LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Hồn về nửa đêm

192 lượt xem

Nhìn đồng hồ trên tường đã hơn chín giờ mà cô con gái rượu vẫn chưa dậy, bà Huyện Xuân lo lắng:

– Hẹn với người ta mười giờ rưỡi, mà giờ này con Cẩm Hồng vẫn chưa thức thì làm sao đi cho kịp.

Cẩm Nhung, cô chị lớn bênh em:

– Hôm qua đi cả ngày, nó mệt nên cho nó ngủ thêm chút nữa. Mình đi xe hơi chớ xuồng ghe gì đâu mà má lo.

Bà Huyện vẫn không an tâm:

– Đi xe nhưng đường xá gồ ghề, đâu có lẹ hơn đi ghe. Đây qua đó không khéo phải mất hơn hai giờ đồng hồ!

Cẩm Hồng đã dậy, từ trong phòng bước ra mà vẫn còn ngáp dài:

– Đi qua dự tiệc chớ có phải đi hỏi vợ đâu mà má làm dữ quá trời!

Nhìn thấy bộ dạng con gái, bà Huyện Xuân la lớn lên:

– Sao chưa thay đồ mà còn ở đó con… con khỉ!

Bà tính mắng con, nhưng mấy khi bà nặng lời với cô con gái rượu mà cả ông bà đều cưng như cưng trứng này. Vả lại, hôm nay nhìn thấy con trong bộ đồ ngủ mỏng manh, khiêu gợi, tự dưng bà cũng xao xuyến… Bà chép miệng:

– Có con gái như miếng thịt mỡ như mày, nếu không gả chồng cho sớm thì chắc tao với ba mày mất ăn mất ngủ rồi mau già cho coi!

Cẩm Nhung cũng nói:

– Con gái út má như vậy mà lo gì không lấy được chồng mà má cứ quýnh cả lên! Việc gì má phải đưa Cẩm Hồng qua bên đó chào khách, phải để cho họ đến cầu cạnh mình chớ!

Bà Huyện Xuân nhẹ giọng:

– Bộ tao không bịết sao mà phải nhắc. Sở dĩ mình phải qua tận bên đó là vì bữa nay có mặt cả nhà của quan chủ tỉnh, trong đó có thằng con trai mới về nhậm chức. Không phải riêng má, mà còn hàng chục người khác cũng chực chờ dịp này. Lát nữa mày có đi theo thì sẽ thấy, bữa nay chẳng khác gì cuộc thi… hoa hậu cho coi!

Cẩm Nhung quay sang em gái:

– Vậy lát nữa mày bận bộ đồ của lão gì đó đi Tây về tặng hôm trước nhé, cho tụi nó lé mắt luôn! Mày bận đồ đó thì tao bảo đảm hoa khôi xứ Nam kỳ lục tỉnh này đều thua xa!

Cẩm Hồng không hứng thú lắm với bữa tiệc này, nhưng nghe chị nói cũng nheo mắt cười:

– Chơi thì chơi, sợ gì!

Ba mẹ con vừa ra tới cổng thì gặp ngay một chiếc xe trâu chở đầy lúa đang chạy ngược chiều với tốc độ kinh hoàng, cứ nhắm thẳng hướng xe của họ mà lao vào. Bà Huyện Xuân hốt hoảng la lớn:

– Coi chừng!!!

Tiếng la của bà chỉ đủ cho tài xế Ba Hỷ lách xe sang trái một chút, chưa thể né kịp đà lao tới như tên bắn của hai con trâu điên! Trên xe mọi người đều nhắm mắt lại… chờ chết! Nhưng vừa lúc đó thì nghe rầm một tiếng như trời long đất lở, ba người choàng mở mắt ra và… tưởng như mình đang mơ, chiếc xe trâu lật nằm chổng gọng ở dưới ruộng phía tay phải, phía trước xe hơi chở họ có một người đang đứng dang rộng tay như che đỡ khiến hai con trâu điên không đụng được vào xe!

Có gần chục người gần đó bu lại, ai cũng hết vía:

– Trời ơi, không thể tưởng tượng nổi! Chiếc xe trâu của Bảy Hổ lao như tên bắn, hất người đánh xe té cách mấy chục thước và cứ tưởng là lao thẳng vào xe hơi của bà Huyện, nào ngờ…

Họ nhìn người đàn ông có tuổi đang còn đứng dang tay như nhìn một vị thiên thần. Có người thốt lên:

– Chẳng hiểu ông ấy từ đâu xẹt ra, chận ngay đầu hai con trâu nổi điên như người tự sát! Vậy mà không ngờ hai con trâu vừa nhìn thấy ông ta thì đã lách sang bên kia và sẵn đà lao thẳng xuống ruộng luôn!

Lúc này bà Huyện Xuân mới kịp hoàn hồn, bà ló đầu ra ngoài xe la oé lên:

– Xe điên hay sao mà chạy như vậy chớ!

Bảy Hổ, chủ nhân chiếc xe gây tai nạn mình mẩy lấm lem bò từ mé ruộng lên, khúm núm trước bà Huyện:

– Dạ xin lỗi bà. Hai con trâu đang đi bình thường, chẳng hiểu tại sao lại nổi điên mà chính con cũng không làm sao kiểm soát được nó. Cũng may có ông đây…

Lúc này người đàn ông kia mới quay lại, nói đỡ cho Bảy Hổ:

– Một khi trâu mà gặp ma thì có giết chết nó cũng chạy! Số của bà và các cô còn lớn, nên vừa rồi mới thoát khỏi nạn tai.

Ông nói xong cúi chào bà Huyện một cách trịnh trọng. Bà Huyện Xuân bỗng kêu lên:

– Thầy… thầy là thầy Hai Hội ở… ở…

Người đàn ông đó gật đầu:

– Trí nhớ bà Huyện tốt quá. Đã gần năm năm rồi còn gì…

Ông vừa dợm bước đi thì bà Huyện Xuân gọi giật lại:

– Thầy ở Trà Vinh mà sao đi qua đây? Để tôi cám ơn thầy…

Bà định bước xuống xe thì ông ấy quay lại, nói một cách tự nhiên:

– Nếu bà và các cô đây không phiền thì tôi xin quá giang ra tới cầu đúc, trên đường đi tôi sẽ nói thêm câu chuyện có liên quan tới quý vị.

Bà Huyện Xuân phải quay sang hai con, nói để họ không thắc mắc:

– Thầy Hai đây ngày trước cũng từng cứu mạng má và ba con một lần rồi. Hồi đó nếu thầy không báo trước thì ba má đã bị bọn cướp giết chết ở nhà ông bà nội các con rồi!

Ông thầy cười hiền hòa:

– Chuyện cũ rồi. Nhưng nó có liên quan tới chuyện vừa rồi…

Bà Huyện giật mình:

– Hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, lại xảy ra ở hai thời điểm quá xa nhau, sao lại có liên quan?

Tài xế Ba Hỷ cho xe chạy chậm ra hướng cầu đúc để chủ và khách dễ nói chuyện. Bà Huyện Xuân hỏi:

– Thầy nói rõ coi, sao lại liên quan?

Ông thầy chợt nhìn vào Cẩm Hổng rồi nói:

– Vừa rồi hai con trâu kéo xe nhắm vào cô này, chớ không phải bà! Cũng giống như ngày xưa, tai nạn nhắm vào ông Huyện mà suýt nữa bà bị họa lây!

