhớ một điều ghì. Sự kín đáo của chị đôi khi lại khiến tôi vô cùng khổ sở.

 

Nhưng cơn bấn loạn của anh Ðiền rồi cũng qua. Chờ hoài chờ hủy mà chẳng thấy ông tôi “tuyên án”, anh dần dần bình tĩnh trở lại. Và sau khi đã thật sự hoàn hồn, anh liền tìm gặp tôi:

 

- Trường nè.

 

- Dạ.

 

- Ði chơi với anh.

 

- Ði đâu?

 

Anh nháy mắt:

 

- Lên quán bà Sáu Dứa ăn mì.

 

Tôi chưa bao giờ từ chối chuyện ăn uống. Nghe anh rủ, tôi ứa nước miếng:

 

- Ði liền bây giờ hả?

 

- Ừ, đi liền bây giờ.

 

Mì bà Sáu Dứa nổi tiếng trong làng. Tôm thịt đầy tô. Bánh tráng rắc mè đen kịt, dày cui, nhai “rốp rốp”. Bà Sáu Dứa lại dễ tính. Ai không đủ tiền ăn một tô, mua nửa tô bà cũng bán. Có lần thấy tôi và anh em thằng Chửng ăn xong còn thòm thèm, bà múc thêm cho mỗi đứa một tô, tất nhiên là không có nhưn, nhưng đối với tụi tôi chỉ húp nước cũng đủ béo ngậy.

 

Tôi đang cắm cúi thưởng thức mấy con tôm đỏ tươi nằm lẫn giữa lớp mì vàng óng, anh Ðiền bỗng thò tay khều vai tôi, vui vẻ bảo:

 

- Ăn mừng đấy!

 

Tôi ngước lên, nhồm nhoàm hỏi:

 

- Ăn mừng gì vậy anh?

 

Anh Ðiền nháy mắt:

 

- Mừng anh thoát nạn.

 

Rồi thấy tôi chừng như chưa hiểu, anh sung sướng giải thích:

 

- Cả tuần nay anh lo sốt vó, nhưng rồi ông chẳng hỏi gì về chuyện đó cả.

 

- À ra vậy!

 

Tôi hờ hững đáp và cảm thấy mì bà Sáu Dứa bỗng dưng dở ẹc. Anh Ðiền không hiểu được lòng tôi, nên tỏ ra hào phóng:

 

- Trường ăn thêm một tô nữa nhé?

 

- Thôi.

 

Tôi lắc đầu, hờn dỗi vô cớ. Thấy vậy, anh Ðiền cũng không nài nỉ. Anh ngồi nhịp nhịp tay trên bàn như đang suy tính một điều gì. Lát sau, anh quay sang tôi, hạ giọng:

 

- Trường nè.

 

- Hửm? – Tôi lúng búng trong miệng.

 

Anh Ðiền nhìn tôi, thăm dò:

 

- Trường giúp giùm anh chuyện này nghen?

 

Tôi nuốt vội mấy cọng mì:

 

- Có chuyện gì vậy?

 

Anh Ðiền móc túi lấy ra một phong thư dúi vào tay tôi:

 

- Trường đưa cái này cho chị Ngà giùm anh.

 

Sửng sốt và căm tức, tôi những muốn xé toạt phong thư ngay tại chỗ hoặc ít ra cũng vứt nó xuống đất trước vẻ mặt hau háu chờ đợi của anh Ðiền. Nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi chỉ cắn chặt môi, mặt xám ngoét.

 

Anh Ðiền không thấy được bão táp trong lòng tôi. Anh chỉ thấy tay tôi run lẩy bẩy, bèn trấn an:

 

- Trường đừng sợ! Ông sẽ không biết đâu.

 

Mặt tôi vẫn tiếp tục sa sầm. Từ chối sự nhờ vả cuả anh Ðiền thì tôi không biết phải mở miệng thế nào. Trước nay anh vẫn tỏ ra quí mến, chiều chuộng tôi. Nhưng nhận lời thì có khác nào tôi tự tay bóp nát trái tim mình.

 

Thấy tôi cứ ngồi trầm ngâm, anh Ðiền lộ vẻ sốt ruột:

 

- Sao, Trường giúp anh chứ?

 

Tôi gượng gạo:

 

- Ðể em xem đã.

 

- Còn xem tới xem lui gì nữa! - Anh Ðiền nhăn nhó - Trường cố giúp giùm anh đi. Xong việc, anh em mình lại đi ăn mì.

 

Sự mua chuộc trắng trợn của anh Ðiền khiến tôi sôi gan. Tôi đứng phắt dậy:

 

- Em sẽ đưa thư cho chị Ngà. Nhưng em sẽ không ăn mì của anh nữa đâu.

 

Buông thõng một câu, tôi cầm lá thư quay mình ra khỏi quán, mặc anh Ðiền lặng người ngơ ngác trông theo.
0
0 sao / 0 đánh giá
5 sao - 0 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 0 SAO trên tổng số 0 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k