Cẩm Hồng từ nào giờ không quen với chuyện này, nên vừa nghe nói đã kêu lên:

– Ông nói gì vậy? Bộ điên sao…

Bà Huyện Xuân hốt hoảng:

– Đừng hỗn con, thầy đây…

Nhưng ông thầy không chút phật ý, từ tốn nói:

– Không sao, chuyện chưa đến thì làm sao những người trẻ như cô đây hiểu thấu. Nếu bà và cô không phiền lòng, tôi sẽ nói thẳng ra điều biết được. Nhất là chuyện vừa rồi, chẳng phải khi không mà hai con trâu nổi điên và nhắm vào xe của bà đâu!

Cẩm Hồng cau mày, tỏ vẻ khó chịu, nhưng bà Huyện Xuân thì nói liền:

– Thầy Hai cứ nói đi!

– Cô đây bị ma ám!

Câu nói thẳng đó khiến cho Cẩm Hồng chẳng những không sợ mà còn nổi điên:

– Ông này… không được nói bậy nghe chưa!

Lúc ấy xe vừa ra tới cầu đúc, ông thầy ra dấu cho ngừng lại, rồi nói trước khi bước xuống xe:

– Hai con trâu lúc nãy bị ma khiến nên tự dưng nó nổi điên và lao vào xe hơi, đáng lý hai xe đã đụng nhau và chuyện gì xảy ra chắc quý vị đều biết! Tuy nhiên, do cái mạng của bà Huyện đây còn quá lớn, nên cũng như lần trước, khi tên cướp cầm con dao bầu định xả xuống chém ông Huyện thì bị cái vong của người khuất mặt đỡ cho, nên ông bà toàn mạng. Thật ra lần đó, cũng như lần này tuy tôi là người đứng ra che chắn, chớ thật ra người che đỡ đó là người khuất mặt, tôi chỉ là người được lệnh làm thay thôi…

Ông nói tới đó thì bước xuống xe và cúi đầu chào rất trân trọng:

– Xin cám ơn bà Huyện. Bà nên cẩn trọng và đề phòng điều không hay vẫn còn đeo đuổi. Nhưng hy vọng cái mạng lớn của bà vẫn đủ sức che chở cho người thân của mình!

Ông nói xong quay bước đi rất nhanh. Bà Huyện Xuân nhảy xuống xe định chạy theo, nhưng đã chậm. Ông ta đã biến mất vào dòng xe cộ đang chạy.

Cẩm Hồng càu nhàu:

– Má tin chi những lời nhảm nhí đó!

Riêng Cẩm Nhung thì có vẻ hoang mang:

– Ông thầy này nói thấy ghê quá!

Bà Huyện Xuân đăm chiêu một lúc rồi nhẹ giọng nói:

– Ông nhắc chuyện năm xưa má thấy đúng. Hồi đó xảy ra chuyện đám cướp của giết người đó đột nhập vào nhà ông bà nội con, ngoài cướp tài sản chúng còn cố ý giết người nữa. Mà người chúng nhầm trước tiên là ba con, bởi khi ấy ba con vừa được ông nội giao cho cai quản sản nghiệp, quyền lực và tiền của nằm trong tay khá nhiều, bởi vậy bọn cướp nhắm vào ông, muốn bắt cóc ông để tống tiền, nhưng bị ông chống cự nên thằng đầu đảng giơ dao tính chém, may nhờ ông thầy Hội này xuất hiện như một vị thần tiên, đã kịp đá văng cây dao bầu dài cả thước đang xả xuống đầu ba con! Cũng như lần này…

Bà nhớ lại chiếc xe trâu hồi nãy mà rùng mình:

– Ông ấy lại một lần nữa cứu mình!

Cẩm Nhung hỏi:

– Má biết nhà của ông ấy ở đâu không, bữa nào mình đem lễ vật tới tạ ơn.

Bà Huyện Xuân lắc đầu:

– Má chỉ biết tên ông ta là Hai Hội, nên gọi là thầy Hai Hội, chớ nhà cửa ổng ở đâu, làm nghề gì thì má hoàn toàn mù tịt.

Cẩm Hồng vẫn nói với giọng thiếu thân thiện:

– Ôi, biết làm gì mấy ông thầy đó cho thêm mệt!

Cô nàng dựa lưng ra băng ghế, lát sau là thở đều trong giấc ngủ ngon. Bà Huyện Xuân lắc đầu:

– Con này sắp lấy chồng tới nơi mà chỉ biết ăn với ngủ!

Phải mất hơn một tiếng đồng hồ xe mới tới nơi. Khách khứa đã tới hầu như đủ hết. Trong số này có cả ông Huyện Xuân, bởi ông đi dự họp ở tỉnh rồi cùng về với chủ nhân bữa tiệc hôm nay, ngài phó tỉnh trưởng và là anh ruột của ông. Vừa thấy vợ con vào tới Huyện Xuân đã lên tiếng ngay:

– Nãy giờ ở đây chỉ nhắc mỗi mẹ con bà thôi, làm tui phát ghen!

Bà Huyện Xuân cười xã giao:

– Chắc là nhắc vì mẹ con tui đi trễ! Thành thật xin lỗi quý vị.

Có một vị tướng tá oai vệ vội lên tiếng:

– Có trễ mấy mà tới đủ mẹ con là được rồi!

Nhìn lại người vừa nói, bà Huyện Xuân vội giục hai con:

– Chào ngài tỉnh trưởng đi con!

Cẩm Hồng chưa kịp chào thì vị đó đã bước tới nắm tay, vừa giới thiệu với mọi người:

– Nãy giờ tôi chờ đợi chỉ để nói với mọi người, đây là con dâu của tôi!

Quá bất ngờ ngay cả với vợ chồng Huyện Xuân, chớ đừng nói là Cẩm Hồng. Cô nàng lúng túng thấy rõ:

– Dạ… dạ…

Ngài tỉnh trưởng nói to hơn, cố ý để cho cả bữa tiệc nghe, bởi lúc ấy mọi con mắt đang đổ dồn về phía ông:

– Tôi chưa hỏi ý anh chị Huyện, nhưng xin mạo muội nói thẳng, người mà chúng tôi chọn để cưới cho trai mình là cháu Cẩm Hồng này! Xin mọi người cho một tràng pháo tay!

Tiếng vỗ tay ầm vang. Nhưng chen lẫn trong những tiếng hoan hô đó cũng có không ít những tức tối. Bởi có đến gần một chục gia đình dẫn con gái tới chỉ mong nhận được lời tuyên bố như vừa rồi. Họ thất vọng và đâm ra ganh tị với mẹ con bà Huyện Xuân.

Tuy vậy, khi Cẩm Hồng được mời tới bàn dành riêng cho ngài tỉnh trưởng và gia đình ngồi, thì hầu như mọi người đều phải trầm trồ khi nhìn thấy bộ váy màu cánh sen mà cô nàng mặc, nó đẹp và sang trọng, ăn đứt những bộ cánh của con gái các nhà quyền quý khác trong bữa tiệc.

Quả là Cẩm Nhung có cặp mắt tinh đời, khi khuyên em gái chọn bộ cánh này. Lúc này đứng đằng xa nhìn em gái ngồi chung với gia đình tỉnh trưởng, Cẩm Nhung nói khẽ với mẹ:

– Má nhìn coi kìa, có bao cặp mắt đang ganh tị với nó và bà tỉnh trưởng đang nhìn nó đầy say mê, thật không uổng công đi bữa nay!

Trong lúc đó thì ở bàn riêng, bà tỉnh trưởng giải thích việc vắng mặt của cậu con trai là nhân vật chính bữa nay:

– Nó đi mua hoa dành riêng tặng cho cháu!

Cẩm Hồng quả thật bất ngờ, cô không tin là mình nghe đúng:

– Ảnh nào biết con đâu mà mua hoa tặng?

Bà tỉnh trưởng nói:

– Tuy chưa gặp cháu lần nào, cũng chưa biết đẹp xấu ra sao, chỉ mới nghe bác nói sơ qua mà nó đã mê rồi! Thằng này giống tánh ba nó, làm gì là làm cái rụp, không chần chừ!

– Dạ….

Trong lúc họ đang nói chuyện thì chợt có nhiều cô ồ lên và cười tươi khi thấy một chàng trai xuất hiện với bó hoa dại thật lớn trên tay. Bà tỉnh trưởng bảo:

– Thằng Toàn nhà bác đó!

Toàn bước thẳng tới chỗ Cẩm Hồng ngồi và thật tự nhiên đưa bó hoa:

– Tuy không phải hoa hồng hay hoa lan, nhưng đây là tấm lòng thành, mong cô nương nhận cho!

Bà tỉnh trưởng thêm vô:

– Đây là Cẩm Hồng, con gái cưng của bác Huyện Xuân, người mà ba má đã chọn làm con dâu, vậy con phải gọi khác chớ, sao lại là cô nương được!

Toàn tỏ ra lịch lãm:

– Nếu được phép thì xin gọi… em nhé?

Cẩm Hồng vốn là gái tân thời, từng giao tiếp bạn trai nhiều khi đi học trường Tây ở Sài Gòn, nhưng phải công nhận anh chàng này quả là lịch lãm và… có duyên. Cô nhoẻn miệng cười đáp lại:

– Dù hoa không quý, nhưng tấm lòng thì quý gấp chục lần hơn! Xin cám ơn anh Toàn!

Cô nhận bó hoa và rất lịch sự đưa lên mũi ngửi ngay và bất chợt nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ gắn kèm rất kín đáo ở giữa bó hoa. Không cần lấy ra, Hồng cũng đọc được mấy chữ viết tháo:

– Không nên lấy người này.

Cô định lờ đi, nhưng lúc ấy bà tỉnh trưởng đã nhìn thấy, vội hỏi:

– Cái gì vậy con, sâu hả?

Cẩm Hồng lúng túng:

– Dạ không…

Tờ giấy nhỏ vô tình rơi ra và Toàn chụp được lại càng khiến Cẩm Hồng mất tự chủ, cô lắp bắp:

– Cái… cái đó…

Cô định chụp lại, nhưng Toàn đã đưa lên nhìn kỹ… và cười xòa:

– Tờ giấy trắng!

Tưởng đó là tờ giấy khác, Cẩm Hồng lén nhìn lại và vô cùng ngạc nhiên khi mảnh giấy lúc nãy không còn nữa!

Thấy Cẩm Hồng có vẻ không tự nhiên, sắc mặt hơi tái đi, Toàn rất tâm lý giằng lại bó hoa và lên tiếng ngay:

– Con hơi hồ đồ, một đóa hoa hương sắc như vầy mà để cho cầm những cánh hoa dại trong tay khác nào hạ thấp người đẹp! Thảo nào lúc nãy khi con đang hái hoa ngoài vườn thì có một ông già đã ngăn con lại, bảo rằng đừng tặng người đẹp loài hoa này.

Câu nói chỉ lờ mờ như vậy, nhưng bỗng Cẩm Hồng vụt hỏi:

– Có phải một ông già có búi tóc trên đầu không?

Toàn ngạc nhiên:

– Ủa, sao em biết ông này? Chắc là người thân?

Cẩm Hồng càng mất tự nhiên:

– Không… không phải. Ông ấy…

Ông tỉnh trưởng phải chen vào nói:

– Bất cứ ai thấy con hái hoa dại để tặng người đẹp cũng đều khuyên như vậy thôi! Ba cũng thế và ba khuyên con nên chuộc lỗi bằng cách lái xe đưa Cẩm Hồng ra chợ thị xã để tìm mua hoa quý thay ngay bó hoa này, coi như là chuộc lỗi!

Bà tỉnh trưởng cũng tán đồng:

– Phải đó. Để má xin phép ông bà Huyện cho.

Bà chưa kịp bước sang thì cả vợ chồng Huyện Xuân đã nhanh nhẩu bước tới và nói liền:

– Cần gì phép tắc. Cháu Toàn cứ đưa Cẩm Hồng đi. Nhưng hai bác xin nhắc, con gái bác nó còn khờ và nhút nhát lắm, cháu chớ có ăn hiếp tội nghiệp nó!

Toàn đưa Cẩm Hồng đi trước nhiều cặp mắt khó chịu, tức tối…

***

Cẩm Hồng nhìn chiếc xe mui trần thì thích thú lắm, reo lên:

– Xe của anh hả, tuyệt lắm…

– Em thích lái không?

Còn gì bằng, Cẩm Hồng hí hửng:

– Em biết lái, anh để cho em lái.

Cô ngồi vào trước tay lái và tỏ ra sành điệu khi nổ máy và phóng vèo ra đường như một tay lái chuyên nghiệp, trước sự thán phục của Toàn:

– Em lái còn cứng hơn anh nữa. Đường ở đây hẹp và nhiều xe thô sơ đi ẩu quá, anh không dám lái nhanh.

Câu nói đó còn hơn một lời khen, khiến cho Cẩm Hồng hứng chí, nhấn ga sâu hơn. Chiếc xe lao đi vun vút giữa đường quê, lại do một cô gái lái nữa, nên mọi người đi đường đều đưa mắt nhìn và thán phục ra lời:

– Con gái mà giỏi quá, lái xe còn hơn đàn ông!

Một ai đó nhận ra người lái, nên nói:

– Con gái út ông Huyện Xuân đó, dân nhà giàu đó mà.

Cẩm Hồng được khen, lại được lái chiếc xe đời mới, nên có lúc cô nhấn ga lên gần một trăm cây số giờ. Ngồi bên cạnh Toàn vừa định nhắc thì bất chợt từ lề đường có một con bò chạy vút ra.

– Coi chừng!

Tiếng cảnh báo của Toàn vừa phát ra thì đầu xe đã lao sát vào con bò. Một cú đụng mạnh chắc chắn sẽ xảy ra và việc gì thì đã rõ…

Cả Cẩm Hồng và Toàn đều chỉ biết nhắm mắt lại giao mạng sống cho số phận…

– Trời ơi, không tưởng tượng được!

Giọng của ai đó vang lên, vừa lúc cả hai người trên xe mở mắt ra. Trước họ, ngay đầu xe đang có một người đứng chận ngang. Cẩm Hồng kêu lên:

– Ông thầy Hai!

Toàn cũng đã nhận ra, anh vô cùng ngạc nhiên:

– Ông lão anh vừa mới gặp ở chỗ hái hoa.

Ông thầy Hai lẵng lặng bước tránh ra khỏi đầu xe, tiến về phía con bò đang nằm im dưới ruộng.

Bằng một động tác nhẹ nhàng, ông vỗ lên lưng con vật và nó bật dậy ngay, chạy một mạch như chẳng có việc gì xảy ra. Mấy người bên đường trầm trồ:

– Nếu không có ông lão này đẩy con bò ra kịp thì chiếc xe đã đụng thẳng vào rồi và… xe lật là cái chắc!

Ông thầy không quay lại, bước thẳng theo con đường đê… Lúc này Toàn mới lên tiếng gọi:

– Ông ơi!

Anh định nói lời cám ơn, nhưng ông ta đã khuất phía xa… Cẩm Hồng không còn ác cảm với ông như trước nữa, cô nhìn theo và lẩm bẩm:

– Ông này lạ quá….

Phải mất hơn mười phút sau thì cả hai mới lấy lại bình tĩnh để tiếp tục lái xe ra thị xã. Họ tìm mua được một chục bông hồng ở một vườn trồng hoa, chớ không cần phải vào chợ. Mà thật ra nếu không có một người khách lạ bên đường chỉ cho họ biết vườn trồng hoa, thì họ có tìm tới sáng hôm sau cũng không có bông hoa nào ở thị xã bởi nơi này không hề có chỗ bán hoa tươi như ở Sài Gòn.

Lúc hai người dừng lại một quán nước bên đường để uống, thì ai cũng khen hoa đẹp. Hỏi mua ở đâu, Cẩm Hồng nói là mua ở vườn trồng hoa thì ai nấy đều ngạc nhiên:

– Ở xứ này làm gì có nhà vườn trồng hoa? Lại là loại hồng nhung này, rất hiếm thấy, ngoại trừ…

Rồi người đó hỏi thẳng:

– Có phải hai cô cậu hái ở khu mộ của gia đình ông đốc phủ Hài không?

Cẩm Hồng ngơ ngác:

– Tui đâu biết phần mộ đó? Vả lại, rõ ràng chúng tôi vừa mua ở vườn hoa cách đây hơn nửa cây số mà!

Người nọ quả quyết:

– Dám cá một ăn một trăm là hoa này ở nghĩa trang nhà đốc phủ Hài chớ không ở đâu khác! Ở đó sáng nào khóm hồng trồng trước mộ cũng nở rực rỡ mà có ai dám vô hái đâu. Cô cậu nghĩ cũng gan thiệt!

Người đó nói rồi bỏ đi. Cẩm Hồng tức tối:

– Ăn nói vô duyên!

Cô ta tức lên, lộ hẳn tính nóng mà từ nãy giờ cố kiềm chế, bằng động tác ném bó hoa ra phía sau xe! Toàn phản ứng tức thời, bằng cách đưa tay ra chụp được, vừa nói:

– Bó hoa đẹp mà em!

Anh ta tuy chụp lại được bó hoa, nhưng một ngón tay đã bị gai hoa hồng đâm phải, kêu lên:

– Ui!

Một giọt máu nhỏ ra rơi dính vào ngực áo, Toàn vừa bị đau vừa phát cáu:

– Cái hoa này…

Anh ta kịp dừng lại sự bực dọc, nhưng cũng đủ cho Cẩm Hồng áy náy:

– Em xin lỗi, tại vì em…

Toàn lịch sự:

– Không sao, anh chỉ khó chịu vì cái áo…

Cẩm Hồng tấp xe vô lề và nhanh nhẹn lấy ra chai Aceton rửa móng tay, rồi khá tự nhiên dùng khăn tay của mình thấm nước tẩy đó tẩy chỗ vết máu. Cử chỉ dễ thương đó của cô đã khiến cho Toàn không tự chủ được, sẵn hai mặt sát nhau, anh chàng bất thần ghì vào và đặt lên đó một nụ hôn nồng cháy!

Cẩm Hồng không kịp phản ứng, hoặc là không muốn chống cự, thế là họ cứ thản nhiên ôm hôn nhau khiến cho nhiều người đi đường phải đỏ mặt! Nụ hôn kéo dài đến vài chục giây, đến khi rời nhau ra thì Cẩm Hồng như bừng tỉnh, cô nhấn ga cho chiếc xe lao đi vun vút và suốt quãng đường về nhà nụ cười luôn nở trên đôi môi cô nàng…

Thỉnh thoảng nhìn sang, cô thấy Toàn đang nhắm nghiền mắt lại, hình như đang tận hưởng hương vị của đôi môi còn đọng lại…

Họ về đến nhà thì đã thấy rất đông người đứng đợi. Đích thân bà tỉnh trưởng đứng giữa mọi người nói lớn:

– Trong lúc hai đứa con vắng mặt, hai bên cha mẹ đã thỏa thuận xong với nhau là nội tháng sau đám cưới sẽ được cử hành! Hai đứa sẵn đây xuống chào bà con cô bác đi!

Cẩm Hồng rất tự nhiên mở cửa xe bước xuống, nhưng Toàn thì vẫn ngồi yên.

– Về tới nhà rồi, anh xuống đi chớ?

Cẩm Hồng nhắc, nhưng Toàn vẫn nhắm nghiền mắt, bất động. Linh tính báo có điều gì đó bất trắc, Cẩm Hồng phải chồm vào xe lay vai anh chàng:

– Anh Toàn…

Bị cái đẩy nhẹ của Cẩm Hồng, nhưng Toàn đã ngã dựa vào cửa xe, khiến bà mẹ anh ta hốt hoảng:

– Sao vậy Toàn?

Toàn được đưa ra khỏi xe trong trạng thái hầu như lịm đi. Chính bà Huyện Xuân phải lên tiếng hỏi:

– Nó bị sao vậy Cẩm Hồng?

Cô nàng quýnh lên:

– Con đâu biết. Tụi con vừa đi mua xong hoa hồng và mới đây ảnh còn cười nói bình thường mà…

Chợt nhìn thấy một ngón tay của con trai bị sưng vù to như trái chuối, ông tỉnh trưởng rú lên:

– Nó bị sao vậy?

Họ tức tốc đưa Toàn vào phòng trong, nhưng ông tỉnh trưởng đã ra lệnh:

– Đưa nó đi bệnh viện ngay. Coi chừng bị con gì đó cắn. Rắn độc cũng nên!

Cẩm Hồng hốt hoảng:

– Không phải con gì cắn đâu, ảnh chỉ bị cái gai bông hồng đâm phải thôi!

Con trai cưng của ngài tỉnh trưởng mà bị nạn thì cuộc cấp cứu phải biết! Hầu như tất cả các xe hơi tới dự tiệc đều hộ tống đưa Toàn đi bệnh viện tỉnh cách đó gần sáu chục cây số!

Một giờ sau…

Trong lúc mọi người còn đang căng mắt ra chờ ngoài hành lang bệnh viện thì chợt nghe tiếng gào thét của bà tỉnh trưởng từ bên trong phòng cấp cứu! Rồi một cô y tá từ trong đó hớt hãi chạy ra, chỉ nói vắn tắt:

– Bệnh nhân tên Toàn đã tử vong!

***

Suốt ba đêm kể từ khi đi đưa tang của Toàn về, không phút nào bà Huyện Xuân an giấc. Hễ cứ vừa nhắm mắt lại thì hầu như những hình ảnh lạ lùng lại hiện ra. Ban đầu bà ta giấu chồng con về những điều mình gặp trong giấc mơ, nhưng rồi cũng phải nói ra, bởi đêm nào ông Huyện Xuân cũng bị giật mình nhiều lần và đều ngạc nhiên khi nghe bà cứ lảm nhảm gọi tên ai đó. Ông gạn hỏi thì cuối cùng bà đành thú thật:

– Hễ cứ nhắm mắt lại thì tui thấy có một người với bộ mặt đầy máu hiện ra. Người đó hỏi tôi có nhớ Sáu Ngọc không?

Ông Huyện Xuân chau mày:

– Sáu Ngọc là ai?

Bà lắc đầu:

– Tôi làm sao nhớ được…

– Sao tôi nghe bà gọi tên ai là Nương Tử?

Bất chợt bà rú lên:

– Ai gọi Nương Tử?

– Thì bà gọi chớ ai. Nương Tử là người nào mà lâu nay tôi đâu hề nghe bà nhắc?

Bà Huyện Xuân vẫn lắc đầu:

– Tôi đâu biết…

Tuy nhiên, chợt bà kêu lên:

– Trời ơi, Nương… Nương Tử phải không?

Bà ôm đầu vài giây rồi nói như đang nằm mơ:

– Phải rồi… cô đào hát… cô đào hát…

Nói tới đó bỗng nhiên bà ngã lăn ra rồi bất tỉnh! Ông Huyện Xuân hốt hoảng gọi người nhà cứu chữa cho vợ, nhưng càng xoa dầu, đánh gió bao nhiêu thì bà lại càng chìm sâu trong cơn mê…

Phải đến chiều hôm đó tự dưng bà tỉnh lại và nói như chưa có việc gì xảy ra:

– Dọn cơm cho tôi ăn đi, đói quá!

Ông Huyện Xuân thở phào:

– Bà làm tôi hết hồn! Làm lỡ chuyến đi lo cái vụ xuất cảng gạo cùng với ông phó tỉnh trưởng mất rồi.

Bà Huyện Xuân tỉnh táo:

– Thì bây giờ ông đi cũng còn kịp mà. Biểu tài xế lái xe chạy tối thì sáng mai tới trên đó rồi.

– Bà liệu sức khỏe có ổn chưa thì tôi mới dám đi?

– Ông khéo lo, bệnh tôi như giả đò, ăn nhằm gì!

Ông Huyện Xuân đi lúc ba giờ thì bốn giờ bà Huyện Xuân cũng đi. Hai cô con gái ngạc nhiên hỏi thì bà dặn:

– Má đi về Trà Vinh có chút việc. Nếu ba tụi bây có điện về hỏi thì đừng nói. Nhớ nghe chưa!

Cẩm Hồng từ sau tai nạn của Toàn thì hầu như nằm vùi trong phòng riêng, ăn uống bữa được bữa không… Còn Cẩm Nhung thì cũng giống như mẹ mình, cứ thấy ác mộng và đầu óc hoảng loạn, cứ kêu nhức đầu và hoa mắt… Nghe mẹ nói đi xa, Cẩm Nhung cố gượng nói với bà:

– Con Cẩm Hổng kỳ lắm, nó cứ ôm mặt khóc rồi bỏ ăn bỏ uống kiểu này con e nó bệnh nặng cho má coi. Hay là má gởi nó trở lên Sài Gòn học tiếp đi, để nó quên chuyện kia…

Bà Huyện Xuân nói xuôi theo:

– Thì tao cũng tính như vậy, nhưng để sau khi tao đi Trà Vinh về đã.

– Chuyện nhà rối rắm, đau bệnh tùm lum mà ba má đều đi hết, con làm sao lo cho xuể đây?

Tuy nói vậy nhưng khi mẹ đi rồi Cẩm Nhung cũng rút vô phòng riêng của mình, không màng gì tới chuyện nhà.

Bữa cơm chiều không ai dọn là cái chắc, bởi cô người làm cũng đã xin nghỉ mấy hôm về thăm mẹ bệnh nặng. Cẩm Nhung biết như vậy nhưng vẫn nằm im trong phòng cho tới khi trời bên ngoài đã tối.

Đang nằm, Cẩm Hồng bỗng bật dậy, bởi mùi thức ăn thơm phức bay vào tận phòng ngủ. Người yếu và ăn uống thất thường mấy bữa nay, vậy mà cô cũng ráng bước ra ngoài, hỏi lớn xuống bếp:

– Ai nấu món gì mà thơm dữ vậy, cho con ăn cơm với!

Nếu có ở nhà thì bà Huyện Xuân đã mừng rơn, bởi việc ăn uống của cô con gái út là chuyện bà quan tâm hơn hết trong nhà này. Hỏi mà chẳng nghe ai đáp, Cẩm Hồng bước thẳng ra nhà bếp, cô nhìn thấy một mâm cơm với khá nhiều món ăn đã dọn sẵn, còn bốc khói. Đang đói bụng, nên Cẩm Hồng không đợi, vừa ngồi vào bàn ăn vừa nói vọng lên nhà trên:

– Con đói nên ăn trước nghen!

Cô ngồi ăn một cách ngon lành, chợt Cẩm Nhung bước xuống, kinh ngạc kêu lên:

– Trời sập tới nơi rồi, sao bữa nay mày nấu cơm hả Cẩm Hồng?

Không nhìn lên, Cẩm Hồng đáp:

– Má nấu, chớ có rảnh đâu mà nấu. Công nhận bà già nấu món sườn ram mặn ngon thiệt!

– Mày nói ai nấu? Má đi từ hồi bốn giờ, khi đó cơm chưa nấu thì làm sao là má được?

Cẩm Hồng bây giờ mới ngẩng lên:

– Vậy ai nấu cơm rồi còn dọn sẵn nữa. Đừng nói là chị nghe!

Cẩm Nhung bước tới nhìn các đĩa thức ăn rồi kêu lên:

– Mấy món này nhà mình đâu có sẵn mà nấu! Cá chẽm chiên nè, gà ác tiềm nè, mày không thấy những món này phải nhà hàng Tàu mới có không? Sao bữa nay lại có và dọn sẵn ở đây?

Lúc này Cẩm Hồng mới để ý, cô lẩm bẩm:

– Nãy giờ em đói nên ăn đại, đâu có để ý…

Bị mất hứng nên tuy bụng còn đói, nhưng Cẩm Hồng ngưng ngang không ăn nữa. Cô nàng còn cảm thấy nhờn nhợn trong cổ họng, nên buông đũa đứng dậy, bước ra cửa sau. Định đứng một lúc cho thoáng rồi trở vô, tuy nhiên chẳng hiểu sao Cẩm Hồng lại đi thẳng ra bên trái khu vườn, rồi mở hẳn cửa hông, nơi thông ra một khoảng đất trống mà lúc nhỏ cô nàng hay ra đó chơi đùa, chỉ mấy năm nay do lớn và phần đi học xa luôn, nên cô ít có dịp ra đây.

– Cô út!

Tiếng ai đó gọi khiến Cẩm Hồng giật mình nhìn lại. Một cô gái trẻ, ăn mặc dáng nhà quê, nhưng khá xinh xắn từ xa đi lại, miệng cười rất tươi lặp lại câu nói vừa rồi:

– Cô út Cẩm Hồng phải không?

Chưa từng quen biết mà cô ta lại gọi tên mình một cách thân mật, tự nhiên, làm cho Cẩm Hồng hơi lúng túng:

– Chị là ai vậy?

Cô gái đáp rất lịch sự:

– Tôi lớn hơn cô út hai tuổi, cho nên gọi tôi là chị cũng được. Tôi là Hoa Liên, tuy lạ mà quen.

Cách trả lời ỡm ờ của cô nàng, khiến Cẩm Hồng phật ý:

– Chị nói rõ mình là ai và gặp tôi với ý gì?

Cô ta vẫn cười vui:

– Tôi vừa nói rồi, là Hoa Liên, tức hoa sen. Tới đây để dọn bữa cơm cô vừa ăn trong nhà!

– Chị…

Cẩm Hồng giật mình, nhìn sững người con gái, vừa lắp bắp hỏi lại:

– Mâm cơm trong nhà… là của chị?

– Cô ăn có ngon không!

Cẩm Hồng gay gắt giọng:

– Tôi hỏi chị chưa trả lời, mâm cơm đó…

– Thì do tôi dọn ra mời cô. Bởi biết cô đã ba ngày chưa ăn uống gì.

– Nhưng sao chị biết tôi cần ăn cơm và làm cách nào chị vô nhà tôi được?

Chỉ cánh cửa hông, cô nàng đáp tỉnh bơ:

– Thì bằng cửa này, giống như cô vừa ra.

– Nhưng sao nhà tôi mà chị…

Cô gái giờ mới áp tới sát Cẩm Hồng, hạ giọng:

– Cậu Toàn sai tôi làm!

Đang bực bội, bỗng Cẩm Hồng bước thụt lùi, ngơ ngác:

– Chị nói… ai?

– Cậu Toàn, con ông bà tỉnh trưởng!

– Trời ơi, chị là…

Cẩm Hồng bước lui mấy bước, vấp vào một gốc cây suýt té, trong khi đó giọng cô gái vẫn đều đều:

– Cậu ấy lo cho sức khỏe của cô, nên sai tui mỗi ngày phải dọn cơm mời cô. Đây là những thức ăn đặt nấu ở tiệm cao lầu ở thị xã, họ làm vừa ngon vừa sạch sẽ, cô cứ yên tâm mà ăn, không phải lo gì hết.

Rồi như đoán được tâm trạng của Cẩm Hồng, cô nàng lại tiếp, nói rõ hơn:

– Cậu ấy tuy chết rồi, nhưng vẫn hiển linh, vẫn thương cô, muốn luôn luôn được chăm sóc cho cô.

Sau khi lấy lại thăng bằng, Cẩm Hồng vụt chạy vào trong, thuận tay đóng sầm cửa lại. Cắm đầu đi thật nhanh, nghĩ là đã cắt được cái đuôi. Nào ngờ, khi tới nửa khu vườn thì đã thấy cô gái lúc nãy đứng áng ngay trước mặt.

– Sao lại chạy trốn người đang giúp em?

Nghĩ chỉ cần la lớn lên thì Cẩm Nhung trong nhà sẽ nghe thấy, nên Cẩm Hồng gào thật to:

– Chị Cẩm Nhung ơi!

Gọi đến lần thứ ba mà vẫn không nghe Cẩm Nhung lên tiếng hoặc chạy ra, lúc này Cẩm Hổng hơi hoang mang, nên cô đành phải hỏi lại:

– Chị là gì của anh Toàn?

– Cô không cần phải biết, chỉ hiểu là Toàn đang là một vong hồn chết oan. Anh ấy đang cần một chỗ dựa ở chốn trần gian này, mà cô là người đó. Cô không làm được chuyện này sao, khi vì cô mà anh ấy phải chết.

– Sao lại tại tôi? Anh ấy bỗng dưng bị chết, chớ nào tôi có làm gì đâu?

– Vậy ai để cho cái gai hoa hồng đâm vào tay anh ấy?

– Chị nói…

Cẩm Hồng muốn cãi, nhưng chợt ngừng ngang, trước mắt cô hình ảnh ngón tay sưng vù một cách bất thường của Toàn hôm đó còn ám ảnh Cẩm Hồng cho tới bây giờ.

– Anh ấy…

Giọng cô gái nghiêm túc hơn:

– Toàn chỉ mới là nạn nhân đầu tiên của cô thôi. Còn nữa…

Hết sức chịu đựng, Cẩm Hồng gần như la lên:

– Chị không được nói linh tinh nữa! Chị đi đi và nói với hồn anh Toàn của chị là tôi không cần ai chăm sóc hết! Tôi tự lo được rồi…

Cô vụt chạy thật nhanh vào nhà. Chẳng thấy Cẩm Nhung đâu, mà mâm cơm trong nhà bếp cũng không còn.

– Chị Cẩm Nhung!

Đi thẳng lên phòng riêng của Cẩm Nhung thì cửa phòng mở toang, Cẩm Nhung chẳng hiểu đã đi đâu.

Chưa bao giờ Cẩm Hồng cảm thấy sợ hãi như lúc này. Xưa nay cô không hề tin có hiện tượng ma quỷ, vậy mà giờ đây cô phải đối diện với một hồn ma!

– Má ơi!

Bất giác Cẩm Hồng phải gọi đến mẹ mình.

Chợt có tiếng nói từ phía sau:

– Mẹ cô hiện đang đối diện với nguyên nhân gây ra hậu quả mà cô phải gánh chịu ngày hôm nay, phải ba bữa nữa mới về, có đâu mà cô gọi.

– Còn bà chị quý hóa của cô thì mới xách giỏ đi, chưa biết lúc nào mới về!

Cẩm Hồng quýnh lên:

– Sao kỳ vậy? Sao cả nhà…

Cô gái kia gằn giọng:

– Tôi nói rõ cho cô biết, trong số những người đàn ông mà cô từng trải qua, chỉ có anh Toàn là người xứng đáng. Cuối cùng ảnh mới là người cứu cô ra khỏi bến mê!

Nói xong cô ta dợm bước đi thì lần này Cẩm Hồng đã chủ động gọi lại:

– Cô nói anh Toàn, có thật không!

– Muốn biết thật hay không thì trở về phòng sẽ biết!

Bóng cô ta lẫn khuất trong vườn cây. Cẩm Hồng chạy vội về phòng mình và cô sững sờ trước bó hồng nhung đang nằm trên gối. Nó giống hệch với bó hoa mà bữa đó Toàn đã mua để tặng cô.

– Anh Toàn!

Trong phòng không có ai khác.

Không dám đụng vào bó hoa, bởi hậu quả bữa trước còn làm cho Cẩm Hồng sợ, cô đứng tần ngần trước giường mình khá lâu, chưa biết phải làm sao lấy bó hoa đi chỗ khác thì bỗng như có ai đó di chuyển nó đi, từ bên giường chỉ trong nháy mắt bó hoa đã nằm gọn trên bàn phấn.

– Toàn, em vẫn nhớ anh. Đừng làm em sợ.

Tự dưng toàn thân Cẩm Hồng lạnh run, cô phải leo lên giường, trùm kín mền và thốt nhiên lại gọi Toàn:

– Hãy phù hộ cho em, Toàn ơi!

Nhờ mấy lần gọi tên Toàn mà Cẩm Hồng phần nào yên tâm. Cô có cảm giác như trong phòng mình có ai đó đang đi lại, có lúc như có hơi thở cạnh bên mình… Toàn chăng?

Cẩm Hồng thầm mong như vậy. Như thế còn hơn là để cô một mình mang nỗi sợ hãi khôn cùng. Và nhờ vậy mà suốt đêm hôm đó cô ngủ được yên. Sáng dậy, chưa bước xuống giường thì cô đã ngửi được mùi thức ăn. Khi nhìn về phía chiếc bàn nhỏ trong phòng cô thấy có một mâm thức ăn chờ sẵn!

Lần này không ngại như hôm qua, Cẩm Hồng ngồi ăn một cách tự nhiên…

***

Bà Huyện Xuân trở về xóm cũ, mà đã hơn hai mươi lăm năm bà không về, khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Nhưng sửng sốt nhất có lẽ là bà Tư Trầu ở cạnh đình làng. Bà cứ nhìn vị khách sang trọng vừa bước vô cửa mà tưởng như trong mơ:

– Có phải bây là… con Hai Thắm không?

– Dạ, đúng rồi, con là Hai Thắm đây.

Người dẫn đường cho bà vào đây đã phải lên tiếng nhắc:

– Bây giờ cô ấy là bà Huyện, người ta quen gọi là bà Huyện Xuân, chớ đâu còn là Hai Thắm như ngày xưa nữa.

Bà Tư Trầu vẫn quen lối bỗ bã xưa nay:

– Tao đâu có biết nó làm bà nghè ông tưởng gì chỉ nhớ là con Hai Thắm thôi. Mà nhớ được cũng là nhờ cái nốt ruồi con ve trâu trên trái tai kia kìa!

Bà Huyện Xuân đưa tay lên sờ vào nốt ruồi ở gần vành tai, rồi cười:

– Bà Tư nhớ dai thiệt. Trong lúc với mấy người kia con phải nhắc tới đủ thứ họ mới nhớ ra. Gần ba chục năm rồi còn gì…

Cuộc hội ngộ tuy có bất ngờ, nhưng do đã sinh ra và lớn lên đến năm hai mươi tuổi ở xứ này, nên chỉ sau một lúc là nhiều người đã tới thăm và hỏi chuyện thân tình hơn. Bà Huyện Xuân phải lên tiếng:

– Tôi có chút việc muốn hỏi thăm bà Tư, nên xin hẹn với bà con chiều nay hay sáng mai sẽ tới từng nhà thăm. Tôi còn ở lại đây vài hôm nữa.

Khi mọi người tản ra hết, bà Huyện Xuân mới hỏi thẳng:

– Bà Tư còn nhớ cô đào hát Sáu Ngọc không?

Nghe nhắc cái tên đó, bà Tư Trầu giật mình, nhìn trước nhìn sau rồi mới đáp:

– Con nhỏ chết linh lắm!

Bà Huyện Xuân tái xanh mặt:

– Chết khi nào bà nhớ không?

Mọi chuyện như hiển hiện ngay trước mắt bà già tuổi đã trên tám mươi, bà thở dài nói:

– Ngay khi mày đi lấy chồng được vài tháng.

Bất giác bà Huyện Xuân kêu khẽ:

– Thảo nào?

– Mày còn nhớ nó sao? Nó chết cũng bởi vì mày…

Câu nói của bà già càng làm cho sắc mặt bà Huyện Xuân thêm tái xanh:

– Con đâu có ngờ… con tưởng đâu cô ấy đã lấy chồng khác rồi…

Bà Tư Trầu thở dài:

– Lấy chồng sao được khi mối tình lớn nhứt của nó là thằng Ba Thành đã bị mày giành mất! Nó buồn, nó hận đời nên bận nguyên bộ đồ màu đỏ rồi lao vào đàn trâu ăn cỏ khiến lũ trâu hoảng loạn, húc nó chết, thân thể treo lơ lửng trên sừng trâu, phải hạ con trâu mới lấy được xác nó!

– Trời ơi, chuyện một cô gái bị trâu chém chết năm đó là Sáu Ngọc sao?

Bà Tư Trầu ứa nước mắt:

– Lúc ấy mày đã theo chồng về làm ở tòa bố tỉnh Trà Vinh, nên đâu có rõ vụ ấy. Chính là con Sáu Ngọc đó! Mà cũng lạ, sao mày giựt thằng Ba Thành trong tay con Ngọc, mà sau đó ở đây người ta đồn mày lấy thằng công chức làm ở tòa bố tên là Xuân? Có phải rồi mày cũng bỏ thằng Ba Thành không? Sao bỏ dễ quá mà giành giựt chi làm cho con Sáu Ngọc nó mất mạng và thảo nào nghe nói thằng Ba Thành sau đó buồn tình đi làm ăn cướp, giết người…

Điều tiết lộ này khiến bà Huyện Xuân hoảng:

– Bà Tư nói Ba Thành… đi ăn cướp sao?

– Ủa, mày không biết chuyện ấy hả? Nghe nói chính nó đã gây ra mấy vụ cướp lớn ở thị xã Trà Vinh thời mấy chục năm trước! Mà cũng tội cho thằng đó, vốn hiền lành, lại sa vào con đường ấy chỉ vì chữ tình. Vì mày đó, Hai Thắm à!

Bà Huyện Xuân sững sờ:

– Ăn cướp, giết người… trời ơi!

Bà Tư Trầu ngạc nhiên:

– Mày sao vậy Thắm?

Bà Huyện Xuân đang nhớ lại cái đêm bọn cướp bịt mặt xông vào nhà ba chồng của bà và một tên đã đưa dao bầu chém thẳng xuống đầu của vợ chồng bà, may nhờ người mà được biết là thầy Hai Hội cứu kịp thời.

Trong lúc bà Huyện Xuân còn thả hồn về quá khứ thì bà Tư Trầu lại nói:

– Nghe nói sau này thằng Ba Thành bị lính bắn chết khi chận đoàn xe chở tiền của nhà nước.

– Trời ơi!

Trước sau gì bà Huyện Xuân cũng chỉ biết kêu trời. Bởi trong lòng bà quá khứ đầy tội lỗi đang sống lại. Cả hai cái chết của hai người tên Sáu Ngọc và Ba Thành đều do bà gây ra cả. Nhất là Ba Thành, sau một thời gian chung sống từ mối tình cướp giật trong tay cô đào hát nghèo Sáu Ngọc, bà đã bỏ rơi người tình để chạy theo người công chức giàu có sau này là ông Huyện Xuân.

– Thôi, nhắc lại chuyện cũ để nhớ thôi, chớ đã lâu quá rồi, mọi thứ đã trở về cát bụi, đâu còn nghĩa lý gì nữa. Mà nè con Hai, mày lại về đây hỏi con Sáu Ngọc làm gì?

Bà Huyện Xuân giọng thễu não:

– Cháu có chuyện này… chẳng hiểu sao từ lâu cháu không thấy cô Sáu Ngọc, mà gần đây đêm nào cháu cũng mơ thấy. Cô ấy khiến cháu mất ăn mất ngủ, cháu định về đây hỏi bà ngày mất của cô ấy để cúng và xin thỉnh cái vong của cổ đưa vô chùa.

Bà Tư Trầu chép miệng:

– Từ ngày chết thảm, con Sáu Ngọc hiển linh và cả làng này ai cũng sợ nó! Do nó chết trên sừng trâu, nên sau này cứ hiện hình trên lưng trâu, xua trâu chạy khắp làng đuổi thiên hạ chạy cong đuôi. Cũng may là nó chưa giết chết ai…

Bà Tư Trầu chợt chùng giọng xuống:

– Mà cũng kỳ lạ lắm, mấy người bị trâu đuổi hầu hết là đàn bà. Mà người nào khi sắp bị trâu húc phải cũng đều nghe một giọng nói kỳ lạ, nghe rất giống giọng của con Sáu Ngọc, nó nói: Không phải! Không phải! Rồi tha cho những người bị nó rượt!

Bà Huyện Xuân kinh hãi:

– Con trâu điên! Phải chăng…

Bà nhớ lại bữa xe mình đang đi thì bị hai con trâu lao vào, suýt chết.

– Đúng rồi!

Bà Tư Trầu hỏi lại:

– Mày nói đúng cái gì?

– Dạ… dạ không.

Bà Huyện Xuân tính rút lui, nhưng chợt rùng mình khi nhớ tới chi tiết bà Tư Trầu kể Sáu Ngọc hay hiển linh và đứng trên lưng trâu rượt đuổi mọi người trong làng này, nên bà lo sợ, lưỡng lự… thấy vậy bà Tư Trầu lên tiếng:

– Hay là tối nay mày ngủ lại đây cho vui. Tuy mày với con Sáu Ngọc cháu tao có mối hiềm khích, nhưng tao vẫn coi mày như con cháu trong nhà. Tao mừng gặp lại mày, như từng thấy lại con Sáu Ngọc vậy.

Bà Huyện Xuân cảm động, nhưng trong lòng vẫn không yên. Bà cảm nhận cuộc báo oán của vong hồn Sáu Ngọc như đang cận kề bên mình…

Ở lại đây ngủ thì không thể, nhưng còn về thì… lỡ xảy ra chuyện thì sao?

Còn đang lưỡng lự, bỗng có một bóng người bước vô. Vừa quay lại nhìn, Bà Huyện Xuân đã hết hồn:

– Là… thầy Hai Hội đây sao?

Bà Tư Trầu càng kinh ngạc hơn:

– Anh… anh Hai? Anh là ba con Sáu Ngọc?

Hai Hội giọng từ tốn:

– Chính là tôi. Mấy chục năm rồi tôi mới có dịp tới cám ơn bà về những ngày bà đã cưu mang con Sáu Ngọc, khi nó bỏ nhà theo gánh hát lang bạt đây đó.

Bà Huyện Xuân thất kinh:

– Ông đây là… cha của cô Sáu Ngọc?

Ông chưa kịp trả lời thì bà Tư Trầu đã kêu lên:

– Ông đã… chết từ trước khi con Sáu Ngọc mất lận mà! Phải vậy không?

– Phải!

Câu trả lời gọn lỏn đó làm cho bà Huyện Xuân điếng hốn:

– Thì ra ông là… là…

– Là một hồn ma! Chớ nếu không phải ma thì làm sao mấy lần cứu cô và gia đình được!

Ông quay sang bà Tư Trầu, nói:

– Bữa nay tôi có việc nói riêng với bà Huyện đây, vậy xin phép bà, ngày mai tôi sẽ tới gặp lại.

Ông quay sang bà Huyện Xuân giục:

– Bà ra ngoài tôi cần nói chuyện. Đừng sợ, con Sáu Ngọc sẽ không làm gì khi có tôi bên cạnh, bà cứ yên tâm.

Bà Huyện Xuân sau một lúc lưỡng lự mới dám bước theo ông ra ngoài. Trời tối đen, nên cơn sợ của bà càng tăng thêm. Nhưng ông thầy Hai đã trấn an:

– Hồn ma cũng có nhiều loại thiện, ác giống như loài người. Đúng là oan hồn con Sáu Ngọc nó có hung ác, nó cố theo dấu chân của bà để quyết tâm báo thù, nhưng vẫn còn có tôi, một hồn ma biết thế nào là oán nên cởi chớ không nên buộc, nên bà cứ yên tâm, con Sáu Ngọc không làm hại bà lúc này được đâu.

Đi một lúc, tới trước một ngôi miếu vắng, ông già nói:

– Bà ở đây, rồi tôi cho bà gặp hai đứa nó.

– Dạ, gặp ai?

– Con Sáu Ngọc và thằng Ba Thành!

Bà Huyện Xuân hốt hoảng:

– Ông… ông hại cháu sao?

Ông già giọng nhân từ:

– Ta đã nói rồi, ta là một hồn ma chỉ biết giúp người thôi chớ chưa hại ai bao giờ. Hôm nay ta muốn nhân tiện giải tỏa mối hằn thù giữa bà và tụi nó. Mấy lần tụi nó tìm cách báo thù bà và cả con gái bà nữa, ta đều xuất hiện kịp thời, ngăn chận được. Tụi nó tuy có tức tối, nhưng cuối cùng cũng nghe lời ta, đồng ý sẽ bỏ qua, với điều kiện…

Ông ngừng nói, đưa mắt nhìn sang bà Huyện Xuân và lát sau lại tiếp:

– Tụi nó muốn bà đích thân xây lại ngôi miếu hoang này, để tụi nó có chốn nương tựa, như vậy coi như bà đã chuộc lỗi rồi.

Bà Huyện Xuân mau mắn:

– Dạ, con xin nghe theo.

Ông già tiếp lời, giọng tình cảm hơn:

– Con Sáu Ngọc là con gái út của tôi. Năm nó lên tám tuổi thì gia đình tôi gặp nạn phá sản và do tôi còn thiếu nợ ông chủ tỉnh một số tiền lớn, nên bị ông ấy siết nợ, lấy nhà và bỏ tù tôi. Quá uất ức nên tôi tự sát trong nhà lao. Ở nhà vợ con tôi lao đao, khổ sở, con cái tứ tán mỗi đứa một nơi. Con Sáu Ngọc đi theo gánh hát là vì lý do đó…

Bà Huyện Xuân vụt hỏi:

– Bởi đó nên ông mới hại con trai ông tỉnh trưởng để trả thù?

Ông già chùng giọng xuống:

– Không phải tôi làm, mà do thằng Ba Thành. Nó vừa báo thù cho tôi, vừa báo thù bà… qua con gái của bà. Nói thiệt, tôi chậm chân một chút nên cậu Toàn mới chết, chớ tôi không muốn hại ai hết. Nhưng mà thôi, âu cũng là duyên số. Và ít ra bà cũng nên chịu thiệt thòi đôi chút, để từ nay giải tỏa hết…

Ông ngừng một lúc, rồi tiếp bằng giọng nhẹ nhàng hơn:

– Cũng tội nghiệp cho cậu Toàn, con nhà quyền thế mà tánh tình dễ thương, nên tôi đã cho sắp đặt để từ nay cậu ấy vẫn ở bên con gái bà, miễn là cô ấy đừng lấy chồng khác…

Bà Huyện Xuân lo lắng:

– Chẳng lẽ đời con gái tôi phải chịu góa bụa suốt hay sao?

Ông già thở dài:

– Đó là một chút đánh đổi mà bà phải nhận. Còn nếu không làm như vậy thì con gái bà sẽ có không dưới sáu đời chồng, lại khổ sở long đong. Tùy bà chọn thôi…

Bà Huyện Xuân đành phải gật đầu:

– Dạ, con xin nghe…

***

Có một chuyện rất lạ xảy ra trong nhà Huyện Xuân mà nhiều người thắc mắc, nhưng chẳng ai biết được nguồn cơn, đó là việc cô con gái rượu của họ vĩnh viễn không lấy chồng. Có người không tin chuyện ấy, bảo rằng với nhan sắc như Cẩm Hồng mà chịu ở góa thì có trời mà tin!

Vậy mà nhiều năm sau vẫn chẳng thấy cô ta chồng con gì. Đùng một cái, hai năm sau người ta thấy có hai đứa bé con hơn một tuổi xuất hiện trong nhà. Rồi khi chúng biết đi, biết nói, có dịp bước ra ngoài, ai có hỏi cha chúng là ai thì cả hai đều trả lời không cần suy nghĩ:

– Chúng con là con của ba Toàn.

Gia đình Huyện Xuân cũng chẳng cần giải thích thêm. Họ chấp nhận như vậy.

Phần Cẩm Hồng thì từ đó sống lạc quan, không mấy khi bước ra khỏi nhà vào ban ngày. Chỉ có người trong nhà mới biết, cứ vào nửa đêm thì cô ta sửa soạn, trang điểm thật tươm tất và đẹp lộng lẫy, hỏi để làm gì thì cô đáp trong hạnh phúc:

– Giờ đó anh Toàn mới về.

Mối tình kỳ lạ ấy kéo dài qua năm tháng…

Đến khi ông bà Huyện Xuân qua đời thì người kế nghiệp là Cẩm Hồng. Người ta lại càng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy cơ nghiệp nhà đó càng ngày càng phát đạt. Hỏi bí quyết nào giúp cho một cô gái chỉ biết hưởng thụ lại thành công được như vậy thì Cẩm Hồng đáp:

– Nhờ nhà tôi!

 

5
5 sao / 1 đánh giá
5 sao - 1 đánh giá
4 sao - 0 đánh giá
3 sao - 0 đánh giá
2 sao - 0 đánh giá
1 sao - 0 đánh giá
Điểm 5 SAO trên tổng số 1 đánh giá
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có truyện hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi truyện
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư